Hành động chặn gần đây nhất của Trung Quốc có thể nhằm trả đũa chuyến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis đang làm nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.
Một chiếc máy bay do thám Boeing RC-135 của Không quân Mỹ đã bị một chiếc chiến đấu cơ Chengdu J-10 của Trung Quốc chặn lại trong không phận quốc tế trên Biển Đông ngày 6/6.
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc. |
Theo CNN, vụ việc đã được xác nhận bởi một số quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ, những người mô tả vụ việc là “không an toàn” khi chiếc máy bay Trung Quốc áp sát máy bay do thám của Mỹ ở khoảng cách 30 mét.
Chi tiết về sự cố này không được tiết lộ. Tuy nhiên, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng chiến đấu cơ Trung Quốc đã di chuyển với tốc độ cao khi áp sát máy bay RC-135 đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát thường xuyên.
“Các quan chức Mỹ không tiết lộ RC-135 đã tránh máy bay Trung Quốc hay J-10 rời đi ở thời điểm nào. Cũng chưa rõ ràng rằng Bộ Ngoại giao Mỹ có lên tiếng phản đối vụ việc hay không”, CNN bình luận.
Đây không phải là sự cố đầu tiên xảy ra. Ngày 15/9/2015, Trung Quốc đã điều một chiếc chiến đấu cơ chặn RC-135 ở phía đông bán đảo Sơn Đông, trong vùng biển Hoàng Hải.
Lầu Năm Góc sau đó đã lên án vụ việc là một sự đe dọa khiến “phi công cảm thấy không an toàn”.
Tháng trước, hai chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn máy bay do thám EP-3 Aries tại Biển Đông, vụ việc được Mỹ gọi là “chặn nguy hiểm”.
Sự kiện này đã gợi nhớ đến sự cố năm 2001 khi EP-3 Aries của Mỹ bị máy bay Trung Quốc chặn gần đảo Hải Nam khiến phi công Trung Quốc tử nạn và quan hệ giữa hai nước rơi vào khủng hoảng ngoại giao lớn.
Đô đốc John Richardson thăm USS Fort Worth (LCS 3) tại Căn cứ Hải quân Changi. Ảnh Diplomat. |
Để ngăn chặn sự cố Hải Nam lặp lại, Mỹ và Trung Quốc đã thông qua một bản ghi nhớ về điều chỉnh “độ an toàn của các cuộc đụng độ trên không và trên biển” giữa quân đội hai nước trong tháng 11/2001. Tháng 9/2015, hai nước bổ sung thêm các quy định vào bản ghi nhớ chung này.
Theo Diplomat, các hành vi chặn của máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể đã vi phạm các quy định trong bản ghi nhớ chung, nếu không sự việc trên sẽ không bị rò rỉ cho báo chí.
Hành động chặn gần đây nhất của Trung Quốc có thể nhằm trả đũa chuyến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis đang làm nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông của người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson.
Chuyến thăm hồi cuối tuần vừa qua của Đô đốc John Richardson có thể được xem là một lời báo hiệu đối với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ vẫn hiện diện trong vùng biển nơi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chủ quyền (sai trái).
Theo đoạn video mới được công bố trên Facebook, Đô đốc Richardson nhấn mạnh rằng: “Tất cả mọi người trong khu vực quan ngại về sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực này. Khi tôi nói chuyện với họ, tôi biết mọi việc sẽ tốt đẹp vì chúng ta có pháo đài John C. Stennis ở Biển Đông.”
Trong tháng 4, Nhật Bản cho biết có sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) đã phải điều chiến đấu cơ 571 lần trong năm 2015 để ngăn các máy bay quân sự Trung Quốc đến gần hoặc xâm nhập không phận Nhật Bản, tăng từ 464 vụ trong năm 2014.
Hoàng Hải