Hợp tác quân sự với Mỹ có thể giúp Nga khôi phục lại vị thế siêu cường trong quá khứ. Đây cũng là động lực để dồn IS đang suy yếu nghiêm trọng vào đường cùng.
Sau thỏa thuận với Mỹ, Nga có thể sẵn sàng mang sức mạnh của một siêu cường trở lại để khởi động các cuộc không kích chung với Washington nhằm vào hai nhóm đối lập cực đoan ở Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. |
Nếu thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu vào chiều ngày thứ hai và được duy trì trong bảy ngày liên tiếp, Liên Hợp Quốc có thể cung cấp viện trợ cho người dân ở Aleppo.
Kế đó Mỹ và Nga sẽ thành lập “trung tâm phối hợp hành động chung” nhằm hợp tác chống lại các mục tiêu quân sự chung giữa Mỹ và Nga bao gồm chống IS và Jabhat al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria mà vừa được đổi tên thành Jabhat al-Fateh Sham.
Đối với Mỹ và Nga, đồng thuận về một chiến dịch không kích kéo dài ở Syria được coi là khía cạnh nổi bật nhất trong thỏa thuận ngừng bắn được công bố tại Geneva hôm thứ Bảy.
Nếu kế hoạch được thực hiện một cách trơn tru, nó sẽ thúc đẩy Nga trở lại trạng thái của một siêu cường – ít nhất là ở Trung Đông – mà nước này đã mất đi sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.
Hơn nữa, bằng việc hợp tác quân sự với Mỹ theo đuổi mục tiêu tấn công vào thành trì IS và al-Nusra, nó còn giúp Moscow chứng minh lực lượng không quân của mình đang đi đúng mục tiêu, không tấn công vào các phe đối lập khác như Washington vẫn thường chỉ trích trước đó.
Mục tiêu Nga-Mỹ là nhắm vào khủng bố nhưng tờ Independent cho rằng chiến dịch chung sẽ gặp nhiều khó khăn và không dễ thành công.
Kế hoạch này vốn tạo cơ hội cho nhóm đối lập “vừa phải” do Mỹ hậu thuẫn được tách mình khỏi mặt trận al-Nusra để liên minh Nga-Mỹ có thể không kích một cách rảnh tay hơn.
Thế nhưng các nhóm đối lập này với lực lượng quá mỏng sẽ khó tồn tại đủ lâu để hưởng sự bảo hộ của “chiếc dù” Moscow-Washington.
Không chỉ vậy al-Nusra còn có vũ trang kỹ lưỡng, phân bố dày trên nhiều phần lãnh thổ Syria, nhận được sự ủng hộ chính trị đáng kể từ người Ả Rập dòng Sunni. Nó sẽ không dễ dàng để làm suy yếu hoặc loại bỏ.
Có một vấn đề khó đoán khác cũng hiện hữu trong các chiến dịch không kích của Mỹ-Nga. Trên thực tế việc các cuộc không kích của cả hai nước đạt hiệu quả trong chống lại IS và al-Nusra, đều yêu cầu đến sự phối hợp từ các lực lượng mặt đất.
Đứng trước đòn tiến công tổng hợp như vậy, các chiến binh thánh chiến cực đoan đã không thể chống trả mà phải nhận những thương vong nặng nề.
Nhưng trong giai đoạn mới của cuộc chiến trên không ở Syria, việc bên nào sẽ là người cung cấp các lực lượng mặt đất để phối hợp với không lực chiếm lại lãnh thổ IS vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
IS đã trở nên yếu hơn trong năm qua sau khi thất thủ Palmyra ở Syria và Ramadi ở Iraq. Gần đây hơn, các lực lượng này đã bị quét sạch ra khỏi Fallujah thông qua các chiến dịch của quân đội Iraq được hỗ trợ bởi các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu.
Tháng trước, IS bị cô lập với thế giới bên ngoài khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa dải chiếm đóng cuối cùng trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy bị đánh tơi tả nhưng thực tế IS vẫn chưa bị đánh bại một cách dứt điểm. Vẫn còn hàng ngàn chiến binh giàu kinh nghiệm có thể ảnh hưởng đến an ninh thế giới bằng cách tiến hành tấn công khủng bố ở nước ngoài.
Bất chấp các thiệt hại về lãnh thổ ở Syria, khủng bố Nhà nước Hồi giáo vãn giữa Raqqa và một phần lớn thung lũng vùng sông Euphrates. Ở Iraq, nhóm này vẫn kiểm soát Mosul từ năm 2014.
Lực lượng quân đội người Kurd và Iraq đang chuẩn bị cho một nỗ lực để lấy lại Mosul, bởi đến nay đây vẫn là nơi tập trung số lượng lớn nhất của IS. Nếu thành công sức mạnh tổng thể và ảnh hưởng tại Syria và Iraq của IS sẽ bị giảm nhiều.
Minh Vũ
2016-09-11 21:56:09
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nga-khoi-phuc-vi-the-sieu-cuong-a257861.html