ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Các vị Thần trong Huyền Thoại Ấn Độ
Monday, December 14, 2015 0:20
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

B4INREMOTE-aHR0cDovLzQuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1FS3JaRlZKWXFYdy9WbTVxVzZ1dHhuSS9BQUFBQUFBQWFmQS9lOVByYzBUbExNWS9zMTYwMC9kaWV1LWluZGUuZ2lm
Thế là Shiva làm tình với Parvati suốt một ngàn năm Không chịu xuất tinh. Với tính cách một tổ sư Yoga, Shiva cho thấy khả năng siêu quần của mình trong một kỹ thuật cơ bản của các nhà Yogi là phép bế tinh … 
Khi bước vào Viện Bảo Tàng Sài Gòn, những cổ vật đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy chính là những tượng thần của huyền thoại Ấn Độ như Thần Vishnu, Nữ Thần Lakshmi và vị Thần đầu voi Ganesh. Rồi khi cách đây vài tuần, Viện Bảo Tàng Á Châu Guimet ở Paris làm một cuộc triển lãm tranh tượng cổ Việt Nam, thì một phần quan trọng của các hình tượng được trưng bày cũng lại liên hệ đến huyền thoại Ấn Độ …
Thật ra, huyền thoại Ấn Độ cũng như Ấn Giáo ảnh hưởng sâu xa vào văn hóa của một phần lớn nhân loại. Ai cũng biết Phật Giáo mang nhiều dấu tích của Ấn Giáo không những trên mặt biểu tượng, nghệ thuật, mà cả trên khía cạnh giáo lý. Nhiều tượng Quan Thế Âm Bồ Tát mang biểu tượng của Thần Shiva (như da hổ quấn quanh người …) trong khi Đức Phật Thích Ca được coi như hóa thân thứ 9 của Thần Vishnu !
Quay về phương Tây, người ta tìm thấy những dấu tích của Ấn Giáo trong các huyền thoại Hy Lạp, La Mã, Germanique, Celte v. v… Một học trò của Dumezil tìm ra trong một « liệt truyện » (chanson de gestes) được truyền tụng từ thời xa xưa trong vùng Narbone ở miền Nam nước Pháp những điểm tương đồng rõ rệt với huyền thoại Mahabharata của Ấn Độ mặc dù Narbone cách Ấn Độ hơn bảy ngàn cây số ! Trên khía cạnh ngôn ngữ, có rất nhiều yếu tố tương đồng dễ nhận ra giữa các tiếng Anh, Đức, Pháp …, cổ ngữ La Tinh, Hy Lạp, và tiếng Sanskrit. Ngày nay, sự kiện văn hóa của toàn Âu Châu, trừ vài khu vực hạn chế, bắt nguồn từ Trung Á và Ấn Độ, đã được thừa nhận. Người ta gọi đó là văn hóa Ấn Âu.
Mặt khác, tại vùng Trung Đông, Ấn Giáo đã qua Ba Tư ảnh hưởng sang Babylone, để đưa nhiều yếu tố thâm nhập vào Do Thái Giáo, đặc biệt khi người Do Thái bị lưu đày ở Babylone, và khi nước họ bị Babylone, rồi Ba Tư, đô hộ.. Ảnh hưởng ấy truyền sang các hậu thân của Do Thái Giáo là Ky Tô Giáo và Hồi Giáo. Thí dụ điển hình nhất của ảnh hưởng này là giá tri biểu tượng gán cho con số 7 (xem loạt bài « Sáng Thế Ký đọc bởi một người Việt Nam» trong Thế Kỷ 21 các số 177-178, 179 và 189-190). Tầm quan trọng của số 7 được nhận thấy từ Ấn Độ cho đến khắp các lục địa Âu, Mỹ, Úc Châu, toàn vùng Trung Đông và Phi Châu, rồi sang đến phương Đông khắp từ Tây Tạng cho đến Nhật Bản, xuống vùng Đông Nam Á, tức các vùng đất mang ảnh hưởng Hồi Giáo, Ky Tô Giáo hay Phật Giáo … Một biểu tượng khác dễ nhận ra là việc sử dụng Tứ Đại : đất, nước, gió, lửa, có khi thêm Không Đại để thành Ngũ Đại (hay giữ nguyên Tứ Đại với quan niệm « Tứ Đại giai Không »). Hệ thống biểu tượng này xuất phát từ văn hóa Aryen và thông dụng trong khắp các vùng địa cầu vừa kể trên. Khi kiếm sư Myamoto Musashi của Nhật viết Ngũ Hành Thư (Go Rin No Sho) vào thế kỷ 16, ông không dùng Ngũ Hành : kim mộc thủy hỏa thổ, của Trung Hoa (như tên sách có thể khiến ta lầm lẫn), mà lấy Ngũ Đại của Ấn Độ để làm căn bản cho tác phẩm lừng danh của mình (xem http://perso.wanadoo.fr/nguyen.hoai.van/Ngu-Hanh-Thu.htm). Ở thời chúng ta, khi mở một quyển chương trình TV hay một tạp chí Âu Mỹ vớ vẩn nào, ta cũng nhận thấy trang tử vi lý số. Trong lãnh vực này, cũng như trong khoa học Âu Tây trước thế kỷ 18, Tứ Đại cũng lại là nền tảng, mặc dù trong đa số trường hợp, người ta không còn ý thức được lý thuyết ấy từ đâu đến.
Tóm lại, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ thâm nhập từ kiếm sư Musashi « thập bộ sát nhất nhân » của xứ Phù Tang cổ thời, cho đến bà thày bói ở đầu đường ngày nay, từ vị Lạt Ma Tây Tạng vẽ bùa niệm chú trên Hy mã Lạp Sơn cho đến chú Mẽo nhóc tì ở ngoại thành Los Angeles đọc Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Đôi Hia Bảy Dặm, xem phim hoạt họa Lion King với chàng Simba, chữ có nghĩa là sư tử trong tiếng Sanskrit, hay phim Tarzan với khỉ Chitta, trong Sanskrit có nghĩa là « Tâm » (« tâm khỉ vượn » đấy mà !). Thậm chí từ người nhạc trưởng giàn nhạc Đại Hòa Tấu thành Vienna, thả hồn theo âm giai bảy nốt, cho đến chị bán hàng xứ Senegal nghèo túng, nai lưng quần quật suốt cả tuần bảy ngày không nghỉ, cũng không thoát khỏi con số bảy của truyền thống Ấn Độ !
Đó là chưa kể đến những « thảo trình » tâm lý chìm sâu trong tiềm thức của mỗi người chúng ta, mà các huyền thoại cũng như cổ tích, trong đó huyền thoại Ấn Độ phải được xếp vào hàng quan trọng nhất, là những cách diễn đạt. Chúng ta hiểu được vì sao nhiều nhà Tôn Giáo, kể cả một số Đạo Sĩ Hồi Giáo từ sau Al Biruni (973-1050), đã gọi Ấn Giáo là « Tôn Giáo Nguyên Thủy », là « Đạo của Tổ Phụ Adam », là « Mẹ của các Tôn Giáo » …
Trong loạt bài này chúng ta sẽ lướt qua vài khía cạnh lý thú của Ấn Giáo, qua câu chuyện của một số vị Thần quan trọng cũng như hai huyền thoại nền tảng : Mahabharata và Ramayana. 
BA TRĂM TRIỆU VỊ THẦN ! 
Nói rằng chúng ta sẽ chỉ « lướt qua một phần » vì một lý do đơn giản : một đời người cũng không đủ dài để nghiên cứu Thần thoại Ấn Độ. Người ta ước lượng Ấn Độ có khoảng 300 triệu vị Thần ! Thế nhưng lại không thể nói Ấn Giáo thực sự là một tôn giáo đa thần. Lý do vì tất cả mọi vị Thần đều xuất phát từ một « Đại Hồn » duy nhất, gọi là Brahman. Mọi người trong chúng ta cũng đều là sự thị hiện của Brahman. Trong bản chất, chúng ta không khác với Thần Thánh. Nhớ lại trong Gioan 10:34, Đức Ky Tô đã trích dẫn Thánh Vịnh 82, để nói rằng : « các anh đều là những vị Thần », không kể những đoạn Ngài khẳng định con người làm một với Ngài và Ngài làm một với Thiên Chúa, tức con người làm một với Thiên Chúa, con người là Thiên Chúa … Đi xa hơn một chút, mọi sự hiện hữu đều là những hình bóng của Brahman, kể cả súc vật, cây cối, gỗ đá, v.v… Brahman là sự hiện hữu duy nhất. Ngoài Brahman, không có sự hiện hữu nào khác. Trong Thánh Kinh (Exode 3:14), khi Thiên Chúa phán rằng “ta là Hiện Hữu” (Ayeh Acher Ayeh), Ngài đặt con người, cũng như mọi sự vật, trước một vấn nạn : nếu con người, tự cho là mình hiện hữu, và khẳng định sự vật hiện hữu, thì con người cũng như sự vật đều chỉ có thể hiện hữu qua Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, vì Ngài LÀ Hiện Hữu. Sự vật vô tri đương nhiên là không màng đến vấn đề này. Nhưng đối với con người, hiện hữu luôn là mối ưu tư nền tảng. Con người tự cho là mình hiện hữu, nhưng con người có thực sự hiện hữu hay không ?
BRAHMA, VỊ THẦN SÁNG THẾ :
Ấn Giáo không đặt nặng vấn đề « Sáng thế » như trong truyền thống Do Thái – Ky Tô – Hồi Giáo. Khi Brahma thở ra thì một vũ trụ nảy sinh, Brahma thở vào thì vũ trụ ấy hoại diệt. Cũng có khi người ta cho rằng Shiva mở mắt thì một vũ trụ sinh ra, và nhắm mắt lại thì một vũ trụ tiêu diệt. Thuyết khác cho rằng vũ trụ vạn vật chỉ là giấc mơ của Vishnu. Bộ ba : Brahma, Shiva và Vishnu là một loại Chúa Ba Ngôi, một mà ba, ba mà một, gọi là Trimurti.. Ba Ngôi Vị này có thể được tập hợp trong một thực thể duy nhất, nhưng để dễ truyền đạt thông điệp giáo hóa, lại thường được phân ra làm ba nhân vật, mỗi vị có một « đời sống » biệt lập. 
Brahma là vị Thần sáng tạo, đem sự vật từ trạng thái hỗn nguyên vô định sang trạng thái cá thể phân biệt. Brahma sanh ra từ một quả trứng vàng kết tinh trong lòng biển « Vô Xứ », hay, theo một truyền thống khác, nảy sanh trong một đóa sen nở ra từ cái rốn của Vishnu, trong khi Vị này nằm ngủ trên mặt biển. Phải chăng cuộc sống cũng như vũ trụ phân biệt trong bản chất chỉ là một giấc mơ (Vishnu ngủ mơ thấy vũ trụ), nảy sanh từ tính chấp ngã, từ sự chiêm ngưỡng cái rốn của mình (hoa sen nở từ rốn của Vishnu cho ra Brahma ). Mơ ngủ cũng là VÔ MINH, nên sự vật trong căn bản không có thực tánh, mà chỉ là hệ quả của vô minh, một quan niệm sau này được lập lại trong Phật Giáo.
Từ trán của Brahma, sanh ra một nữ thần, Sarasvati, con gái của ngài. Huyền thoại Hy Lạp cũng có chuyện tương tự với Athena sanh ra từ đỉnh đầu của Zeus. Địa vị của Zeus và Brahma có thể được coi như tương đương.
Sarasvati nhảy múa quanh Brahma. Và Brahma động lòng thèm muốn con gái mình. Sarasvati uốn éo trước mặt Brahma, rồi sang bên trái, sang phía sau, sang bên phải của Ngài. Mỗi lần như vậy Brahma lại mọc thêm một cái đầu. Tổng cộng bốn cái, mỗi cái nhìn về một hướng. Phải chăng vị Thần sáng thế cũng đã sáng tạo ra cái quy luật luân lý lên án sự loạn luân, khiến Ngài không thể tự cho phép mình quay đầu nhìn theo người đẹp như mỗi người chúng ta ? Chưa hết, Brahma ý thức sự ham muốn loạn luân của mình, nên mọc thêm một cái đầu thứ năm, lần này không nhìn Sarasvati nữa mà nhìn lên trời, như tìm một sự thăng hoa, giải thoát. Cái đầu thứ năm này mang búi tóc, biểu tượng của sự tu hành, của người Đạo Sĩ. Vấn đề loạn luân đặt ra ở đây phù hợp với quan điểm của Claude Lévi Strauss, cho rằng ranh giới giữa thuần phác tự nhiên (nature) và văn hóa văn minh (culture), tức cái ranh giới gữa con người và súc vật, nằm ở những quy luật về loạn luân. Cũng cần nói Sarasvati là Nữ Thần của nghệ thuật, của hiểu biết, văn hóa, văn minh. Chữ Sanskrit, một biểu tượng văn hóa, được coi như một phát minh của Bà. Tựu trung, trong tiến trình sáng tạo thế giới, và đồng thời tự tạo, Brahma thoát khỏi trạng thái « thiên nhiên » và bước vào « văn hóa », « văn minh » với ý thức … loạn luân ! Có thể nói là chính vào lúc ấy, Brahma đã trở thành « người » …
Huyền thoại Hy Lạp cũng có ý tưởng tương tự trong chuyện « mê hồn trận » (labyrinthe) của Minos, trong đó có con quỷ đầu trâu Minotaure. Mê Hồn Trận với Minotaure tượng trung cho vật tính. Lọt vào là quanh quẩn không thể nào ra được, để rồi bị Minotaure đớp mất. Muốn thoát ra khỏi trận đồ của vật tính thì phải bay lên cao, phải thăng hoa, như Dédale và Icare đã làm khi sáng chế ra đôi cánh, và như Brahma khi mọc thêm cái đầu thứ năm nhìn lên trời. Thật ra còn một cách khác, là dụ khị một người đẹp dùng sợi chỉ dắt mình thoát ra ngoài trận đồ của ham muốn súc vật, như Thésée với Ariane. Sợi chỉ ở đây tượng trưng cho liên hệ tình yêu chứ không đơn thuần vật tính. 
SÁNG TẠO VÀ TÌNH DỤCBrahma cũng có khi được coi như vị Thần chủ trì sự luân hồi, dựa trên các hành vi xấu tốt của mỗi chúng sanh. Người ta cắt nghĩa sự hiện diện của bốn cái đầu nhìn ra bốn phía như để thấy rõ mọi việc xấu tốt trên khắp thế giới hầu quyết định việc luân hồi.
Thế còn cái đầu thứ năm ? Nó đã bị Shiva dùng móng tay cắt đứt. Có thể đây là một phản ứng trước sự đạo đức giả của giai cấp Đạo Sĩ, vì thật ra Brahma đã sa ngã, đã « ăn gian ». Xin nhắc lại là cái đầu thứ năm của Brahma nhìn lên trời thay vì nhìn người đẹp, mang búi tóc của giới Đạo Sĩ. Tuy nhiên, cũng cần nhận xét là sứ mạng Sáng Tạo trong mỗi người chúng ta, chứ không phải riêng gì đối với Brahma, hiểu theo nghĩa sanh con đẻ cái, thường phải thông qua thôi thúc tình dục. Một cách rộng rãi hơn, Freud cho rằng các sáng tạo nghệ thuật khoa học triết học v.v… cũng chỉ là sự thăng hoa của thôi thúc tình dục cơ bản. Vấn dề là nhiều khi thôi thúc dục tình ấy vượt qua lằn ranh luân lý …
Sau khi bị chặt đứt, cái đầu thứ năm của Brahma dính trong lòng bàn tay Shiva dưới dạng sọ người hay cái bát của người hành khất. Các nhà sư Phật Giáo Tây Tạng từng có lúc dùng bát ăn xin bằng sọ người ! Mặt khác cái đầu thứ năm của Brahma cũng có khi được biểu trưng như quy đầu của dương vật Shiva.
Brahma sáng tạo vũ trụ xong thì có vẻ mệt mỏi (như sau khi làm tình), cần nghỉ ngơi, không khác gì Thiên Chúa trong Thánh Kinh ở ngày thứ bảy. Mặt khác, Brahma rất ít can thiệp vào việc nhân gian (như Thiên Chúa kể từ sau truyện Job, cho đến … bây giờ), và cũng ít được cúng bái thờ phượng (như Thiên Chúa, ngoại trừ lễ nghi hình thức).
Con vật được gán cho Brahma là con Thiên Nga, biểu tượng cho khả năng phân biệt thiện ác. Người Ấn tin rằng nếu pha sữa và nước đem cho thiên nga, thì thiên nga có thể phân ra phần sữa và phần nước. Biểu tượng này làm sáng tỏ hơn nữa những gì chúng ta vừa nói về ý thức tội lỗi trong việc loạn luân … Có khi người ta trình bày Brahma đang cúi chào con Thiên Nga của Ngài. Phải chăng đó là một sự tạ lỗi, một mặc cảm trước biểu tượng của thiện ác phân minh ? 
Tựu trung, “sáng tạo” thế giới chẳng qua chỉ là đem vào trong thế giới hằng hữu ấy cái ý thức phân biệt (cái này với cái kia). Brahma cưỡi Thiên Nga, con vật tượng trưng cho phân biệt nói chung, được biểu tượng bằng phân biệt thiện ác, thì quả là thuận lý lắm vậy. Nhắc lại Thánh Kinh cũng gắn liền việc phân biệt thiện ác với tình yêu xác thịt, qua chuyện Adam và Eva ăn trái cấm tức trái của “cây phân biệt thiện ác” đồng thời cũng tượng trưng cho tình dục. Thêm vào đấy, Eva cũng nảy sinh từ thân thể của Adam như Sarasvati từ thân thể Brahma. 
Nếu hiểu rộng ra, thì ý thức loạn luân có thể tượng trưng cho ý thức cấm đoán nói chung, tức ý thức luân lý đè nặng không những trên tình yêu xác thịt mà cả trên mọi hành vi của chúng ta. Trên mặt tâm lý, câu chuyên Brahma, chẳng khác gì chuyện một em bé chào đời với cái nhìn vô phân biệt, phải tự sáng tạo cái thế giới của mình bằng ý thức “cái này, cái kia”, khởi đầu bằng “ta” và “không ta”. Cái “không ta” đầu tiên mà em bé ý thức là người mẹ. Liên hệ với mẹ mang những yếu tố dục tình và những cấm đoán mà đứa trẻ sẽ phải đối diện, khi nó từ từ rời bỏ vật tính để trở thành con người, với văn hóa, văn minh … 
VISHNU, ĐẤNG NHẬP THẾ, VỊ THẦN BẢO HỘ, DƯỠNG NUÔI :
Ngôi thứ hai của Chúa Ba Ngôi trong huyền thoại Ấn Độ là Vishnu. Có thuyết cho rằng tất cả các vũ trụ khi chưa thị hiện ra đều được chứa trong bụng của Vishnu, trong lúc Ngài nằm ngủ trên mình con rắn ngàn đầu Ananta (chữ có nghĩa là vô tận), bập bềnh trên Biển Sữa nguyên thủy. Chính năng lượng nảy sinh từ rốn của Vishnu làm nở đóa sen trên đó Brahma hiện ra và tác thành vạn vật. Nếu Brahma là ý chí sáng tạo, thì Vishnu là năng lực bảo hộ, duy trì, dưỡng nuôi. Trong khi Brahma làm công việc sáng tạo xong bèn lè phè, đứng ngoài thế sự, thì Vishnu không ngần ngại nhảy vào cuộc sống nhân sinh mỗi khi cần thiết. Ngài là Đấng Nhập Thế, với rất nhiều hóa thân, được tôn thờ rộng rãi trong dân gian. 
CON NGƯỜI ĐẦU TIÊN MANU VÀ TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY :
Hóa thân đầu tiên của Vishnu là con cá có sừng Matsya. 
Một ngày nọ, Manu, con người đầu tiên, cứu một con cá bị mắc cạn (chữ « man », trong các tiếng Anh, Đức, có thể đến từ tên ông Manu này, và có lẽ cả các chữ « mán », « mường » – trại chữ « hmong » gần với « human » – trong tiếng Việt mình) . Cá cho Manu biết Đại Hồng Thủy sắp xảy ra, và khuyên Manu đóng một chiếc tàu lớn, đem vào trong đó súc vật, cây cỏ, để tránh lụt. Con cá ấy là Matsya, cứu tinh của nhân loại, và Manu chính là « tiền thân » của Noah (Noë) trong Thánh Kinh Do Thái. Có chuyện kể rằng Matsya hóa thành một con cá vĩ đại đưa tàu của Manu đến một vùng đất cao trên Hy Mã Lạp Sơn, nơi gọi là Manali, để thoát nạn Đại Hồng Thủy. Con người đầu tiên Manu sau này để lại một bộ luật, được coi như bộ luật đầu tiên của Ấn Độ, gồm 5370 câu, hiện vẫn còn được lưu giữ. 
Trong trận Đại Hồng Thủy, Matsya cũng có công lặn xuống lòng đại dương nhặt lên được bốn quyển Kinh Vệ Đà bị mất, và giao chúng cho Brahma. Kinh Vệ Đà mang những nguyên lý sáng tạo, nên Matsya cũng được coi như đã cứu sự Sáng Tạo. 
QUẬY BIỂN SỮA
Hóa thân thứ hai của Vishnu là con rùa Kurma. 
Số là sau trận Đại Hồng Thủy, một số bảo vật bị chìm trong lòng Biển Sữa. Brahma khuyên các vị Thần nên liên kết với đám Quỷ Ma để thu hồi các bảo vật ấy, đặc biệt là thuốc trường sinh Amrita. Thần và Quỷ mới dựng một ngọn núi (tên là Mandara) giữa Biển Sữa. Kế đó thâu dụng một con rắn vĩ đại (Vasuki) quấn quanh ngọn núi ấy, rồi hè nhau nắm đầu nắm đuôi rắn mà làm quay quả núi để quậy Biển Sữa ! Tuy nhiên, không thể thiếu một điểm tựa để núi Mandara khỏi chìm xuống biển sâu. Thế là Vishnu hóa thành rùa Kurma, lặn xuống nước sâu, chịu núi Mandara trên lưng mình, cho các anh Thần chị Quỷ … quậy ! Quậy mãi không được gì, Thần cũng như Quỷ đều mệt mỏi chán nản, thì thình lình nổi lên một mảng độc chất vô cùng mãnh liệt, có khả năng hủy diệt mọi sự vật mà nó đụng vào, khiến cả vũ trụ lâm vào nguy khốn. Thần và Quỷ hướng về Shiva xin giúp đỡ. Shiva liền vận dụng thần thông nuốt trọn độc chất nọ, nhưng giữ không cho nó xuống bụng. Từ đó cổ họng Shiva mang màu xanh. 
Màn quậy biển sữa tiếp diễn và đem đến những kết quả khả quan hơn : một con bò, nguồn sữa vô tận ( ?), Cây Như Ý (muốn gì được nấy), mặt trăng, mặt trời, Nữ Thần Lakshmi, đẹp tuyệt vời, được Vishnu lấy ngay làm vợ, một con voi, một ngựa trắng v.v… Sau cùng, Dhanvantri, một đồng nghiệp Y Sĩ, hiện lên với chén thuốc trường sinh. Sự hợp tác giữa Thần và Quỷ lúc đó chấm dứt, và một màn tranh giành thuốc trường sinh diễn ra … 
Có thuyết cho rằng màn « quậy Biển Sữa » xảy ra ở lúc Tạo Thiên Lập Địa, với Mandara là cột trụ của thế giới, Brahma làm vị chủ trì, Vishnu là điểm tựa và Shiva, năng lực khai thông bế tắc. Từ đó nổi lên những biểu tượng như sự sống (thuốc trường sinh cho chư Thần, bò sữa cho con người), thời gian (mặt trăng), ánh sáng (mặt trời), sự chết (độc chất), cái đẹp (Lakshmi), ước vọng (cây như ý), sức mạnh (ngựa), sự thông thái (voi) v.v… 
ĐỨC PHẬT, HÓA THÂN THỨ CHÍN CỦA VISHNU, ĐỨC KY TÔ, HÓA THÂN THỨ MƯỜI !
Các hóa thân khác thường được nhắc đến của Vishnu là : 
- Heo rừng Vahara, chiến đấu suốt một ngàn năm để hàng phục quỷ Hiranyaksha, cứu Trái Đất (một Nữ Thần) bị chú quỷ này nhận chìm xuống biển (một loại Đại Hồng Thủy). 
- Người sư tử Narasimha có công tiêu diệt một Ma Vương có quyền năng đặc biệt. Số là Brahma nhận quà cáp của Ma Vương này nên ban cho ông ta một sự che chở khiến ông không thể bị giết bởi một con người, cũng không thể bị giết bởi một con vật. Vishnu, dưới dạng nửa người nửa vật, thẳng tay hạ sát vị Ma Vương nọ mà không phạm vào những cấm kỵ của Brahma. Câu chuyện cho thấy Brahma không ngần ngại trao cảm tình của mình cho Ma Quỷ, một loại bình đẳng tâm. Đức Ky Tô, trong Marc 5:1;13, cũng tỏ ý thương hại một bầy ác quỷ và chấp nhận sự yêu cầu của chúng.
- Người lùn Vamana, một cứu tinh khác của thế giới. Vào lúc ấy, một Ma Vương tên là Bali chinh phục được cả mặt đất, thiên đàng và địa ngục (như Tề Thiên Đại Thánh ở phần đầu Tây Du Ký). Vamana đến trình diện Bali và xin Bali nhượng cho mình một mảnh đất trong phạm vi ba bước chân của ông. Bali buồn cười anh lùn Vamana nên ưng thuận. Vamana vận dụng thần thông bước một bước trải hết mặt đất, bước thứ hai hết thiên đường, nhưng ngừng lại nhường cho Quỷ Vương Bali … địa ngục. Trong Tây Du Ký cũng có một màn tranh đua nhảy xa, giữa Tề Thiên và Đức Phật, có thể cùng nguồn gốc với câu chuyện này.
- Parasuram, một nhân vật đã hàng phục tầng lớp chiến sĩ (Kshatrya), để bảo vệ giai cấp Đạo Sĩ (Brahmane).
- Krishna, rất được dân gian tôn thờ, chúng ta sẽ gặp lai Vị này trong chuyện Mahabharata
- Rama, một đấng anh hùng được ngưỡng mộ bởi mọi người Ấn, chúng ta cũng sẽ có dịp làm quen với Ngài khi bàn đến chuyện Ramayana.
- Đức Phật, được tôn thờ trong Ấn Giáo như hóa thân thứ chín của Vishnu, tinh hoa của sự tu tập theo pháp môn của Vị Thần này.
- Kalki là hóa thân tương lai của Vishnu, là Đấng Cứu Thế, sẽ nhập thế ở cuối thời mạt pháp nhiễu nhương đau khổ hiện tại. Khi ấy, Kalki sẽ ngự trên một con ngựa trắng, hàng phục ma quỷ, cứu rỗi nhân loại và quần sinh, mở ra một kỷ nguyên mới. Chúng ta không lạ khi thấy nhiều người Ấn coi Kalki như … Đức Ky Tô ! Thật vậy, Đức Ky Tô cũng sẽ trở lại để mở ra một kỷ nguyên mới. 
SHIVA, ĐỘNG LỰC CÁCH MẠNG
Ngày nọ Indra, Vua của các vị Thần (nhưng lại là đệ tử của Phật trong hệ thống biểu tượng Phật Giáo), gặp một người đàn bà khóc lóc thảm thiết. Hỏi : « có chuyện chi ? » Bà nọ dắt Indra lên Hy Mã Lạp Sơn. Nơi đây Indra thấy một người trẻ tuổi, trông có vẻ giang hồ lãng tử, ngồi chơi súc sắc giữa chốn hoang vu. Thấy lạ, Indra gọi chàng trai trẻ. Không trả lời. Indra tuyên bố : «Ta là Vua các vị Thần». Chàng trai tiếp tục chơi. Lập lại : « Ta là Indra, Vua của chư Thần, Chúa Tể Vũ Trụ !». Tỉnh bơ. Indra lập lại vài lần nữa, có vẻ nạt nộ. Chàng trai quay lại, nở một nụ cười : nụ cười của Shiva. Không ổn ! Thoáng một cái, Indra bị thộp cổ quẳng vào một hang động. Nơi đó đã có sẵn bốn Indra khác, cũng bị Shiva trừng trị vì tội ngạo mạn … 
Shiva, ngôi thứ ba của Chúa Ba Ngôi trong huyền thoại Ấn Độ là một vị Thần rất đặc biệt. Trong khi Brahma mang phong thái Quân Vương, Vishnu tác phong Đạo Sĩ, thì Shiva, với thân mình phủ tro tàn của giàn hỏa thiêu, với rắn hổ hay chuỗi sọ người quấn quanh cổ, da cọp quấn quanh người hoặc phủ trên tòa ngồi, chưa kể con mắt thứ ba giữa trán và nước da màu xanh dương, có một vẻ gì bí hiểm, đe dọa.
Shiva thường được biết đến qua hình ảnh một vị khổ tu, một Yogi sống trong rừng núi, một người ăn mày (vô sản !), một kẻ lãng tử … Thật ra, hình ảnh nổi tiếng nhất của Shiva là ảnh tượng Ngài nhảy múa giữa một vòng tròn lửa, mái tóc rậm rạp tung ra hai bên, chân trái giơ lên bên phải, một trong bốn bàn tay cầm trống nhỏ (damaru) đánh nhịp sanh thành và hoại diệt của vũ trụ, bàn tay khác cầm lửa hoại diệt samhara, bàn tay thứ ba bắt « vô úy ấn » abhaya mudra (trong Phật Giáo, đó là thủ ấn của Amoghasiddi, Bất Không Thành Tựu Như Lai), bàn tay thứ tư chỉ xuống chân trái, chân phải đạp lên Quỷ Vô Minh. Với sự nhảy múa của Shiva, vũ trụ sự vật bị tiêu diệt để được tái tạo.
Như thế, Shiva là Thần của sự hoại diệt, nhưng cũng là điều kiện của tạo sanh (cách mạng đấy !). Cần nói là một trong những biểu tượng của Ngài là Lingam, dương vật. Sự hoại diệt đem đến bởi Shiva chính là động lực của đổi thay. Mỗi khi có bế tắc cần một sự khai thông tái tạo nền tảng, thì Shiva xuất hiện. Cũng như Thánh Thần trong Tân Ước, hiện xuống mỗi khi có sự thay đổi quan trọng. Thật vậy, Thánh Thần xuất hiện khi Đức Ky Tô chịu phép rửa để từ một người ẩn danh trở thành một Thày Giảng nổi tiếng rồi một Đấng Cứu Thế, và khi các Tông Đồ từ tình trạng thu rút sợ sệt trở thành những con người dũng cảm đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng ấy bằng chính cái chết của mình. Lửa thường được chọn làm biểu tượng của Thánh Thần (ngọn lửa hiện xuống trên đầu các Tông Đồ trước khi họ bắt đầu đi giảng). Lửa cũng là một trong những biểu tượng của Shiva.
Trong các hình tượng của Shiva, mắt Ngài thường nhắm nửa chừng, như người thiền định. Con mắt thứ ba của Ngài thì có năng lực đốt cháy mọi sự vật mà nó chiếu tới. Vì thế sự hủy diệt chủ trì bởi Shiva cũng là ý thức Tính Không, phá tan vọng kiến về tự tánh của mọi sự vật, sau này được hệ thống hóa bởi các trường phái Đại Thừa. Bàn tay Shiva có khi cầm bát ăn xin bằng sọ người, đến từ cái đầu của Brahma mà Ngài đã chặt đứt (một loại đấu tranh giai cấp, như việc bắt nhốt Indra ?).
Trong búi tóc của Shiva có mặt trăng, biểu tượng cho sự tuần hoàn của thời gian, nhắc cho chúng ta nhớ là thời gian cũng chính là hủy diệt … Trên búi tóc ấy có đầu của Nữ Thần Ganga, Nữ Thần sông Hằng (Gange), nhổ ra một vòi nước. Giòng sông chảy, cuốn lôi tất cả, phải chăng cũng là một biểu tượng của thời gian trôi ?
Người ta nói rằng trước khi Vũ Trụ sanh thành, mọi sự còn ở trong trạng thái hỗn nguyên, thì Shiva nhảy múa, đánh cái trống nhỏ, tạo nên tiếng AUM làm rung động cái Nguyên Khí vô phân biệt kia, như hòn sỏi ném xuống mặt hồ. Từ đó nảy sinh một điểm, rồi từ một điểm nổi lên những gợn sóng quanh điểm ấy, và vạn pháp sanh thành. Mỗi sự mỗi vật, mỗi người chúng ta, chẳng qua chỉ là những gợn sóng trên mặt một đại dương duy nhất, khởi sinh từ một niệm, một rung động của phân biệt trí.
Shiva là vị Thần của nội tâm, nơi không có Quân Vương, không có Anh Hùng, không có Đạo Sĩ, không có giai cấp, không có giàu sang hay nghèo hèn, nơi mà sự nhảy múa quay cuồng không ngừng nghỉ tạo nên những gợn sóng cấu thành vũ trụ, vũ trụ nội tâm, cái vũ trụ duy nhất mà chúng ta có thể biết được. Con mắt thứ ba của Shiva chiếu vào vũ trụ ấy, tiêu diệt tất cả, đem tất cả vào tĩnh lặng, trong sự giác ngộ Tính Không của vạn pháp. Năng lực hoại diệt của Shiva cũng là khả năng diệt Ngã, phá chấp, loại trừ vô minh. 
SHIVA CƯỚI VỢ :
Rồi Shiva cưới vợ. Cô dâu tên là Sati, con của một vị Thần nảy sanh từ mồ hôi của Brahma khi vị Thần Vương Giả này thèm muốn Sarasvati, con gái Ngài. Ông Thần « mồ hôi » tự cho mình là giòng dõi quân vương nên không chịu cho con gái lấy Shiva, một kẻ ăn mày. Tuy thế Sati và Shiva vẫn kết hợp trong hạnh phúc lứa đôi. Cho đến một hôm, ông thần cha vợ tổ chức một bữa tiệc mời mọi vị Thần, nhưng không thèm mời chàng rể Shiva. Sati phẫn uất, ngồi tập trung thần khí rồi vận dụng công phu tự phát hỏa thiêu cháy mình ! Đây chẳng qua là một chuyện thường thấy trong đời sống hàng ngày : con gái lấy chồng Tây, Mỹ, thay vì người Việt, lấy kẻ thất nghiệp, nghệ sĩ, thay vì bác sĩ, kỹ sư … có khi đưa đến thảm kịch. Trong bối cảnh xã hội Ấn, việc này gắn liền với việc những người phụ nữ tự thiêu khi chồng qua đời. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong huyền thoại Ramayana.
Shiva đau khổ điên cuồng, ôm xác Sati nhảy múa dẫm nát thế giới, làm vũ trụ rung chuyển, Trời Đất náo động. Vishnu thấy thế bèn ném đĩa Giác Luân chặt thân thể Sati ra thành 108 khúc rơi xuống 108 nơi trên đất Ấn (mỗi nơi hiện vẫn còn điện thờ). Con số 108 khiến ta liên tưởng đến 36 vì sao Thiên Cang, 72 vì sao Địa Sát của khoa Tử Vi Trung Quốc, có lúc nhập thế sanh ra 108 vị anh hùng Lưong Sơn Bạc !
Nhục thân Sati không còn, Shiva cũng ngừng nhảy múa, ngồi tĩnh lự, trở thành như thảo mộc. Thế giới lại lâm nguy vì thiếu « năng lực cách mạng » của Shiva. Vishnu tìm cách lôi Shiva ra khỏi cái trạng thái mà nhà Phật gọi « si định » này. Ngài cho em gái mình là Parvati đến chinh phục Shiva. Cũng có thuỵết cho rằng Parvati là con gái Vua Núi Parvata Raja (« raja » là « vua », « rex » trong tiếng la tinh).
Shiva không thèm màng đến Parvati. Nàng buồn khổ lùi vào rừng sâu ẩn tu. Shiva động lòng giả trang làm một Đạo Sĩ đến hỏi Parvati : vì sao một người diễm lệ, giòng dõi quân vương như nàng mà lại tìm theo một tên ăn mày dị hợm, có ba con mắt, chuỗi sọ người quanh cổ, tro phủ đầy người, ngồi trong bãi hỏa thiêu xác chết ? Parvati trả lời rằng chỉ có bậc Đại Giác mới không cần màng đến địa vị giàu sang, vì biết mình đã sẵn có tất cả, chỉ có bậc Đại Lực mới không cần ẩn nấp sau phong thái bên ngoài, và nàng yêu con người thực của Shiva, con người nội tâm cao quý và dũng mãnh của Ngài. 
BẾ TINH, DƯỠNG KHÍ, TỒN THẦN :
Thế là Shiva làm tình với Parvati suốt một ngàn năm Không chịu xuất tinh. Với tính cách một tổ sư Yoga, Shiva cho thấy khả năng siêu quần của mình trong một kỹ thuật cơ bản của các nhà Yogi là phép bế tinh. Lão Giáo cũng coi bế tinh là nền tảng của thuật trường sinh. Tinh thay vì xuất ra, thì được hành giả tập trung ý chí, hình dung là nó được vận chuyển lên đỉnh đầu … Nhà sư Tuệ Tĩnh ở nước ta cũng đặt bế tinh đứng hàng thứ nhất trong bảy nguyên tắc dưỡng sinh của ông, bao gồm : bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. 
Ngoài mục đích dưỡng sinh, bế tinh cũng có thể giải quyết một nỗi lo sợ thầm kín và rất nền tảng của người đàn ông. Đó là nỗi sợ … đàn bà ! Người nam sợ người nữ vì trong bản chất người nữ không bị giới hạn trong ái tình, trong khi đó người nam bị hạn chế bởi việc xuất tinh. Vì thế người nam sợ ái tình của người nữ, sợ đòi hỏi lạc thú của phái đẹp mà mình có thể không đáp ứng nổi. Họ coi chuyện ái tình lạc thú là tội lỗi, thậm chí coi người nữ như nguồn của tội lỗi, biểu tượng của ô uế, và luôn tìm cách đè nén người nữ trong các khuôn khổ luân lý xã hội khắt khe. Rồi càng sợ sệt mặc cảm, họ lại càng phải biểu dương « sức mạnh » của họ, trở nên hung dữ, bạo động, thậm chí lao vào chiến tranh, tàn phá, vào những cuộc chinh phục đẫm máu, dựng nên những chế độ độc tài tàn ác, những tôn giáo khắc nghiệt, hay những cuộc cách mạng đầy tang tóc. Những « công trình » và « chiến công » ấy giúp họ trốn chạy và rời xa chăn gối của vợ « hiền », tức cái chiến trường nguy hiểm nhất cho bản ngã tự tôn của họ. Bao chết chóc, tàn phá, áp bức có thể sẽ tránh được, nếu nỗi lo sợ thầm kín ấy của người đàn ông được hóa giải. Bộ mặt của thế giới có thể thay đổi hẳn ( ?) khi người nữ không còn bị áp bức, và người nam không còn cảm thấy cần phải chinh phục giá trị của mình qua bạo động, đàn áp. Khác với súc vật, con người không chỉ ham muốn, mà còn ham muốn sự ham muốn của người khác. Trong ái tình người nam không chỉ thèm muốn người nữ (nếu không sẽ như súc vật), mà muốn người nữ muốn mình. Khi yêu, anh ta không chỉ yêu, mà còn muốn được yêu. Khi làm tình, anh ta phải tìm lạc thú qua lạc thú của người tình. Điều đó không dễ, nếu không kiểm soát được việc xuất tinh, một kỹ thuật được « biểu diễn » ở đây bởi … Shiva !
Huyền thoại Hy Lạp cũng có chuyện làm tình « dài hạn » tương tự : Ouranos, là Trời, làm tình với Gaia, là Đất, suốt hàng triệu triệu năm, khiến Trời với Đất cứ dính liền nhau, không có chỗ cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Các con của Ouranos và Gaia bị kẹt trong bụng mẹ không ra ngoài được. Cho đến ngày kia, một người con tên Chronos, có nghĩa là Thời Gian, dùng lưỡi liềm được Gaia trao cho, từ trong bụng mẹ cắt đứt dương vật của Ouranos, thân phụ mình. Ouranos đau đớn rời khỏi thân thể Gaia, tạo khoảng trống giữa Trời và Đất cho các con của Gaia thoát ra khỏi bụng mẹ, để rồi sanh thành vạn vật sống dưới bầu Trời, trên mặt Đất. Phải chăng kiểm soát việc xuất tinh là tốt, nhưng quá đáng thì có lẽ cũng không nên vậy.
Trong câu chuyện của chúng ta, màn ái tình không chấm dứt của Shiva cũng gây trở ngại cho vạn vật vì trong lúc Shiva dính liền với Parvati thế kỷ này qua thế kỷ khác thì Ma Quỷ nổi lên tàn phá thế giới. Shiva có sứ mạng làm cho Parvati sanh ra một vị Anh Hùng có khả năng hàng Ma diệt Quỷ. Nhưng Shiva lại không chịu cho tinh dịch của mình tràn ra trong người Parvati. Vishnu và chư Thần mới nghĩ ra một cách là nổi lửa quấy nhiễu Shiva. Shiva đành buông thả, nhưng lại xuất tinh ở ngoài thân thể Parvati. Thế là không có đấng Anh Hùng hạ sanh (chi tiết này mâu thuẫn với chuyện Skanda và Ganesh sẽ kể ở sau). Người ta gắn liền chuyện này với lý tưởng Vô Sanh. Khi có người sắp chết, ở vùng Benares, thành phố của Shiva, người ta thường thì thầm một thần chú của Shiva vào tai kẻ ấy để mong làm đoạn tuyệt sự tái sanh. Kể cả tái sanh làm Anh Hùng … 
CHÚA BA NGÔI

Thật ra, như đa số các vị Thần Ấn Độ, Shiva mang cả hai tính nam và nữ. Hình tượng tôn quý nhất của Shiva là một vị Thần nửa Nam nửa Nữ, gọi là Ardha Narishvara. Người ta cũng cho rằng tất cả các Nữ Thần (Devi) đều xuất phát từ Nữ Tánh của Shiva.
Nói chung, Shiva là sự hoàn tất của một tiến trình. Tiến trình ấy đi từ Brahma, thế giới vật chất cá thể phân biệt, sang thế giới Tâm Linh tượng trưng bởi Vishnu, để lên đến cảnh giới VÔ NGÃ, TÍNH KHÔNG, của Shiva. Trong chữ AUM, Brahma là âm A, Vishnu âm U và Shiva đóng lại với âm M, khi âm thanh tắt đi đồng thời tan vào vô tận. Tiến trình ba giai đoạn này đem mỗi cá thể vào Đại Thể, như giọt nước tan vào đại dương.
Trong các luân xa (chakra) của Yoga, Brahma tương ứng với Muladhara chakra, ở dưới cột sống, là cội rễ của đời sống vật chất, chỗ khởi đầu của ba kinh mạch Ida, Pingala va Sushuma. Vishnu được gắn liền với Anhata chakra, ở vùng ngực, tượng trưng cho tâm thần. Shiva thì được biểu tượng bằng Ajna chakra, giữa hai chân mày, nơi tâm trí vượt sang bờ Huệ Giác. Qua cửa ải Ajna chakra, thì không còn phân biệt ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, không còn ta, người, cũng như sự vật, để chỉ còn hòa tan vào Chân Như qua Sahasrara chakra, ở đỉnh đầu.
Biểu tượng Lingam, tức Dương Vật, của Shiva cũng được mô tả như sự biến chuyển từ hình vuông ở dưới gốc tương trưng cho Brahma (bốn cái đầu nhìn ra bốn phía), cho Đất, cho thế giới vật chất. Lên một chút, là hình bát giác (hoa sen tám cánh), tượng trưng cho đời sống tâm linh luôn tự kích thích, tự nuôi dưỡng mình, để mãi mãi sống động trôi dạt không ngừng nghỉ, chủ trì bởi Vishnu, vị Thần bảo hộ dưỡng nuôi. Và ở trên cao, Lingam kết thúc bằng hình tròn của Trời, của Vô Phân Biệt trí, của Tính Không, của sự hủy diệt tất cả những cái nhìn thiên chấp. Ở đây vị chủ trì là chính Shiva, hay đúng hơn là dạng không phân biệt của Shiva, dạng Nam Nữ hỗn hợp Ardha Narishvara. Rồi vòng tròn nhỏ lại dần dần, và trở thành một điểm, điểm khởi đầu của Vũ Trụ như đã nói ở trên, để rồi, bước thêm một bước, rơi vào HƯ KHÔNG.
Ba ngôi trong huyền thoại Ấn Độ được trình bày dưới dạng một hình tượng duy nhất, gọi là Tri Murti, nhấn mạnh ý niệm không có sự phân biệt giữa Brahma, Vishnu, và Shiva, mà cả ba đều chỉ là những thị hiện khác nhau của một nguyên lý, kiểu như một Chúa, Ba Ngôi. Riêng Vishnu và Shiva cũng có khi được gộp chung trong một vị Thần gọi là Hari Hara. Hari là phần tương ứng với Vishnu, Hara tương ứng với Shiva, hai mặt của một thực thể, « nhât âm nhất dương chi vị Đạo » ! 
NGƯỜI MẸ HIỀN TỪ DURGA VÀ NGƯỜI MẸ DỮ TỢN KALI
Bên phía các Nữ Thần thì sự kiện một nguyên lý duy nhất thị hiện qua hai mặt đối nghịch nhau được thấy trong cặp Durga và Kali.
Vào một thời xa xưa, Quỷ Vương Mahisha và bộ hạ nổi lên chinh phục các tầng Trời và tàn sát chư vị Thiên Thần. Họ đến cầu cứu « Chúa Ba Ngôi » Trimurti. Ba Ngôi phóng linh quang như những lằn chớp sáng rực bầu Trời. Ở nơi hội tụ của ba luồng hào quang chói lửa đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa nảy sanh ra một Nữ Thần, đó là Durga. Mỗi vị Thần trên Thiên Quốc đều tặng Durga một vũ khí hay một bảo vật để hàng phục quỷ vương. Shiva tặng cây đinh ba, Vishnu tặng đĩa Kim Luân và dây Quyên Sách, Surya, thần Mặt Trời, tặng cung tên, Chandra, thần mặt trăng, tặng cây búa rìu, Sơn Thần Himalaya tặng con sư tử, Thần Chết Yama tặng chày Kim Cương, Thần gió Vayu tặng ống loa, Hỏa Thần Agni tặng hỏa tiễn, v.v… Durga tượng trưng cho sự đón nhận của nữ tính, nên hội tụ mọi quyền năng của chư Thần. Các quyền năng ấy cũng biểu tượng cho các đức tính rất đa dạng nhưng cần thiết để hàng phục những khuynh hướng xấu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Để có được những đức tính ấy, chúng ta phải có thái độ sẵn sàng đón nhận, một thái độ gắn liền với nữ tính của Durga.
Trong huyền thoại Hy Lạp, các vị thần cũng thường tặng cho những nhân vật được mình che chở hay giao phó cho trách niệm nào đó, những bảo vật cần thiết, như trong chuyện Persée, vị anh hùng đã đánh bại Nữ Ác Thần Meduse.
Điểm đặc biệt là mặc dù Durga là một chiến tướng rất dũng mãnh quyết liệt, nhưng trong dân gian, Ngài lại được tôn thờ như một người mẹ tươi cười, từ ái, hiền hòa.
Trong trận chiến chống lại ác quỷ, Durga chỉ huy một đội ngũ bảy nữ thần (sanh ra từ Durga, mỗi Vị mang đặc tính của một Nam Thần đã « đầu tư » vào Durga), gọi là bảy bà mẹ (Sapta Matrika). Các Bà anh dũng thắng thế tiêu diệt đối phương. Tuy nhiên, khi quỷ bị giết hay bị thương, thì mỗi giọt máu của nó rơi xuống đất lại liền nảy sanh ra một con quỷ khác, cứ như thế, liên tu bất tận (như quái vật Hydre trong huyền thoại Hy Lạp, có nhiều đầu, mỗi đầu bị chặt, liền mọc thêm hai đầu khác). Cuối cùng Durga ra lênh cho một Nữ Thần há to miệng nuốt hết những giọt máu từ ác quỷ tuôn ra, khiến quỷ không thể tái tạo được nữa, đem lại chiến thắng toàn diện. Vị Nữ Thần uống máu ấy là Kali, bà mẹ dữ tợn.
Trong tiềm thức đến từ tuổi thơ của chúng ta, những nỗi sợ sệt của cuộc sống thường được kết tinh dưới dạng ma quỷ, và kẻ che chở chúng ta khỏi các nỗi sợ ấy không ai khác hơn là người mẹ. Ngay cả khi đã lớn, đã già, người ta vẫn kêu mẹ, « thấy mẹ », trong các tình huống hiểm nguy, tai họa, đớn đau … Câu chuyện các bà mẹ chiến thắng ác quỷ, với hai nhân vật nổi bật là Durga và Kali bắt nguồn từ tâm lý này.
Thêm vào đó, người mẹ cũng mang hai sắc thái : hiền từ, nhưng cũng có khi dữ tợn. Kali biểu tượng cho khía cạnh dữ tợn, đáng sợ, của người mẹ. Một mặt, có thể lý luận là nếu Kali giết được ma quỷ, thì Ngài cũng phải dữ dằn đáng sợ như ma quỷ. Mặt khác, người mẹ với trách nhiệm giáo huấn con cái, có thể trở thành nghiêm khắc, gắt gao, đáng sợ. Ngay cả khi đã trưởng thành người ta vẫn sợ sự phán xét của người mẹ, và mỗi khi làm chuyện gì người ta cũng thường lo lắng xem mẹ mình sẽ « nghĩ gì » về việc ấy. Điều này cũng đúng với người cha, nhưng liên hệ với người cha thường có tính cách gián tiếp, qua trung gian người mẹ, như ở đây Chư Thần hành động qua trung gian các vị Thần Mẫu.
Việc tách rời hai sắc thái đối nghịch : hiền từ và dữ tợn của người mẹ thành hai nhân vật, là một phương pháp thông dụng, thường thấy trong truyện cổ tích. Thật vậy, vì trong đầu chúng ta có một « thảo trình » tuyệt đối ngăn cấm chúng ta oán ghét mẹ mình nên trong truyện cổ tích mỗi khi có bà mẹ nào khắc nghiệt, đáng ghét (theo quan điểm của trẻ con), thì người ta liền « chuyển dịch » bà mẹ ấy thành … mẹ ghẻ ! Các truyện Tấm Cám, Cendrillon, Bạch Tuyết, v.v… đều áp dụng phương pháp này. Thêm vào đó bà mẹ ghẻ lại có thể trở thành phù thủy, tức ác quỷ ghê rợn, như trong truyện Bạch Tuyết …
Một chi tiết ngộ nghĩnh là ở Calcutta, có một lễ hội dành cho cặp Durga và Kali, kéo dài trong nhiều ngày, kết thúc bằng một màn lột quần áo của tượng các Thần Mẫu, trước khi liệng các Ngài xuống sông. Chưa hết người ta dùng gậy đập các bức tượng bằng đất ấy cho đến khi chúng tan biến trong giòng nước. Một fantasme, ám ảnh thầm kín nào đó, cần được đập tan ? 
KALI, SỰ PHÁ CHẤP TUYỆT ĐỐI
Kali là một nữ thần đặc biệt ghê rợn. Nước da Ngài màu đen, tượng trưng cho sự tan biến của mọi màu sắc. Khuôn mặt Ngài, với mái tóc dựng đứng, con mắt thứ ba nằm giữa trán (như Shiva), miệng mở to, lưỡi đẫm máu thò dài ra ngoài, gợi cho chúng ta hình ảnh Nữ Ác Thần Meduse trong huyền thoại Hy Lạp. Vả lại Kali cũng có khả năng hủy diệt đối thủ của mình bằng tia nhìn nảy lửa từ con mắt thứ ba của Bà, y hệt như Meduse. Vươn lưỡi ra thật xa cũng là một kỹ thuật Yoga. Thông thường trong thiền định người ta uốn lưỡi đặt lên hàm trên sau hàng răng cửa, nhưng cũng có Yogi cuộn hẳn lưỡi về phía sau, chặn đường hô hấp để đưa đến những cảm giác đặc biệt, hay đến … chết.
Kali thường trần truồng, một khía cạnh của phá chấp, hay của « sống thật » không che đậy giả dối. Ngài mang một sâu chuỗi gồm năm mươi sọ người, mỗi sọ ứng với một chữ trong vần Sanskrit, chứng tỏ sự thông thái, hay sự phù phiếm của « danh sắc » (nama ruppa – trong thập nhị nhân duyên). Kali cũng nhảy múa điên cuồng như Shiva, tương truyền do chất độc chứa trong máu của ác quỷ mà Ngài đã phải uống trọn như đã kể ở trên. Nhắc lại là Shiva cũng đã từng phải uống chất độc khi chư Thần và Ma Quỷ cùng hè nhau quậy « Biển Sữa ». Vũ điệu của Kali cũng tàn phá mọi sự vật (như Shiva), và cũng cần được ngăn chặn. Vị Thần ngăn được điệu vũ hoại diệt của Kali không phải là Vishnu như thường khi có hiểm nguy cho vạn hữu, mà đặc biệt lần này lại là Shiva. Shiva nằm xuống dưới chân Kali, và vị Nữ Thần ngừng dẫm tan thế giới. Hình tượng Shiva nằm trong tư thế này tựa hồ như người chết. Người ta cũng nói Kali là chữ « i » trong tên Shiva. Mất chữ « i » ấy thì Shiva trở thành « shv » (đọc là shuw), nghĩa là thân xác không còn sinh khí. Có thể hiểu rằng : Shiva trút bỏ sự sống cá biệt của mình, chết đi, để Kali, sự sống thật, sự sống của Toàn Hữu, nổi lên đạp trên sự chết. Chiến thắng sự chết là một đề tài thường thấy trong Phật và Ky Tô Giao, cũng như trong triết học Hy Lạp (phái Stoïcien và Epicurien).
Shiva được coi như cha của Kali. Thật ra, như đã nói ở trên, mọi Nữ Thần đều đến từ nữ tính của Shiva. Một hình ảnh của Kali hình dung Bà quỳ trên người Shiva, dương vật của Shiva trong âm hộ của Bà. Một tay Kali cầm lưỡi liềm đẫm máu, tay kia cầm một cái mâm trên đó có đặt thủ cấp của chính Bà. Một tia máu phun từ thủ cấp trên mâm vào miệng của Kali. Trong một hình ảnh khác, Kali cũng với hai cái đầu, đầu nọ uống máu phun ra từ đầu kia, ngồi trên một cặp trai gái đang làm tình. Người đàn bà, Ratti, nghĩa là lạc thú, ở trên người đàn ông, Kama, là « dục », hay Thần Ái Tình. Một hình ảnh khác nữa hình dung Kali nhảy múa đạp trên Ratti và Kama (vẫn đang làm tình), có thể được hiểu là Kali chà đạp lạc thú và ái tình, tức mang đức tánh tu hành khổ hạnh. Nhiều nhà khổ hạnh hay Đạo Sĩ tự cho mình là « tình nhân » của Kali, điển hình là Rama Krishna (1836-1886).
Kali, người mẹ uống máu, biểu tượng cho một khía cạnh ghê rợn của người nữ trong trí tưởng tượng của … đàn ông. Sử gia Tacite kể rằng khi La Mã xâm chiếm các bộ lạc Germanique, Đức, thì các bà mẹ Đức, thấy phe mình thất thế, có khi cầm chính các đứa con nhỏ của mình ném vào hàng quân La Mã để gây rối loạn ! Người ta cũng thường thuật chuyện các người đàn bà Scythe tự cắt vú bên phải để khỏi bị vướng víu trong lúc … bắn cung ! Chuyện thật hay đồn đãi phóng đại ?
Hình ảnh người mẹ (khát máu) cũng là biểu tượng của nhiều phong trào ái quốc bạo loạn. Người ta chiến đấu cho « đất mẹ », « gia tài của mẹ », cho « mẹ Việt Nam », « mẹ Ấn Độ » v.v… để rồi chết cho mẹ, và không ngần ngại tàn sát kẻ khác nhân danh tình yêu mẹ ! Bài ca ái quốc Ấn Độ « Bande Mataram », có nghĩa là « Chào mẹ », đương nhiên là mẹ Kali, một thời suýt trở thành quốc ca của liên bang Ấn, nếu không bị gạt bỏ bởi Ghandi.
Thật ra, trong quan niệm của Ấn Giáo, thì Kali cũng chính là Durga, người mẹ hiền hòa, là Parvati, biểu tượng của tình yêu không ranh giới, là Lakshmi đẹp tuyệt vời, và rốt ráo thì Kali là mọi Nữ Thần. Mặt khác, Kali đến từ Shiva, nhưng Shiva cũng là Vishnu và Brahma. Xuất phát từ « tổng thể » ấy, vai trò của Kali là đem lại sự hiểu biết chân thật sau khi đã phá tan mọi thành kiến, tức sự hiểu biết của « bờ bên kia », nơi không còn xấu tốt, dơ sạch, sống chết, đạo đức hay tội lỗi … Kali dạy cho mọi người nguồn gốc của khổ đau khi chà đạp lên Ratti và Kama, lạc thú và tham dục. Và khi Ngài sẵn sàng uống máu độc của ác quỷ để Sự Ác (vô minh) khỏi tiếp tục tự nảy sinh ra một cách vô tận, Kali cho thấy lòng quả cảm trong việc diệt trừ những mầm mống của mê mờ, kể cả bằng cách tự tiêu diệt chính mình. Việc tự cắt đầu mình đặt trên mâm cũng mang ý nghĩa tương tự. Kali là vị thần chủ yếu trong Mật Tông (Tantra) Ấn Độ, vị Thần của diệt Ngã, của Giải Thoát. 
GANESH, VỊ THẦN ĐẦU VOI
Ganesh là vị Thần rất được tôn thờ, và cũng dễ nhận ra nhất, với cái đầu voi và cái bụng bự. Có ít nhất là bốn thuyết nói về nguồn gốc của Ngài.
Thuyết thứ nhất cho rằng Shiva tự mình tạo nên Ganesh. Tuy nhiên, Ganesh quá đẹp trai, khiến vợ của Shiva cũng phải mê, làm cho Shiva nổi ghen. Shiva liền khiến Ganesh biến dạng trở thành « đầu voi, bụng bự », rồi giao cho Ganesh chỉ huy đám thị vệ lùn của mình.
Theo thuyết thứ hai thì Ganesh sinh ra từ cáu ghét của Parvati, hay từ máu kinh nguyệt của Bà. Sau đó Parvati giao cho Ganesh trách nhiệm giữ cửa phòng mình, chủ yếu là để ngăn không cho Shiva xông vào, trong những lúc Bà không muốn. Một cách « thi vị » hơn một chút, người ta kể rằng trong lúc Parvati tắm, Shiva đòi vào, Parvati không cho, và lấy cáu ghét của mình làm nên Ganesh để ngăn chặn Shiva. Chuyện khác : Parvati đang có kinh, không muốn tiếp Shiva, liền lấy máu kinh nguyệt của mình làm nên Ganesh, vẫn với sứ mạng chặn đường Shiva. Thật ra chỉ cần ghi nhận Ganesh sanh ra từ sự ô uế bợn nhơ của người nữ.
Khi mới sanh, Ganesh rất đẹp trai (như thuyết trước). Nhưng, trong lúc giữ cửa cho mẹ, gặp lúc Shiva xông đến đòi vào, Ganesh liền khện cho Shiva một trận không nhân nhượng. Shiva gọi Vishnu đến giúp, Ganesh khện luôn Vishnu. Rốt cuộc Brahma phải nhập cuộc, và trước thần lực của toàn thể Ba Ngôi, Trimurti, Ganesh thất thế và bị chặt bay đầu. Parvati nổi tam bành, đòi « Chúa Ba Ngôi » phải trả lại cho bà đứa con yêu dấu. Shiva, Ngôi thứ ba, xuống nước, hứa sẽ khẩn cấp ráp lại cho Ganesh cái đầu thứ nhất mà Ngài chớp được. Một con voi lò mò bước đến. Thế là Ganesh được ráp cho một cái đầu voi ! Thuyết này nhấn mạnh đến « mặc cảm oedipe » của trẻ con : bé trai yêu mẹ và ghen với bố, trong tiềm thức hình dung sự tranh chiến với bố, cũng như những hình phạt mà nó phải chịu (thiến) nếu vượt quá một lằn ranh dục tính nào đó. Thật ra, có chỗ kể rằng Ganesh đã thực sự có liên hệ xác thịt với Parvati.
Một thuyết khác cho rằng khi Shiva chặt đứt cái đầu thứ năm của Brahma, cái đầu Đạo Sĩ, thì Ngài kiêu hãnh trưng bày « của quý » ra trước các vị phu nhân của những Đạo Sĩ cao trọng (nhắc lại mâu thuẫn giữa các giai cấp thấp với tầng lớp Đạo Sĩ ?). Các Đạo Sĩ này nguyền rủa Shiva, khiến cho dương vật của Shiva rơi xuống đất, và đồng thời Shiva trở thành một con voi. Một vị Thần ráp dương vật lại cho Shiva và Shiva lấy lại hình thù cũ. Đến khi Shiva làm tình với Parvati, thì một giọt tinh dịch rơi xuống đất, hóa ra Ganesh, mang đầu voi, nhắc lại việc cha mình cũng đã từng là voi. Ở đây cần ghi nhận liên hệ giữa bản tính « voi », tượng trưng cho sự thông thái, và sự kiện bị thiến mất dương vật. Phải chẳng bỏ tình dục đi, thì sẽ trở thành thông thái (vì thăng hoa những thôi thúc dục tình cơ bản) ?
Còn một thuyết thứ tư theo đó Parvati để rơi một giọt máu kinh nguyệt của mình xuống sông Hằng (Gange). Một Nữ Quỷ nuốt giọt máu ấy, thụ thai, sanh ra Ganesh với năm cái đầu voi. Bốn cái đầu bị cắt, còn lại Ganesh với một đầu voi. Thuyết này nhắc chuyện bị cắt đầu trong thuyết thứ hai, đồng thời gợi lại chuyện Brahma với năm cái đầu và chuyện sanh ra từ máu kinh nguyệt. Một chi tiết khác, sông Gange, tượng trưng bởi Nữ Thần Ganga, nơi Parvati đặt giọt máu kinh nguyệt của mình, nằm ngay trên chính … búi tóc của Shiva ! 
TỪ CHUỘT ĐẾN VOI VÀ BIỂU TƯỢNG THĂNG HOA
Đầu voi của Ganesh chỉ có một chiếc ngà duy nhất, phía bên phải. Biểu tượng của hai ngà voi là : lý trí bên phải, và tình cảm bên trái. Ganesh chỉ có chiếc ngà bên phải, được coi như lý trí khắc phục tình cảm. Tuy nhiên, trong điều kiện nào vị Thần đã đánh mất chiếc ngà bên trái ? Lại có nhiều thuyết.
Ngày nọ Ganesh đang giữ cửa phòng của bố mẹ mình thì Krishna (hóa thân của Vishnu) mò đến. Ganesh ngăn lại. Krishna dùng búa rìu chặt đứt chiếc ngà bên trái của Ganesh.
Thuyết khác. Ganesh rất tham ăn, nhất là bánh kẹo (như trẻ nhỏ). Một hôm Ngài ăn đầy một bụng kẹo bánh, no cành hông, sau đó cưỡi một con chuột ( !) đi chơi. Có con rắn làm cho chuột hoảng sợ nhảy dựng lên. Ganesh té bể bụng, như chúng ta thường dọa trẻ con khi chúng ăn quá nhiều kẹo bánh. Tuy nhiên Ganesh không phải là một nhóc tì cơ bản, mà là một vị Thần. Ngài liền lượm tất cả kẹo bánh tung tóe khắp nơi, nhét trở vào bụng mình, cột lại với con rắn cho chắc chắn, rồi lại … đi chơi tiếp ! Vị Thần Mặt Trăng (Chandra) và 27 bà vợ (27 vị Tinh Tú), thấy cảnh khôi hài ấy, không nhịn được, cùng nhau ôm bụng cười ngặt nghẽo. Ganesh giận dữ (như trẻ con khi bị chế diễu), bẻ một chiếc ngà của mình, chọi Mặt Trăng. Mặt Trăng buộc phải lặn mất. Mặt trăng tượng trưng cho thời gian. Không còn mặt trăng thì không thể được. Chư Thần liền đến thuyết phục Ganesh xin tha lỗi cho Mặt Trăng. Ganesh nhận lời, nhưng quy định những lúc Mặt Trăng được xuất hiện và những lúc phải khuyết đi và biến mất. 
Một thuyết thứ ba cho rằng khi Vyasa, tác giả chuyện Mahabharata thuật chuyện này lại cho Ganesh, thì vị Thần bẻ một chiếc ngà của mình để làm bút ghi lại lời của Vyasa. Với thuyềt này, Ganesh là Thần của văn sĩ và là biểu tượng của sự thông minh trí tuệ. 
Ngoài ra bụng bự của Ganesh biểu tượng cho sự thịnh vượng, nhưng cũng là sức hàm chứa vô lượng. Đầu voi to lớn, như đã nói, tượng trưng cho trí tuệ thông thái, tai to nghe nhiều hiểu rộng. Cái vòi tượng trưng cho những khả năng dặc biệt không ai có được. Chiếc vòi có thể khai thông mọi bế tắc, quật ngã cây cối, gúp vượt qua rừng rậm, nhưng cũng lại rất tế nhị, thậm chí nhặt nổi một cây kim ! Sự kiện Ganesh cưỡi chuột cũng đáng được quan tâm. Con chuột tí hon lại được gán cho Thần Voi Ganesh ! Toàn thể thế giới loài vật được coi như hiện diện trong khoảng cách giữa chuột và voi, tức là trong Ganesh (con vật được cưỡi bởi các vị Thần cũng là biểu hiện của vị Thần ấy). Ganesh tượng trưng cho sự thăng hoa từ chuột tới voi, từ nhơ bẩn ô uế đến Hiện Hữu linh thiêng cao quý, từ tâm lý trẻ con nhỏ mọn đến Trí Tuệ cao siêu không giới hạn. 
SKANDA, ĐẤNG TOÀN HẢO
Bạn đọc hẳn còn nhớ chuyện Shiva làm tình với Parvati suốt 1000 năm không chịu xuất tinh ? Chư Thần phải khiến Agni, Thần Lửa và Kama, Thần Ái Tình, đến quấy nhiễu Ngài. Tâm Shiva rung động. Ngài xuất tinh trên Thần Lửa. Vị này vội vã đem tinh dịch ấy bỏ vào sông Hằng. Xin nhắc lại là Lửa cũng là một tính chất của Shiva, cũng như Thần sông Hằng, Ganga, thuộc về búi tóc của Ngài. Lửa đem tinh dịch của Shiva vào cái triệt tiêu chính nó, là Nước, để chỉ còn lại tinh dịch ở dạng tinh túy ! Cũng có thể nói tinh dịch của Shiva được thanh lọc hai lần : bởi lửa và bởi nước. Như trong truyền thống Ky Tô Giáo : “phép rửa” bao gồm rửa trong nước và rửa trong Lửa của Chúa Thánh Thần. Đương nhiên là Nước và Lửa đều thuộc về … Shiva ! 
Tinh dịch của Shiva sau khi được rửa bởi nước và lửa thì được các Nữ Thần của chòm sao Pleiades đem để trong một cái bình vàng. Ít lâu sau, nảy sinh ra Skanda. Ngài là biểu tượng của “đấng anh hùng đâu đấy tỏ”, có sức mạnh vô địch, sự dũng cảm không chùn bước trước bất cứ hiểm nguy nào, và lòng quả quyết không gì lay chuyển được. Skanda được giao cho chỉ huy Đạo Binh Thiên Quốc. Trên nguyên tắc Ngài có 6 cái đầu và cưỡi một con công, nhưng thường chỉ có một đầu trong các hình tượng.. Trong truyền thống Phật Giáo, thì Skanda là Bồ Tát Vi Đà (?) (Wei Tuo) chuyên đứng gác bên phải các cửa chùa. 
Đương nhiên là mọi Nữ Thần đều mê vị Thần Anh Hùng Skanda như điếu đổ. Parvati bực mình vận dụng thần thông khiến cho mỗi khi Skanda thèm muốn một Nữ Thần thì Ngài liền thấy Vị ấy dưới hình dạng Parvati, mẹ Ngài, nên sợ loạn luân mà chùn lại. Vì thế Skanda luôn độc thân. Phải chăng các anh hùng “thực sự” luôn cô độc ? Hãy xem Indiana Jones, Luke Skywalker, Zoro, Lucky Luke, chàng cao bồi ngậm xì gà diễn xuất bởi Clint Eastwod … 
Điều cần nhận xét là, một mặt, chúng ta rơi trở vào vấn đề loạn luân, như trong nhiều câu chuyện trước, mặt khác, Skanda là vị Thần duy nhất cho đến bay giờ đã thực sự tự chủ được trước cám dỗ này. Brahma và Sarasvati, Kali và Shiva, Ganesh và Parvati đều đã “phá giới”, vì bất chấp (trường hợp Kali), hay vì sa ngã. Theo phân tâm học thì loạn luân là một ám ảnh của tiềm thức con người. Các huyền thoại, Ấn Độ, Hy Lạp, hay Do Thái, cũng như các chuyện cổ tích, như chuyện Công Chúa Da Lừa, là những cách đem ám ảnh này lên tầng ý thức, để mong hóa giải nó, tránh không cho nó trở thành những dằn vặt tranh chiến trong nội tâm. 
Thật ra trong cách nhìn của Thần Thoại Ấn Độ, thì Skanda và Ganesh chỉ là hai mặt của một thực thể, như Kali và Durga, Vishnu và Shiva … Hai nhân vật này tương ứng với vị Thần La Mã Janus, có hai khuôn mặt, chuyên giữ cửa các đền thờ. Như hai khuôn mặt của Janus, sự tương phản giữa Ganesh và Skanda rất rõ ràng : 
Ganesh sinh ra từ sự ô uế của người nữ. Các truyền thống tôn giáo thường được áp đặt bởi đàn ông, nên đàn bà phải bị gắn liền với ô uế như đã được phân tích ở trên. Trong khi đó Skanda sinh ra trực tiếp từ tinh khí của người Cha, không qua âm đạo và tử cung của người mẹ (dơ bẩn), lại còn được tinh túy hóa hai lần, bởi Lửa và Nước. Skanda hùng dũng cưỡi một con công. Công cũng nằm trong hệ thống biểu tượng của Phật Vô Lượng Quang, A Di Đà, Amitabha. Phật Thích Ca nằm trong hệ thống này. Đức Tiên Tri Mohamed khi từ đền Thờ Jerusalem bay lên Thiên Đường cũng cưỡi một con ngựa có đầu đàn bà và đuôi công. Ganesh thì cưỡi … chuột ! Ganesh và Skanda đều có trách nhiệm bảo vệ, canh gác, nhưng trong khi Skanda chỉ huy đạo binh Thiên Quốc, thì Ganesh chỉ huy một đám thị vệ lùn. Cả hai đều chịu hình phạt tương đưong với sự thiến : Ganesh bị chặt đầu, và cái đầu voi của Ngài nhắc lại việc Shiva bị thiến, trở thành voi. Skanda thì bị thiến một cách tượng trưng vì không thể làm tình được với bất cứ phụ nữ nào. Mất nam tính là một nỗi sợ quan trọng ẩn trong tiềm thức của người đàn ông. Ở đây, huyền thoại lại một lần nữa đem những ám ảnh này lên mặt ý thức để qua đó người ta có thể khắc phục hay ít ra là làm quen với chúng. Trong câu chuyện của chúng ta, Skanda sanh ra bởi Shiva không qua Parvati, thì bị “mẹ hờ” Parvati trừng trị, trong khi Ganesh sanh ra từ Parvati không cần đến Shiva, thì lại bị Shiva chặt đầu. Ganesh sanh ra từ Parvati, nhưng lại làm tình với Parvati, trong khi đối với Skanda, Parvati chỉ là “mẹ hờ”, thế mà Skanda không dám làm tình với cả hình ảnh của Parvati qua tất cả mọi người nữ. Nói vậy, nhưng chúng ta đã hiểu, các đối nghịch ấy chỉ là những khía cạnh của một tâm hồn duy nhất. Tâm hồn của chính … chúng ta ! 
BA ĐẦU SÁU TAY VÀ THUYẾT VÔ NGÃ
Khi nhìn cái đầu voi của Ganesh, có khi nào chúng ta tự hỏi : cái đầu ấy chứa đựng gì, nghĩ gì, ước vọng gì, nhìn cuộc sống, nhìn sự vật, như thế nào ? Làm sao ta biết được những gì xảy ra trong một cái đầu voi ? Truyền thống Ấn Độ cho rằng voi nhìn mọi thứ to gấp hai lần “sự thật”. Biểu tượng “đầu voi” buộc chúng ta phải chấp nhận rằng mỗi tâm hồn có một thế giới riêng của mình. Ngược lại, thế giới chẳng qua chỉ là một tập hợp hình ảnh nội tâm được liên kết bởi một “tiếng nói bên trong” riêng biệt cho mỗi tâm hồn. Sau này Nhà Phật cho rằng “ngoài tâm không vật, ngoài vật không tâm” … 
Các vị thần Ấn Độ cũng thường có nhiều đầu nhiều tay. Hình tượng Phật Giáo sau này cũng theo chiều hướng ấy, như với “Thập Nhứt Diện Quan Thế Âm” hay “Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn”, ngàn mắt ngàn tay. Trước một hình ảnh như thế, chúng ta phải tự hỏi : nếu có 7, 11 hay 500 cái đầu, thì đầu nào suy nghĩ, tính toán, tư lự ? Bộ óc nào sẽ mang cái TÔI, để tuyên bố : “tôi” thấy như thế này, nhận định thế nọ, và rồi cánh tay nào sẽ là trung gian hành động của cái TÔI ấy ? Chúng ta bước vào cảnh giới VÔ NGÃ, không còn cái Tôi, không còn “tôi nghĩ”, “tôi làm”, mà chỉ còn phản ứng tự nhiên : nhìn việc thế này thì làm thế này, vì nó phải như vậy, chứ không qua sự tính toán so đo của của bản ngã . Một thí dụ dễ hiểu là lời Đức Ky Tô khi Ngài dạy : lúc bố thí, thì tay trái không được biết tay phải cho gì. Tức là không nghĩ ngợi tính toán kiểu như : tôi bố thí, vậy tôi là người tốt, sẽ được hưởng phúc đức, lên thiên đàng v.v… Không có “tôi”, thì hành động cho, giúp, dạy, nói, viết, nỉm cười, hay cả đánh, giết … tất cả chỉ vì “nó tự nhiên vậy”, không có sự can thiệp của cái bản ngã không ngừng tư lự, tính toán. Đó cũng là hành động mà không tạo nghiệp, dù nghiệp tốt cũng như xấu. 
TIẾNG NÓI TỪ NỘI TÂM
Huyền thoại cũng như cổ tích được quan niệm như thế, chính là những tiếng nói, những thông điệp, đến từ những vùng thâm sâu nhất của nội tâm, như những gì đã nổi lên khi chư Thần và Quần Ma cùng quậy Biển Sữa, tức Đại Dương Nguyên Thủy, nguồn của Vũ Trụ. Qua những câu chuyện ấy một số yếu tố thầm kín, vùi sâu trong tiềm thức, được đem lên tầng ý thức, tuy vẫn được ẩn dấu dưới dạng thần thánh, quỷ ma, trong những câu chuyện kỳ quái, siêu nhiên. Các biểu tượng.ấy là những chỉ dẫn của một sơ đồ đưa chúng ta tìm về biển sâu của tâm thức, về cái “đại dương nguyên thủy” của mọi tâm hồn. Chúng là những tiếng gọi của nội tâm, không phải nội tâm cá biệt của mỗi người, mà của chính cái Tâm chung của vạn hữu. Sự mời gọi ấy có khả năng đưa chúng ta về với con người thật của mình, về bản thể Vô Ngã, về sự Hiện Hữu duy nhất. 
Sự HIỆN HỮU mà người Ấn Độ gọi là Brahman, ĐẠI HỒN. 
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.