Mặc dù báo lãi khủng trong năm 2015 (gần 7.500 tỷ đồng) song nỗi lo chưa phải đã hết với lãnh đạo ngân hàng BIDV khi nhìn vào con số nợ xấu gần 9.700 tỷ đồng.
Giao dịch BIDV trên sàn chứng khoán ngày 20/2/2016. |
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất của toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có một năm làm ăn ấn tượng khi công bố mức tăng trưởng tới 25% so với 2014. Kết quả này giúp nâng tổng tài sản của BIDV đạt trên 857.000 tỷ đồng, trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Cũng theo BIDV, tính đến cuối 2015, vốn điều lệ của ngân hàng này đã lên tới trên 34.000 tỷ. Con số này có được, chủ yếu nhờ vào việc sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và hiệu quả kinh doanh tăng trưởng ổn định.
Nửa đầu 2015, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 3.117 tỷ đồng, tổng thu nhập đạt 10.939 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 47% so cùng kỳ giúp hoàn thành 42% kế hoạch năm. Không chỉ kinh doanh ấn tượng, các chỉ tiêu an toàn hệ thống cũng được BIDV giữ trên 9% theo yêu cầu của ngân hàng nhà nước. Cả năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt gần 7.466 tỷ đồng, trở thành một trong số ngân hàng báo lãi lớn nhất trong năm qua.
Một số chỉ tiêu khác của BIDV cũng tương đối ấn tượng, tổng vốn huy động đạt gần 793.000 tỷ đồng, vốn huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư 661.000 tỷ đồng, tăng 28%. Năm 2015 cũng là năm BIDV thu lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 222,6 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu kinh doanh của BIDV tính đến hết 30/6/2015. |
Mặc dù báo lãi lớn khủng, đạt gần 7.500 tỷ đồng song BIDV cũng có lí do để lo lắng khi nhìn vào con số gần 9.700 tỷ đồng nợ xấu. Theo tính toán của chính ngân hàng này, nợ xấu vẫn ở dưới mức 3% song đang có dấu hiệu tăng, từ 1,6% hồi đầu năm lên 2,03%.
Tốc độ tăng trưởng nợ xấu của BIDV trong 2015 có phần giảm bớt nhờ sự tăng trưởng qui mô tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo quan sát, so với thời điểm cuối 2014, con số giá trị tuyệt đối về nợ xấu của BIDV lại tăng khá mạnh, nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Tính riêng đến thời điểm hết quý 3/2015, tổng quy mô nợ xấu của BIDV là 11.900 tỷ đồng, trong khi cuối 2014, con số này là hơn 9.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, các khoản nợ xấu này của BIDV có liên quan đến các khoản vay của Vinashin và Vinalines.
Chiến lược phát triển lâu dài của BIDV là trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới với hai trụ cột là ngân hàng thương mại và bảo hiểm, để làm được điều đó, ngoài việc kinh doanh hiệu quả, BIDV cần giải quyết nhanh chóng “núi” nợ xấu mà mình đang “ôm”.
Hoàng Hưng