Những ‘tử huyệt’ của thuyết tiến hóa
Tuesday, February 16, 2016 19:29
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Hình trên: Một bài báo trên tạp chí Natural News (Tin thức về Tự nhiên), nhan đề: “Mâu thuẫn khổng lồ trong ‘tư duy khoa học” bị tiết lộ: Thuyết tiến hóa không có cách nào giải thích nguồn gốc sự sống”.
Khi thảo luận về thuyết tiến hóa, sau khi thừa nhận ảnh hưởng lớn của lý thuyết này trong xã hội hiện đại, giáo sư bác sĩ Nhân tử Nguyễn Văn Thọ đã gián tiếp phủ nhận nó bằng nhận định sau đây: “Thuyết tiến hóa của Darwin có rất nhiều nhược điểm và có thể nói là có rất nhiều ‘tử huyệt’”. Đó là một thông điệp tích cực gửi tới bất kỳ ai đang tìm kiếm sự thật của cái gọi là “tiến hóa”…
LỜI GIỚI THIỆU
Bác sĩ Nhân tử Nguyễn Văn Thọ (1912 – 2014) là một học giả uyên bác, tác giả của hàng loạt công trình khoa học và triết học công phu, sâu sắc, đáng được nghiên cứu và học hỏi [1]. Những vấn đề ông thảo luận thâu tóm nhiều lĩnh vực tri thức từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, từ tự nhiên đến xã hội,… không dừng lại ở những tiểu tiết kỹ thuật, mà thường quy về những nguyên lý triết học tổng quát.
Cá nhân tôi rất bất ngờ khi tìm thấy ở ông những bình luận sâu sắc về thuyết tiến hóa. Giữa năm nay (2015), khi tôi bắt đầu lên tiếng phê phán thuyết tiến hóa trên PVHg’s Home, tôi không hề biết ý kiến của ông về thuyết tiến hóa. Nếu biết, chắc chắn tôi đã trích dẫn. Nhưng « tard vaut mieux que jamais / muộn còn hơn không bao giờ ». Hôm nay tôi ngẫu nhiên được biết quan điểm của ông về tiến hóa, tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy ý kiến của ông về căn bản phù hợp với những gì tôi đã trình bày trên PVHg’s Home, mặc dù còn có một vài ý tứ của ông tôi không tán thành cho lắm.
Thảo luận của ông về tiến hóa được giới thiệu dưới đây nhan đề “Những nhược điểm của Thuyết Tiến hóa” là một phần của Chương 2 trong cuốn sách “Lecomte du Noüy và học thuyết viễn đích” do ông viết, nhằm giới thiệu tư tưởng của Pierre Lecomte du Noüy, một nhà vật lý sinh học và triết học xuất sắc người Pháp đầu thế kỷ 20 [2].
Khi đăng lên PVHg’s Home, tôi thực hiện một vài biên tập cần thiết, như : sửa lỗi chính tả ; thay đổi một vài từ ngữ cho gần với tiếng Việt hiện nay hơn; mở ngoặc giải thích hoặc bình luận thêm cho rõ nghĩa; tô đậm những chỗ tôi muốn nhấn mạnh; bổ sung hình minh họa và giải thích minh họa; và để cho khỏi rối mắt, tôi bỏ các ghi chú của tác giả trong bài, độc giả nào cần tìm hiểu kỹ các ghi chú đó, xin tìm đọc bản gốc của tác giả theo đường link ở ghi chú [2].
Xin trân trọng cảm ơn cố giáo sư bác sĩ Nguyễn Văn Thọ.
PVHg, Sydney 26/12/2015
NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM CỦA THUYẾT TIẾN HÓA
Tác giả: Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
… Thuyết tiến hóa có rất nhiều nhược điểm và có thể nói là có rất nhiều «tử huyệt».
Hình bên: “Sự sụp đổ của thuyết tiến hóa”, sách của Harun Yahya
1) Nhược điểm của chủ trương loài nọ biến thành loài kia.
Trước hết thuyết tiến hóa chủ trương sinh linh đã biến hóa từ loài nọ qua loài kia, từ côn trùng đến con người, và đưa ra bằng chứng là theo những khám phá cổ sinh vật học và địa chất học thì các loài đã xuất hiện một cách lớp lang, thứ tự, loài hạ đẳng thô sơ có trước, loài thượng đẳng phức tạp sinh sau.
Nhưng chính các nhà cổ sinh vật học lại thú nhận rằng các loài, các giống y như là đột hiện, đột khởi, khó mà minh chứng được loài nào đã sinh ra loài nào. Nếu vậy thì chứng cứ đưa ra là một hư chứng.
Nếu giả thuyết tiến hóa mà đúng, nghĩa là theo thời gian, loài này phải biến ra loài kia, thì sau một tỉ năm tiến hóa, đào thải, các loài thô sơ, nhỏ thó, các loài hạ đẳng vì xuất sinh ra trước chắc chắn đã mai một hết rồi, sân khấu đời đã được nhường cho những loài thượng đẳng. Nhưng thực tế thì ngược lại; hiện nay ước lượng có tới bốn triệu giống sinh linh; người ta mới biết được chừng một triệu giống, mỗi năm biết thêm được chừng hai mươi ngàn giống.
Trong một triệu giống còn lại đó: sâu bọ đã chiếm mất 600.000 giống, mà các động vật có vú chỉ có 15.000 giống.
Tại sao mặc dầu những vật thượng đẳng chuyên môn hà hiếp, tiêu diệt các loài vật hạ đẳng, mà các loài này cũng không chịu chết, chịu biến?
Rắc rối hơn nữa, những tổ tiên của chúng ta vẫn còn sống sờ sờ; suốt ngày chuyên lo báo hại chúng ta. Đó là những siêu trùng, những vi trùng. Chẳng biết siêu trùng hay vi trùng là tổ tiên chúng ta, nhưng chắc rằng giữa đôi bên, ta và chúng, chẳng có một chút gì là thương xót, kính nể lẫn nhau: tổ tiên, thì lo hại con cháu; con cháu thì chế độc dược để tiêu diệt tổ tiên. Thật là vô cùng hỗn loạn. Mỗi ngày, người ta lại còn tìm ra thêm nhiều loại siêu trùng, siêu siêu trùng mới, thành thử công cuộc của nhân loại hiện nay đi tìm tổ tiên lại càng thêm khó khăn vất vả!
Người ta đã vô tình hay hữu ý trà trộn hai sự kiện hoàn toàn khác nhau:
1) Các loài xuất hiện kế tiếp nhau và một ngày một tiến hóa hơn, hoàn bị hơn.
2) Và các loài đã biến hóa sinh xuất ra nhau.
Áp dụng lý luận ấy vào cuộc đời ta mới thấy rõ ngụy biện.
Ví dụ: người Chàm đã xuất hiện trước người Việt ở miền Trung; các người da đỏ Sioux, Iroruois, Cherokees đã xuất hiện trước các người Anglo-Saxons ở Hoa Kỳ. Nếu vậy thì người Chàm đã biến hóa thành người Việt; người Sioux, Iroquois, Cherokees đã biến hóa thành người Mỹ hiện nay chẳng sai, bởi vì chúng ta có những hài cốt, những di tích lịch sử chứng minh!…
Hoặc là ra đường chúng ta thấy có đủ loại xe, có bánh như nhau và cũng di chuyển được như nhau; có cái nhỏ, có cái to, có cái giản dị, có cái phức tạp. Nào xe đạp, nào Honda, Suzuki, Vespa, Lambretta, Cyclo đạp, Cyclo máy, ôtô, GMC v.v…Áp dụng định luật tiến hóa, ta kết luận: nhất định xe đạp đã sinh ra xe gắn máy, xe gắn máy đã sinh ra ôtô, ôtô sinh ra GMC vì hình thù tất cả đều tương tự như nhau, như vậy chắc chắn là phải xuất sinh cùng một thủy tổ là cái xe đạp!
André Lamouche trong quyển «Định mệnh con người» cũng đã nhận thấy cái ngụy biện ấy.
Từ sự kiện đã quan sát được là sinh linh, đã liên tiếp xuất hiện, tuần tự tiến hóa nghĩa là có loài này hơn loài kia, loài sau thường hoàn hảo hơn loài trước mà kết luận được loài nhỏ đã sinh ra loài to, loài hạ đẳng sinh ra loài thượng đẳng, thì thật là một ngụy biện siêu phàm, đáng kể là sản phẩm của Gorgias, nhà ngụy biện trứ danh Hi Lạp; của Huệ Tử hay của Công Tôn Long!
2) Nhược điểm, của chủ trương vạn vật xuất sinh từ một tế bào nguyên thủy.
Hình bên: Sách “Vĩnh biệt thuyết tiến hóa của Darwin”.
Chẳng những thế, học thuyết tiến hóa còn chủ trương: vạn vật đã phát sinh từ một gốc, không phải là từ một con trùng, một tế bào không mà thôi, mà còn từ nguyên tử đầu tiên của vật chất, theo thuyết máy móc.
Giả thuyết này trên phương diện thực nghiệm đã vấp phải trở ngại là không tìm ra được những sinh vật trung gian, và những sự biến hóa nghiệm thấy thường rất hữu hạn.
Về vấn đề lý, nếu chấp nhận một «mầm mống duy nhất» thì phải chấp nhận rằng trong tế bào nguyên thủy đã tiềm ẩn tất cả sinh vật, tất cả các hình trạng sinh linh – Weismann cho rằng cứ lý phải vậy; Lecomte du Noüy cho rằng chẳng phải vậy; Darwin, Lamarck cho rằng tất cả biến hóa là do cố gắng cá nhân, là do hoàn cảnh xui khiến; mỗi người một phách, nội bộ chia rẽ như thập nhị sứ quân.
3) Nhược điểm của thuyết di truyền tập tính
[Di truyền tập tính là di truyền những đặc tính không do bẩm sinh, mà do tác động của môi trường kể từ sau khi sinh ra. Tiếng Anh gọi những đặc tính này là “acquired characteristics” (những đặc tính mới giành được). PVHg]
Các ông tổ của thuyết tiến hóa như Lamarck, Darwin, Herbert, Spencer chủ trương rằng sở dĩ có tiến hóa chính là nhờ ở sự di truyền tập tính.
Herbert Spencer chủ trương phải có di truyền tập tính, nếu không thuyết tiến hóa sẽ sụp đổ.
Lecomte du Noüy cũng tin có di truyền tập tính. Ông nại ra các thí nghiệm của Kellog và Bell về các loại sâu róm, của Arnold Pictet và Fischer trên các loại bướm, và kết luận tập tính có thể di truyền.
Tưởng nên ghi nhận rằng Mitchourine (1855-1935) và Lyssenko cũng chủ trương di truyền tập tính. Hai nhà bác học Nga này cho rằng các phần tử nhỏ của thân thể, kể cả chất dịch, đều có thể mang tính di truyền, chứ không phải cứ nhiễm thể mới mang được tính di truyền.
Nhưng đa số các nhà di truyền học trong đó có Weismann chủ trương ngược lại rằng tập tính không thể di truyền được, vì các tập tính chỉ có tác dụng đến hình hài, chứ không có tác dụng đến di tử, chủng tử. Nhưng chỉ khi nào di tử, chủng tử biến thiên, hoán cải, thì mới có những sự thay đổi thực sự về hình hài và mới có sự truyền tử lưu tôn.
Jean Rostand một nhà sinh lý học lỗi lạc viết như sau: «Tai hại thay cho học thuyết Lamarck, là những sự biến cải trên bình diện hình hài do ảnh hưởng của hoàn cảnh hay do hoạt động không bao giờ truyền lại được cho con cháu. Những biến cải ấy hoàn toàn là sở hữu cá nhân, vì chẳng có một cái gì có thể nhập vào gia tài di truyền được; như vậy, nó không có giá trị gì về phương diện tiến hóa.
Không những Wallace và Weismann, mà ngay cả phái chủ trương thuyết sậu biến của De Vries cũng không chấp nhận thuyết di truyền tập tính.
Ta cũng nên biết vụ ngụy tạo chứng cứ của P. Kammerer về di truyền tập tính đã bị G.K. Noble phanh phui năm 1926, và Paul Kammerer xấu hổ, đã tự sát.
Tạp chí Life xuất bản ngày 17-3-1947 cho rằng các nhà di truyền học hiện tại ít ai tin thuyết di truyền tập tính.
Vậy nếu trở ngược lại lập luận của Herbert Spencer nói trên, ta sẽ phải đi đến kết luận: vì chưa chứng minh được rằng tập tính di truyền, nên chưa thể kết luận vật này đã biến thành vật nọ…
Thuyết di truyền tập tính còn chứa ẩn nhiều ngụy biện ghê gớm:
– Theo thuyết này, thì chẳng có gì là thiên bẩm, thiên phú. Mọi sự đều là thủ đắc, tập thành.
– Tai mắt, chân tay, cổ cánh đã sinh ra hoàn toàn là đấu tranh sinh tồn, ảnh hưởng ngoại cảnh, nói cách khác, «nhu cầu hoạt động sinh ra cơ quan».
Thú thực, dẫu chúng ta quí trọng các nhà bác học mấy mặc lòng, nhưng mà chúng ta cũng không thể nào chấp nhận những giả thuyết thần kỳ đó được.
Từ một sự kiện mọi người đều công nhận là ngoại cảnh, thủy thổ có thể ảnh hưởng, có thể biến cải sinh vật, mà mập mờ đi đến kết luận rằng mọi sự đều do ngoại cảnh sinh và không có gì là bẩm sinh, thiên phú, thực là một nguy biện ngoại hạng!
4) Nhược điểm của thuyết đấu tranh sinh tồn, tuyển lựa tự nhiên.
Darwin có ý niệm về «đấu tranh sinh tồn», sau khi đọc sách của Malthus, và về tuyển lựa tự nhiên, sau khi quan sát những cách thức lựa giống, lai giống của các nhà chăn nuôi súc vật.
Cho nên, ông nghĩ rằng đấu tranh để sống sót là một cuộc đấu chí tử giữa sinh linh, do đó chỉ những vật thật mạnh, thật giỏi mới sống sót.
Đó là cách tuyển lựa tự nhiên của trời đất.
Sự đấu tranh và tuyển lựa ấy bắt buộc mọi loài phải biến cải, tiến hóa, để có thể kháng cự thù địch một cách hữu hiệu hơn.
Các sự biến cải ấy sẽ được truyền tử lưu tôn, và dần dà sinh ra các nòi giống mới.
Đã đành, sống trên đời bất kỳ loài nào cũng phải cố gắng, có vậy mới có miếng nuôi thân, có thể tiến tới. Nhưng từ đó đi đến kết luận mọi loài sinh ra là cốt để xâu xé lẫn nhau, tranh cướp nhau miếng ăn, giành giật nhau đất sống thì kể cũng quá khích.
Theo chủ trương mạnh được yếu thua, khôn sống bống chết này, thì lẽ ra trên đất những sâu bọ, ruồi muỗi phải chết hết, còn những khủng long, độc xà phải được phát triển; dưới nước, những tôm tép, mòi lẹp phải chết hết, chỉ những kình nghê mới sống sót. Nhưng trái lại, trên thực tế, các loài vật nhỏ vẫn đầy dẫy nhan nhản…
Nếu sau ngót một tỷ năm tiến hóa, mà những sinh vật li ti hạ đẳng, thô sơ yếu đuối như nay vẫn còn sống sót, thì cứ như thuyết Darwin, chúng phải là những con vật mạnh mẽ, lanh lợi, sung sướng nhất, thích ứng nhất với hoàn cảnh rồi, mà đã thích ứng quá mức như vậy, thì làm gì có tiến hóa nữa !
Ngoài ra, đào thải, tuyển lựa là chọn tốt, bỏ xấu, chứ không phải sinh ra những đặc tính mới. Như vậy, thì tại sao loài này có thể khác loài kia được ?
Giáo sư Culter đại học Chicago cho rằng: nhược điểm của thuyết đào thải tuyển lựa tự nhiên là nó không sinh ra được đặc tính mới.
Đã đành trong quần sinh có những loài mạnh ăn thịt loài yếu, nhưng những loài yếu lại sinh sôi nảy nở rất nhiều để bù đắp lại: một con cá có thể đẻ hàng triệu trứng, các loài côn trùng thường cũng sinh sôi nảy nở rất nhiều, rất nhanh. Lại nữa, ta thấy trong loài vật nhỏ, nhiều con có phép ẩn thân (mimétisme), lẩn trong cây cỏ, hòa mình vào với lá, cành khéo đến nỗi nhiều khi không nhận được chúng. Như vậy, y như là tạo vậy cũng cố sức bảo tồn các loài đã có, không muốn chúng bị tiêu diệt đi.
Hơn nữa định luật đấu tranh sinh tồn cũng không hoàn toàn đúng; vì chúng ta thấy loài vật tuy dữ nhưng thường không ăn thịt hay làm hại lẫn nhau: «Ong kia đâu có đốt nhau, Hổ kia đâu có xé xâu đồng loài.»
Xét về loài người, thì ta chỉ thấy những kẻ lưu manh hạ cấp mới lo hãm hại người, còn những chính nhân quân tử mọi nơi mọi đời đều hi sinh vì người, tán trợ phụ bật người, lấy câu «thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác» làm phương châm. Khắp thế giới, hiện nay, có nhiều cơ quan cứu trợ, và các nước đàn anh bất kỳ là trong màn sắt, hay ngoài màn sắt cũng lo giúp đỡ những nước hậu tiến. Tất cả các chủ nghĩa, các chính thể bất kỳ xanh, đỏ, trắng, vàng, đều muốn loại trừ mọi sự bất công, bóc lột, muốn cho mọi người được no ấm, có những điều kiện tiến bộ đồng đều, thế có phải là phản lại Darwin hay không ?
Học thuyết Darwin cho rằng sự tuyển lựa đào thải cốt là thải loại những đặc điểm vô ích. Nếu vậy thì đến con người đáng lý phải có cách chư chim, có móng vuốt như hổ, có da thịt như voi, biết bơi, biết lội như cá, biết leo trèo như khỉ vượn, bởi vì tiên tổ từ loài sâu bọ sấp lên, thường con nào cũng có sở trường: biết bay, biết lội, biết trèo, mà những tài ngoại đó chẳng cần tập cũng biết, hơn nữa rất cần cho cuộc sinh nhai.
Thế mà, đến con cháu, xa xăm là loài người, thì mất cánh, mất lông, mất vuốt; da thịt lại mềm mại xinh xắn; quên bay, quên lội, dốt chạy, dốt trèo; nhưng lại đốc giống ra thông minh, linh lợi, biết nói, biết hát, biết đùa, biết giỡn, đóng tuồng, diễn kịch, cầu khẩn van vái thần minh, thì kể cũng lạ thật.
5) Nhược điểm của thuyết đột biến (mutationnisme)
Hình bên: Đột biến có thể tạo ra thông tin mới không? Không!…
De Vries chủ trương vạn vật tiến hóa là nhờ đột biến, ngẫu biến. Nhưng thuyết đột biến không cắt nghĩa được tại sao cuộc tiến hóa lại có chiều hướng, một ngày lại một thêm hoàn hảo hơn, tinh vi hơn.
Vả lại các nhà khoa học nhận thấy rằng phần nhiều các sự biến hóa hoặc tự nhiên hoặc nhân tạo thường là những quái thai và thường tảo vong, yểu tử.
6) Thuyết tiến hóa có nhiều tranh chấp nội bộ
Như ta đã nói trên thuyết tiến hóa đã do nhiều người đóng góp xây dựng, nhưng thực ra mỗi người đưa ra một ý kiến và chẳng ai chịu ai.
Phái Lamarck thì phi bác Darwin, phái Darwin thì phủ nhận học thuyết Lamarck.
Weismann và De Vries không chấp nhận thuyết di truyền tập tính v.v…
Lamarck chủ trương: ngoại cảnh và lề lối sinh hoạt gây nên các biến hóa nơi quần sinh, không có gì đã được tiền định từ trong trứng. Darwin cho rằng sự biến hóa là kết quả của sự đấu tranh sinh tồn đào thải tự nhiên, và loài nào có nhiều khả năng hơn sẽ sống sót. Weismann chủ trương ngược lại rằng biến hóa là một hiện tượng nội tạo ẩn áo, chỉ lệ thuộc vào sự cấu tạo thiên tiên của trứng. Hoàn cảnh bên ngoài có thể hỗ trợ, hoặc làm trở ngại chứ không có thể hướng dẫn được công cuộc đó. Sự diễn biến của các giai đoạn phát triển chỉ tùy thuộc vào cơ cấu đầu tiên của trứng sinh vật.
Vì chưa có thuyết nào hoàn hảo để giải thích được sự biến hóa, nên đầu thế kỷ XX, ta lại thấy vô số lý thuyết mới ra đời như:
– Thuyết tổng hợp của J. Huxley, Dobzhansky và Simpson.
– Thuyết của Mitchourine và Lyssenko.
Và một số lý thuyết khác, nhưng cũng không giải thích thêm được gì.
[Nếu thuyết tiến hóa là một học thuyết khoa học có chứng cứ rõ ràng và thuyết phục thì không thể có những mâu thuẫn nội bộ không ai chịu ai như thế. Vậy mà người ta lại bắt trẻ em ở nhà trường phải tiếp thu một mớ lý thuyết hổ lốn như vậy. Khoa học và giáo dục ở đâu? PVHg]
7) Các nhà bác học đôi khi cũng đã mắc phải những lầm lẫn lớn lao và đôi khi cũng có gian ý, ngụy tạo chứng cứ.
Những vụ điển hình nhất là:
a) Huxley tưởng mình đã tìm ra được sinh chất ở đáy biển. Ông gọi chất đó là Bathybius Hœckele. Hœckel cũng tưởng thật, đã từ chất đó, mô tả suy diễn ra cả cuộc tiến hóa quần sinh mãi sau Huxley mới thú nhận mình đã lầm và cái chất có danh từ Bathybius mỹ mạo ấy chỉ là chất Sulfat vôi.
b) Vụ ngụy tạo đồ bản của Hœckel [ngụy tạo hình vẽ bào thai, PVHg]
c) Vụ Dawson ngụy tạo xương người tiền sử Piltdown bằng cách dũa xương đười ươi rồi cắm vào hàm một sọ người tiền sử. Teilhard de Chardin, Keith Woodward và nhiều bác học khác đều mắc lừa. Mãi đến ngày 22-11-1953, giáo sư Oakley mới khám phá ra được vụ ngụy tạo ấy.
d) Vụ man trá của bác sĩ Dubois đã từ chiếc sọ đười ươi dựng nên câu chuyện «hầu nhân xứ Java». [69]
e) Vụ ngụy tạo chứng cứ của Paul Kammerrer [70] v.v…
Tuy nhiên muốn cho công bằng ta cũng phải nhận rằng những vụ ngụy tạo này là thế gian thường tình, vì ngay đạo giáo cũng đã thường phạm những lỗi lầm này, như lịch sử đã chứng minh.
[Bình luận của PVHg: Tại điểm này, tôi không đồng ý với Nhân tử Nguyễn Văn Thọ khi ông cho rằng sự gian lận lừa đảo này là chuyện thường tình. Theo tôi, đây là vấn đề NGHIÊM TRỌNG, vì những vụ lừa đảo này đã THÀNH CÔNG trong việc tạo ra ẤN TƯỢNG rằng tiến hóa là một sự thật hiển nhiên. Ấn tượng này bám chặt trong đầu óc của rất nhiều người trong nhiều thế hệ đến nỗi không thể thay đổi được nữa, ngay cả khi người ta được biết thuyết tiến hóa có rất nhiều vụ lừa đảo bằng chứng. Nói cách khác, sự gian lận và lừa đảo trong thuyết tiến hóa đã để lại một THẢM HỌA VỀ NHẬN THỨC CỦA NHÂN LOẠI. Thảm họa điển hình là “Người Piltdown” đã được lấy làm bằng chứng trong “Vụ án Scopes” ở tiểu bang Tennessie, Mỹ, năm 1925, để bênh vực cho John Scopes. Nhưng vài chục năm sau, “Người Piltdown” bị lột mặt là một vụ lừa đảo, một bằng chứng giả của thuyết tiến hóa. Có nghĩa là những vụ lừa đảo trong thuyết tiến hóa đã để lại những hậu quả không thể sửa chữa được nữa – sự gian dối đã chiến thắng! Đó là một BI KỊCH chứ không phải là chuyện thường tình. Cần phải nhấn mạnh câu hỏi: Tại sao thuyết tiến hóa có nhiều vụ lừa đảo? Câu trả lời rất rõ ràng và dễ hiểu: Sự gian lận lừa đảo trong thuyết tiến hóa xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm bằng chứng của lý thuyết này, nhưng vì nó không có bằng chứng nên phải ngụy tạo. Vậy sự ngụy tạo bằng chứng trong thuyết tiến hóa chính là bằng chứng tố cáo tính chất phi khoa học của thuyết tiến hóa. Không thể coi đó là sự thường tình. Đó là một dữ kiện quan trọng để bác bỏ thuyết tiến hóa. Muốn biết rõ các vụ lừa đảo trong thuyết tiến hóa, xin đọc các bài trên chủ đề Sinh Hóa trên PVHg’s Home.]
8) Các biện chứng nêu ra trong các sách giáo khoa được trình bày một cách rất khéo léo, bằng cách trưng ra một vài bằng chứng, còn bao nhiêu khó khăn đều được đậy điệm bỏ qua đi hết.
Hình bên: Sách “Cái chết của thuyết tiến hóa”.
Thường các sách giáo khoa minh chứng thuyết tiến hóa như sau: Các sinh vật có cùng một thủy tổ và loài hạ đẳng dần dà đã biến thành loài thượng đẳng. Ta có thể chứng minh bằng:
– Khoa cổ sinh vật học (paléonlogie)
– Khoa cơ thể học đối chiếu (Anatomie comparée)
– Khoa phôi học (embryologie)
a/ Khoa cổ sinh vật học cho thấy sự xuất sinh tuần tự của các loài sinh vật. Sự khảo sát địa khai, đã cho biết rằng qua các thời kỳ địa chất các loài vật đã xuất sinh theo một thứ tự nhất định: nhưng loài hạ đẳng, đơn sơ bao giờ cũng xuất hiện trước những loài cao đẳng phức tạp hơn…
b/ Cơ thể học đối chiếu cho thấy «những vật thuộc cùng một nhóm» được kiến tạo theo một hoành đồ chung (nguyên tắc hoành đồ nhất trí của Geoffroy St. Hilaire).
c/ Khoa phôi học cho thấy các bào thai động vật mới đầu giống nhau, sau dần mới khác.
Nhưng sự xuất sinh theo một thứ tự nhất định của các loài vật không có nghĩa là loài nọ biến hóa ra loài kia.
Nguyên tắc «hoành đồ nhất trí» của Geoffroy Saint Hilaire chỉ đúng một phần nào nơi động vật có xương sống, nhưng không thể áp dụng cho toàn thể sinh linh.
Ví dụ, nếu tất cả đều có một tổ chức, một cốt cách tương tự nhau, thì sao côn trùng lại không có xương cốt, các loài cua ốc, sò hến xương cốt lại y như hiện ra bên ngoài, các loài động vật có xương sống, thì xương cốt lại lặn vào bên trong?
Đó chính là điểm đã gây thảm bại cho Geoffroy Saint Hilaire, con người đã sáng tạo ra học thuyết, trong cuộc tranh luận với Cuvier về thuyết hoành đồ nhất trí của ông, trước Hàn lâm viện Pháp năm 1830.
Nguyên tắc «Hoành đồ nhất trí» của Geoffroy Saint Hilaire cũng không giải thích được tại sao nơi sinh vật thượng đẳng thì hình hài phức tạp trong một cơ thể có nhiều cơ quan.
Còn nơi sinh vật hạ đẳng tối sơ thì hình hài cơ thể giản dị hết sức đến mức độ chỉ gồm có một tế bào; thế nhưng về phương diện sinh lý thì đôi đàng đều làm được những công việc chính yếu như nhau.
Khoa phôi thai học chỉ đề cập đến điểm tương đồng giữa các bào thai động vật nhưng đã bỏ qua những điểm tương dị ghê tởm. Ví dụ:
1/ Sự sinh sản bằng cách phân thân của các loại vi trùng.
2/ Sự sinh sản bằng âm dương hợp chủng của các sinh vật.
3/ Sự sinh sản bằng trứng, bằng cách ấp ủ bên ngoài nơi rắn rết, cá mú, chim chóc. Ngược lại nơi các động vật có vú thì lại đổi thành sự thai nghén bên trong.
Ấy chưa kể đến những nghi vấn lớn lao là làm sao những con trùng không tim, không óc, không phổi, không mũi, không tai, không mắt lại biến thành được những động vật, những con người có tay chân mặt mũi tim óc hẳn hoi với 14 tỉ não bào, và những dây thần kinh như mắc cửi khắp thân hình. Cái đó thì các sách giáo khoa không đề cập tới.
[Bình luận của PVHg: Hiện nay trong các sách giáo khoa sinh học vẫn tồn tại nhiều bằng chứng phục vụ thuyết tiến hóa, mặc dù những bằng chứng này đã bị cộng đồng khoa học thế giới tố cáo là giả mạo, lừa đảo. Điều này hết sức nguy hại, vì nó làm hỏng tư duy của trẻ em, những chủ nhân của xã hội tương lai]
Hình bên: Một cuộc thăm dò dư luận về thuyết tiến hóa ngày 22/04/2011. Câu hỏi phỏng vấn là “Bạn có tin rằng chúng ta tiến hóa từ khỉ không?”. Kết quả:
55% trả lời Không!
26% trả lời Có!
19% không trả lời
Riêng trong số sinh viên được hỏi, kết quả là:
50% trả lời Không!
22% trả lời Có!
28% không trả lời.
Câu hỏi đặt ra là tại sao sinh viên là đối tượng bị nhồi nhét thuyết tiến hóa nhiều nhất mà đại đa số lại không tin thuyết tiến hóa?
GHI CHÚ:
[1] Tiểu sử Nhân tử Nguyễn Văn Thọ :
[2] “Lecomte du Noüy và học thuyết viễn đích”, Nhân tử Nguyễn Văn Thọ :
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo