Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Mai Kiều Liên ở ĐHCĐ2016 với nhiều điểm liên quan đến TPP, cổ tức cho cổ đông và mở room cho khối ngoại.
Sáng 21/5, Vinamilk tổ chức thành công Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016 với sự góp mặt đông đảo cổ đông và ban lãnh đạo công ty. |
Theo đó, Vinamilk cũng thông qua kết quả kinh doanh và phương án chia cổ tức năm 2015. Cụ thể, năm 2015, doanh nghiệp sữa đứng đầu cả nước này đạt tổng doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014. Đại hội cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2015 lên tới 6.400 tỷ đồng. Chi trả cổ tức chia làm 2 đợt gồm 4.000 tỷ đồng của đợt 1 và ước tính hơn 2.401 tỷ đồng cho đợt 2. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 2.990,47 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2016, Vinamilk đặt chỉ tiêu doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8.266 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 6% so với kết quả đạt được năm ngoái.
Phần thảo luận, nội dung được cổ đông quan tâm là vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước như thế nào khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực và mục tiêu 3 tỉ USD vào năm 2017.
Một cổ đông chất vấn, hiện tại giá sữa tươi ở Mỹ vào khoảng 17.000 đồng/lít, Úc là 16.000 đồng/lít, nhưng tại Việt Nam là 34.000 đồng/lít thì Vinamilk có giải pháp gì để cạnh tranh khi TPP đang đến rất gần?
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho rằng, đây vừa là cơ hội vừa là áp lực đối với Vinamilk. Bởi lẽ, khi thuế suất ở mức 0%, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thì vấn đề là doanh nghiệp phải có sức đề kháng để đứng vững trên thị trường.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là sữa của bà con nông dân. Giá thành sản phẩm tại các trang trại Vinamilk hiện khoảng 40 cent/lít, tương đối bằng các nước trên thế giới (30-35cent/lít nhưng lưu ý là mức được trợ giá). Vinamilk hiện vẫn thu mua cho nông dân ở mức 14.000 đồng/lít. Tuy nhiên, về lâu dài không thể tiếp tục mà đã có kế hoạch trong vòng ba năm tới sẽ đưa giá của nông dân và trang trại bằng thế giới. Có như vậy mới đứng vững được và chúng tôi tin mình làm được” – bà Liên nhấn mạnh tại đại hội.
Một số cổ đông khác có ý kiến, kế hoạch năm 2016 của Vinamilk về doanh thu tăng 11%, đạt mức 44.500 tỉ đồng, tương đương khoảng 2 tỉ USD là yếu so với những gì đạt được năm 2015 và cách quá xa so với mục tiêu 3 tỉ USD vào năm 2017.
Vấn đề này, bà Mai Kiều Liên cho biết, kế hoạch 2016 được xây dựng trên mức tăng trưởng của ngành dự kiến là 7-9%. Con số 11% vì vậy là cao hơn tăng trưởng chung của ngành. Kế hoạch này thể hiện được tính tích cực và có cơ sở khoa học.
Riêng đối với mục tiêu 3 tỉ USD, bà Liên thừa nhận ở thời điểm đề ra vào năm 2011, Vinamilk đã lấy tăng trưởng bình quân hàng năm của doanh nghiệp mình nhân lên nhưng cách tính này là sai lầm vì đã không tính đến tăng trưởng chung còn thấp của ngành.
Hội trường chật kín cổ đông tham dự. |
Cũng trong ĐHCĐ thường niên năm 2016 sáng nay của Vinamilk, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk cho biết, công ty hiện đã hoàn thành thủ tục ngành nghề kinh doanh và sẽ nâng không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, sẽ thông báo cho cổ đông ngay khi hoàn tất thủ tục. Việc nới room lên 100% sẽ do HĐQT quyết định chứ không cần ĐHCĐ thông qua. Bởi lẽ, theo luật hiện nay, doanh nghiệp nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì chỉ cần hội đồng quản trị ra nghị quyết mà không cần Đại hội đồng cổ đông thông qua, và chỉ khi việc nới room dưới 100% thì mới cần Đại hội đồng cổ đông biểu quyết.
Ngọc Diễm