Trung Quốc trắng trợn đòi đưa tàu du lịch ra Biển Đông, Nhật cảnh báo Bắc Kinh tăng cơ bắp, Philippines có thể buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết… tin tức tình hình Biển Đông mới nhất ngày 21/7.
Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện ở Biển Đông sau phán quyết PCA
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/7 cam kết với đồng minh Australia rằng, Mỹ sẽ không lùi bước trong chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương dù ai sẽ đắc cử tổng tống Mỹ vào cuối năm nay.
Đài Loan ngang nhiên đưa nghị viên, ngư dân tới Ba Bình
Theo AFP, vào lúc 7h20’ sáng ngày 20/7 theo giờ địa phương, một chiếc máy bay quân sự chở 8 nghị viên đảng Dân tiến cầm quyền và Quốc dân đảng (KMT) đã thực hiện chuyến đi trái phép tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines có thể buộc Trung Quốc tuân thủ PCA như thế nào?
Tờ Wall Street Journal mới đây đã đăng tải bài phân tích của thẩm phán Antonio T. Carpio về những cách thức có thể ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường Trực ở Biển Đông.
Trung Quốc tức tối vì đảng của Trump chỉ trích chính sách Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/7 đã có phản ứng giận dữ sau khi bị đảng Cộng hòa Mỹ của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump lên án mạnh mẽ về những hành động bá quyền ở Biển Đông trong cương lĩnh chính sách mới của đảng này được thông qua tại đại hội toàn quốc một ngày trước đó.
Indonesia sẽ đánh chìm 3 tàu TQ trong dịp Quốc khánh để cảnh cáo
Theo Jakarta Post, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Indonesia đã lên kế hoạch đánh chìm 3 tàu cá Trung Quốc đã bị nước này bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm độc lập của nước này, diễn ra vào ngày 17/8 tới.
Trung Quốc trắng trợn đòi đưa nhiều tàu du lịch ra Biển Đông
Ngày 21.7, một tờ báo nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng nhiều tàu du lịch Trung Quốc sẽ được đưa đến Biển Đông trong khoảng 5 năm tới khi Bắc Kinh tiếp tục quảng bá du lịch trái phép ở khu vực này.
Sanya International Cruise Development, một công ty liên doanh giữa nhiều công ty, bao gồm công ty dịch vụ Du lịch quốc gia Trung Quốc, công ty vận chuyển COSCO, công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc, sẽ mua từ 5-8 tàu và xây dựng 4 bến tàu ở thành phố Tam Á, thuộc đảo Hải Nam để phục vụ kế hoạch trên.
Phía Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố các tàu sẽ đi du lịch đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và “sẽ xem xét một hành trình xung quanh Biển Đông vào thời điểm thích hợp”, theo China Daily. Bên cạnh đó, tờ báo cũng viết phía Trung Quốc sẽ xây các khách sạn, biệt thự và các cửa hàng phi pháp ở đây.
Chuyến tàu du lịch bất hợp pháp đầu tiên mà Trung Quốc tổ chức đến quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam là vào năm 2013, do công ty Vận chuyến Eo biển Hải Nam vận hành.
Bắc Kinh cũng ngang ngược tuyên bố muốn xây dựng khu du lịch kiểu Maldives xung quanh Biển Đông.
Sách Trắng Nhật cảnh giác Trung Quốc “cơ bắp” tại Biển Đông
Theo Kyodo News ngày 20/7, trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật Bản sẽ nhấn mạnh sự cảnh giác trước sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông và cảnh báo việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp đang biến tuyên bố chủ quyền trái phép của nước này trong khu vực thành sự đã rồi.
Văn kiện này dự kiến sẽ được Nội các Nhật phê duyệt vào đầu tháng tới, sẽ tuyên bố các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là hống hách và đơn phương thay đổi nguyên trạng.
Văn bản này cũng cho biết Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động ở gần quần đảo tranh chấp giữa Trung – Nhật Senkaku/ Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và lưu ý rằng tháng trước, một tàu hải quân Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng tiếp giáp bên ngoài quần đảo này. Trong khi đó, số lần Nhật Bản phải cử máy bay chiến đấu ra ngăn chặn máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận khu vực cũng gia tăng nhanh chóng.
Chuyên gia Nhật Bản: Phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Giáo sư Kurihara Hirohide – chuyên gia về quan hệ Việt-Trung tại Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Á-Phi, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo – cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông mang ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Theo ông, phán quyết đã bám sát luật pháp quốc tế và được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử và hiện trạng Biển Đông.
Theo Giáo sư Hirohide, việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông là hành động không thể chấp nhận được. Trung Quốc thường phân biệt “các nước có liên quan” và “các nước không liên quan” để ngăn cản các quốc gia mà Bắc Kinh gọi là “ngoài khu vực” như Mỹ, Nhật Bản,… can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Hirohide cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thể hiện thái độ không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó sẽ khiến Bắc Kinh bị mất uy tín trên trường quốc tế.
H.H (tổng hợp)
2016-07-21 05:16:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-217-a251241.html