Một số chuyên gia tin rằng Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam sẽ đem lại cho Nga nhiều lợi hơn là hại.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Việt Nam lần đầu tiên hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông đã công bố quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương kéo dài hơn 40 năm được xem là di sản của chiến tranh.
Động thái này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại Nga và phương Tây rằng Việt Nam có thể sẽ bắt đầu nhập khẩu vũ khí từ Mỹ và khiến Nga bị mất vị trí là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng số 1 cho Hà Nội.
Andrey Frolov, Chủ biên tạp chí Export Vooruzheny của Nga, cũng tin rằng quyết định của ông Obama mang tính hình thức nhiều hơn. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có quan điểm ngược lại và tin rằng trên thực tế, quyết định này của chính quyền Washington sẽ đem lại cho Nga nhiều lợi hơn là hại.
Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số các quốc gia mua sắm trang bị quốc phòng nhiều nhất trên thế giới với ngân sách 4,3 tỉ USD năm 2014 và đang tiếp tục gia tăng chi tiêu quốc phòng với nỗ lực hiện đại hóa trang thiết bị quân sự nhằm tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ biên giới biển, VOA cho hay.
Theo quan điểm được Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam bày tỏ với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Việt Nam là một đối tác chiến lược lâu năm và quan trọng nhất của Nga hiện nay ở Đông Nam Á.
Do đó, “Nga luôn sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì Việt Nam cần và Việt Nam cũng không muốn gây phương hại cho mối quan hệ đó”.
Andrey Frolov, Chủ biên tạp chí Export Vooruzheny của Nga, cũng tin rằng quyết định của ông Obama mang tính hình thức nhiều hơn do “có nhiều việc cần làm với cơ sở pháp lý để có thể khiến việc mua bán vũ khí trở nên khả thi… Việt Nam sẽ không vội vàng mua vũ khí của Mỹ trong nay mai”.
Nhà phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov cho biết, việc thay thế vũ khí Nga bằng vũ khí Mỹ đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn bởi sự thay thế này không đơn giản là dừng lại ở việc mua sắm các thiết bị mới mà nó còn đòi hỏi rất nhiều đầu tư cho đào tạo bổ sung, trang thiết bị hỗ trợ và bảo trì… Hơn nữa, ngân sách quốc phòng của Việt Nam cũng có hạn.
Theo ông Sivkov, “có nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục chiến lược mua sắm đồng bộ hơn” và mua một số thiết bị khác nhau của Mỹ để “làm quen” với vũ khí cũng như thiết bị quân sự của quốc gia này.
Các nhà phân tích Nga đều tin rằng sẽ khó có một hoạt động mua sắm quốc phòng lớn giữa Việt Nam và Mỹ sau quyết định mang tính bước ngoặt trên của Tổng thống Obama.
Những phân tích này có thể trấn an các nhà cung cấp vũ khí của Nga. Hơn nữa, các chuyên gia còn tìm thấy lợi ích từ sự kiện này.
Ông Sivkov nói: “Chúng tôi có thể hưởng lợi từ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của ông Obama. Có thể chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm một số tính năng đặc biệt của vũ khí Hoa Kỳ theo cách này…”.
Hoàng Hải