Cựu Thứ trưởng TQ He Yafei chỉ trích Philippines khởi kiện nước này trong khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang ở Biển Đông là vì hai nước vẫn chưa tin tưởng lẫn nhau.
Còn chưa đầy một tuần nữa, Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng dù kết quả cuối cùng vào ngày 12/7 tới có ra sao, Trung Quốc sẽ “không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào” của tòa quốc tế, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc He Yafei nói.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang mạng Channel News Asia, ông He nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng “PCA không có thẩm quyền đối với các tranh chấp chủ quyền”.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc He Yafei. |
“Dù Philippines nghĩ gì thì tôi cho rằng họ đã không nói đúng sự thật. Có lẽ họ cần đến một luật sư tốt hơn”, ông He, người từng làm việc trong chính quyền cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo năm 2008 và sau đó là Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc năm 2010 nói.
Ông He nói rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp. Giải quyết vấn đề như vậy cần đến sự “kiên nhẫn, thông qua các giải pháp chính trị hòa bình và đàm phán song phương”.
Mỹ, Trung Quốc thiếu lòng tin
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ không có xung đột xảy ra ở Biển Đông bởi ông tin rằng các quốc gia trong khu vực đều không muốn gây chiến tranh.
“Đó không phải là một rào cản lớn. Người châu Á nổi tiếng với sự kiên nhẫn và đàm phán chính trị có lẽ là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này. Chúng ta không nên sử dụng vũ lực và các biện pháp cưỡng chế khác”, ông He nhận định.
Bình luận về việc Mỹ tăng cường vai trò trong khu vực và đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng ở châu Á, ông He cho rằng Washington đã áp đặt lập trường thù địch nhằm vào Trung Quốc và khiến cho nước này không thoải mái.
“Người Mỹ thấy nguy hiểm ở đây và họ muốn ngăn chặn Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự. Đó là chiến lược tái cân bằng của họ”, ông He nói.
Theo ông He, vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở lòng tin, trong khi hai nước đã chia sẻ nhiều thập kỷ trong quan hệ ngoại giao, an ninh vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết. “Tôi muốn nói rằng hai bên cần phải có thêm các cuộc đối thoại chiến lược sâu rộng hơn nữa”.
“Trung Quốc không nên che dấu bất kỳ chiến lược nào. Chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này. Mỹ cũng nên nói rõ với Trung Quốc, rằng họ lo ngại điều gì? Trung Quốc không có gì để phải giấu giếm cả”, ông nói thêm.
Ông He bác bỏ quan điểm cho rằng, Trung Quốc ngày càng bành trướng trong khu vực bằng cách thống trị kinh tế. Thay vào đó, Bắc Kinh luôn mong muốn chia sẻ tiến bộ phát triển kinh tế với các nước láng giềng, ông He giải thích.
“Hãy tưởng tượng. Nếu bạn là một người giàu có và xung quanh là nhóm những người nghèo, người giàu rồi cũng sẽ lụi bại. Không có tương lai nào cho điều này. Trung Quốc không bao giờ muốn trở thành bá chủ. Đó là lời cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trải qua nhiều thế hệ”, ông He nói.
Những tuyên bố của ông He không có nhiều khác biệt với những gì mà truyền thông nhà nước và giới ngoại giao Trung Quốc tích cực tuyên truyền những ngày qua trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Đối mặt với áp lực lớn từ phát quyết sắp tới của PCA, được dự đoán sẽ có nhiều bất lợi cho Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc đã tích cực tuyên truyền bằng luận điệu xuyên tạc cái gọi là “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông, đổ lỗi cho Philippines và Mỹ là nguyên do dẫn tới căng thẳng trong khu vực chứ không phải các hành động chiếm đảo, bồi lấp trái phép và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông của nước này.
Đây là những nỗ lực tuyên truyền đánh lạc hướng dư luận của Trung Quốc, nhưng dường như nó đã không đem lại nhiều kết quả và ngược lại chỉ khiến Bắc Kinh trở thành một quốc gia coi thường luật pháp trong mắt cộng đồng quốc tế.
Xem thêm: ASEAN sẽ phản ứng như thế nào sau phán quyết vụ kiện Biển Đông?
Đăng Nguyễn