Báo Nga Svobodnaya Pressa cho rằng Việt Nam vẫn để ngỏ năng Nga quay trở lại căn cứ này vì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Trả lời phỏng vấn RIA Novosti hồi đầu tuần này, đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Chính sách của Việt Nam là không nhập vào liên minh quân sự hoặc liên minh với một quốc gia khác nhằm chống lại đất nước thứ 3.
Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hợp tác tại cảng Cam Ranh cho phép hợp tác quốc tế đa phương để cung cấp dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu và công nghệ quân sự nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực này là một hướng phù hợp”, nhà ngoại giao tuyên bố khi trả lời câu hỏi về triển vọng quay trở lại các căn cứ quân sự tại cảng Cam Ranh của hải quân Nga.
Phân tích về tuyên bố này của nhà ngoại giao Việt Nam, nhà báo Nga Anton Mardasov đã nhắc lại việc Liên Xô từ thuê căn cứ ở Cam Ranh và những triển vọng trong tương lai.
Đồ họa quân cảng Cam Ranh của Việt Nam. |
Theo tác giả Mardasov, căn cứ quân sự Cam Ranh từng là một trong những cơ sở hùng hậu nhất của hải quân Liên Xô. Năm 1979, Liên Xô và Việt Nam đã ký Hiệp ước về sử dụng cảng Cam Ranh theo hợp đồng thuê căn cứ quân sự miễn phí trong vòng 25 năm
Trong cùng một thời điểm, căn cứ này có thể chứa tới 8-10 tàu chiến, 4-8 tàu ngầm và các tàu hậu cần. Cảng Cam Ranh giúp hạm đội Thái Bình Dương có thể kiểm soát hoạt động ở phía nam Thái Bình Dương và toàn bộ Ấn Độ Dương.
Năm 2001, chính phủ Nga đã quyết định không tiếp tục thuê căn cứ Cam Ranh và tiến hành rút nhân lực cùng các trang thiết bị theo đúng kế hoạch. Trong những năm gần đây, Nga đang có chiều hướng cân nhắc lại vai trò hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhà báo Mardasov cho biết.
Năm 2013, Việt Nam và Nga ký kết thỏa thuận thiết lập một căn cứ chung phục vụ cho việc bảo trì và sửa chữa tàu ngầm ở Cam Ranh. Đến năm 2014, lần đầu tiên, sân bay Cam Ranh được sử dụng để hạ cánh máy bay IL-78, tiếp dầu trên không cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS
Diễn biến gần đây nhất là vào tháng 11/2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký thỏa thuận đơn giản hóa các thủ tục cho tàu Nga cập cảng Cam Ranh. Kể từ đây, Các tàu Nga có thể thông báo trước với nhà chức trách Việt Nam khi đến Cam Ranh.
Nhà báo Mardasov nhấn mạnh, đây là một bước chuyển biến đáng kể, bởi Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Syria đã đồng ý cho phép đơn giản hóa các thủ tục với tàu Nga. Kể từ đó, Việt Nam và Nga đã trở thành đối tác quân sự truyền thống. Việt Nam đã ký các hợp đồng mua vũ khí trị giá 4,5 tỷ USD với Nga.
Đáng chú ý là hợp đồng mua 6 tàu ngầm diesel điện lớp Kilo mà phía Nga đã chuyển giao 4 chiếc, tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion, tàu tên lửa Molnya, tàu khu trục Gepard 3.9 và máy bay chiến đấu tầm xa Su-30MK2.
Trả lời báo Nga về triển vọng hợp tác trong tương lai, Đại tướng đã về hưu Leonid Ivashov, người từng tham gia đàm phán về Cam Ranh giai đoạn 1998-2000 cho rằng những lời nói của đại sứ Việt Nam cần được xem xét nghiêm túc.
“Tôi cho rằng đại sứ Nguyễn Thanh Sơn không chỉ đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Dường như giới chức quân sự hai bên đã có những liên lạc về vấn đề cảng Cam Ranh. Nói cách khác, đại sứ Việt Nam đã thể hiện rõ lập trường quốc gia hay còn được hiểu như một lời mời mà Nga khó có thể từ chối”, ông Ivashov nói.
Ông Ivashov giải thích vì sao Nga cần phải trở lại Cam Ranh: “Đó là điều không cần phải nghi ngờ. Bởi đây là một trong những cảng nước sâu tốt nhất không chỉ ở Biển Đông mà còn ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cam Ranh cũng có sân bay được xây dựng bởi Liên Xô, từng là nơi đóng quân của các máy bay chống ngầm, máy bay do thám và một trạm theo dõi điện tử”.
“Ngày nay, Nga đang ngày càng mở rộng hoạt động ở các đại dương và có những lợi ích chiến lược cần phải bảo vệ. Nói cách khác, việc duy trì sự hiện diện quân sự Nga ở châu Á-Thái Bình Dương là cần thiết. Vấn đề là thỏa thuận với Việt Nam”.
Cựu quan chức Nga cho rằng, Moscow sẵn sàng cung cấp một lượng lớn các trang thiết bị quân sự cho Việt Nam nếu như hai bên đạt thỏa thuận. “Chúng ta nên cảm ơn vì cho đến nay, Việt Nam vẫn duy trì lập trưởng không cho phép bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Mỹ thuê cảng Cam Ranh. Đó là cơ hội để Nga có thể trở lại”.
“Nếu như hai nước đạt thỏa thuận, Cam Ranh sẽ chỉ là một cơ sở quân sự nhỏ. Nhưng điều đó đối với Nga đã là quá đủ rồi”, ông Ivashov nói.
Về phần mình, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị – quân sự Liên bang Nga Alexander Khramchikhin nói trên báo Nga rằng, ông tin tưởng sự cần thiết của việc Nga trở lại Cam Ranh.
“Moscow không cần phải duy trì tàu ở Cam Ranh, bởi trên thực tế Nga cũng không có đủ tiềm lực để thực hiện điều này. Nhưng duy trì cơ sở hạ tầng hay sử dụng cơ sở hạ tầng của Việt Nam là điều cần thiết. Mỹ về cơ bản cũng xây dựng nhiều căn cứ bỏ trống nhưng đảm bảo rằng các máy bay, tàu thuyền có thể đến để tiếp nhiên liệu, sửa chữa và bảo dưỡng.
Cuối cùng, ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí xuất khẩu vũ khí Nga Arms Export nói trên tờ Svobodnaya Pressa: “Hiện tại, Nga chỉ cần tàu thuyền có thể dễ dàng cập cảng Cam Ranh. Điều này đã nằm trong thỏa thuận mà hai bên ký kết. Trong vòng 10 năm qua, Nga chưa phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự nào trong khu vực này và các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã có cơ hội đến Cam Ranh để tiếp nhiên liệu”.
Đăng Nguyễn