Để gia cố lớp lá chắn bảo vệ các máy bay tác chiến trên bầu trời Syria, Nga đã triển khai những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất như S-400, Pantsir-S1 hay tuần dương hạm Moskva.
Sau vụ việc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại biên giới Syria, Không quân Nga đã triển khai thêm nhiều hệ thống phòng vệ tiên tiến tại căn cứ Hmeymim nhằm tăng khả năng bảo vệ cho các tiêm kích Nga trước những mối nguy hiểm khi tác chiến tại Syria.
Trong video, có thể thấy các tiêm kích Su-24 và Su-34 của Nga đang tác chiến với sự hỗ trợ của các trực thăng Nga Mil Mi-24 và các hệ thống Radar phòng vệ tiên tiến:
Nhiều thiết bị quân sự hàng đầu thế giới đã được Nga triển khai tại căn cứ Không quân Nga Hmeymim như hệ thống tên lửa S-400, tổ hợp phòng không Pantsir-S1 cùng sự hỗ trợ của tuần dương hạm Moskva đang tác chiến ngoài bờ biển Syria… nhằm hỗ trợ toàn diện nhất cho các tiêm kích Nga trên không phận Syria.
Ảnh tư liệu: Tên lửa S-400 “Triumph” Nga. |
Ngay sau khi vụ việc máy bay Su-24 xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các máy bay ném bom của nước này tham gia không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria phải được hộ tống bởi chiến đấu cơ. Đồng thời, mọi mục tiêu có khả năng trở thành mối đe dọa đối với phi cơ Nga đều sẽ bị tiêu diệt. Đây được xem như một trong những cách nhằm giúp Moscow bảo vệ tốt hơn các oanh tạc cơ đang hoạt động ở Syria.
Ảnh tư liệu: Tuần dương hạm Moskva của Nga. |
Điện Kremlin còn cân nhắc sử dụng tới phương pháp chiến tranh điện tử, nhằm bảo vệ an toàn tối đa cho các phi cơ. Trong trường hợp máy bay Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác có ý định tấn công vào hệ thống an ninh Nga bằng cách sử dụng các thiết bị gây nhiễu, nhiều khả năng Moscow sẽ phải dùng tới những loại vũ khí mới, được trang bị công nghệ bức xạ điện từ.
Bên cạnh đó, giới phân tích đánh giá sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tuần dương hạm Moskva, đóng tại khu vực sát bờ biển tỉnh Latakia, cũng sẽ mang đến cho Nga khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn không phận Syria, gia cố thêm lớp lá chắn bảo vệ các máy bay của nước này.
Radar tìm kiếm 3D đối không Voskhod MR-800 được trang bị trên tàu tuần dương Moskva. |
Để nâng cao khả năng kiểm soát bầu trời, tuần dương hạm Moskva còn sở hữu cả radar tìm kiếm 3D đối không Voskhod MR-800, cự ly quét trên không đối với các mục tiêu bay lớn như máy bay ném bom là 366 km và đối với các mục tiêu máy bay tàng hình là 183km.
Với sự kết hợp của bộ ba này, cơ chế phòng thủ của Nga ở Syria sẽ trở nên “bất khả xâm phạm”, giống như lời của một bình luận viên từ CNN từng nhận định “bất kỳ máy bay nào trong không phận Syria, dù là của Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước NATO, sẽ chỉ được phép bay nếu người Nga bật đèn xanh”.
Phan Hoàng