Bàn về vai trò của đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu
Monday, August 29, 2016 6:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Sự phát triển của tục thờ Mẫu hiện nay đã mang lại một diện mạo mới cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam, về một mặt nào đó đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc[2]. Tuy nhiên, xét về bản chất, như bất kỳ một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nào, tín ngưỡng thờ Mẫu và sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu cũng tiềm ẩn trong nó những hạn chế không tránh khỏi – nhất là trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Trước tình hình đó, đã có không ít các giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu, chẳng hạn như chủ trương cấm đốt vàng mã của nhà nước, tổ chức các cuộc liên hoan diễn xướng hầu đồng nhằm tôn vinh và chấn hưng nghi lễ hầu thánh,… Tuy nhiên, dường như công việc này vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời và nặng về hình thức. Với ý nghĩa đó, từ việc tìm hiểu công việc và vị trí của các vị đồng thầy trong bản hội, bài viết này thực hiện nhằm đi đến nhận thức về việc cần thiết phát huy vai trò của họ trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu.[3]
1.Đồng thầy và vai trò của họ trong bản hội thờ Mẫu
*Đồng thầy là ai?
Tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là tín ngưỡng Tứ phủ (dân gian quen gọi là đạo Tứ phủ, thuật ngữ đương đại gọi là đạo Mẫu) về bản chất là thuộc hình thức sa man tương tự như các hình thức tín ngưỡng Then, Pụt, Mo, Mỡi, Một… của các tộc người thiểu số Tày, Nùng, Thái, Mường ở Việt Nam. Đệ tử của đạo Mẫu về cơ bản là phải có “căn đồng”, hiểu nôm na là những người có khả năng giao tiếp với linh giới dưới hình thức phổ biến là xuất/nhập hồn các vị thần linh trong các nghi lễ hầu thánh. Nói trên cơ sở lý luận về nhân quả, thì người có căn đồng là người có duyên hoặc có nghiệp liên quan đến nhà Thánh. Có duyên, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng phụng sự cửa đền, hoặc đã từng tu theo đạo Mẫu rồi. Có nghiệp, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng làm gì đó có lỗi với cửa đền (ví dụ phá phách, hoặc trộm đồ thờ), hoặc có lỗi với người tu theo đạo Mẫu (ví dụ ngăn cản vợ/chồng, anh/chị/em, con/cháu tu theo đạo Mẫu).
Tùy theo duyên hay nghiệp mà những người đến với tín ngưỡng Tứ phủ có thể bị cơ đầy khổ sở về thể xác và tinh thần hay không. Tuy nhiên, để chính thức trở thành thanh đồng – họ phải trải qua nghi lễ trình đồng mở phủ dưới sự chủ trì của một đồng thầy. Với nghi lễ này coi như họ được đồng thầy sinh ra ở cửa Thánh, trở thành con tinh thần của đồng thầy (cha/mẹ). Thông thường, sau khi trình đồng nếu người đệ tử này khiêm tốn chuyên cần; chịu khó học hỏi; tu tâm dưỡng tính; bền bỉ hành đạo không ngừng thì sau khi tạ 12 năm đồng xong, có thể chính thức được sắc phong trở thành đồng thầy, tùy theo duyên nghiệp của mình mà trở thành một trong bốn dạng đồng thầy sau đây:
1) Giáo hóa truyền đạo: là người làm thầy nhưng chỉ chuyên đi giáo hóa, truyền đạo, nhiệm vụ của họ là khai sáng cho những người còn u mê; chưa có tín ngưỡng; hoặc là thất tín hay cuồng tín và đang đi sai đường. Với những người thầy kiểu này thì “phương tiện thiện xảo” của họ là sức thuyết phục, khả năng lý luận, phân tích, tổng hợp, là ngòi bút viết nên những trang sách, bài thơ… để làm cầu nối dẫn dắt người khác nhập đạo.
2) Công đức hành thiện: là người làm thầy nhưng chỉ chuyên đi vận động, quyên góp, làm công đức, làm việc thiện nguyện ở cộng đồng. Với những người thầy kiểu này thì “phương tiện thiện xảo” của họ là khả năng kêu gọi, vận động cộng đồng, tạo dựng và lãnh đạo một phong trào, biến xã hội/cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
3) Cứu độ bách gia: đây là dạng có nhiều thầy nhất, trong đó lại chia thành nhiều loại thầy như sau:
a) Đồng dí: là thầy chuyên áp vong, triệu vong, gọi hồn – làm cầu nối Âm-Dương giới, cho phép gia tiên ngự về dạy bảo con cháu làm việc thiện
b) Đồng pháp: là thầy chuyên việc pháp sự, trục vong, trừ tà, trấn trạch, trấn trùng – làm chấp pháp trong Âm-Dương giới, khiến cho ma quỷ không lộng hành quấy phá người trần
c) Đồng bói: là thầy chuyên bói toán, tử vi, bốc phệ, bói trầu, bói cau, bói tiền, bói hương, bói bài – là người có khả năng soi tỏ quá khứ; hiện tại; vị lai, rồi dùng thông tin đó để uốn nắn và răn dạy người đời.
d) Đồng chữa: là thầy chuyên chữa bệnh bằng phép (bùa, ngải) hoặc bằng thuốc (lá, nước, tàn hương) – là người không cần viện tới các phương tiện Tây y hiện đại nhưng vẫn chữa được bệnh, đặc biệt những bệnh thuộc về nghiệp.
4) Phò trì chánh pháp: Có người làm thầy nhưng chỉ có mục đích “vệ đạo”, nhiệm vụ của họ là sử dụng mọi phương tiện, biện pháp có thể – nhằm mục đích bảo vệ văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc không bị mai một, không bị đồng hóa. Nhóm này có ít thầy nhất và họ cũng ẩn dật nhất. Có thể xem họ như phần “Mật tông” trong lòng đạo của dân tộc Việt Nam.[4]
Như vậy, nhóm đồng thầy thuộc trường hợp “Cứu độ bách gia” hiện phổ biến và được biết đến nhiều nhất trong xã hội. Công việc của họ là thực hiện các nghi lễ trình đồng mở phủ cho đệ tử, tùy theo năng lực mà thực hiện các việc chữa bệnh, áp vong, trừ tà, kêu cầu, di cung hoán số, trả nợ tào quan, cắt duyên âm… cho các con nhang đệ tử, hình thành nên bản hội riêng của mình. Một đồng thầy có uy tín thường có đông con nhang đệ tử. Theo quy luật, đến lượt mình các đệ tử của đồng thầy lại tiếp tục làm đồng thầy và thiết lập các bản hội riêng.
Tuy bất thành văn nhưng trong giới thanh đồng cũng có quan niệm coi bố mẹ sinh ra mình chỉ là người mà họ mượn cửa để đầu thai, cho nên thường họ chỉ gọi bố mẹ mình là “anh Sinh, chị Đẻ”, còn đồng thầy – là người dẫn dắt họ, xem như tái sinh ra họ lần thứ hai, còn gọi là “đẻ đồng” – cho họ được là chính họ (được yên ngôi, chính vị) cho nên phải gọi đồng thầy là bố, là mẹ. Từ quan niệm này dẫn đến những quy định mang tính thứ bậc gia đình đối với các thanh đồng trong bản hội. Theo đó, những người được “đẻ đồng” trước (trình đồng mở phủ trước) thì sẽ được coi là anh chị (đồng anh, lính chị), còn người được “đẻ đồng” sau thì dù có nhiều tuổi hơn – cũng vẫn bị coi là em. Quan niệm này cũng phổ biến ở các hình thức tín ngưỡng tương tự của một số tộc người thiểu số như Then, Pụt, Mo của người Tày, Nùng hoặc ở các thầy cúng người Dao, tức là ở các hình thức cúng bái có giao lưu tiếp biến với Đạo giáo[5].
Về đại thể, có thể hình dung sự phát triển của các bản hội tương tự như sự phát triển phả hệ của một dòng họ gia đình theo sơ đồ như sau :
Từ đây có thể tạm hình dung: đồng thầy nào có đông con (đệ tử) thì sẽ nhiều cháu, chắt, chút, chít…
Tuy nhiên, giống như trong đời thường cũng có người không sinh con nên không phải bất cứ đồng thầy nào cũng “đẻ đồng”. Vì vậy cũng có những bản hội của các thanh đồng không “đẻ đồng”, họ lập điện thờ để kêu cầu cho các tín chủ, được các tín chủ tín nhiệm.
Giới thanh đồng nói chung cũng coi đồng thầy là một chức nghiệp chứ không phải là một nghề, người có duyên nghiệp thì mới được làm đồng thầy. Theo đó nếu không có “mệnh” làm đồng thầy thì không thể “học” để trở thành đồng thầy được.
Do chưa có điều kiện bao quát hết các nguồn tư liệu nên bài viết này chủ yếu hướng tới đối tượng đồng thầy thuộc nhóm 3- nhóm “Cứu độ bách gia”.
*Vai trò của đồng thầy trong bản hội
Theo một cách hiểu chung nhất thì bản hội là một tập hợp những người có chung niềm tin về các vị thánh Tứ phủ nằm dưới sự dẫn dắt của một vị đồng thầy.
Về cơ cánh (tạm hiểu là cơ cấu tổ chức) của một bản hội thông thường sẽ gồm một đồng thầy, một đồng trưởng (thường là đệ tử giỏi nhất của đồng thầy), một số thanh đồng (là đệ tử của thầy), một số tín chủ (là đệ tử của thầy, nhưng không phải là thanh đồng), một số cụ cao tuổi (bao gồm cả những người đã về hưu, không phân biệt nam/nữ, nhưng nhất tâm đi theo thầy thực hành tâm linh như ăn chay, tụng kinh niệm Phật, làm việc từ thiện…). Đối với đồng thầy có điện thờ tại gia, hoặc là thủ nhang của đền/phủ thì nơi đó được gọi là “chốn tổ”, đồng thời là “trụ sở” của bản hội. Đồng thầy sẽ lựa chọn trong bản hội một vài người làm nhiệm vụ trợ giúp thầy trong công việc gọi là làm “chấp tác”.
Tuy trong một bản hội đa dạng về thành phần như vậy nhưng gắn bó với đồng thầy nhất phải kể đến các đệ tử (thanh đồng), bởi như đã trình bày, sau khi được thầy “đẻ đồng” họ được thầy dẫn dắt con đường tu tâm dưỡng tính và thực hành tâm linh, mối quan hệ giữa đồng thầy với thanh đồng được coi như là tình mẹ/cha với con cái.
Vai trò chính của đồng thầy trong bản hội là chăm lo tới đời sống tâm linh cho tất cả mọi thành viên, dẫn dắt các đệ tử cả về lý thuyết và thực hành, thực hiện các công việc nhà thánh theo chức nghiệp của mình
Trong bản hội, đồng thầy có vị thế và tiếng nói cao nhất quyết định mọi công việc của bản hội, đồng thời là trung tâm quy tụ và đoàn kết các thành viên trong bản hội. Tuy trong giới thanh đồng cũng có một số quy ước chung nhưng ở mỗi bản hội lại có các quy ước riêng theo kiểu “nếp nhà” do đồng thầy đặt ra, các con nhang đệ tử khi tham gia phải tuân thủ theo kiểu “nhập gia tùy tục”. Do vậy, với đồng thầy có uy tín, có phẩm hạnh, gương mẫu, nghiêm chỉnh về lề lối, thì bản hội sẽ có nề nếp, có trên có dưới và ngược lại. Nói cách khác, với vai trò là “cha”, là “mẹ”, đồng thầy chính là người quyết định việc tạo dựng hình ảnh của bản hội. Một số câu nói quen thuộc đã phản ánh một thứ chuẩn mực bất thành văn trong mối quan hệ đồng thầy với đệ tử là “Người đi trước rước kẻ đi sau”, đặc biệt là câu “Trên kính Phật Thánh dưới theo đồng thầy”.
2. Thực trạng sinh hoạt thờ Mẫu và việc phát huy vai trò của đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu
*Thực trạng sinh hoạt thờ Mẫu hiện nay
Như đã trình bày, mặc dù có những giá trị không thể phủ nhận, đặc biệt là sự độc đáo của nghi thức hầu đồng nhưng thực tế hiện nay sinh hoạt thờ Mẫu vẫn còn không ít những hạn chế. Điều này không chỉ được nhìn nhận từ góc độ quản lý nhà nước, từ cộng đồng mà còn cả từ chính trong giới thanh đồng[6], có thể chỉ ra một số vấn đề như sau:
- Về các chuẩn mực liên quan đến sinh hoạt thờ Mẫu: nhìn chung sinh hoạt thờ Mẫu vẫn còn mang tính tùy tiện, chưa có chuẩn mực chung cho cả cộng đồng tham gia tín ngưỡng thờ Mẫu. Cụ thể như chưa có những quy chuẩn trong quan hệ ứng xử giữa đồng thầy và con nhang đệ tử, quy ước trong nghi thức cầu cúng, lễ bái, đặc biệt là quy ước trong nghi lễ lên đồng, cách thức hầu đồng, mối quan hệ ứng xử giữa thanh đồng và cung văn, hầu dâng và tín chủ,v.v…
- Về ứng xử giữa các thanh đồng và giữa các bản hội: lâu nay sinh hoạt của các thanh đồng và con nhang đệ tử thường theo nhóm riêng lẻ mà chưa có sự liên kết giữa các bản hội, bản đền. Tình trạng này nhiều khi dẫn đến thiếu sự đoàn kết, nhất trí giữa các bản đền, các bản hội và giữa các thanh đồng. Thậm chí, dưới sự tác động mang tính chất cạnh tranh của cơ chế thị trường thì hiện tượng này có vẻ bộc lộ rõ hơn ở một số địa phương có đền to phủ lớn. Điều đó dẫn đến hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, thậm chí nói xấu, chê bai hoặc ganh đua giữa các bản hội hoặc giữa các đồng thầy làm mất đi thiện cảm của những người ngoài cuộc đối với các ông bà đồng.
-Về nghi lễ hầu đồng: do nhu cầu hầu đồng ngày một tăng nên đã dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở một số đền phủ, đặc biệt là các đền to phủ lớn. Người ta có thể hầu đồng ở mọi ban, thậm chí ở cả ngoài sân, loa đài bật hết cỡ khiến nghi lễ hầu đồng kém đi sự tao nhã mà thay vào đó là sự cạnh tranh, lấn lướt nhau. Điều đó đã làm ảnh hưởng không ít tới giá trị văn hóa nghệ thuật của nghi lễ lên đồng.
Bên cạnh đó việc phát lộc trong lễ hầu đồng nhiều nơi còn có sự phân biệt, nặng về vật chất. Theo như vậy thì thần linh cũng nhìn mặt mà phát lộc, làm mất đi nét đẹp trong văn hóa ứng xử của sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu.
Hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều trong các nghi lễ hầu đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường cũng là điều khiến dư luận phàn nàn. Vì vậy giải quyết vấn đề đốt vàng mã như thế nào đã và vẫn đang là một câu hỏi được đặt ra cho những người làm công tác quản lý ở các địa phương.
-Về phẩm chất, đạo đức, năng lực của các đồng thầy: ngày nay, quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc để “thử đồng” trước khi làm đồng thầy không còn được nhiều người tuân thủ. Nhiều người sau 3 năm, thậm chí có người mới ra đồng một năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa lên sắc phong cho mình là đồng thầy. Trong đội ngũ các ông bà đồng vẫn còn không ít người lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phán bừa hoặc phán vô trách nhiệm (trong giới tu đạo Mẫu gọi là “miệng trần bóng Thánh”) khiến người nghe vì sợ mà tốn kém mấy cũng cố sắm lễ, biện tiền để thầy giải hạn. Một số đồng thầy ra giá mở phủ quá cao mà không phải ai muốn trình đồng mở phủ cũng đáp ứng được. Bên cạnh đó lại có hiện tượng “đồng đua” – một số người không có căn đồng, vô duyên với đạo Mẫu nhưng vì theo trào lưu mà cũng trình đồng mở phủ, cũng vay mượn làm lễ, bỏ bễ công việc gia đình, gây tốn kém dẫn đến bất hạnh trong cuộc sống.
Gần đây, trong giới hành đạo còn có hiện tượng các đồng thầy vì háo danh, chạy theo phong trào mà bị các tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng, mắc lừa bỏ tiền để mua các danh hiệu theo kiểu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” vô hình trung làm mất đi hình ảnh đẹp của người đồng thầy.[7] Liên quan đến vấn đề phong tặng nghệ nhân dân gian cho người hầu đồng thì chính trong giới hầu đồng cũng có các ý kiến khác nhau, khá nhiều người không ủng hộ vì cho rằng hầu đồng không phải là một nghệ thuật – người hầu đồng là do nghiệp nên không thể coi họ là một nghệ nhân được.[8]Từ thực tế này thiết nghĩ với đối tượng phong tặng nghệ nhân đặc thù này thì các tổ chức liên quan cần đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn và có sự công bố rộng rãi về tiêu chuẩn phong tặng.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự tùy tiện trong việc bài trí đền điện: ở một số đền phủ do người dân công đức một cách tùy tiện nên dẫn đến hiện tượng đồ cung tiến thiếu sự chọn lọc, thống nhất về kiểu cách, bài trí lộn xộn,…
Có thể đưa ra mấy nguyên nhân chính lý giải cho những bất cập trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay là:
a) Trước hết, nguyên nhân cơ bản được nhiều người trong giới thanh đồng thừa nhận là do họ chưa có được hệ thống kinh sách chuẩn mực về phép tắc hành đạo khiến hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong việc học đạo và hành đạo vì ai cũng cho rằng mình là chuẩn mực nhất.
b) Sự cổ súy quá mức cùng với việc nghiên cứu chưa thật đầy đủ và sâu sắc nghi lễ hầu đồng và bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là một nguyên nhân dẫn đến những nảy sinh mới trong sinh hoạt thờ Mẫu. Chẳng hạn nhiều người chỉ hiểu một cách đơn giản “tu” là “hầu đồng” càng nhiều càng tốt. Hay với cách hiểu phiến diện cho rằng đạo Mẫu là tôn giáo duy nhất không bàn đến cuộc sống sau cái chết, không quan tâm đến kiếp trước hay kiếp sau mà chú trọng đến cuộc sống hiện sinh, trần thế cũng là một lý do dẫn đến sự xô bồ do quá coi trọng vật chất và hình thức mà làm mất đi sự tinh tế và nội dung trong nghi lễ hầu thánh.
c) Sự lợi dụng tín ngưỡng hầu thánh để trục lợi của các đối tượng khác nhau trong xã hội cũng là một nguyên nhân khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu bị nhiều người hiểu sai. Đó là hiện tượng buôn thần bán thánh của một số người tự phong là đồng thầy; đó là hiện tượng các cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng sự háo danh của một số đồng thầy để trục lợi. Điều đó dẫn đến một thực tế là trong khi các tổ chức xã hội hoặc thanh đồng luôn nỗ lực tìm cách để tôn vinh “đạo Mẫu” (như cách dùng phổ biến hiện nay) thì việc thực hành nghi lễ thờ Mẫu vẫn tiếp tục nảy sinh những bất cập như đã trình bày ở trên.
Cũng cần nói thêm là theo ý kiến một số thanh đồng thì ngày nay “hầu đồng” dường như trở thành phong trào, người ta quá chú trọng thái quá vào hình thức bề ngoài mà quên đi tính thiết yếu của nội dung là phần tu dưỡng theo đạo.Chính vì vậy mà dẫn đến hiện tượng là một số đồng thầy vốn có uy tín nhưng vì quá mải mê với các hoạt động bề nổi mà sao nhãng việc chăm lo các con nhang đệ tử dẫn đến hiện tượng rã đám trong chính bản hội của họ.
*Về việc phát huy vai trò của đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu
Từ hiện trạng cũng như nguyên nhân dẫn đến sự bất cập trong thực hành sinh hoạt thờ Mẫu cho thấy một câu hỏi không thể không đặt ra là: Ai là người sẽ đóng vai trò quyết định nhất trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu hiện nay?
Qua thực tế xem xét công việc và vị thế của các vị đồng thầy trong bản hội, chúng tôi cho rằng với vị trí quan trọng của mình, đồng thầy chính là người đóng vai trò quyết định đối với việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu, và việc đó được bắt đầu trước tiên từ chính bản hội của họ. Điều này xuất phát từ các cơ sở sau đây:
Thứ nhất, với vai trò là trưởng bản hội và quan niệm trong giới “Trên kính Phật thánh dưới theo đồng thầy” thì rõ ràng là chỉ có đồng thầy mới là người có thể đào tạo, dẫn dắt các con nhang đệ tử trong bản hội thực hiện theo các chuẩn mực, nề nếp của đạo được. Do vậy, một đồng thầy tốt thì sẽ có các con nhang đệ tử tốt, qua họ mà tiếp tục tác động đến gia đình và xã hội.
Thứ hai, cũng như trong gia đình huyết thống, bản hội của đồng thầy, đặc biệt là đồng thầy có khả năng “đẻ đồng” chính là nơi phát triển các thế hệ đồng thầy. Theo thời gian mà các bản hội con, cháu, chút, chít…sẽ tiếp tục hình thành. Nếu hiểu bản hội theo nghĩa nếp nhà thì một nếp nhà tốt tức một đồng thầy tốt sẽ có tác dụng nhân rộng ra nhiều nếp nhà tốt qua các thế hệ.
Tuy nhiên, một câu hỏi lại không thể không đặt ra là: Làm cách nào để các đồng thầy chân chính có thể đảm nhiệm được khả năng chấn hưng văn hóa thờ Mẫu? Theo chúng tôi, để làm được việc này chỉ một mình họ thì không đủ mà đòi hỏi phải có sự phối hợp tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, ít nhất là phải có: nhà khoa học, nhà quản lý và các thanh đồng, các tín chủ với tư cách là chủ thể của thực hành tín ngưỡng.
Về phía nhà khoa học, vẫn cần thiết phải tiếp tục có sự nghiên cứu một cách thấu đáo về tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ về sự hình thành biến đổi của nó mà còn đặc biệt chú ý đến chủ thể là các con nhang đệ tử cùng các thực hành nghi lễ liên quan để từ đó góp tiếng nói tư vấn cho việc bảo tồn phát huy văn hóa thờ Mẫu. Chẳng hạn như phối hợp với các thành phần liên quan biên soạn các quy chuẩn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như: Quy ước quan hệ giữa các thành viên trong bản hội; Quy ước về đạo đức, phẩm chất của thanh đồng và con nhang đệ tử; Quy ước trong nghi lễ, trang phục, đồ lễ và nghi thức hầu đồng, hát văn; Quy ước trong văn hóa ứng xử giữa các thanh đồng, giữa các bản đền; Quy ước về lành mạnh hóa các sinh hoạt nghi lễ tại các đền phủ (dâng hương, công đức, đốt vàng mã); Vấn đề công đức và vấn đề làm từ thiện; Vấn đề học tập và tìm hiểu lịch sử các vị thần trong hệ thống điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu,…
Về phía nhà quản lý(thuộc ngành văn hóa) có vai trò tập hợp lấy ý kiến từ nhà khoa học, từ các thanh đồng để đưa ra những quyết định đúng đắn cho việc ban hành các quy ước; theo dõi và khen thưởng cũng như uốn nắn việc thực hiện các quy ước liên quan đến việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu. Các công việc chủ yếu của bộ phận này có thể là: mở lớp tập huấn cho các truyền thông viên ở địa phương; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học hoặc các buổi giao lưu trao đổi ý kiến giữa các thành phần khác nhau trong xã hội để trao đổi kinh nghiệm; biên soạn và in ấn các tài liệu phổ thông về văn hoá tín ngưỡng, về văn hoá thờ Mẫu.
Các đồng thầylà những người tham gia trực tiếp vào việc triển khai các hoạt động chấn hưng văn hóa thờ Mẫu. Điều đó được bắt đầu từ việc xây dựng các mô hình bản hội tiêu biểu mà ở đó vị đồng thầy phải là người có uy tín trong giới đồng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa nhất định, là tấm gương tốt cho các thành viên trong bản hội noi theo… Các bản hội dưới sự dẫn dắt của đồng thầy sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động liên quan đến việc thảo luận xây dựng, tuyên truyền vận động, phổ biến thực hiện các quy ước về văn hóa thờ Mẫu… Theo như vậy đồng thầy sẽ có vai trò trung gian vừa đại diện cho tiếng nói cộng đồng tín ngưỡng lại vừa là người thay mặt cho cơ quan nhà nước tuyên truyền vận động các tín chủ thực hiện các chủ trương lành mạnh hóa sinh hoạt thờ Mẫu.
Trên đây là những phác thảo ban đầu liên quan đến việc phát huy vai trò của đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu trong cuộc sống hiện nay. Chúng ta biết rằng, thờ Mẫu và văn hóa thờ Mẫu từ lâu đã được nhìn nhận như là một tín ngưỡng bản địa với nhiều giá trị không gì phủ nhận được. Tuy nhiên với tất cả sự phức tạp của nó thì việc bảo tồn phát huy văn hóa thờ Mẫu vẫn là công việc đòi hỏi phải có thời gian và công sức đóng góp của nhiều người mà việc phát huy vai trò của người đồng thầy như chúng tôi đề xuất ở trên vẫn cần tiếp tục có sự bàn bạc, thảo luận thêm.
N.T.Y, vanhoanghean.com.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học xã hội, 2006.
2. Nguyễn Thị Yên, “Bảo tồn và phát huy văn hoá thờ Mẫu của người Việt”, Tạp chí văn hoá dân gian, số 2 (140)/2012, tr.3-12.
3. Các trang Web:
- http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/loan-danh-hieu-nghe-nhan-n20151127102758875.htm (Thứ Sáu, 27/11/2015 11:00)
- http://vanhien.vn/news/Thuc-hu-cau-chuyen-vinh-danh-nghe-nhan-van-hoa-dan-gian-31919 (Thứ Bảy, 28/11/2015 06:30 GMT +7),…
[1]Bài tham dự Hội thảo quốc tế Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (Trường hợp Tín ngưỡng thờ Mẫu)” (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức, Nam Định ngày 5-6/1/2016), đã chỉnh sửa, bổ sung.
[2]Xem thêm Nguyễn Thị Yên “Bảo tồn và phát huy văn hoá thờ Mẫu của người Việt”, Tạp chí văn hoá dân gian, số 2 (140)/2012, tr.3-12.
[3] Bài viết được thực hiện trên cơ sở phỏng vấn và lấy tư liệu chính từ thanh đồng Huyền Hạc, thuộc bản hội Tân La Vọng Từ (Hà Nội), xin trân trọng cảm ơn.
[4] Theo phân loại của Huyền Hạc.
[5] Chẳng hạn, ở người Tày, Nùng có quy định các đệ tử Then, Pụt sẽ nhận thầy Tào cấp sắc cho mình là pỏ slay (thầy cha), còn thầy then, pụt đỡ đầu (tức “đẻ đồng” theo cách gọi của người Kinh) làmẻ slay(thầy mẹ), quan hệ thứ bậc các đệ tử trong dòng nghề tương tự như ở bản hội thờ Mẫu của người Kinh (xem Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học xã hội, 2006, tr.64-69).
[6] Hiện nay trên mạng xã hội Facebook có khá nhiều hội nhóm được lập bởi các con nhang đệ tử đạo Mẫu với các tên gọi như “Clb đạo Mẫu Việt Nam”, “1 hầu âm đòng nổi”, “ Đạo Mẫu văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Hội những người kinh tởm thị Th…”,… Bên cạnh việc trao đổi thông tin, giúp đỡ tương trợ nhau thì họ còn chia sẻ các thông tin, hình ảnh về một số thanh đồng hoặc các clip về nghi lễ hầu thánh,… mà họ cho là lệch lạc để bình luận, phê phán, thậm chí chỉ trích.
[7] Chẳng hạn, cuối năm 2015 dư luận xôn xao bàn tán về việc một số thanh đồng được cho là đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho một tổ chức để được vinh danh là nghệ nhân dân gian.Xemhttp://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/loan-danh-hieu-nghe-nhan-n20151127102758875.htm (Thứ Sáu, 27/11/2015 11:00) hoặc http://vanhien.vn/news/Thuc-hu-cau-chuyen-vinh-danh-nghe-nhan-van-hoa-dan-gian-31919 (Thứ Bảy, 28/11/2015 06:30 GMT +7),…
[8]Cụ thể, qua thăm dò của một nhóm kín trên mạng xã hội có tên “Hội những người kinh tởm thị Th…”cập nhật từ ngày 23 tháng 11 năm 2015 đến nay (10/7/2016),để trả lời cho cho câu hỏi “Bạn nghĩ thế nào về việc phong “nghệ nhân dân gian” cho các thanh đồng hiện nay?” thì trong số 190 người trả lời có tới 166 người (88%) cho rằng “không nên phong” , chỉ có12 người (6%) cho rằng “nên phong”, 12 người còn lại “có ý kiến khác” (nguồn: Facebook).
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo