Tôi đã trãi qua kinh nghiệm chiến tranh và hòa bình tại Srepok và liên tưởng so sánh sông Mekong, sông Hồng với sông Neva, sông Volga, những dòng sông Nga huyền thoại. Biển Đông sông Mekong nay đang trong vùng xoáy sôi động và dữ dội nhất thế giới cũng như biển Bantic và sông Neva trước đây đã từng là và nay tiếp tục là điểm nóng, vùng đất địa chính trị – lịch sử tàn khốc và dữ dội nhất thế giới. Đó là nơi cuốn hút hàng chục, hàng trăm triệu người vào những trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Nơi mà giá trị của con người được đặt lên bàn cân sinh tử với sự lựa chọn tình yêu tổ quốc. Tôi đã từng đứng bên bờ sông sinh tử này, đã từng câu cá tại dòng sông Srepok, thuở mà sông chưa làm đập thủy điện. Nay tôi về lặng ngắm dòng sông xưa với thao thiết một dòng sông chảy mãi…
Câu cá bên dòng Srepok
Hoàng Kim
Bạn chèo thuyền trên sông Neva
Có biết nơi này mình câu cá?
Srepok giữa mùa mưa lũ
Sốt rừng, muỗi vắt, đói cơm.
Suốt dọc đường hành quân
Máy bay,
pháo bầy,
thám báo,
mưa bom.
Chốt binh trạm giữa rừng
Người bạn thân
Lả người
Vì cơn rét đậm.
Thèm một chút cá tươi,
Mình câu cá
Cho bữa cơm người thân
mà nước mắt
đời người
rơi, rơi…
mặn đắng.
Bạn ơi
Con cá nhỏ trên dòng Srepok
Đã theo dòng thác cuốn đi rồi.
Đất nước nghìn năm
Trọn lời thề
Sống chết thủy chung
với dân tộc mình
Muôn suối nhỏ
Đều đi về biển lớn.
Bài thơ Câu cá bên dòng Srepok là cảm tác của tôi năm 1972 tại Tây Nguyên, trong buổi chiều câu cá bên dòng Srepok gần Buôn Đôn. Buổi câu cho bữa cơm người bạn sốt rừng ốm nặng thèm ăn cá. Nơi tôi câu cá là binh trạm nằm ở khoảng giữa Đăk Tô- Tân Cảnh và Buôn Đôn, rất gần điểm ảnh dòng sông Srepok của Đỗ Tuấn Hưng (hình). Lúc câu, tôi nghĩ nhiều về bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của Repin và bài thơ Chèo thuyền trên sông Neva của Hoàng Bình. Tôi cảm nhận thật rõ ràng những suy tư của người lính chiến trước dòng sông Neva, Volga Mekong và sông Hồng huyền thoại. Mekong sông Hồng là sông Việt mến yêu của Tổ Quốc tôi, còn Neva, Volga là những dòng sông Nga mãi sau này tôi mới tới.
Tại Tây Nguyên, đơn vị tôi chốt ở vùng ngã ba biên giới Việt – Lào- Cămpuchia, bên dòng sông Srepok (hay Sêrêpôk, Srêpôk, mà tiếng Campuchia gọi là Tongle Xrepok).
Srepok tại ngã ba Đông Dương là điểm hợp lưu quan trọng nhất và Phnôm Pênh là điểm phân lưu quan trọng nhất của sông Mekong.
Sông Srepok phần Việt Nam là phụ lưu đặc biệt quan trọng của sông Mekong. Đây là ngã ba Đông Dương, hợp lưu lớn nhất của sông Mekong. Sông Srepok với các dòng sông ngắn dốc hung dữ hoang sơ chảy ngược về Mekong mà không phải chảy xuôi về Biển Đông như các sông Việt khác. “Ai nắm được nóc nhà Tây Nguyên và chế ngự được vùng hợp lưu này là quản lý được Đông Dương”. Những chuyên gia quân sự và sử học đã từng nhận định vậy, Tính từ chỗ hợp lưu của sông Krông Ana (sông Mẹ) và sông Krông Nô (sông Bố) tới cửa sông Srepok dài 406 km, trong đó đoạn chảy qua Campuchia dài khoảng 281 km, đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 126 km.
Sông Srepok vùng ngã ba Đông Dương là hợp lưu quan trọng nhất của sông Mekong.
Từ Mekong nhớ Neva
Nói chuyện sông Neva và sông Volga của nước Nga, trước hết xin nói một chút về gia đình tôi và dòng họ. Họ bên mẹ tôi có nhiều người học và làm việc ở Nga. Sống lâu và hiểu về Nga và châu Âu nhất có lẽ là cậu Huỳnh Thúc Tấn, cậu Huỳnh Thúc Cẩn và Hoàng Bình. Cậu Huỳnh Thúc Tấn nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ (Thứ trưởng) và từng là Trưởng đại diện thường trực Việt Nam tại Hội đồng tương trợ kinh tế (SEP). Cậu Huỳnh Thúc Cẩn là đại tá nhà văn, người tham gia đào tạo sĩ quan kĩ thuật quân sự cho Bộ Quốc phòng Cộng hòa dân chủ Đức, từng tham gia hội thảo về đường lối chiến tranh nhân dân cùng chuyên gia quân sự ba nước Cộng hòa dân chủ Đức, Bun ga ri và Tiệp khắc. Hoàng Bình là tiến sĩ sử học Nga, tác giả bài thơ Chèo thuyền trên sông Neva, là con trai thứ hai của cậu Trình tôi. Cậu Trình là con cả của gia đình bảy anh em trai huyền thoại “Trình, Cảnh, Tuệ, Cẩn, Tấn, Thân, Cương” được tóm tắt một chút dưới đây
Cụ Hoàng Bá Chuân, nhà nho, ở số nhà 64 Hàng Bạc, Hà Nội, là ông nội Hoàng Bình. Ông là cậu ruột của mẹ tôi và rất thương chúng tôi là những đứa cháu sớm mồ côi cha mẹ và ông bà ngoại. Tôi rất thương kính ông như là ông ngoại ruột vì ông rất hiền và thương cháu. Cuộc đoàn tụ của 5 anh em ngày Giải phóng Thủ đô là câu chuyện kỳ lạ có thật ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (trước là huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình. Cụ Hoàng Bá Chuân viết: Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên trai bé sẽ xung phong… Cậu Trình, bố của Hoàng Bình mất sớm. Hoàng Bình trong gia đình đặc biệt như vậy nên thời đó được miễn nghĩa vụ quân sự và đi học Nga. Gia đình tôi thì bố tôi trước cũng đi bộ đội Vệ quốc đoàn và trong năm anh em tôi với ba trai và hai gái thì anh trai tôi là Hoàng Trung Trực nhập ngũ năm 1963, tôi cũng gia nhập quân đội năm 1971. Tôi đã từng kể chuyện này tại Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời.
Hôm tôi đến thăm ông, trước lúc cắt quản hậu phương để vào Nam, tôi đã tình cờ đọc được bài thơ Chèo thuyền trên sông Neva của Hoàng Bình và rất thích. Tôi chép bài thơ này vào sổ tay và mang vào chiến trường. Bài thơ nói về con sông Neva nơi Pie Đại đế lập nên thành phố Sankt-Peterburg cố đô Đế quốc Nga và là thành phố lớn thứ hai ở Nga ngày nay. Sankt-Peterburg nằm trên một loạt đảo nhỏ trong châu thổ sông Neva; con sông này thông với Vịnh Phần Lan, tạo vị thế hải cảng cho Sankt-Peterburg mở cửa nhìn ra biển lớn. Đó cũng là nơi danh tướng Aleksandr Nevsky anh hùng dân tộc của nước Nga, đứng đầu trong số 12 danh nhân vĩ đại nhất của nước này đánh bại quân Thụy Điển trên sông Neva. Thành phố Sankt-Peterburg và dòng sông Neva sau này cũng là nơi chứng kiến những trận đánh đẫm máu và oanh liệt nhất của nước Nga trong cuộc đọ sức với nước Pháp thời Napoleon cũng như sau này là trận vây hãm kéo dài 872 ngày của phát xít Đức đối với Sankt Peterburg, lúc đó gọi là Petrograd và sau khi Lê Nin mất được gọi là Leningrad, gần đây đã trở lại tên gọi Sankt – Peterburg. Gần một triệu người Nga trong thành phố đã bị chết vì bom đạn, đói khát và bệnh tật trong cuộc vây hãm.
Bài thơ Chèo thuyền trên sông Neva giúp chúng ta liên tưởng “Những người kéo thuyền trên sông Volga” kiệt tác hội họa của Rapin.
“Những người kéo thuyền trên sông Volga”, kiệt tác hội họa của Rapin
Volga là dòng sông Nữ hoàng, dòng sông Mẹ, dòng sông Chủ gia đình, dòng sông Người cần mẫn, dòng sông Huyết mạch của Tổ quốc Nga. Sông Volga là đường giao thông chính xuyên châu Âu nơi có trên 150.000 con suối và sông nhỏ nước Nga hòa dòng nước của mình vào đó, nơi có khoảng 40% dân số Cộng hòa Liên Bang Nga sinh sống trong lưu vực của dòng sông vĩ đại này.
Sông Volga ví như sông Hồng của Việt Nam là dòng sông mẹ vĩ đại, nôi của người Việt cổ, nền văn minh sông Hồng, chốn tổ của nghề lúa. Sông Neva ví như sông Mekong của Việt Nam là dòng sông mẹ thứ hai của người Việt, dòng sông mở rộng hi vọng và tương lai của dân tộc Việt, đưa đất nước hòa vào dòng văn minh của nhân loại.
Chèo thuyền trên sông Neva là chèo thuyền trên dòng sông huyền thoại. Volga và Neva là hai điểm tựa lịch sử của nước Nga mênh mông. Hoàng Bình là nhà sử học và nhiều năm du học Nga nên nhìn nhận thật sâu sắc và cất lên tứ thơ. Tôi mong muốn tìm lại bản gốc bài thơ Chèo thuyền trên sông Neva và bổ sung và hoàn thiện bài viết này.
Sau này, tôi may mắn được vài lần đến thăm Neva và Volga những dòng sông huyền thoại của nước Nga mến yêu trong hành trình nhìn ra thế giới. Tôi thật sự xúc động khi liên tưởng những nét tương đồng trong số phận của hai dân tộc và những người lính. Người Việt và người Nga đều không hiếu chiến. Số phận dân tộc buộc họ lựa chọn sinh tử giữa tổ quốc niềm tự hào dân tộc với quyền con người và lý tưởng tự do. Đó là sự sâu thẳm Chiến tranh và hòa bình của L. Tonstoi, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Cự ngao đới sơn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Con đường đau khổ của A. Tonstoi, Nguyễn Du và Truyện Kiều , Solokhop và Sông Đông êm đềm, cùng biết bao những kiệt tác văn chương Nga Việt khác.
Tôi đã trãi qua cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, sau này được làm nhà nông học đi nhiều nơi ở Tây Nguyên từ núi Ngọc Linh hùng vĩ và sông mẹ SeSan của Bắc Tây Nguyên đến núi Chư Jang Sin cao vọi và sông mẹ Đồng Nai của Nam Tây Nguyên. Từ sinh sống ở Srepok và Nam Tây Nguyên đến những tháng ngày gian khổ học tập và luyện quân tại vùng núi trung du phía bắc sông Hồng, đã nhiều lần sang giúp nước bạn canh tác sắn lúa ở Căm pu chia, Lào dọc sông Mekong, tôi càng thấm thía những trãi nghiệm và liên tưởng nhiều về các dòng sông lớn.
Sông Srepok với Tây Nguyên
Sông Srepok phần Việt Nam đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk. Sông Srepok được hợp thành từ hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô có nhiều thác ghềnh hùng vĩ như thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H’linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh. Hiện tại dọc theo dòng sông này đã có rất nhiều các công trình thủy điện mọc lên như thủy điện Krông Bông, Krông Ana, Đray H’linh 1, Đray H’linh 2 (Cư Jút), Buôn Tou Srah (Lăk), Srepôk 3 (Buôn Đôn)…
Sông Srepok chảy sang Campuchia được bổ sung thêm nguồn chảy dồi dào từ dòng sông Ea H’leo, sông Sesan và sông Sekong. Hai sông này cũng có nguồn trên lãnh thổ Việt Nam. Sông Srepok nhập vào sông Mekong sát Stung Treng, tỉnh Stung Treng, Campuchia. Nơi đây, những năm gần đây vừa phát hiện được phần mộ của Trung tướng Nguyễn Bình, tại xã Srê-pốc, huyện Xê-san. Sông Srepok hợp lưu quan trọng nhất của con sông Mekong tại ngã ba Đông Dương và phân lưu quan trọng nhất của sông Mekong tại Phnôm Pênh.
Dòng sông Sê San ơi! là tản văn nổi tiếng của tì kheo Thích Giác Tâm, vị sư trụ trì ở chùa Bửu Minh tại Biển Hồ, mắt ngọc Pleiku, tỉnh Gia Lai ” Đó là tiếng kêu thảng thốt của con người khi đứng trên bờ của dòng sông. Sông đã không sống đời của sông nữa, mà sông đã sống theo cách mà con người muốn nó sống. Ngày xưa sông vô tư, hồn nhiên sống, khi lên ghềnh, khi xuống thác, khi buông thư chầm chậm nhởn nhơ như người vô sự ngắm mây bay, xem hoa nở, lắng nghe tiếng chim hót. Nhưng rồi con người đã can thiệp vào, bắt sông phục vụ con người, mà nhu cầu của con người ở trong cõi người ta này thì vô hạn, vô chừng, không biết bao nhiêu là đủ. Thủy hỏa tương khắc, nhưng với trí tuệ con người biến nước thành hỏa, thành điện năng. Biến bao nhiêu cũng không đủ cung cấp, bởi con người không khác gì con khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Đào tiên quý là vậy mà hái trong thoáng chốc đã sạch vườn đào của Tây Vương Mẫu, mỗi trái chỉ cắn một miếng rồi quẳng đi, vứt bỏ. Quẳng đi không hề nuối tiếc, mà đào tiên mấy ngàn năm mới ra trái một lần (điện rất quý có khác gì trái đào tiên đâu!).”
Vị thiền sư trên mắt ngọc cao nguyên viết tiếp: “Đầu năm đứng trên dòng sông Sê San, tôi đã ngắm nhìn sông và tôi đã thấy như thế. Rừng đại ngàn đã ngã gục xuống, dòng sông mênh mang đẹp như một dải lụa trắng của các đại sư Tây Tạng, Ấn Độ quấn choàng cổ, bắt nguồn từ các đỉnh núi cao của núi rừng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum băng qua đồi núi chập chùng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để rồi chảy qua biên giới Campuchia. Ngăn chặn dòng chảy, nhiều nhà máy thủy điện đã mọc lên, mọc lên để cung cấp năng lượng điện cho con người. Bên này nhà máy thủy điện nước mênh mang, bến bờ rộng thoáng vì nước tích tụ, đổ dồn nước về ba cái cống chạy tua bin phát điện. Bên kia nhà máy giòng sông khô cạn lởm chởm vô số đá, như những bãi đá ở bãi biển Quy Nhơn gần ngôi mộ Hàn Mặc Tử, so sánh cho dễ hình dung vậy thôi. Bãi đá ở biển Quy Nhơn, là đá sống, bởi có con người lân mẫn chăm sóc, cùng vui chơi ca hát quây phim chụp hình. Còn bãi đá ở dòng sông Sê San là bãi đá chết, đá chết bởi vì sông đã chết. Trong kinh Phật thường dùng từ: “Bên này bờ, bên kia bờ” . Bờ bên này là bờ sinh tử, vô minh, khổ đau. Bờ bên kia là giải thoát, an lạc, Niết Bàn. Đứng bên bờ sông Sê San tôi đã ngộ ra không có bờ bên này thì cũng không có bờ bên kia. Để tạo ra năng lượng điện con người phải trả giá cho cái được và cái mất. Được cho nhu cầu tiêu thụ của con người và mất cho môi trường sinh thái không còn cân đối, đảo lộn.”
Sông Srepok ở Đăk Lăk có tên gọi địa phương là sông Đăk Krông được nhắc đến trong bài hát nổi tiếng “Sông Đăk Krông mùa xuân về” của Tố Hải: “Đăk Krông ơi, Tây Nguyên ơi! / Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn./ Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng, đi suốt Trường Sơn xanh, nghe dòng sông chảy mãi./ Đăk Krông ơi, dòng sông xanh thắm…”
Đến Srepok, tôi đã may mắn được gặp nhiều già làng người dân tộc bản địa và người Kinh, được sống và làm việc với Một thế hệ Tây Nguyên mới, gồm nhiều bạn bè, người dân của các vùng miền Việt Nam về Tây Nguyên lập nghiệp. Họ cùng chung lưng đấu cật với dân bản địa hình thành nên một Tây Nguyên mới. Một số già làng bản địa mà tôi từng biết như anh hùng Đinh Núp người dân tộc Ba Na làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, là nhân vật chính, nguyên mẫu trong bộ tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Nhà giáo nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên nhiệm kỳ 1987 -1993 người dân tộc Ê Đê, sinh tại buôn Ea Sup, xã Kma Rang Prong, nay thuộc thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, tại Đắk Lắk. Các già làng người Kinh như PGS. TS. Phan Quốc Sủng- Nhà khoa học chiến thắng bệnh tật, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên (1993-1997), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cà phê Eakmat (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) trong nhiều năm. Cụ Đỗ Hữu Bá (bí danh Đỗ Văn Trị) Tỉnh ủy viên Đắk Lắk, Trưởng ban Dân tộc và Định canh Định cư tỉnh, đảng viên huy hiệu 60 năm tuổi đảng, là người Phú Yên, nay ở thành phố Buôn Ma Thuột, cụ đã từng ở Nga và là một pho địa lý, lịch sử về Tây Nguyên …
“Thuyền độc mộc, am Ngọa Vân” là bài thơ viết về hợp lưu Srepok huyền thoại này.
THUYỀN ĐỘC MỘC
Trịnh Tuyên
Quên tên cây
làm thuyền
Tận cùng nỗi cô đơn
– độc mộc!
Khoét hết ruột
Chỉ để một lần ngược thác
bất chấp đời
lênh đênh…
AM NGỌA VÂN
Hoàng Kim
Hứng mật đời
thành thơ
Việc nghìn năm hữu lý
– Trạng Trình
Đến Trúc Lâm
Đạt năm việc lớn hoàng thành
Đất trời xanh
Yên Tử …
Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Chúc mừng Năm mới 2016 vui khỏe hạnh phúc
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày
- Đến Neva nhớ Pie Đại Đế
- Chào ngày mới 26 tháng 1
- Bên lề chính sử
- Chuyện về Jobs
- Chào ngày mới 25 tháng 1
- Chào ngày mới 24 tháng 1
- Chào ngày mới 23 tháng 1
- Bên lề chính sử
- Chào ngày mới 22 tháng 1
- Những bạn tốt của nông dân trồng sắn châu Á
- Chào ngày mới 21 tháng 1
- Cây Lương thực 1.2016
- Sắn Thế Giới và Việt Nam
- Chào ngày mới 20 tháng 1
- Việt Nam Đại Hội 12 tin nổi bật
- Tỉnh lặng với Osho
- Chào ngày mới 19 tháng 1
- Chào ngày mới 18 tháng 1
- Một thế hệ Tây Nguyên mới
- Chào ngày mới 17 tháng 1
- Chào ngày mới 16 tháng 1
- Chào ngày mới 15 tháng 1
- Chào ngày mới 14 tháng 1
- Cây Lương thực 1.2016
- Chào ngày mới 13 tháng 1
- Chào ngày mới 12 tháng 1
- Chào ngày mới 11 tháng 1
- Chào ngày mới 10 tháng 1
- Chào ngày mới 9 tháng 1
- Chào ngày mới 8 tháng 1
- Chào ngày mới 7 tháng 1
- Chào ngày mới 6 tháng 1
- Chào ngày mới 5 tháng 1
- Chào ngày mới 4 tháng 1
- Chào ngày mới 3 tháng 1
- Chào ngày mới 2 tháng 1
- Chào ngày mới 1 tháng 1
Video yêu thích
KimYouTube
Trở về trang chính
Hoàng Kim Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và học Cây Lương thực Dạy và Học Tình yêu cuộc sống Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter
2016-01-27 17:00:07
Nguồn: https://khatkhaoxanh.wordpress.com/2016/01/28/song-srepok-voi-tay-nguyen/