Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump luôn tuyên bố sử dụng sức mạnh quân sự răn đe Trung Quốc, nhưng điều này có thể sẽ không thực hiện được nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ.
Học giả Tim Daiss, người chuyên nghiên cứu về địa chính trị và thị trường năng lượng châu Á trên Forbes, mới đây đã đưa ra nhận định về việc liệu ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ đối phó với Trung Quốc ra sao nếu trở thành tổng thống.
Từ khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã có những tuyên bố cứng rắn đối với Trung Quốc. Ứng viên Đảng Cộng hòa cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ”, đồng thời tuyên bố sẽ “thay đổi luật sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hành vi bất công mà Trung Quốc nhằm vào các công ty Mỹ”.
Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. |
Tỷ phú bất động sản New York có lập trường cứng rắn trước các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Trump tuyên bố “sẽ tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách phù hợp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ông Trump cho rằng, hành động này có thể ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á. Một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ cũng gửi thông điệp rõ rang đến Trung Quốc và các nước châu Á rằng Mỹ đã trở lại vai trò lãnh đạo trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Tim Daiss cho rằng, ông Trump sẽ không thể dễ dàng đưa ra các giải pháp quân sự để răn đe và ngăn chặn các hành động của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương
Theo giới phân tích, Mỹ hiện sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội so với bất cứ đối thủ nào trên toàn cầu. Tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có hàng loạt căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản, và sắp tới là ở Philippines.
Bên cạnh đó, Mỹ hiện duy trì căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, nơi các phi đội B-52 của Mỹ thường được triển khai để thực hiện những chuyến bay thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và cả Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, dù không còn duy trì nhiều tàu chiến như trước, nhưng cũng là công cụ đủ mạnh để tân tổng thống Mỹ để đưa ra các chính sách mới về Biển Đông.
Chuyên gia Daiss cho rằng, mặc dù có một lực lượng quân sự hùng hậu như vậy nhưng đây không phải là cách để tổng thống Mỹ ngăn chặn được các hoạt động bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Donald Trump không có nhiều lựa chọn ở Biển Đông
Chuyên gia Daiss nhận định, lựa chọn đầu tiên mà ông Trump có thể cân nhắc khi trở thành tổng thống là công khai đối đầu quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho cả hai bên nên nhiều khả năng kịch bản này sẽ không bao giờ xảy ra.
Binh sĩ hải quân Mỹ trên tàu sân bay U.S.S. John C. Stennis, trong cuộc tập trận với Hàn Quốc năm 2009. |
Một giải pháp khác là việc phong tỏa đường biển với Trung Quốc. Dù vậy, đây cũng là một hành động gây chiến, dẫn đến xung đột tiềm tàng.
Lựa chọn khả dĩ nhất mà ông Trump có thể thực hiện nếu trở thành tổng thống Mỹ là tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế, tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Chuyên gia Daiss lưu ý rằng, lựa chọn này là thứ yếu nhất. Sau khi máy bay, tàu chiến đi qua, Washington lại bày tỏ quan ngại mà không đạt được bất cứ mục đích chiến lược nào.
Cuối cùng, tân tổng thống Mỹ có thể tăng cường ủng hộ các đồng minh và đối tác châu Á về vấn đề Biển Đông, bằng cách hỗ trợ bồi đắp, cải tạo đảo. Thách thức trực tiếp đến tuyên bố 80% chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Cần phải nhấn mạnh rằng, hành động này cũng là động thái “vi phạm luật pháp quốc tế” mà Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc.
Liệu tân tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, dù là ông Trump hay một ứng viên nào khác sẽ có tác động đến tình hình Biển Đông như thế nào vẫn chỉ là phỏng đoán.
Các ứng viên khi tranh cử thường đưa ra những tuyên bố cứng rắn, nhưng khi đắc cử, không phải tất cả những tuyên bố đó được hiện thực hóa.
Trong khi đó, các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông lại đang tạo điều kiện cho Bắc Kinh có thời gian củng cố quyền kiểm soát một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Việc đánh mất quyền tự do hàng hải hoặc bị đe dọa đến tuyến đường vận tải thương mại trị giá đến 5 nghìn tỷ USD mỗi năm là viễn cảnh mà không một tổng thống Mỹ nào có thể chấp nhận, chuyên gia Daiss nhấn mạnh.
Đăng Nguyễn