Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania được trang bị 1 radar tầm xa SPY-1D kết nối với 3 dàn phóng tên lửa đánh chặn Mark-41.
Hôm 12/5, Mỹ chính thức đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania – động thái bị phía Nga cho là nhằm mục đích phô trương sức mạnh kho vũ khí hạt nhân mà Washington đang sở hữu.
Theo tuyên bố phát đi từ căn cứ không quân Deveselu (Romania), giới chức cấp cao của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết: lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo AEGIS Ashore của Washington mang sứ mạng quan trọng là bảo vệ cả Washington và 28 nước thành viên NATO.
Hệ thống phòng thủ trị giá tới 800 triệu USD có khả năng bắn hạ tên lửa từ các nước “hiếu chiến” như Iran, trong trường hợp họ định tấn công các thành phố lớn ở châu Âu – các quan chức Mỹ và NATO nhấn mạnh.
Deveselu, cách 100 dặm về phía tây của Bucharest, sẽ là nơi đầu tiên đặt hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore, một phiên bản lục địa của hệ thống theo dõi radar tinh vi được trang bị cho các tàu chiến Mỹ kể từ năm 2004.
Căn cứ vào kế hoạch xây dựng và trang bị từng được Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ công bố, hệ thống AEGIS Ashore tại Romania sẽ được trang bị 1 radar tầm xa SPY-1D kết nối với 3 dàn phóng tên lửa đánh chặn Mark-41.
Radar SPY-1D có khả năng tìm kiếm, phát hiện, theo dõi nhiều loại mục tiêu từ máy bay cho đến tên lửa.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát hoả lực MK-99 sẽ làm nhiệm vụ cầu nối giữa radar và tên lửa đánh chặn, liên lạc với trạm kiểm soát tên lửa, thông báo mối đe doạ sắp tới và hiển thị mục tiêu để tên lửa đánh chặn tiêu diệt.
Hệ thống Mark-41 thường đặt trên các tàu khu trục của hải quân Mỹ và dùng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Hệ thống Mark-41 |
Mỗi hệ thống Mark-41 gồm 8 ống phóng thẳng đứng với các tên lửa SM-3. Cơ sở ở Romania được cho sở hữu 24 tên lửa loại này, mỗi quả trị giá từ 12-15 triệu USD.
Mỹ cũng dự kiến mua thêm 100 tên lửa SM-3 Block IB để triển khai cùng 139 tên lửa SM-3 phiên bản IA.
Tên lửa đánh chặn RIM-161 Standard Missile 3 (gọi tắt là SM-3) là hệ thống tên lửa sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, thậm chí có thể bắn hạ vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp.
Tên lửa SM-3 có trọng lượng 1,5 tấn, dài 6,55m, đường kính thân 0,34m, sải cánh 1,57m. SM-3 có tốc độ đánh chặn 9.600km/h (gấp gần 8 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn trên 500km, độ cao bay 160km.
Cấu tạo của tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản IA và IB |
Quá trình đánh chặn của SM-3 Block chia làm 4 giai đoạn.
2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất.
Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu.
Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 9kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới tiêu diệt.
Tên lửa này không sử dụng đầu đạn nổ mà dựa vào động năng để va chạm và tiêu diệt tên lửa mục tiêu. Với tốc độ 3 km/giây, cú va chạm giữa 2 tên lửa tương đương với lực tác động của một chiếc xe tải 10 tấn chạy ở tốc độ 965 km/giờ.
Xét về lý thuyết, hệ thống Aegis cùng tên lửa SM-3 hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo RS-12M Topol – của Nga.
Tuy nhiên, theo tờ Inside the Ring, Moscow đã sẵn sàng đưa hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 vào trang bị.
Một khi tên lửa RS-26 đi vào hoạt động, lá chắn tên lửa của Mỹ tại Romania và sắp tới là tại Ba Lan sẽ trở nên vô nghĩa.
Phong Lan