Kể từ khi tuyến đường huyết mạch Thổ Nhĩ Kỳ – Aleppo bị cắt đứt, ảnh hưởng của người Thổ ở Syria ngày càng suy giảm.
Đầu tháng Hai, quân đội Syria được Nga hậu thuẫn đã cắt đứt tuyến đường tiếp vận từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Aleppo, một thành công chiến lược quan trọng buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải lên kế hoạch cho một sự xâm nhập của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Kể từ năm 2011, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã thất bại trong nỗ lực sử dụng tất cả các biện pháp ngoại trừ một sự can thiệp quân sự để lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, lật đổ chế độ của Tổng thống Assad không phải là mục tiêu quan trọng nhất đằng sau những lời kêu gọi mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ về một hành động can thiệp quân sự. Bởi điều này đã vuột khỏi tầm tay họ kể từ khi Nga can thiệp vào Syria.
Thủ tướng Ahmet Davutoglu (Phải) nói chuyện với Tướng Hulusi Akar, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ |
Để mất tuyến đường tiếp vận huyết mạch và đối diện với nguy cơ thành phố Aleppo bị bao vây. Điều mà Erdogan muốn lúc này không phải là lật đổ Assad nữa mà chỉ là không để Ankara mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Syria và giữ được tiếng nói nhất định trong tương lai của Syria.
Theo Erdogan, đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria là lựa chọn duy nhất để giữ vị thế trên bàn đàm phán Syria.
Tuy nhiên, ông Erdogan và Davutoglu đã không thể tranh thủ được sự ủng hộ của cả Hoa Kỳ cũng như các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cũng cho rằng, đơn phương đưa quân đội vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vấp phải động thái đáp trả quân sự từ Nga, và không loại trừ khả năng chiến tranh sẽ bùng phát giữa hai nước.
Theo báo cáo, Moscow thậm chí cảnh báo Ankara rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu cần thiết.
Lực lượng chính phủ Syria pháo kích cắt đứt tuyến tiếp viện huyết mạch Thổ Nhĩ Kỳ – Aleppo |
Và chỉ hai tuần sau những tuyên bố đầu tiên được phát ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi hoàn toàn thái độ.
Đầu tiên là tuyên bố của phát ngôn viên Tổng thống Erdogan, Ibrahim Kalin: “Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đem quân vào Syria, hay Mỹ và Arab Saudi phải mở chiến dịch mặt đất,… Chúng tôi tiếp tục cam kết sẽ hành động cùng cộng đồng quốc tế”.
Ông Kalin đưa ra phát biểu nói trên trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình hôm 20/2. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông cho biết Ankara từ lâu đã ủng hộ thiết lập một vùng cấm bay, song thừa nhận “điều đó đã trở nên khó thực hiện hơn kể từ khi Nga can thiệp”.
4 ngày sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh al-Jazeera, đến lượt Thủ tướng Davutoglu xác nhận Ankara sẽ không can thiệp quân sự tại Syria, với lý do “liên đoàn Arab phản đối”.
Chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản là lật đổ Assad và đưa người Hồi giáo Sunni lên nắm quyền tại Damascus đã bị phá sản từ lâu. Trong nhiều tháng qua, các chiến binh thánh chiến và các phần tử cực đoan do Ankara hậu thuẫn đã tỏ ra yếu thế trước quân chính phủ Syria được sự hậu thuẫn của không quân Nga và lực lượng vũ trang người Kurd (YPG).
Giờ khi ý đồ can thiệp đã bị dập tắt, còn lựa chọn nào cho Thổ Nhĩ Kỳ ngoài hành động giới hạn trong phạm vi pháo kích qua biên giới Syria?
Phong Lan