[ Bài viết được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống số ngày 11.03.2016 ]
Đời sống con người thời hiện đại đầy rẫy áp lực. Nhiều biến cố có thể xảy ra khiến chúng ta lo âu, căng thẳng và bất an về tài chính như gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cả gia đình, giảm lương, mất việc, chưa tìm được công việc mới, những chi phí phát sinh ngoài dự kiến, và những khoản nợ chưa thanh toán xong… Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự căng thẳng do áp lực tài chính không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người bị căng thẳng, mà còn có thể biến tướng thành trầm cảm kéo dài và lây lan sang cả những thành viên khác trong gia đình, bao gồm cả trẻ em.
.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang căng thẳng vì áp lực tài chính
Người bị căng thẳng thần kinh do áp lực tài chính thường xuyên cãi vã với người thân về vấn đề tiền nong. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ thường hay khó ngủ hoặc mất ngủ, dễ cáu giận, hay lo sợ, mệt mỏi và tâm tính thất thường. Họ thường mất cảm giác thèm ăn, có triệu chứng đau cơ, không còn ham muốn chuyện chăn gối, và ngại tiếp xúc với những người xung quanh.
Những triệu chứng trên sẽ gây tác động tiêu cực lên sức khỏe của chúng ta nếu chúng kéo dài hơn hai tuần, dẫn đến chứng trầm cảm hoặc âu lo. Nhiều người đang sống lành mạnh bỗng dưng có thói quen tiêu thụ nhiều rượu bia để vơi bớt cảm giác căng thẳng vì vấn đề tiền bạc, mặc dù nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng việc lạm dụng đồ uống có cồn gây tổn hại cho sức khỏe và thần kinh. Một số người thậm chí cố gắng giải quyết sự căng thẳng bằng các hành vi tiêu cực như tự tử hoặc tự làm tổn thương bản thân mình.
.
Áp lực tài chính và sức khỏe gia đình
Khi áp lực tài chính đè nặng lên cả một gia đình, không chỉ một mình người trụ cột kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe, mà tình trạng căng thẳng âu lo còn chi phối cả những thành viên khác trong nhà.
Theo bản báo cáo cuộc “Khảo sát thái độ của người dân đối với hệ thống y tế của Úc” được thực hiện bởi Trung tâm Chính sách Sức Khỏe Menzies thuộc Trường Đại Học Sydney vào năm 2008, những hộ gia đình nào đang gánh chịu áp lực tài chính thì các thành viên trong đó có nhiều nguy cơ sa sút sức khỏe hơn những gia đình bình thường.
Theo cuộc khảo sát này, 28% các gia đình đang phải đương đầu với áp lực tài chính không chịu đi gặp bác sĩ hoặc kiểm tra sức khỏe khi thể chất có dấu hiệu bất ổn (trong khi con số này ở các gia đình bình thường chỉ có 16%). Trong số các gia đình có gánh nặng tài chính, 21% không lấy toa thuốc hoặc không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ (trong khi chỉ có 14% các gia đình bình thường làm điều này). Gần nửa số gia đình có gánh nặng tài chính không chịu đi gặp nha sĩ khi có vấn đề về răng miệng (con số này ở các gia đình bình thường chỉ 20%).
Các nhà khoa học cũng đã khám phá ra rằng việc cha mẹ thường xuyên lo lắng hoặc cãi vã với nhau về vấn đề tiền bạc trong nhà sẽ khiến cho con cái gặp khó khăn trong hành vi ứng xử hàng ngày, không biết cách làm chủ cảm xúc bản thân, và có nhiều nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm lý. Trong cuốn sách “Con cái ngỗ nghịch: Khi sự căng thẳng của cha mẹ “đầu độc” con trẻ” của mình, tác giả David Code nhấn mạnh rằng việc cha mẹ bị căng thẳng thần kinh, bất an hoặc trầm cảm về lâu dài sẽ làm biến đổi hành vi ứng xử và ý thức cảm xúc của trẻ theo chiều hướng tiêu cực.
Một nghiên cứu vào năm 2012 khẳng định rằng các bà mẹ bị trầm cảm trong suốt thời gian mang thai có nguy cơ làm tê liệt gene xử lý hoóc-môn căng thẳng thần kinh của thai nhi. Khi gene này bị vô hiệu hóa, đứa trẻ sinh ra sẽ rất chật vật trong việc đối mặt và vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, dễ mắc phải những chứng rối loạn tâm lý không mong muốn.
Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe và gia đình của bạn trước những khó khăn về tài chính
Nếu áp lực tiền bạc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe của bạn cũng như của gia đình mình, hãy mạnh dạn tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ. Sau đây là vài giải pháp có thể giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn này:
§ Làm chủ cảm xúc của bản thân: Thay vì kìm nén những nỗi lo lắng về tiền bạc trong lòng mình, hãy viết chúng ra giấy hoặc sổ tay. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh và suy nghĩ sáng suốt hơn trong việc tìm ra cách giải quyết vấn đề.
§ Chăm sóc sức khỏe bản thân hàng ngày: Dù có lo lắng thế nào, bạn vẫn cần đảm bảo việc ăn uống đầy đủ và luyện tập thể dục thể thao điều độ.
§ Tâm sự với người thân hoặc những người bạn đáng tin cậy: Họ có thể giúp bạn vơi bớt sự âu lo và duy trì được tinh thần tích cực.
§ Thành thật chia sẻ vấn đề với gia đình của mình: Hãy trình bày cho gia đình biết những khó khăn hoặc áp lực mà bản thân bạn hoặc cả gia đình đang gặp phải. Cho họ biết những áp lực này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc chi tiêu trong nhà, để tất cả các thành viên trong gia đình có thể hiểu và chia sẻ khó khăn cùng bạn. Làm được việc đó, bạn cũng đang đồng thời tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong nhà ngồi lại với nhau và cùng giúp bạn vượt qua khó khăn.
§ Vạch ra kế hoạch tài chính cho thời gian tới: Hãy tổng kết lại tình trạng tài chính hiện tại của mình, bao gồm cả việc bạn cần một số tiền là bao nhiêu để giải quyết khó khăn hoặc thanh toán các hóa đơn còn tồn đọng. Cố gắng chi tiêu dè sẻn trong những ngày tới cho đến khi bạn giải quyết được vấn đề tiền bạc.
§ Tìm kiếm sự giúp đỡ từ ngân hàng hoặc các dịch vụ tư vấn tài chính có uy tín: Hầu hết các doanh nghiệp về tài chính hiện nay như ngân hàng và các công ty bảo hiểm đều có dịch vụ tư vấn tài chính miễn phí dành cho khách hàng. Nếu bạn vẫn còn phân vân trong việc lập một kế hoạch tài chính khả thi để giải quyết áp lực tiền bạc trong hiện tại, hãy tìm đến các dịch vụ tư vấn tài chính này để được hỗ trợ.
Áp lực tiền bạc là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống bộn bề ngày nay. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần ghi nhớ mỗi khi đối mặt với những tình huống khó khăn về tài chính chính là đừng cố gắng ôm đồm mọi việc với hy vọng mình có thể tự mình giải quyết chúng. Hãy suy nghĩ thực tế, lập kế hoạch tài chính hợp lý ngay từ đầu, và tập thói quen tiết kiệm để bạn luôn có thể có đủ tiền xoay xở những chi phí phát sinh./.
.
~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com
.