Nhiều lần ranh giới đỏ mà Mỹ áp đặt đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phớt lờ bởi chính quyền Obama đang có sự thay đổi rõ rệt, không còn có ý định can thiệp sâu hơn vào khủng hoảng Syria.
Tuần này đánh dấu một giới hạn đỏ nữa bị vượt qua mà Mỹ từng đặt ra với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng đặt ra thời hạn chót ngày 1/8 để ông Assad bắt đầu chuyển giao quyền lực.
“Mục tiêu để các bên ở Syria bắt đầu tiến hành việc chuyển giao quyền lực là vào ngày đầu tiên của tháng 8″, ông Kerry khi đó nói với các phóng viên. Năm 2011, ngoại trưởng Mỹ còn cảnh báo thời gian ông Assad tại vị “chỉ còn được tính bằng ngày”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đặt ra một giới hạn đỏ trong bài phát biểu năm 2012, trong đó nhắc nhở điều kiện cần thiết để Mỹ hành động chống lại tổng thống Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 14/7 ở Moscow. |
Nhiều giới hạn đỏ đã trôi qua nhưng Mỹ vẫn không có động thái nào cho thấy lời nói của mình có giá trị. Tờ Washington Post mới đây còn lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama và đưa ra lý do cho sự thất bại này.
“Một lần nữa, chính quyền Obama dường như đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh lạc hướng, giống như khi Nga triển khai lực lượng đến không kích ở Syria hồi tháng 9 năm ngoái”, tờ Washington Post nhận định, đề cập đến tình hình hiện tại ở thành phố Aleppo.
“Hơn một tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cố gắng thuyết phục ông Putin chấp thuận đề nghị, vốn được coi là thỏa thuận tốt đẹp ở Syria”, báo Mỹ viết và giải thích thỏa thuận “sẽ cho phép Nga và Mỹ cùng tiến hành các hoạt động chống khủng bố chung, đổi lại việc Điện Kremlin sẽ thuyết phục chính quyền Assad ngừng ném bom tại một số khu vực cụ thể”.
Tuy nhiên, những gì mà Mỹ nhận được lại là việc chiến sự ở Aleppo lên đến mức cao trào đúng thời hạn chót mà ông Kerry từng đặt ra. Những lời cảnh báo của ngoại trưởng Mỹ về việc Nga phải đối mặt với hệ quả hay Washington có “kế hoạch B” đã không còn tác dụng. Trái lại, ông Kerry vẫn còn hy vọng về khả năng hợp tác với Nga, rằng “Moscow có thể thay đổi”.
Quan điểm tương tự cũng được tờ Guardian đăng tải với bài viết nhận định về “một thất bại khác nữa của phương Tây ở Aleppo”.
Tuy nhiên, trong bài phân tích mới đây về vấn đề này, nhà phân tích chính trị Nga Elena Suponina cho rằng, nhiệm vụ của ngoại trưởng Mỹ là đảo ngược tất các quyết định một cách lâu nhất có thể.
Bởi ông Obama không còn có ý định can thiệp sâu hơn vào khủng hoảng Syria, bà Suponina nhận định trên tờ RIA Novosti. “Không phải vì người Mỹ đang đặt niềm tin vào các thỏa thuận với Nga, họ không ngây thơ đến vậy. Đó chỉ là một cách để thuyết phục độc giả”.
Mỹ giờ đây lo ngại nếu như Syria không còn ông Assad nắm quyền thì liệu quốc gia này có trở nên tốt đẹp hơn hay không. “Và như vậy, Washington ủng hộ hoạt động hợp tác hạn chế với Moscow”, nhà phân tích chính trị Nga gợi ý.
Tuy vậy, bà Suponina cũng đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, rằng chính quyền Obama cần phải gây tiếng vang để giúp đỡ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Chúng ta có thể dự đoán về khả năng Mỹ dồn toàn lực giải phóng Mosul ở Iraq hay Raqqa ở Syria hoặc một bước đột phá mới trong tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva. Hiện tại Mỹ chưa có động thái nào đáng kể hướng đến các mục tiêu này.
Đăng Nguyễn
2016-08-04 15:08:24
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ly-do-my-khong-con-nghiem-tuc-voi-ranh-gioi-do-dat-ra-o-syria-a253134.html