Mỹ và bạn bè của mình nên bắt đầu kế hoạch nghiêm túc đối phó với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Tháng 1/2016, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Nga và Trung Quốc, đồng minh ngoại giao và kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, cũng lên tiếng lên án động thái này của Bình Nhưỡng và bày tỏ sự ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới. Mỹ và các đồng minh cảnh báo Bình Nhưỡng về nguy cơ bị cô lập hơn nữa nếu “tiếp tục coi thường ý chí của cộng đồng quốc tế”.
Nếu không ngăn cản được Bình Nhưỡng, Washington nên học cách tiếp nhận tình trạng của nó một cách có kiểm soát. |
National Interest dẫn lời Doug Bandow, một thành viên cao cấp tại Viện Cato và là cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, cho biết nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, không còn nghi ngờ gì về tham vọng muốn trở thành một cường quốc hạt nhân của quốc gia này.
Trong vòng đàm phán hạt nhân trước, Bình Nhưỡng tỏ ra sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình với một “mức giá hợp lý”. Tuy nhiên, các vòng đàm phán này đã bị đình trệ từ năm 2008. Trong những năm sau đó, Bình Nhưỡng tiếp tục đầu tư mạnh cho các chương trình hạt nhân của mình.
Chuyên gia Bandow cho rằng lãnh đạo Kim Jong Un xem vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với các mối đe dọa ở bên ngoài và để củng cố lòng trung thành của quân đội. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để chứng tỏ rằng Triều Tiên là một quốc gia hùng mạnh và Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng.
Các biện pháp quốc tế, cho tới thời điểm này, đều tỏ ra không hiệu quả như mong đợi là có thể giúp Bình Nhưỡng kiểm chế tham vọng hạt nhân của mình. Trong tháng 4, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục công bố các báo cáo cho thấy có khả năng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5. Giới phân tích và tình báo dự đoán, vụ thử hạt nhân mới có thể được tiến hành xung quanh sự kiện Bình Nhưỡng tổ chức Đại hội Đảng lần đầu tiên trong gần 40 năm qua.
Để ngăn chặn tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực xấu hơn nữa, các cường quốc cần phải làm việc nhiều hơn nữa, ông Bandow nói và chỉ ra 5 cách có thể giúp cải thiện tình hình hiện nay.
Thứ nhất, việc từ chối công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân sẽ không khiến quốc gia này từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình. Thay vào đó, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nên ngồi xuống và thảo luận về các biện pháp có thể ngăn chặn Bình Nhưỡng đạt được điều đó thông qua các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa). |
Thứ hai, Nhật Bản và Hàn Quốc nên gác lại bất đồng cùng nhau hợp tác đối phó với mối đe dọa chung thay vì tiếp tục ôn lại hận thù trong quá khứ.
Thứ ba, Mỹ và các đồng minh nên phối hợp với Trung Quốc để Bắc Kinh quyết đoán hơn nữa trong việc sử dụng các đòn bẩy của mình gây sức ép với Triều Tiên.
Thứ tư, Mỹ cần giảm các mối lo ngại của Triều Tiên. Một khi Kim Jong-un không còn cảm thấy lo sợ trước các mối đe dọa của Mỹ đối với sự tồn tại của chính quyền của mình, ông có thể sẽ sẵn sàng hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Thứ năm, Mỹ nên xem xét kỹ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân tự vệ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Chiếc ô hạt nhân được thiết kế để giữ Mỹ không vướng vào một cuộc xung đột tiềm năng không còn quan trọng đối với an ninh của Mỹ. Ngược lại, nếu Mỹ triển khai chúng tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nó có thể thu hút phản ứng mạnh từ Bắc Kinh và Moscow, ông Sandow nhấn mạnh.
Theo ông, Mỹ đang phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn khi Đông Bắc Á sẽ có tới 3 cường quốc hạt nhân là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, nếu không ngăn cản được Bình Nhưỡng, Washington nên học cách tiếp nhận tình trạng của nó một cách có kiểm soát.
Ông cũng cho rằng chính phủ Washington cần phải hành động một cách khôn ngoan thay vì vội vàng đáp ứng chỉ trích của giới diều hâu. Hy vọng giải quyết vấn đề hạt nhân bằng sự sụp đổ của chính phủ Bình Nhưỡng hiện nay là “ngu ngốc”.
Theo ông, những tuyên bố cho rằng Triều Tiên không được pháp phát triển vũ khí hạt nhân được đưa ra suốt hai thập kỷ qua đã chứng minh rằng nỗ lực ngăn cản Bình Nhưỡng có được loại vũ khí hủy hạt nhân là vô vọng.
Do đó, Mỹ và bạn bè của mình nên bắt đầu kế hoạch nghiêm túc đối phó với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Nước Mỹ cần chuẩn bị mọi thứ cho tình huống Triều Tiên đứng ngang hàng với Ấn Độ, Israel và Pakistan trong danh sách các quốc gia hạt nhân cỡ trung.
Hoàng Hải