TÌnh NgƯỜi MỘt ThuỞ
Sunday, January 17, 2016 19:08
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Thời cha anh chúng ta trong khi ở nhà còn đang “tất cả cho tiền tuyến” thì được đi học ở Đông Âu quả là một đặc ân. Sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh chỉ có việc học và học sao cho thật giỏi, trong khi gia đình, bạn bè đang phải trải qua bom đạn, đói nghèo ở nhà. Tuy vậy đối với những nam nữ thanh niên thì nói gì thì nói, cuộc đời đâu chỉ có học hành và phấn đấu, “cơm ăn và áo mặc” cho cả gia đình ở nhà, tức là tìm cách cải thiện cuộc sống cho mình và người thân cũng là một nỗi lo bắt buộc của người mình. Và ngoài “học và làm” ra thì tuổi trẻ còn phải có những niềm vui nữa chứ, những điều ngày nay tưởng chừng hiển nhiên thì thời trước là những điều cấm cản vô cùng khắc nghiệt…
Trên đất bạn người Việt bao giờ cũng tự đặt ra cho mình những quy định khắt khe gần như nhất so với các quốc gia khác, chắc là chỉ thua Bắc Triều Tiên, và hầu như tại Liên Xô các quy định ấy bao giờ cũng được duy trì ngặt nghèo nhất so với người Việt ở các nước Đông Âu khác. Khối các trường quân sự bao giờ kỷ luật lại cũng hà khắc hơn các “trường ngoài” rất nhiều! Những năm 60 của thời kỳ “xét lại” người Việt đã phải giữ ý mọi bề, ngay cả với các bạn Liên Xô. Biết bao điều cấm cản được các cán bộ sứ quán (gọi chung là “các chú sứ”) truyền đạt đến từng trường (“đơn vị”). Nào là cấm xem phim tư bản, rồi đi đâu cũng phải đi ba người, sau rút xuống đi đâu cũng ít nhất hai người. Các cuộc vui chung của sinh viên ngoại quốc thì dân Việt mình chỉ ê chề đứng ngó, cấm không được “nhảy đầm”, và thường là phải nhanh nhanh mà rút về phòng. Cấm quần loe tóc dài, cấm treo tranh ảnh “tươi mát”, cấm buôn bán, cấm thậm chí “học khá”-bởi vì có những thời điểm, có những trường đạt điểm khá cũng có thể bị sứ quán tống cổ về nước trước sự ngạc nhiên của các bạn ngoại quốc! Về những chuyện đó anh chị em bên Liên Xô chỉ mơ được một phần tự do như các đồng hương mình bên Ba Lan, bên Tiệp…Sau năm 1975 và nhất là sau 1980 tình hình cũng được nới lỏng đi đôi chút, nhưng không phải như người ở nhà vẫn hình dung là một cuộc sống đầy niềm vui với những cô gái tóc vàng và những bàn rượu sóng sánh đâu!
Một điều cấm cản luôn được đặt lên hàng đầu, là mối lo thường trực lớn nhất của tất cả các “chú sứ” hay các “đơn vị trưởng”, các “bí thư”-đó là “tình yêu lứa đôi” hay “quan hệ nam nữ”, tùy muốn gọi thế nào cũng được! Thời trước ngay đến việc đôi bạn người Việt yêu nhau cũng không phải là một điều được khuyến khích, vì “nhà nước cho các cô các cậu sang đây để học chứ có phải để yêu đâu”! Nếu làm không đúng “quy trình”, hoặc nôn nóng đi quá xa, nhất là “ăn cơm trước kẻng” thì chuyện bị đuổi về nước là cầm chắc (bất chấp kết quả học tập nhé!). Còn “tội” yêu “Tây” thì quá lớn rồi, chắc chỉ đứng sau tội phản quốc mà thôi! “Đơn vị” bao giờ cũng phải nhắc nhở là nếu trong phòng có một bạn Tây khác giới, bất kể là đến thăm, trao đổi học tập hay mượn cái ấm đun nước thì cũng phải để cửa ngỏ! Muốn tránh bị lôi ra cuộc họp kiểm điểm về “tư cách” thì nếu bạn khác giới người nước ngoài (bất kể Nga, Cu Ba, Nam Mỹ hay Lào, Campuchia) rủ đi chơi, đi xem phim, vào rừng đi dạo… thì cách hay nhất là rủ thêm một, hai đồng hương nữa đi cho “an toàn”! Mà các cô gái “Tây” thì đẹp thật, lại ham vui, lại quý tính các chàng người Việt e lệ, nấu ăn ngon nữa chứ! Còn các cô gái Việt nhỏ xíu cũng khá hấp dẫn đối với mấy bạn tóc vàng đấy!
“Năm năm đại học chín lần thi
Một lần tốt nghiệp còn gì là xuân…”
Không hề có chỗ cho cái gọi là “tình yêu đẹp” ở đây! Bây giờ nhìn lại khó có thể suy xét điều đó là đúng hay sai, đều là “sự đã rồi”, chỉ biết là tội “quan hệ” như một lưỡi gươm lơ lửng treo trên đầu mọi người Việt ở Liên Xô, bất kể đó là ai! Chỉ đến khi có tiền lệ, là mối tình nổi tiếng của một chị con vị lãnh đạo cao nhất thời đó với một giáo sư Nga thì giới luật trên có được nới lỏng đi một chút ít thôi (và ngay mối tình rất đẹp đó cũng kết thúc trong đau đớn…). Nhưng ngoài một số “tiền lệ” khác nữa thì cho đến 1990 vẫn diễn ra thường xuyên những vụ “tẩy não”, kỷ luật, đuổi học, những đứa trẻ đáng lẽ đã được chào đời…
Mời các bạn xem những tấm ảnh. Anh H là một bộ đội cũ, một sinh viên của trường đại học Quan hệ quốc tế (MGIMO) danh tiếng của khóa 1977-1982, ở thủ đô Matxcơva (Liên Xô cũ).Một tương lai khá tốt đẹp chờ anh ở phía trước, nhiều bạn bè anh, đàn em anh ngày nay đang giữ những vị trí lãnh đạo ở nhiều bộ ngành, thì với một lý lịch “đẹp” như vậy anh cũng hoàn toàn có thể là một người trong số họ.
Tuy vậy chàng sinh viên rất đẹp trai, đúng kiểu đàn ông này đã đem lòng yêu một cô gái Nga, vì điều đó anh phải giữ rất kín quan hệ cá nhân này chính ngay với bạn bè cùng trường, và tất nhiên là với sứ quán-dễ hình dung ra điều đó không đơn giản một tý nào! Tốt nghiệp hè 1982 H đã không về nước (vì về nước tất nhiên đồng nghĩa với “chia tay mãi mãi”)-anh chọn ở lại với bạn gái, và quan trọng hơn, đó là ở lại với những đứa con! Tất nhiên là đừng nghĩ đến việc phía Liên Xô, và nhất là phía Việt Nam có thể đăng ký kết hôn cho họ. H trở thành “lưu vong”-người Việt ở lại nước ngoài không hợp pháp, dân ta hay gọi đùa là “lờ vờ”-và ít ai trong số người Việt dám công khai giữ quan hệ với anh. Như mọi người kể lại thì vì anh và vợ đã có 2 đứa con, đơn vị và các bạn ở cùng trường cũ cũng đều biết điều đó nhưng chính quyền làm ngơ đi để cho họ yên, mặc kệ yêu cầu của phía Việt Nam là phải “xử lý”. Cuộc sống chẳng phải như mơ, nhưng 4 người đã ở được bên nhau, cho đến hè 1985…
Liên hoan sinh viên quốc tế đã diễn ra từ 27/7 đến 03/8/1985, và để bảo đảm an ninh cho sự kiện chính trị khá quan trọng này trước sự kiện đó phía Liên Xô đã bắt anh, giao cho phía Việt Nam, và anh ngoài chuyện là sinh viên tốt nghiệp ở lại bất hợp pháp lại còn là người của quân đội, thì dĩ nhiên đã bị lưu dung về nước. Sau đó bạn bè cùng trường cũ rất ít ai đã từng gặp lại được anh…
30 năm sau được tin anh H đã mất, người bạn đời thuở nào và các con cũng đã từng ấy năm rồi chưa một lần được gặp lại anh. Họ mong ước một điều, là về Việt Nam để tìm được nơi anh yên nghỉ, để chào vĩnh biệt anh. Và nếu trời run rủi, họ mong cũng gặp được gia đình lớn của anh, vợ con anh…để kể về anh, để trả lại cho họ một trong những kỷ vật của anh mà họ còn giữ-đó là tấm bằng tốt nghiệp đại học.
Tôi không quen anh H, nhưng những người bạn Nga đã nhờ tôi tìm hộ thông tin nói trên, càng sớm càng tốt, để gia đình kia có thể thỏa được mong ước chính đang của mình. Tôi đã nhờ hỏi rất nhiều người từng là sinh viên trường MGIMO thời gian đó, nhiều người còn nhớ anh, nhưng hầu như không ai gặp lại được anh sau này, cũng chả ai biết anh sau khi về nước sống chết thế nào, đi làm đi ăn ở đâu…Vì một số lý do tế nhị tôi không thể nên tên anh trong bài viết, tuy nhiên những người biết anh từ trước chắc chắn sẽ nhận ra, và nếu ai có biết tin tức gì về anh, xin hãy inbox cho biết, chúng tôi và những người bạn Nga kia vô cùng cảm tạ! Chỉ biết anh là người con của vùng đất Thanh Hóa…Và cũng xin gia đình, những người thân của anh H đón nhận tấm lòng của những người bạn Nga, những người thực sự là ruột thịt của anh H, nghĩa tử là nghĩa tận, bởi dù anh nay đã đi xa thì tình người một thuở vẫn còn ở lại…
Mong được các bạn FB cùng chia sẻ và giúp đỡ, xin cảm ơn!
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo