Chính sách ngoại giao độc lập và linh hoạt sẽ không thể giúp cho Indonesia thoát khỏi một cuộc khủng hoảng trong khu vực bằng cách chỉ đứng nhìn từ xa.
Theo Jakarta Globe, một nhóm các chuyên gia chính sách uy tín từ khắp Indonesia đã ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Joko Wikodo (“Jokowi”) thay đổi cách tiếp cận trung lập của nước này đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Lời kêu gọi được đưa ra sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hôm 12/7, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc ở vùng biển khu vực.
Tổng thống Joko Wikodo. |
“Chính sách ngoại giao độc lập và linh hoạt sẽ không thể giúp cho Indonesia thoát khỏi một cuộc khủng hoảng trong khu vực bằng cách chỉ đứng nhìn từ xa”, 19 học giả ký tên nói trong bức thư ngỏ được gửi tới chính phủ của Tổng thống Wikodo hôm 27/07.
Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, thế nhưng với vai trò nổi bật của nước này trong ASEAN và lời kêu gọi từ các thành viên trong khối – các chuyên gia chính sách cho rằng Tổng thống Jokowi và Bộ trưởng Ngoại Retno Marsudi nên cân nhắc một lập trường cứng rắn hơn để hỗ trợ các nước Đông Nam Á.
“Chúng tôi muốn kêu gọi Tổng thống Joko Widodo hỗ trợ chính sách đối ngoại của mình một cách tối đa dưới vai trò lãnh đạo khối để giải quyết các tranh chấp về vấn đề Biển Đông của ASEAN một cách chủ động, phù hợp và hiệu quả,” tuyên bố cho biết thêm.
Evan A. Laksmana, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Jakarta đã xác nhận bức thư nói trên.
Trước đó, trong tuyên bố chung của ASEAN đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á diễn ra tại Lào hôm 25/7, vấn đề Biển Đông đã được nhắc đến. Trong đó, các ngoại trưởng lên tiếng quan ngại sâu sắc về sự cải tạo đất và các hoạt động leo thang ở vùng biển khu vực.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, lưu ý đến sự quan ngại của một số ngoại trưởng về hoạt động cải tạo đất và các hoạt động leo thang trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực”, tuyên bố chung viết.
Trước thời điểm đưa ra tuyên bố chung, phía Indonesia cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước đoàn kết trong giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế và khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong khối
“Chúng ta cần ASEAN là một khối thống nhất để nói lên tầm quan trọng trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung và Indonesia sẽ là nước đi đầu”, Wall Street Journal dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi .
Nói về tuyên bố chung của ASEAN, bà Marsudi khẳng định “thỏa thuận trên là bằng chứng cho thấy các nước thành viên ASEAN có khả năng đoàn kết để bảo vệ lợi ích chung trong khối”.
Sự ngang ngược của Trung Quốc hồi năm 2015 đã khiến Jakarta phải xem xét lại quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông sau khi Bắc Kinh lấn át chủ quyền của Jakarta với quần đảo Natuna, nơi vốn là ngư trường truyền thống và là nơi sinh sống của 70.000 công dân Indonesia.
Sau khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức, Indonesia đã bày tỏ sự cứng rắn của mình với quyết tâm xây dựng lực lượng hành pháp trên biển mạnh mẽ, sẵn sàng xử lý kiên quyết các hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trái phép của nước này từ phía tàu cá và hành động gây hấn từ các tàu hải cảnh phía Trung Quốc.
Đọc thêm>>> Philippines bác tin đồn sau tuyên bố chung ASEAN
Minh Vũ
2016-07-28 04:32:08