Chỉ bốn ngày sau khi công bố thông tin về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ sắp tới, hôm qua 29/2, Sacombank ra thông báo hủy nội dung này.
Dự đoán lợi nhuận của Sacombank vẫn thấp trong năm 2016 do phải tăng dự phòng để đối phó với các tài sản có vấn đề, theo hãng xếp hạng Moody’s. |
Cụ thể, trong công văn gửi Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 29/2, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ hủy nội dung “lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016 – 2020.”
Sacombank không nói lí do sự thay đổi này.
Trước đó bốn ngày, trong thông báo gửi tới (HOSE) do ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kí, Sacombank cho biết thống nhất chọn ngày 14/3 sẽ là ngày đăng kí cuối cùng để “lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.”
Cùng với đó là để cử ứng cử thành viên viên Hội đồng quản trị và ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Sacombank cũng cho biết sẽ giao văn phòng hội đồng quản trị là đầu mối, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên theo đúng quy định.
Trong hơn 3 năm trở lại đây, Sacombank là cái tên được nhắc đến nhiều trên mặt báo, bắt đầu từ cuộc “thâu tóm” tốn kém giấy mực năm 2012. Khi ấy, ông Trầm Bê và nhóm nhà đầu tư liên quan đã tiếp quản Sacombank, trong khi vẫn đang sở hữu hơn 20% cổ phần Southernbank.
Vào ngày đầu tiên của tháng 10 năm ngoái, Southernbank đượcchính thức sáp nhập vào Sacombank. Toàn bộ quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai ngân hàng được đảm bảo giữ nguyên sau sáp nhập. Sacombank thuộc top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê cũng thôi giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank kể từ ngày 11/11 năm trước, một quyết định không mấy dễ chịu với ông Bê khi “Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan.”
Hoàng Hưng