Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của PCA về Biển Đông. Chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Hà Nội được mô tả sẽ mở ra một “trang mới” trong quan hệ hai nước.
Tờ NDTV đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 9 tới đây trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Ấn Độ được cho là có sự dõi theo từ Bắc Kinh do những lo ngại của nước này về vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7 trong đó bác bỏ tính hợp pháp của yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Ấn Độ cũng có lợi ích ở vùng biển này bởi có mối quan hệ hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.
Trước đó tờ Times of India nhận định rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Ấn Độ hôm 12/8 sẽ đề nghị New Delhi không ủng hộ một cuộc thảo luận về chủ đề Biển Đông tại G20 do không muốn cộng đồng quốc tế sẽ tạo áp lực bắt buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết PCA.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là sẽ không dễ dàng thuyết phục việc loại vấn đề Biển Đông ra khỏi tuyên bố chung tại cuộc gặp G20 tới đây do hầu hết các cường quốc tham gia đều có chung quan điểm muốn Bắc Kinh hướng tới giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế tránh gây căng thẳng cho khu vực.
Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn khi Bắc Kinh liên tục có hành động đe dọa xâm nhập các trạm biên phòng Ấn Độ dọc biên giới hai nước. Ngoài ra Ấn Độ cũng không hài lòng khi lên tiếng cáo buộc Trung Quốc ngăn cản nước này tham gia vào Nhóm Cung cấp Hạt Nhân (NSG), theo Times of India.
Báo chí Ấn Độ mô tả Việt Nam là một đối tác chiến lược của New Delhi ở Đông Nam Á và chuyến thăm lần này của ông Modi đến Hà Nội sẽ mở ra một “trang mới” trong quan hệ song phương hai nước.
Tờ NDTV cũng nhắc đến khă năng hai nước có thể thảo luận về việc Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos.
Tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác phát triển giữa Nga và Ấn Độ dựa theo phiên bản chống hạm P-800 Oniks của Hải quân Nga.
BrahMos thuộc loại tên lửa đa năng có thể phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất, chiến hạm, tàu ngầm và máy bay và có tầm bắn từ 300-500 km. Tên lửa có thể chống hạm, tấn công mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao.
Phần lớn hệ thống vũ khí của 2 nước có nhiều điểm tương đồng với nhau do cùng là bạn hàng của Liên Xô trước đây. Do đó, việc mua các hệ thống vũ khí do Ấn Độ chế tạo sẽ phù hợp với nền tảng sẵn có của Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Modi cũng là lần đầu tiên môt Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam sau 15 năm. Hai nước cũng đã chuẩn bị các sự kiện quan trọng để chào mừng kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Minh Vũ
2016-08-11 22:16:08
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bao-an-do-tq-doi-theo-chuyen-tham-viet-nam-cua-thu-tuong-modi-a254051.html