Để đáp ứng những mục tiêu rõ ràng của mình, Nga có thể bắt tay với Erdogan. Nhưng điều Moscow cần lúc này là một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định và từ bỏ “ảo tưởng đế quốc”.
Tờ Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích cao cấp có bút danh The Saker nhận định, trong tình hình biến động thời gian qua,Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng giữa hai ngã đường cần phải lựa chọn, hoặc đi theo giấc mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ, hoặc trở thành một quốc gia tự do cùng với quốc tế hướng tới xây dựng một trật tự thế giới đa cực.
Cuộc gặp mặt gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan đã đặt ra một câu hỏi cho giới quan sát rằng, liệu nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có đang thay đổi mục đích của mình trong trò chơi địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông hay không?
Erdogan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngả theo Moscow? |
Thông tin từ cuộc gặp cho thấy Ankara và Moscow đã tuyên bố thành lập một “cơ chế” mới hợp tác ở Syria. Cơ chế mới sẽ bao gồm hợp tác chia sẻ tình báo, ngoại giao và quân sự giữa hai nước.
Bên cạnh đó Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu còn lấp lửng rằng Thổ Nhĩ Kỳ “có thể tìm kiếm các lựa chọn khác ngoài NATO trong hợp tác công nghiệp quốc phòng”, dù lựa chọn ưu tiên của Ankara từ trước tới nay luôn là hợp tác với các đồng minh NATO. Phát biểu này đã khiến phương Tây bất ngờ và càng khiến Mỹ và EU lo ngại về sự xích lại ngày càng gần hơn của Nga-Thổ.
Công ty dự báo chiến lược Stratfor cho rằng Ankara “rất có khả năng sẽ nhượng bộ với Iran và Nga về vấn đề Syria”. Ankara sẽ sớm thành lập một liên minh với Nga và Iran, để từ đó “sẽ mềm mỏng hơn về lập trường của mình về sự tại vị của Tổng thống Bashar al-Assad”.
“Rất khó để dự đoán những gì ông Erdogan sẽ làm tiếp theo, một phần vì tính cách khó đoán và phần khác là hoàn cảnh khách quan lúc này của Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia The Saker nói với Sputnik.
“Tuy nhiên khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ với Nga và Iran là dễ xảy ra, điều này chủ yếu là do mối quan hệ truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, Mỹ và EU đã xấu đi nhiều”, ông nhận định thêm.
Tuy nhiên chuyên gia này tin rằng Erdogan có thể “hứa nhiều nhưng không hẳn sẽ thực hiện”. Người Nga biết rất rõ điều này và có vẻ “không tin tưởng thực sự” Erdogan trong cuộc gặp tại điện Kremlin.
“Một mặt, hầu hết các nhà phân tích Nga thấy Erdogan là một người đàn ông thông minh, nhưng cũng là một nhân vật chính trị nguy hiểm khó có thể tin tưởng. Nhưng mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước rộng lớn, quyền lực mạnh mẽ, có vị trí chiến lược, hơn nữa là một quốc gia hàng xóm với Nga. Do đó Nga chỉ đơn giản là phải cố gắng thiết lập mối quan hệ tốt nhất có thể với bất cứ ai đang nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là cả với một nhân vật khó chịu như Erdogan”, chuyên gia The Saker nói với Sputinik.
Thêm vào đó, ông nhận định dù Erdogan một lần nữa lặp lại lời cáo buộc của ông rằng Tổng thống Assad cần phải ra đi nhưng việc người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ dần thay đổi giọng điệu của mình là điều có thể.
The Saker lưu ý rằng, có rất nhiều bằng chứng gián tiếp cho thấy Mỹ đã biết trước và không phản đối cuộc đảo chính hoặc xa xôi hơn đã ngầm ủng hộ cuộc binh biến. Vì vậy, khi Erdogan nhận thức được điều này, ông thực sự không có lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc ngả về phía Nga.
Điều đáng nói rằng Tổng thống Putin lại là người đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài lên án cuộc đảo chính và đưa cánh tay giúp đỡ tới Ankara.
Mục tiêu của Nga ở Syria là minh bạch hơn
Có một lý do tại sao chính sách ở Trung Đông của Washington bị nhiều nước khác và cả bên trong nước Mỹ đều nghi ngờ, đặc biệt điều này càng rõ ràng hơn trong một số tài liệu gần đây.
Báo cáo của Nhóm Đặc trách (Task Force) thuộc Hạ viện Mỹ mới tiết lộ cho biết, nhiều thông tin về hoạt động của Mỹ ở Syria đã bị thay đổi và không được cung cấp đầy đủ từ Lầu Năm Góc và CIA, theo Sputnik.
Lực lượng quân sự Mỹ ở Syria. |
Điều này đã dấy lên những câu hỏi hoài nghi rằng Lầu Năm Góc và CIA đang thực sự làm gì ở Syria mà phải che giấu thông tin như vậy.
Chuyên gia The Saker cho rằng, “các hoạt động của Mỹ ở Syria thực tế không khác với những gì Mỹ đã làm ở Afghanistan hơn 30 năm trước đây. Theo đó, Mỹ đã sử dụng những nhóm chiến binh dòng Sunni cực đoan trong nhiều cuộc chiến tranh (Chechnya, Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq, Iran, Yemen, v.v…)” dưới danh nghĩa hoạt động theo kiểu chiến binh tự do hoặc đối lập ôn hòa để phục vụ cho mục đích của mình”.
Có những dấu hiệu cho thấy một điều kỳ lạ rằng, dường như Mỹ đang có nhiều hơn một chính sách đối ngoại ở Syria trong thời điểm hiện tại.
Nó bao gồm chính sách đối ngoại chính từ Nhà Trắng, nhưng lại đan xen với chính sách của đảng Cộng hòa trong Quốc hội, một chính sách đối ngoại từ Lầu Năm Góc và tất nhiên, có cả những quyết định từ CIA. Và mỗi cơ quan này đều theo đuổi các mục tiêu chồng chéo và hiếm khi giống nhau.
Ngược lại, mục tiêu của Nga rõ ràng và minh bạch hơn, khi đất nước này đã có hơn 30 năm chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Ngoài ra, Moscow và Tehran còn phản đối chủ nghĩa khủng bố Wahhabi trên toàn thế giới .
Dù Erdogan có ngả về phía Nga hay không, The Saker cũng cảnh báo rằng dù là tư tưởng Hồi giáo hay “chủ nghĩa Ottoman”, cả hai cũng đều được chứng minh từ lâu về sự nguy hiểm tiềm tàng cho khu vực Trung Đông.
Điều Moscow cần là một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định và từ bỏ “ảo tưởng đế quốc” của mình.
Bài viết dựa trên quan điểm của nhà phân tích quân sự The Saker, chuyên nghiên cứu các vấn đề tình báo, địa chính trị của Nga, hiện đang sinh sống và làm việc ở Florida, Mỹ.
Minh Vũ
2016-08-21 14:08:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/khong-da-doan-nhu-my-muc-tieu-o-syria-cua-nga-la-ro-rang-hon-a255277.html