Trong thời gian ngắn, khai trương hàng loạt cửa hàng tiện lợi VinMart+ kết hợp với việc sở hữu hệ thống siêu thị trên khắp cả nước, tập đoàn Vingroup đang dồn lực “tấn công” lĩnh vực bán lẻ.
Mua lại hàng loạt chuỗi bán lẻ
Sau 12 năm tham gia và trở thành tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp mặt bằng bán lẻ, với hệ thống các trung tâm thương mại có quy mô mang thương hiệu Vincom, việc Vingroup nhảy vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam thể hiện bản lĩnh của tập đoàn này.
Theo các nguồn tin tức, tháng 10/2014, với việc nhận chuyển nhượng 70% cổ phần từ Công ty Ocean Retail, Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới chi phối hệ thống trung tâm thương mại – siêu thị Ocean Mart của Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group.
Khi đó, Ocean Retail đang quản lý chuỗi 9 siêu thị bán lẻ Ocean Mart và 4 cửa hàng tiện lợi Ocean Mart Express. Trong đó, Ocean Mart có 2 siêu thị quy mô lớn đặt tại 2 khu phức hợp Times City và Royal City của Vingroup.
Sau khi thương vụ này được hoàn tất, Vingroup đã đồng thời công bố 2 thương hiệu mới: VinMart và VinMart+ với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm sau đó.
Tháng 12/2014, Tập đoàn Alphanam đã quyết định dừng hoạt động kinh doanh siêu thị và chuyển nhượng lại mặt bằng hệ thống này cho Tập đoàn Vingroup.
79 Market “biến đổi” thành VinMart. |
Theo đó, hơn 1.000 m2 siêu thị mang thương hiệu “79 Market” của Alphanam tại tầng 1 toà nhà 47 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội đã được chuyển sang chủ mới là VinMart.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 4/2015, Công ty CP siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex – trong Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart.
Với thương vụ này, Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới của toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng đang hoạt động trên 19 tỉnh thành trong cả nước.
Được thành lập cách đây khoảng 15 năm (tháng 10/2001), hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatexmart) là chuỗi siêu thị tổng hợp nhưng trong đó ngành hàng dệt may là ngành hàng chủ lực, với doanh số hàng năm khoảng 1.700 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2015, Tập đoàn Vingroup tiếp tục công bố mua lại 100% cổ phần của hệ thống Trung tâm thương mại (TTTM) – siêu thị Maximark thuộc Công ty Cổ phần đầu tư An Phong.
Maximark bị Vingroup thâu tóm. |
Sau khi hoàn tất các thủ tục, toàn bộ các trung tâm thương mại, siêu thị Maximark được chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart hoặc trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom.
Maximark là hệ thống phân phối hoạt động chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, gồm 4 địa chỉ tại TP.HCM, 1 tại Nha Trang và 4 trung tâm tại các tỉnh thành phố khác.
Thừa thắng xông lên
Chỉ sau hai năm “đổ bổ” vào lĩnh vực bán lẻ, VinMart trở thành chuỗi bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam hiện nay đồng thời trở thành “ngôi sao” trên thị trường bán lẻ, cực kỳ năng động, luôn gây sự chú ý với hàng loạt bước đi mạnh mẽ, thậm chí không ngoa khi nói đó là những bước đi đầy sự liều lĩnh. VinMart không giấu tham vọng đi nhanh, “đánh phủ đầu” các hệ thống khác vốn đã có mặt từ hơn 10 năm trước.
Những cửa hàng tiện ích VinMart+ liên tục được khai trương. |
Do đó, hiện tại, Vingroup đã trở thành nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam khi Vinmart+ đạt con số hơn 650 cửa hàng. Ra mắt vào năm 2014, Vingroup hy vọng có thể nâng con số này lên 1.000 cửa hàng vào năm nay. Bên cạnh đó, VinMart hiện cũng có 100 siêu thị và 50 trung tâm mua sắm trên khắp cả nước.
Dự kiến trong năm 2016, VinMart+ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới nhằm tiếp tục đáp ứng một cách đầy đủ, tiện lợi và nhanh chóng các nhu cầu mua sắm và dịch vụ hàng ngày của khách hàng theo theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Điều đáng nói là tính sơ bộ, cứ mỗi ngày trôi qua lại có 2 cửa hàng tiện lợi VinMart+ được khai trương.
Hệ thống VinMart và VinMart+ dày đặc tại Hà Nội. |
Trước Vinmart+, cũng không có nhà bán lẻ trong nước nào đủ nguồn lực để triển khai một mô hình tới cả nghìn cửa hàng trên cả nước như vậy. Kể cả một số chuỗi nước ngoài tham gia vào thị trường thông qua liên doanh như Phú Thái – Familymart, G7 – Ministop cũng thất bại thảm hại.
Hệ thống VinMart bao gồm các siêu thị có diện tích từ 3.000m2 đến 15.000m2 và chuỗi VinMart+ là các cửa hàng tiện ích có diện tích từ 150 đến 300m2. VinMart nằm ở các khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi; có diện tích lớn; cung cấp nhiều ngành hàng đa dạng; thậm chí hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ còn len lỏi vào từng ngõ ngách, “đè bẹp” các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Ngoài VinMart và VinMart+, tập đoàn Vingroup còn sở hữu các mảng kinh doanh bán lẻ khác như VinFashion và cửa hàng điện máy VinPro.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2014 và lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường này, trong đó có các “đại gia” ngành bán lẻ như Aeon Mall (Nhật Bản); Lotte (Hàn Quốc), Berli Jucker (Thái Lan)…
Tham gia lĩnh vực bán lẻ, Vingroup cũng phần nào giúp các doanh nghiệp nội giảm sức ép trong bối cảnh cuộc chiến bán lẻ trong nước ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của các “tay chơi” nước ngoài mới.
Sở hữu vốn “dầy” cộng với kinh nghiệm và vị thế là Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, Vingroup phải chăng sẽ từng bước trở thành “đại gia” thống trị lĩnh vực bán lẻ?
Kiều Hương (T.H)