Miho Otani chính thức đảm trách cương vị nữ thuyền trưởng đầu tiên của tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF).
Là một trong những người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng Nhật Bản, năm 2013 Otani trở thành nữ đội trưởng đầu tiên của một tàu khu trực trong huấn luyện. Và tới 2016, bà Otani mới chính thức trở thành nữ hạm trưởng của MSDF.
Với những người tiếp xúc lần đầu với bà Otani, đều bị ấn tượng bởi phong cách lịch sự, thân thiện một cách thận trọng.
Chia sẻ về hành trình gia nhập MSDF từ 2 thập kỷ trước, nữ hạm trưởng kể lại: “Khi còn là sinh viên, tôi đã được nghe về Chiến tranh Vùng Vịnh trên báo chí. Tôi thực sự sốc với những gì đang diễn ra trên thế giới. Nó quá khác biệt với cuộc sống của tôi ở Nhật Bản. Và khi ấy đọc được những dòng tin tức Học viện Quốc phòng tuyển học viên, tình yêu nước trong tôi trỗi dậy, tôi quyết định nộp đơn tham gia vào ngôi trường này”.
Hạm trưởng Otani trong vai trò chỉ huy chiến hạm Yamagiri |
Telegraph (Anh) cũng dẫn lời tâm sự của bà Otani: “Tôi bị chính gia đình mình ngăn cản khi tham gia vào ngôi trường này. Có quá nhiều đàn ông và đây không phải là nơi thích hợp dành cho phái nữ, cha của bà Otani ngăn cản con khi quyết định theo nghiệp nhà binh”. Song quyết tâm đã giúp cho bà trở thành nữ sỹ quan đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng.
“Nếu như trước đây trong suy nghĩ của mọi người, phía yếu thường chỉ lo công việc gia đình, thì tôi thấy mình cần có trách nhiệm mở cánh cửa vốn đóng kín với những người phụ nữ, để họ có thêm nghị lực, bước tiếp trên bất cứ con đường nào mà họ đã chọn, đặc biệt trong môi trường quân đội. Chứ trong suy nghĩ của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ nhiều đến việc được thăng cấp bậc”, Otani chia sẻ.
Nữ hạm trưởng cũng nhắc lại về dấu mốc năm 29 tuổi của bà. “Tôi bị một đồng nghiệp nam đề nghị thôi việc sau khi kết hôn năm 29 tuổi. Đây là điều mà nhiều phụ nữ trong xã hội Nhật Bản phải đối mặt trong công việc, bao gồm cả các nữ quân nhân. Dĩ nhiên tôi cần hành động và chứng minh với đồng nghiệp nam về việc làm việc với phụ nữ cũng không khác gì làm việc với nam giới”.
Hiện nay bà Otani là mẹ của một cô con gái 12 tuổi và 2 lần kết hôn (chồng hiện tại của bà là một chỉ huy trưởng một tàu khu trục), nữ hạm trưởng nhận thức rõ về những gì phụ nữ phải trải qua để hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ.
“Đó là tình huống “tiến thoái lưỡng nam”, nơi làm việc của tôi là một chiến hạm nên tôi phải xa gia đình trong nhiều tháng. Tôi phải nhờ bố mẹ tới chăm sóc con nhỏ. Thật không dễ khi không có mặt bên cạnh để nuôi dạy con”, hạm trưởng Otani chia sẻ.
Bà Otani cũng cho rằng thái độ của đàn ông Nhật Bản cần phải thay đổi. Chính phủ cũng nên đưa ra những chính sách để giúp phụ nữ làm việc hiệu quả.
Bên cạnh vai trò của một người vợ, người mẹ như những người phụ nữ khác, nữ hạm trưởng phải đối mặt với vô số thách thức trong công việc. Đặc biệt hiện nay, trước tình hình nóng lên về chính trị, như vấn đề căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền, sự gia tăng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc đều là những áp lực công việc mà bà Otani đang phải đối mặt.
“Tôi biết đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với một nữ hạm trưởng, nhưng không có gì là không thể. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng đối mặt với nó”, bà Otani nhấn mạnh.
Việc bổ nhiệm bà Otani vào cương vị hạm trưởng tàu Yamagiri được coi là bước tiến quan trọng với quân đội Nhật Bản. Hành động này cũng được xem là sự bổ sung quan trọng đối với chính sách “womenomics” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm hồi sinh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, bằng việc hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ tại nơi làm việc, cho phụ nữ có thể tham gia tại mọi công việc.
Phương Anh