Đối với các nước châu Á, bầu cử Tổng thống Mỹ có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ tìm ra người kế nhiệm ông Obama, người đã khu vực hài lòng với chính sách “tái cân bằng” hay xoay trục sang châu Á.
Câu chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ hiện không chỉ gói gọn trong phạm vi quan tâm của người dân Mỹ, mà cả thế giới đang theo dõi cuộc đua gay cấn giữa hai ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa. Đặc biệt, các nước châu Á đang hồi hộp dõi theo cuộc bầu cử bởi người kế nhiệm ông Obama sẽ quyết định chính sách xoay trục sang châu Á.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Barack Obama? |
Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post, Phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quan hệ quốc tế, Khoa Chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nhận định rằng các nước châu Á nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đều đang hồi hộp mong chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 nhằm tìm ra người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.
Theo Phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak, một trong những di sản được nhiều người nhắc đến trong thành tựu chính sách đối ngoại của ông Obama là chính sách “tái cân bằng”, hay còn gọi là xoay trục sang châu Á. Chính sách này mang tới sự hài lòng cho các nước trong khu vực, tạo ra một đối trọng đối với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Nhưng tương lai của chính sách “tái cân bằng” lại đang bấp bênh khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama sắp kết thúc.
Trong bối cảnh ấy, chiến thắng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ được hoan nghênh hơn so với đối thủ đảng Cộng hòa của bà. Một tổng thống Clinton sẽ có nhiều khả năng duy trì và nối dài chính sách tái cân bằng của Mỹ với châu Á, bởi bà là “kiến trúc sư” chính của chiến lược địa chính trị này khi còn là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama.
Vào thời điểm ấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng với an ninh Mỹ. Khu vực này được đặc biệt quan tâm hơn cả Trung Quốc. Đầu năm 2009, bà Clinton tuyên bố rằng châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực trọng điểm sẽ nhận được những ưu ái thương mại, đầu tư cũng như tăng cường an ninh và cơ sở quân sự của Mỹ tại đây. Chính vì vậy, bà Clinton được châu Á kỳ vọng sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng và tiếp tục phát triển quan điểm trên.
Trong khi đó, một tổng thống Trump sẽ gạt bỏ vai trò của Mỹ ở châu Á và những khu vực khác trên thế giới để phục vụ cho mục tiêu của chủ nghĩa biệt lập và bài ngoại không có điểm dừng. Trái với bà Clinton, ông Trump vẫn chưa chắc chắn rằng liệu châu Á thực sự có vai trò quan trọng không. Ông đã đề nghị cắt giảm ngân sách cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bởi theo ông, họ cần tự chủ tăng cường quốc phòng cho riêng mình. Rõ ràng, chính sách của ứng cử viên đảng Cộng hòa đang khiến châu Á phấp phỏng lo lắng.
Theo đánh giá của Phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak, châu Á, mà đặc biệt là ASEAN, muốn người kế nhiệm ông Obama sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tái cân bằng theo cách không dẫn tới xung đột giữa các cường quốc, cho phép ASEAN duy trì tự chủ, phát triển kinh tế, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Còn các cử tri Mỹ vẫn đang suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Dù bà Hillary Clinton luôn giành được nhiều điểm hơn so với đối thủ trong các cuộc khảo sát nhưng hiện tại những vụ bê bối cá nhân lại đang là vật cản của bà trên con đường tới Nhà Trắng, nên lúc này khó có thể nói trước về khả năng bà trở thành tổng thống Mỹ.
Bà Hillary là điển hình của chủ nghĩa can dự, nhấn mạnh quyền lực thông minh như các biện pháp ngoại giao và viện trợ, hạn chế tối đa sử dụng biện pháp quân sự nhằm tránh rơi vào chiến tranh. Về chủ trương chung, bà Hillary và đảng Dân chủ muốn nước Mỹ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới để phát triển kinh tế, bảo vệ các lợi ích và giá trị Mỹ, đảm bảo an toàn và tương lai thịnh vượng cho nước Mỹ và quyết tâm vượt qua những thách thức toàn cầu.
Với Trung Quốc, bà Clinton chủ trương tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm cạnh tranh và kiềm chế gây hấn ở những nơi được coi là khu vực ảnh hưởng của quốc gia này đồng thời bảo vệ các đồng minh và đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại của ứng cử viên của đảng Cộng hòa ông Donald Trump mang đậm xu hướng của chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa dân tộc. Thông qua lăng kính lợi ích của Mỹ, ông Trump nhìn nhận thế giới và thoát khỏi tư tưởng ngoại giao chính thống mà Mỹ đã áp dụng suốt vài thập kỷ qua. Với Trung Quốc, ông chủ trương lợi dụng ảnh hưởng kinh tế để tác động và tái khởi động đàm phán thương mại. Ông tuyên bố sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại hiện có mà ông cho là đã cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây thiệp hại cho nước Mỹ như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA, kể cả TPP.
Về vấn đề Biển Đông, cương lĩnh 2016 mới được đảng Dân chủ thông qua tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 48 cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để củng cố các thể chế và quy tắc ở Biển Đông, đồng thời bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực này.
Nếu bà Clinton đắc cử, chắc chắn Washington sẽ đưa ra những thách thức mới cho Bắc Kinh. Dưới quyền điều hành của bà Clinton, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh can dự với các bước đi cụ thể như tăng cường tài trợ vũ khí, trang bị cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc, điều máy bay, tàu chiến vào các vùng biển có tranh chấp cũng như tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung.
Tuy chưa rõ Mỹ có sẵn sàng ra tay hay không nhưng sự hiển diện của binh sỹ và khí tài Mỹ trong khu vực ít nhiều sẽ tạo ra sự răn đe trực tiếp buộc Trung Quốc phải tính đến phản ứng của Mỹ trước khi có hành động leo thang căng thẳng tại vùng biển chiến lược này.
Trong khi đó, chủ trương chung của ông Donald Trump là giảm thiểu tối đa gánh nặng quốc tế để dồn các nguồn lực phát triển đất nước. Từ trước đến nay, ông ít khi đề cập đến vấn đề Biển Đông khi nói về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông đã từng nói nếu được bầu làm tổng thống sẽ rút quân khỏi khu vực để Trung quốc đàm phán với từng nước một trong ASEAN có tranh chấp với Bắc Kinh.
ASEAN và các nước châu Á đang hi vọng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ mang lại kết quả tích cực cho sự ổn định cho khu vực nhưng họ cũng cần phải chuẩn bị trước để xử lý và đối phó với các nguy cơ. Họ phải tìm cách thuyết phục ông Trump về tính hợp lý của việc duy trì chính sách tái cân bằng ở châu Á hoặc các điểm chính của chính sách này phải được phát triển, mở rộng càng nhiều càng tốt.
Danh Tuyên
2016-08-26 23:24:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chau-a-mong-doi-gi-tu-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-a255951.html