Tin tức cho hay, với việc 11,4 tấn gạo được bán ra trong thời gian dự kiến 2 tháng, không chỉ gạo Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả các nước khác cũng chịu ảnh hưởng không kém.
Tin tức từ báo cáo Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo quý I/2016 cho thấy, xuất khẩu gạo trong quý đạt 1,55 triệu tấn, trị giá 680 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 38,5% về giá so với cùng kỳ năm 2015.
Trong quý I, nguồn cung gạo nhiều nước bị giảm sút đã thúc đẩy giao dịch trên thị trường ổn định và tăng trưởng của xuất khẩu gạo của Việt Nam so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tác động ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khiến nguồn cung giảm, tạo tâm lý thị trường đẩy giá thóc, gạo nội địa tăng, kéo theo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể.
Nếu thực sự số gạo được xả hàng lần này là gạo cũ thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo Việt Nam. |
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bày tỏ lo lắng khi thời gian tới xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Thái Lan bán ra hơn 11,4 triệu tấn gạo.
“Với diễn biến giá cả nội địa như hiện nay, các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam khó có thể chào bán giá thấp, lợi thế cạnh tranh về giá gạo của Việt Nam không còn. Pakistan và Ấn Độ với lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, luôn có giá bán cạnh tranh tại thị trường Trung Đông, châu Phi. Gạo Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng với các nguồn cung cấp từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ tại nhiều khu vực thị trường quan trọng. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn khó dự đoán, diễn biến khó lường”, Bộ Công Thương đánh giá.
Ở một động thái khác, Chính phủ Thái Lan cũng vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ mục tiêu thu về hơn 2,8 tỉ USD. Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử của nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới này.
Thực tế cho thấy, nhiều năm trước, Thái Lan xả kho gạo với số lượng không nhiều khoảng 1-2 triệu tấn nhưng đã tác động không tốt đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Lượng gạo xuất khẩu năm 2014 vì vậy chỉ đạt trên 6,3 triệu tấn, là mức thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Năm nay, họ quyết bán tới hơn 11 triệu tấn chỉ trong vòng hai tháng thì sự tác động sẽ rất lớn đến các nước xuất khẩu gạo mà lớn nhất là Việt Nam.
Nhận định về việc Thái Lan có kế hoạch bán tháo hàng chục triệu tấn gạo, Bộ Công Thương cho rằng điều này có thể khiến xuất khẩu gặp thách thức, cạnh tranh gay gắt.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát các biện pháp của các nước và cam kết Việt Nam về kiểm dịch thực vật. Trước mắt, đàm phán sửa đổi Nghị định thư về kiểm nghiệm kiểm dịch thực vật với gạo xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh bất lợi cho xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Theo nhận định của một số doanh nhân ngành gạo, nếu đúng như công bố của Bộ Thương mại Thái Lan về chất lượng gạo tồn kho từ chương trình thế chấp thì sẽ không mấy ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ, đa phần đây là gạo chất lượng thấp và không đủ chất lượng làm lương thực cho người. Các nước châu Á vốn thích ăn gạo mới hơn là gạo cũ nên khi bán gạo cũ, Thái Lan chỉ có thể hướng tới các khách hàng châu Phi như: Angola, Cameroon, Mozambique…
Được biết, trước đây, Chính phủ Thái từng hy vọng sẽ bán hết 13,7 triệu tấn gạo tồn kho trước khi kết thúc năm 2017 cho thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài. Đây là số gạo còn tồn kho từ chương trình thế chấp của Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra được mua trong những năm 2012 và 2013.
Tháng 4/2014, khi ông Prayut Chan-ocha lên làm Thủ tướng thay bà Yingluck Shinawatra, ông đã cho dừng chương trình thế chấp, đồng thời cho bán gạo tồn kho ra ngoài. Khi ấy, lượng gạo tồn kho là 18,7 triệu tấn. Từ tháng 5/2014 đến hết 2015, Chính phủ Thái Lan đã bán được 5 triệu tấn gạo tồn kho với giá rẻ, chủ yếu cho các nước châu Phi.
Đình Đình