Tại sao tôi không thích Tết?
Sunday, January 31, 2016 5:44
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tốn kém, lãng phí thời gian, sự giao đãi quá mức thông thường với bao hệ lụy, là lý do khiến tôi không thích Tết.
Với đa số người Việt, trong đó có tôi, Tết là sự trở về để tôn kính tổ tiên, đoàn tụ gia đình, là ký ức, là kỷ niệm.
Những giá trị thiêng liêng ấy cứ làm tôi và bất cứ ai, nôn nao mỗi khi những ngày cận kề Tết như lúc này. Nhất là với những người xa xứ.
Tôi biết, trong cái lạnh đất Bắc, mẹ tôi, cũng như những người mẹ khác luôn mong ngóng con về sau một năm xa quê. Không khí đoàn tụ dù nơi cái lạnh run người phương Bắc hay cái nắng hanh vàng của phương Nam, ai mà chẳng thèm khát?
Nhưng, nhìn những gì đã xảy ra trong dịp Tết suốt bao năm qua, mỗi lần nghĩ đến Tết, là tôi thấy hãi hùng, để rồi càng ngày tôi càng không thích Tết.
Hậu quả của sự giao đãi
Bạn bè tôi cứ đến dịp này là cứ tán loạn lên nhắn tin nhờ tôi tư vấn xem sẽ tặng sếp cái gì. Thậm chí, tặng vợ/chồng sếp cái gì để họ cùng vui.
Dù thưởng Tết chưa có, tiền lương cũng không còn nhiều với bao thứ phải lo, bạn tôi tất tưởi đi ra trung tâm thương mại sắm cho sếp cái cặp hàng chục triệu. Vợ sếp nghe đâu thích mỹ phẩm và nước hoa Pháp, thế lại thêm một khoản nữa.
Nó bảo, ở đây ai cũng thế rồi. Cả cơ quan, người này tặng mà người kia không tặng là sẽ có ngay “hậu quả”. Nhẹ là sự lạnh lùng. Nặng và “âm ỉ” thì… cứ ngồi đấy, chả bao giờ ngóc đầu lên nổi.
Cô bạn tôi làm cho một tạp chí ngành. Vì mỗi tội quà Tết “nhẹ” hơn các đồng nghiệp nên chiếc ghế phó phòng có nguy cơ bay về phương khác khi bài vở cô đưa lên liên tục bị gạt.
Theo tôi được bết, chức phó phòng tương lai ấy sẽ thuộc về một người rất được lòng ông ấy. Còn các chức khác như thư ký tòa soạn kiêm phó tổng biên tập thì đã thuộc về “ái phi” của vị sếp này.
Tất tả lo quà cáp, biếu xén mỗi khi đến Tết. Ảnh: Lao Động. |
Ngay với tôi, khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, với vị trí tập sự, vị trưởng phòng khi ấy cũng buông một câu thõng thượt khi tôi chuẩn bị gom những đồng nhuận bút nhỏ lẻ về quê: “Tết ai cũng sắm đồ mới, mà cái điện thoại của chú nó cũ quá rồi cháu ạ”
Những chuyện như thế này bạn bè tôi gặp rất nhiều. Chẳng biết từ bao giờ, cứ vào những dịp Tết, những vị sếp kiểu như thế bắt đầu trở thành một gánh nặng vô hình đối với những người làm công ăn lương.
Đó là giai đoạn trước Tết. Còn Tết đến nhà sếp chơi và chúc tụng lại là một chuyện khác nữa. Mừng tuổi con sếp, cháu sếp, cháu họ dây mơ rễ má “xa xôi quay về gần gũi” nhà sếp, thì đừng nói chuyện tiền mệnh giá nhỏ.
Có khi rảo một vòng, trong ví hết nhẵn cả tháng lương chứ chẳng chơi. Người thân sếp vui thì sếp cũng vui. Những niềm vui “nhỏ nhỏ” ấy dù tùy tâm nhưng cũng đã được định giá.
Những chuyện như thế này không còn xa lạ. Lỗi không phải do Tết mà chính là, người ta đang sử dụng Tết như một cái cớ để làm ra những hủ tục kiểu mới phản văn minh như thế.
Ám ảnh về những cái chết vì quá chén
Tết với cánh đàn ông là rượu là bia. Nâng chén chúc một năm mới mạnh khỏe là cái cớ. Còn ngồi ép nhau uống để có kẻ phải gục tại chỗ lại trở thành… niềm vui của kẻ khác.
Cách đây 3 năm, bạn tôi đến nhà một đồng nghiệp chơi Tết. Bạn đi cùng vợ và đứa con nhỏ. Theo lịch, bạn sẽ đến một vòng nhà từng người sau đó chở vợ con đi thăm bà con xa.
Khi đến nhà đồng nghiệp thì gặp ngay một cuộc nhậu vui xuân. Cứ lần lượt từng người, mỗi người một chén, rồi thêm “quy tắc bàn nhậu” là… uống thay cho vợ, khiến bạn tôi không còn đủ tỉnh táo để lái xe.
Bạn vẫn cố gắng đến thăm người thân vì lời hứa năm mới là phải thực hiện. Trên đường đi, xe tông vào cột điện. Bạn tử vong tại chỗ. Đứa con nhỏ văng xuống đường và ra đi theo bố.
Người mẹ bị chấn thương sọ não nhưng may mắn thoát chết, sống như người ngẩn về cả thể xác lẫn tinh thần suốt mấy năm trời.
Bây giờ, cứ mỗi ngày mồng 1 Tết, người mẹ ấy lại bị ám ảnh, nhất là khi tự tay dọn ra hai mâm cỗ để cúng giỗ.
Chen lấn, xô đẩy để có được một tấm vé xe về quê dịp Tết. Ảnh: Một thế giới. |
Những hoàn cảnh thương tâm như thế có ít không mỗi dịp Tết đến? Xin thưa là không ít. Các bản tin của đài truyền hình hay các báo ở mỗi ngày Tết, nổi bật nhất thường vẫn là những thông tin về tai nạn.
Người uống điều khiển xe không chuẩn gây tai nạn không chỉ làm hại đến mình mà còn làm hại đến bao người đi đường. Biết bao nhiêu người chết oan uổng khi gặp phải những ông say xỉn.
Có lẽ, nếu ai đã sống ở các miền quê cũng sẽ cảm thấy những hình ảnh “quen thuộc” của ngày Tết: cánh thanh niên phóng xe máy như bay sau khi nhậu xong.
Rồi những tiếng “rầm”. Kéo theo đó là nước mắt và nỗi ám ảnh…
Tốn tiền, lãng phí thời gian
Dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận, Tết là một dịp “tiêu tiền” quy mô lớn. Biết bao khoản từ hữu hình đến vô hình để tiêu xài cho dịp này.
Khổ sở nhất là những người xa quê. Trước Tết 2 tháng đã phải sốt sắng lên, đặt vé máy bay, vé tàu, vé xe. Mà vé thì không hề rẻ. Với lương công chức bình thường, vé máy bay đã hết một tháng lương.
Mà về thì đâu chỉ xách cái người không về. Quà cáp, đồ đạc đủ loại cho đủ người. Nếu về xe khách, khệ nệ xách lên xe, ông xe khách hành cho một đạc, thu thêm một khoản.
Nếu đi máy bay, gặp phải hãng hàng không “củ chuối”, cái cân hành lý nhích thêm vài lạng, mấy người phục vụ mặt đất hành cho một lượt, đóng thêm một khoản tiền.
Rồi cãi vã. Rồi năn nỉ. Rồi kênh kiệu. Rồi sôi máu lên. Có người không giữ được bình tĩnh của… tay chân, nhỡ tay tát mấy nhân vật kênh kiệu kia một phát. Cấm bay. Ví dụ thế, báo chí đã đưa đầy trường hợp thế.
Tết nhất mới hiểu được nỗi khổ của những người công nhân xa quê. Cày đêm cày ngày tăng ca đủ kiểu, gần ngày tận Tết mới được nghỉ, lục tục chen chúc trên cái xe khách chật như nêm cối.
Thậm chí, có người phải nằm im lìm giữa nắng bụi suốt hai ngày ròng, trên mui xe hay nằm trong gầm hành lý. Đã không ít những trường hợp như thế này, chỉ để về nhà ăn Tết.
Công nhân có nỗi khổ của công nhân. Công chức có nỗi khổ của công chức. Những người “làm to” hơn một chút cũng có nỗi khổ “to hơn một chút”.
Chung quy cũng từ giao đãi kéo theo tốn kém. Người Việt có máu sĩ diện, mà Tết là thời điểm để thể hiện cái máu sĩ diện ấy, bằng việc tiêu tiền.
Rồi mua đủ thứ. Rồi sắm đủ loại. Chỉ để chưng thế thôi, hết cuộc vui mới hiểu được sự lãng phí đến kinh hãi.
Sự lãng phí ngày Tết thể hiện qua từng bữa ăn. Ảnh: Báo Quảng Ngãi. |
Thức ăn đủ loại như thể cả năm dồn một đợt cho ngon, cũng chẳng mấy ai đụng đũa. Món ăn đủ loại, loại nào cũng ngon nhất, có nhà dọn cả sơn hào hải vị nhưng rồi dọn ra, gắp vài miếng lại mang vào. Vài lần thế thì mang đi đổ.
Mứt kẹo, bánh trái ê hề, khổ thân lũ ruồi và kiến. Gặp cái thời điểm chẳng ai mấy tin vào mứt kẹo vì làm quá bẩn, nên mua bao nhiêu về để đó. Rồi lại vứt.
Tết cũng là dịp sắm đồ mới. Gì chứ Tết đã mặc định với sự mới mẻ, nên bàn ghế, tủ giường, ấm chén, nói chung từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất, là phải mới.
Đồng tiền lẽo đẽo chạy theo cái mới ấy cũng mướt cả mồ hôi con người.
Nhưng có lẽ, lãng phí không kém tiền bạc, chính là thời gian. Nước ta nhiều lễ lạt, nên cũng khá nhiều kỳ nghỉ. Nghỉ cứ lắt nhắt vài ba ngày, lại bao chuyến đi về, tốn kém một mớ. Người nghỉ, việc thì ứ tắc không làm, tiền thì vẫn phải chi, phải xài.
Đã từng có ý kiến gộp Tết Tây với Tết ta để tránh sự lãng phí này như một số nước khác, nhưng không ít người cứ giãy nảy lên. Rằng làm thế là không có trái tim, không có quê hương, không có tổ tiên này nọ
Xin thưa, quê hương và tổ tiên, bạn hãy để trong sâu thẳm nhất của tâm hồn bạn, nhắc nhở mình sống tốt hơn, sống văn minh, sống hiếu nghĩa hơn suốt 365 ngày mỗi năm đi, chứ đâu phải để xa xôi và chờ đến dịp Tết để đáp đền?
theo Trí Thức Trẻ
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo