Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Moscow đã vấp phải liên tiếp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Rất nhiều chuyên gia quốc tế đưa ra nhận định riêng về mối quan hệ Nga – phương Tây.
PV Người đưa tin đã có buổi trò chuyện thú vị với PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu kiêm Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam để nghe đánh giá của ông về triển vọng của quan hệ này.
PGS.TS Nguyễn An Hà trả lời phỏng vấn PV Người đưa tin |
Phương Tây nắm được “gót chân Asin” của Nga
Hai năm qua, Nga đã chịu các biện pháp trả đũa về kinh tế của phương Tây. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây gọi đó là “đòn trả đũa hiệu quả”. Ông đánh giá ra sao về nhận định đó?
Nhìn một cách tổng quát, những đòn trừng phạt của phương Tây trong suốt thời gian qua làm Nga bị thiệt hại nặng nề. Các biện pháp trừng phạt ban đầu tập trung vào các quan chức chính phủ, một số thành viên của quân đội và an ninh, các doanh nhân của Nga dưới hình thức cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Tiếp đó, lệnh trừng phạt hướng đến các ngành chủ chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng, quốc phòng và các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, Nga cũng bị phương Tây loại ra khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển G8.
Việc cấm vận trong thương mại và đầu tư của Mỹ và phương Tây làm nền kinh tế Nga lao đao, đồng rup mất giá, lạm phát tăng cao, tăng trưởng âm 4% GDP. Ngoài thương mại và đầu tư, phương Tây còn nhằm vào một lĩnh vực khiến kinh tế Nga suy yếu nặng nề chính là năng lượng, khiến giá dầu thế giới đã có lúc hạ mức thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Nga có thực sự lao đao trước khủng hoảng đó không, thưa ông?
Chính lệnh cấm vận cũng mang lại những cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước của Nga. Các đòn cấm vận kinh tế và trừng phạt từ phía châu Âu dành cho Nga giúp những người nông dân bắt tay vào khôi phục thị trường nông nghiệp của nước này. T
ới năm 2020 cả nước có thể đảm bảo tự cung tự cấp toàn bộ lương thực. Nếu không có những biến động mới ở trong và ngoài nước thì năm 2016 là thời điểm cho nước Nga tự tin thoát khỏi suy thoái, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Nga hiện đã dịch chuyển cơ cấu kinh tế, thoát khỏi lối mòn xuất khẩu nguyên liệu, tăng cường hàm lượng kinh tế công nghệ. Do đó, mặc dù giá dầu giảm cực đại trong thời gian qua cũng không thể khiến kinh tế Nga suy sụp như các chuyên gia phương Tây đã dự đoán.
Liệu những nỗ lực gần đây của Nga có khiến phương Tây gỡ bỏ lệnh cấm vận |
Nóng lạnh thất thường?
Nói tới quan hệ Nga – phương Tây thì Nga – EU chiếm một vị trí khá quan trọng. Có ý kiến cho rằng Nga muốn đẩy Ukraine cho EU gánh vác, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Theo những số liệu năm 2015 của Ủy ban Châu Âu EC, EU đã viện trợ 2,21 tỉ euro cho Ukraine. Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng cung cấp tài chính vào gói viện trợ của EU, qua đó nâng tổng số tiền dự toán lên đến 11 tỉ euro. EU chịu sức ép rất lớn về tài chính vì khủng hoảng Ukraine.
Hai năm vừa qua là thời gian qua khá sóng gió đối với EU. Cùng với những khó khăn trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế như vấn đề tăng trưởng, nợ công, thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện, EU đang phải đối mặt với những thách thức mới đe dọa sự phát triển và tồn tại của mình.
Trong khi khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết, quan hệ EU – Nga tiếp tục xấu đi, những bất ổn từ Bắc Phi, Trung Đông cùng sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan IS, tình hình chiến sự của Syria càng làm cho tình hình ở châu Âu và EU trở nên căng thẳng.
Vậy phương Tây liệu có sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước những nỗ lực của Nga trong việc giải quyết xung đột Syria?
Trước những tuyên bố gần đây thì chắc chắn là Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt Nga tới giữa năm 2016. Thêm vào đó, là hai cường quốc, Nga và Mỹ cũng cạnh tranh vị thế của mình trên trường quốc tế, không chỉ ở châu Âu, Bắc Phi – Trung Đông mà còn ở cả châu Á, Mỹ Latinh và Bắc cực.
Lãnh đạo Nga vẫn khẳng định nước này không chọn con đường bị cô lập và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và châu Âu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine. Hơn nữa, trong giải quyết các vấn đề quốc tế, Mỹ và phương Tây vẫn cần sự hợp tác, giúp đỡ của Nga, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân…
Vậy triển vọng nào cho mối quan hệ này, thưa ông?
Trong quan hệ Nga – phương Tây tuy còn tồn tại nhiều vấn đề song trong tương lai gần các bên vẫn rất cần nhau bởi quan hệ đối đầu sẽ không có lợi cho Nga, Mỹ hay bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Sự phục hồi và tăng trưởng thương mại của Nga với các đối tác lớn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá dầu thô Brent, tình trạng của nền kinh tế Nga, tỉ giá đồng rup, lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây… và cả sự sẵn sàng của Chính phủ Nga để cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và tạo điều kiện ổn định cho đầu tư.
Việc hủy bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động rất lớn đến thương mại song phương. Điều này đều cần sự nỗ lực và thiện chí từ Nga cũng như các đối tác thương mại của nước này.
Phương Anh