Trung Quốc tập trận ở Biển Đông; Đại sứ TQ “lu loa”, yêu cầu châu Âu không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông… là những tin tức tình hình Biển Đông mới nhất 24h qua
Trung Quốc đưa tàu đổ bộ thuộc Type 071 tập trận ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc mấy ngày qua liên tục đăng tin tàu đổ bộ tấn công Type 071 mang tên Trường Bạch Sơn của Hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu đổ bộ thuộc Type 071, trong đó có tới 3 chiếc được biên chế cho Hạm đội Nam Hải với địa bàn hoạt động ở Biển Đông.
Tàu đổ bộ 25.000 tấn này đã diễn tập tấn công phòng thủ tổng hợp, sử dụng pháo đối hải, tấn công bờ biển và gây nhiễu.
Cuộc tập trận này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan sắp ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông
Tàu đổ bộ thuộc Type 071 |
Việt Nam sẽ liên minh với Mỹ nếu mất thêm đảo ở Biển Đông?
The Straits Times (Singapore) đưa ra nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng trước. Theo đó, tác giả David Kok cho rằng, chuyến thăm của ông Obama cho thấy cả hai bên đều muốn có quan hệ gần gũi hơn, có thể khiến cho Trung Quốc lo lắng.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn tuyên bố lập trường không thay đổi là không đứng về phía bên nào trong vấn đề Biển Đông. Về nguyên tắc, lệnh cấm bán vũ khí đã bị dỡ bỏ, nhưng những đề nghị bán vũ khí sát thương vẫn phải đáp ứng những tiêu chí nhân đạo.
Theo báo Singapore, quan hệ Mỹ – Việt sẽ phát triển mạnh mẽ hơn ngoài khía cạnh hợp tác kinh tế hay không ở một chừng mực sẽ phụ thuộc vào những hành động của Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam tiếp tục theo hai hướng: cứng rắn về vấn đề Biển Đông và thông qua thuyết phục chiến lược để ngăn chặn việc Việt Nam xoay trục.
Việt Nam vẫn là thách thức mạnh mẽ đối với các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, với một số lượng lớn các đảo mà Việt Nam đang nắm giữ cũng như với việc Việt Nam có khả năng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ, Nhật và Philippines trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển.
The Straits Times nhận định, trên thực tế sự xoay trục sẽ chỉ có hiệu quả cho Việt Nam nếu như những giả thuyết chiến lược có sự thay đổi nhanh chóng và cơ bản. Những giả thuyết này có thể bao gồm sự thay đổi lớn trong quan hệ Việt-Trung và việc Việt Nam mất thêm đảo chẳng hạn.
Một cuộc tấn công trên bộ của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam là không thể và không dự đoán được, nhưng một cuộc tấn công bất ngờ hay một cuộc xung đột trên Biển Đông không thể bị loại trừ hoàn toàn.
Tờ báo này kết luận, hiện nay chỉ có những tổn thất của Việt Nam trên Biển Đông mới có thể dẫn đến việc hình thành liên minh Việt Nam – Mỹ. Nếu như Trung Quốc có những hành động khiến cho Việt Nam tiến gần hơn với Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ tạo ra những liên minh khác của Mỹ, ngoài những liên minh hiện có như Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn, và Mỹ – Philippines. Lúc đó, giả thuyết về một sự bao vây chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc tại Đông Á sẽ được hoàn tất.
Indonesia tập trận lớn ở Biển Đông
Trang tin chuyên về quân sự quốc phòng Janes’s Defence ngày 16/6 thông tin, Indonesia huy động một lực lượng hải quân hùng hậu để tiến hành cuộc tập trận 12 ngày ở vùng đảo Natuna, gần nơi tranh chấp ở Biển Đông.
Theo một đại diện của hải quân Indonesia, cuộc tập trận diễn ra từ ngày 9/6 đến 20/6, huy động nhiều phương tiện nhất, bao gồm năm tàu chiến, một tàu tiếp tế và một máy bay tuần duyên chuyên tìm kiếm và cứu nạn. Việc phối hợp máy bay tuần duyên và tàu chiến nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong các tình huống giả định.
Chiến hạm của hải quân Indonesia. |
Đại sứ Trung Quốc “lu loa”, yêu cầu châu Âu không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông
Trang thông tin châu Âu Euro Activ, ngày 17/6, cho biết, đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên hiệp châu Âu Dương Yến Di đã yêu cầu khối này không nên can thiệp vào cuộc xung đột ở Biển Đông.
Bà Âu Dương Yến Di nói rằng, đây là các xung đột về chủ quyền liên quan đến cái gọi là “lợi ích hàng đầu của Trung Quốc”.
Đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên hiệp châu Âu ngang ngược nói rằng việc giải quyết các loại bất đồng này không thuộc thẩm quyền của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các quy định của Công ước này, Trung Quốc đã làm như nhiều quốc gia khác và đã lựa chọn hình thức đàm phán song phương, thay cho một giải pháp có sự tham gia của bên thứ ba.
Theo vị đại sứ Trung Quốc này, Liên hiệp châu Âu không nên từ bỏ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và nên tập trung vào việc bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực, ví dụ như chống nạn cướp biển.
Bà Âu Dương cũng nói rằng, các khiêu khích chính trị và quân sự của Mỹ mới thực sự là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông.
Lê Thanh (T/h)