Báo Mỹ nhận định đã tới lúc phải đổi tên quốc tế của Biển Đông; Tổng thống Philippines ra cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc… là tin tức Biển Đông ngày 25/8.
Báo Mỹ: Tới lúc phải thay đổi tên quốc tế của Biển Đông
(Ảnh minh họa) |
Vietnam+ dẫn nguồn trang Quartz của Mỹ ngày 23/8 cho rằng sở dĩ tranh chấp Biển Hoa Nam (Biển Đông) giữa Trung Quốc với các láng giềng rắc rối phức tạp, một phần đó là vì cái tên gọi quốc tế của nó: South China Sea.
Mới đây nhất, chính phủ Indonesia thông báo sẽ có đề nghị đặt lại tên, trình lên Liên Hợp Quốc, liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna.
Năm 2012, Philippines đã chính thức đặt lại tên một phần của South China Sea trên bản đồ và sử dụng tên đó trong các công văn nhà nước. Manila đã tuyên bố vùng biển bên trong khu đặc quyền kinh tế của họ tên là Biển Tây Philippines.
Đây là một bước quan trọng để làm sáng tỏ “vùng tranh chấp nào là của Philippines,” như tổng thống Benigno Aquino đã khẳng định vào thời đó. Và Philippines đã chuyển một công văn hành chính và một bản đồ chính thức lên Liên hợp quốc.
Chiến dịch kêu gọi đổi tên trên mạng “A Change.org” khởi xướng từ 5 năm qua đề nghị đổi tên thành Southeast Asia Sea (Biển Đông Nam Á) đã đưa ra một số điểm thú vị đáng lưu ý, trong đó có nhận định: Các quốc gia Đông Nam Á bao bọc gần như toàn bộ vùng biển này với các bờ biển cộng lại dài khoảng 130.000km, trong khi bờ biển phía Nam Trung Quốc chỉ dài khoảng 2.800km. Một số đề nghị khác còn nêu lên tên Biển Đông Dương (Indochina Sea) và Biển Asean (Asean Sea). Đề nghị chót này vấp phải sự chống đối của Campuchia, quốc gia không liên quan đến tranh chấp.
Tổng thống Philippines Duterte ra cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh:csmonitor.com) |
Vietnam+ dẫn nguồn AFP cho hay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24/8 cảnh báo sẽ đến lúc phải “thanh toán” với Trung Quốc nếu không có giải pháp nào cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Manila từng cử một phái viên tới Bắc Kinh để “phá băng” quan hệ, xoa dịu căng thẳng. Ông Duterte cũng nhiều lần tuyên bố không muốn chọc giận Trung Quốc bằng những động thái quyết liệt sau tuyên bố của Tòa trọng tài thường trực PCA.
Nhưng với lời cảnh báo trên, đó là dấu hiệu cho thấy ông Duterte đã sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn.
Phát biểu trước các binh sĩ tại một doanh trại quân đội, ông Duterte khẳng định “sẽ phải có một sự thanh toán (với Trung Quốc)”. Ông Duterte cũng đồng thời cảnh báo Trung Quốc chớ tấn công Philippines, nếu không cuộc giao tranh sẽ “rất đẫm máu” và Philippines sẽ “không dễ dàng nhượng bộ”.
Đại sứ Mỹ Ted Osius: ‘Thật không khôn ngoan khi gây rối với Việt Nam’
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius. (Ảnh: Thanh niên) |
Trả lời phỏng vấn trang Washington Blade, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius cho biết, về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã có nhiều hành động “hiếu chiến” như xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo ông, những hành động này chỉ khiến Việt Nam thắt chặt quan hệ thêm với các nước ASEAN cũng như Mỹ.
Ông nói: “Trung Quốc đã trực tiếp bắt nạt và đe dọa Việt Nam”. Tuy nhiên, ông cho rằng người Việt Nam rất mạnh mẽ, và “Thật không khôn ngoan chút nào khi gây rối với Việt Nam”.
Ngoài ra, trong bài phỏng vấn, ông cũng cho biết ông sẽ ở lại Việt Nam tới năm 2017 để đảm nhiệm công việc của một nhà ngoại giao. Ông cũng đề cập tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, khẳng định ủng hộ hiệp định này.
Mít tinh tại Séc ủng hộ phán quyết PCA về Biển Đông
Quang cảnh lễ mít tinh. (Ảnh: Vietnam+) |
TTXVN đưa tin cho biết, chiều 23/8 tại Cộng hòa Séc, ở quảng trường trung tâm Prague, nhóm Anh em vì quê hương và Chi hội người Việt Nam tại thành phố Chomutov (CH Séc) đã tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ phán quyết PCA về Biển Đông.
Ông Phạm Hồng Thái, đại diện Ban tổ chức, đã tóm lược các phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh phán quyết của Tòa đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, bác bỏ tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn.”
Nhân dịp này, Ban tổ chức còn phát tờ rơi bằng tiếng Séc và tiếng Anh, giải thích cho người dân Séc và khách du lịch quốc tế về các phán quyết của Tòa Trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Nhiều người cũng đã tham gia nối vòng tay lớn để bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam, cùng với Ban tổ chức thả những quả bóng xanh lên bầu trời Prague để cầu nguyện cho hòa bình.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-24 13:48:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-258-a255670.html