Sau cơn bão số 1, các công trình lưới điện Thái Bình, Nam Định, đều hư hỏng nặng. Người dân nghi ngờ về chất lượng và càng bất ngờ hơn khi biết cột điện được sản xuất theo công nghệ mới.
Sau cơn bão số 1, rất nhiều cây cột điện đổ gây nên tình trạng khó khăn cho đời sống người dân. Hàng loạt cột điện đổ ở Nam Định, Thái Bình đã khiến người dân nghi ngờ về chất lượng, thiết kế thi công những cột điện này.
Trong cơn bão số 1 vừa qua, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đã thiệt hại rất nặng nề trong đó, hàng loạt cột điện bị đổ gây mất điện trên diện rộng.
Khi nhìn vào những cột điện bị đổ, người dân chỉ biết đó là những cột điện bình thường, không phải dùng công nghệ mới.
Bà Nguyễn Thị Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình cho biết, khi các cột điện đổ, họ nhìn thấy sắt trong cột điện bằng ngón tay út, nghi là có vấn đề về chất lượng.
“Sắt bé bằng ngón tay út thì làm sao mà đủ chất lượng như vậy được. Mấy người bên điện lực xuống nói với chúng tôi lõi sắt bên trong là thép dự ứng lực cứng gấp mấy lần sắt thì chúng tôi biết thế chứ có hiểu công nghệ đâu”, bà Minh cho biết.
Khi được hỏi thông tin về việc sản xuất cột điện theo công nghệ mới, nhiều người dân tỏ ra ngạc nhiên bởi nhìn bằng mắt thường không khác nhau.
“Chúng tôi có biết công nghệ mới dự ứng lực nào đâu. Người dân thì chỉ biết sử dụng điện thôi chứ, còn lắp đặt là do điện lực thôi mà. Mà công nghệ mới thì tôi chả biết khác nhau ở chỗ nào”, ông Nguyễn Văn Minh, huyện Ý Yên, Nam Định cho hay.
Sau khi người dân phản ánh, phóng viên đã tìm hiểu và được biết những cột điện này được sản xuất đúng theo công nghệ mới: Công nghệ bê tông dự ứng lực. Đây là công nghệ đúc sản xuất còn khá mới mẻ với người dân. Trên thực tế, với những ưu điểm vượt trội, các nhà sản xuất ở Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung đã áp dụng công nghệ bê tông dự ứng lực vào sản xuất cột điện từ lâu.
Cột điện được sản xuất theo công nghệ mới. |
Qua tìm hiểu của phóng viên, bê tông dự ứng lực là một dạng kết cấu bê tông, trong đó, bê tông đã được nén trước để cải thiện khả năng chịu lực. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai loại kết cấu này chính là việc sử dụng vật kéo căng cốt thép và neo chúng vào bê tông sẽ tạo ra các trạng thái ứng suất và biến dạng mong muốn để qua đó, giảm thiểu hoặc triệt tiêu vết nứt trong bê tông.
Ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ bê tông dự ứng lực trước đã được thực hiện từ những năm 70, 80, tuy nhiên phạm vi áp dụng còn hạn hẹp. Chỉ trong những năm gần đây, với chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá các doanh nghiệp trong ngành bê tông đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ dự ứng lực trong việc sản xuất các cấu kiện bê tông dự ứng lực như: dầm cầu, cột điện, cọc dự ứng lực, ống cấp nước dầm sàn nhà dân dựng và công nghiệp, cầu cống, đường sắt trên cao.
Qua quá trình tìm hiểu, được biết những lõi sắt nhỏ trong cột điện bị đổ mà nhân dân cho là không đảm bảo chất lượng, thực chất là những lõi thép được kéo căng và có khả năng chịu lực gấp 3-4 lần sắt thông thường.
Một cán bộ công tác bên điện lực đã đưa ra ví du: Khung xe đạp ống thép mỏng dính mà vẫn tải được 300 – 400kg đạn dược lên Điện Biên, thì cái cột điện rỗng lõi cũng tương tự. Tương tự như vậy, cột điện đúc theo công nghệ cũ dùng cốt thép sẽ đặc và nặng, nhưng chất lượng không bằng công nghệ mới.
Trước đó, ông Trần Anh Trọng Ni, Trưởng ban Đào tạo – Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc bê tông phía Nam cho biết, trên thế giới việc sản xuất các sản phẩm như trụ điện, cọc cừ bê tông ly tâm, ván bê tông, tà vẹt bê tông bằng công nghệ dự ứng lực (còn gọi là tiền áp) đã có từ lâu. Bởi vì nó có nhiều ưu điểm, khắc phục được các nhược điểm của loại sản phẩm sản xuất theo công nghệ thường (không ứng lực).
Các công nhân đang làm công đoạn sắt để chuẩn bị đưa vào lồng. |
Cốt thép trong bê tông, là cốt thép cường độ cao, được kéo căng ra bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định, được thiết kế trước, nằm trong giới hạn đàn hồi của nó, trước khi các kết cấu bê tông cốt thép này chịu tải.
Lực căng cốt thép này làm cho kết cấu bê tông biến dạng ngược với biến dạng do tải trọng gây ra sau này khi kết cấu làm việc. Nhờ đó, kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước có thể chịu tải trọng lớn gần gấp đôi so với kết cấu này, khi không căng cốt thép ứng suất trước.
Cọc bê tông ly tâm ứng suất trước được sản xuất và quản lý trong môi trường nhà máy nên chất lượng đồng đều được duy trì. Sử dụng bê tông mác cao cùng với quá trình quay ly tâm, và tác động của ứng suất trước làm cải thiện được kết cấu chịu lực của cọc và các tính năng ưu việt khác của cọc: Tài dọc trục cao, Khả năng chịu kéo cao, momen uốn lớn, chống nứt cọc, chống ăn mòn sun phát và chống ăn mòn cốt thép, không xuất hiện ứng suất gây xoắn nứt trong quá trình đóng, cho phép đóng xuyên qua các lớp địa tầng cứng.
PV
2016-08-28 19:40:11