Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Nhật ở Hoa Đông? Báo Trung Quốc dọa chặn tàu Nhật ở Biển Hoa Đông… là tin tức Biển Đông ngày 16/8.
Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Nhật ở Hoa Đông?
(Ảnh minh họa: Sputnik) |
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch phát triển một hệ thống tên lửa đất đối hải mới để củng cố phòng thủ đối với hòn đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, Nhật Bản không tiết lộ nhiều chi tiết về hệ thống phòng vũ mới ngoại trừ vài thông tin như nó có thể có phạm vi 300 km, sử dụng nhiên liệu rắn và dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2023. Kinh phí phát triển tên lửa sẽ được đưa vào ngân sách quốc phòng năm 2017. Tên lửa này sẽ được phát triển và sản xuất tại Nhật Bản.
“Tên lửa mới sẽ được gắn trên một chiếc xe giúp nó dễ vận chuyển và thay đổi vị trí. Nó sẽ được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hoặc các phương tiện khác, và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu nổi bật như tàu chiến của các nước khác triển khai xung quanh đảo, từ các đảo gần đó”, tờ Yomiuri Shimbun tiết lộ.
Tên lửa mới sẽ giúp làm tăng khả năng phòng thủ của kho tên lử chống hạm cận âm Type 12 mà Nhật Bản đang sở hữu. Type 12 là phiên bản nâng cấp của Type 88 do tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất. Nó có tầm xa 200km, hiện đang phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF).
Tọa đàm về tình hình Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài
Một công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Nguồn: scmp.com) |
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm về tình hình Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài, Vietnam+ đưa tin.
Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh tình hình thực địa trên Biển Đông và những nội dung phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA. Qua các nội dung trên, các nhà sử học có thêm thông tin, trao đổi, thảo luận và đề xuất đóng góp, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trên Biển Đông.
Vietnam+ dẫn lời ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao cho biết, trên phương diện pháp lý, vụ kiện làm sáng tỏ những vấn đề Trung Quốc làm trên thực địa trong 3 năm qua, làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông trên thực địa. Vụ kiện này còn là nền tảng quan trọng và lâu dài để các bên tiến hành phân lý quyền hoặc tìm giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Ngoài ra, vụ kiện cho thấy vấn đề Biển Đông không đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ, an ninh khu vực mà là vấn đề quản trị toàn cầu liên quan tới các cường quốc, trật tự và luật pháp quốc tế.
Phán quyết PCA giúp các nước vừa và nhỏ như Việt Nam có những lập luận sắc bén để bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới.
Ông Trần Việt Thái nhận định phán quyết PCA có thể có lợi về trung và dài hạn để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia cam kết tích cực tham gia giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Reuters) |
Tin tức từ Reuters cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 16/8 khẳng định nước này sẽ tích cực tham gia vào giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Tổng thống Widodo nói: “Indonesia tiếp tục can dự tích cực vào giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua các cuộc thương lượng hòa bình. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy các giải pháp hòa bình đối với các xung đột quốc tế.”
Bên cạnh đó, ông Widodo cũng kêu gọi Indonesia cải cách ngành cảnh sát và tư pháp trong nước.
Báo Trung Quốc dọa chặn tàu Nhật ở Biển Đông
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters TV) |
VnExpress dẫn nguồn Global Times (Hoàn Cầu), ấn phẩm thuộc People’s Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/8 cáo buộc Nhật Bản “không tôn trọng tự do đi lại ở vùng biển quốc tế”.
Nếu Nhật Bản “muốn gây sự với Trung Quốc trên tuyến hàng hải ra Thái Bình Dương, vậy thì đừng trách Bắc Kinh hạn chế những tuyến đường của Tokyo trên Biển Đông”, tờ báo đe dọa.
Những lời lẽ trên được Global Times đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ triển khai tên lửa đất đối hải để củng cố phòng thủ với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Dự kiến, tên lửa sẽ được triển khai tới các đảo như Miyako vào năm 2023, hòn đảo này chỉ cách Senkaku/Điếu Ngư 170km.
Global Times đe dọa “có thể xem xét phá hủy những cơ sở trên đảo nếu xảy ra chiến tranh với Nhật Bản” và khẳng định rằng “tốt nhất không nên để kịch bản này xảy ra”.
Trong những tuần qua, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng nóng lên vì tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Tokyo cáo buộc Bắc Kinh đã nhiều lần đưa tàu vào khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khiến quan hệ hai nước xấu đi.
Trong khi đó, tại Biển Đông, Trung Quốc cũng đanh tranh chấp lãnh thổ trên biển với một số quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản đang hỗ trợ các nước trong khu vực này nhằm tăng khả năng đảm bảo an ninh hàng hải do Nhật cũng có lợi ích quốc tế tại vùng biển giàu tiềm năng này.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-16 13:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-168-a254618.html