ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Thổ Nhĩ Kỳ toan tính gì khi can thiệp quân sự ở Mosul?
Thursday, October 20, 2016 20:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Giữa tháng 10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng nước này sẽ quyết tâm tham gia vào “cuộc chiến chống khủng bố” nhằm quét sạch IS khỏi Mosul.

Quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Thủ tướng Iraq al-Abadi những ngày qua đã có những cuộc khẩu chiến “tay đôi” gay gắt.

Thổ Nhĩ Kì và Iraq đang có một cuộc đấu khẩu về sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại doanh trại Bashiqa ở miền bắc Iraq (nơi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện quân bản địa chống lực lượng Hồi giáo tự xưng IS) và về việc nước nào nên tham gia vào kế hoạch tấn công IS do Mỹ hậu thuẫn tại Mosul.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 15/10 khẳng định rằng Iraq không thể “đơn phương độc mã” đối phó, đánh đuổi lực lượng IS ra khỏi Mosul và rằng sự hiện diện của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố đảm bảo để Ankara không bị tấn công.

Trước đó, phát biểu tại thành phố Konya, ông Erdogan khẳng định sẽ làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn việc đào sâu những xung đột giáo phái ở biên giới với Iraq. Vì vậy, ông cho rằng việc triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ tới miền bắc Iraq là điều cần thiết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng nước này sẽ quyết tâm tham gia vào những hoạt động tái chiếm Mosul, dù chính quyền Baghdad có chấp thuận hay không.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tự ý triển khai tại Iraq mà không có sự cho phép của chính quyền Baghdad. Thậm chí, ông al-Abadi còn đe dọa rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra một cuộc chiến trong khu vực. Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về vấn đề này.

“Phản pháo” lại yêu cầu rút quân khỏi Iraq của Thủ tướng Haider al-Abadi, ông Erdogan nói: “Thủ tướng Iraq, ông hãy biết vị trí của mình. Ông không cùng đẳng cấp với tôi. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhận lệnh từ ông. Ông nên biết rằng chúng tôi sẽ làm theo cách mà chúng tôi muốn”.

Nguyên nhân của sự leo thang căng thẳng giữa hai nước là do sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq. Khoảng 2.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ đã ở doanh trại quân đội Bashiqa từ năm 2015 để huấn luyện các chiến binh Hồi giáo Sunni và lực lượng người Kurd ở Iraq, gọi là lính Peshmerga. Mục đích của việc huấn luyện này nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul từ tay IS.

Sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự đồng ý của Chính phủ bán tự trị người Kurd tại Iraq (KRG) nhưng không được chính quyền Baghdad đồng thuận, nên chính phủ Iraq yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi khu vực này.

Những mâu thuẫn qua lại giữa hai nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq không chỉ đe dọa tới sự tham gia của Ankara trong cuộc chiến tại Mosul mà còn ảnh hưởng tới bản thân cuộc chiến, khi mà chính phủ Iraq mắc phải tranh chấp với một thành viên chủ chốt của liên minh chống IS.

Hiện đang có 1,5 triệu người đang sinh sống tại thành phố Mosul, nơi được coi là thành trì của IS tại miền bắc Iraq kể từ năm 2014. Ngày 17/10, Thủ tướng Iraq đã tuyên bố chiến dịch giải phóng thành phố này. Cuộc chiến dự kiến sẽ kéo dài khoảng vài tuần hoặc vài tháng.

Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng một khi IS bị đẩy lùi khỏi Mosul, chính quyền Baghdad sẽ gây khó dễ cho những người Hồi giáo dòng Sunni, theo phân tích của ông Ali Faik Demir, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Galatasaray, Istanbul.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đa phần người dân là người Hồi giáo dòng Sunni, đã cố gắng thiết lập một “trung tâm quyền lực Sunni”. Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cộng đồng người Sunni ở Mosul đã mất khi IS càn quét và chiếm đóng thành phố này.

Vì vậy, Ankara muốn củng cố sức mạnh cho người Sunni ở Iraq là để đối trọng với Iran và Iraq, nơi mà đa phần dân số là người Hồi giáo Shiite. Đây cũng chính là động lực quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq.

Tổng thống Erdogan từng nói rằng Mosul thuộc về “các cư dân Sunni ở đó”, đồng thời khẳng định rằng sau khi Mosul được giải phóng, “chỉ người Arab Sunni, người Turkmen và Sunni Kurd tiếp tục được sống” ở thành phố này.

“Về mặt lịch sử, Mosul là thành phố của người Sunni, và bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi nhân khẩu học của Mosul sẽ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Demir nhận định.

Còn theo các nhà phân tích Iraq, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại doanh trại Bashiqa là “sự vi phạm rõ ràng chủ quyền quốc gia. Baghdad coi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng chiếm đóng bởi quân đội đã được đưa tới Bashiqa mà không có sự phối hợp trước, hay thỏa thuận, với chính phủ Iraq”, Wathiq al-Hashimi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Baghdad, nói.

Bên cạnh đó, ông al-Hashimi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn “kiểm soát Mosul để tạo ra một vùng đệm, cho phép Ankara nhắm đến mục tiêu là những chiến binh PKK”. PKK là lực lượng Đảng Công nhân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.

Theo các nhà phân tích, lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng lực lượng dân quân đa sắc tộc sẽ giúp quân đội Iraq giải phóng Mosul không chỉ đơn giản là mong muốn bảo vệ người Sunni trong khu vực.

“Nếu những lực lượng này tiến vào Mosul thì những cư dân Sunni của thành phố sẽ đi đâu? Tất nhiên, họ không thể tới Syria, vì vậy họ sẽ di chuyển lên phía bắc tới Thổ Nhĩ Kỳ”. chuyên gia Demir đặt câu hỏi.

Ông cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi lưu trú của 2,7 triệu người tị nạn. “Và họ không thể tiếp nhận thêm một làn sóng người tị nạn nào nữa, chính vì thế chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tiến hành những biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng người dân Mosul sẽ ở lại Mosul sau khi IS bị đánh bật khỏi thành phố này”, theo Demir.

Về phản ứng của Mỹ, Washington đã lên tiếng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chính phủ Iraq. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Mỹ chỉ đang “thể hiện tài hùng biện” về vấn đề này.

“Tất cả các bên có liên quan tới cuộc chiến, trong đó có Mỹ, đang cố gắng định vị mình trong thời kỳ hậu IS. Họ có thể nói về tầm quan trọng của chủ quyền và lãnh thổ của Iraq, nhưng không ai trong số đó có mong muốn Iraq quay trở lại hiện trạng như trước khi IS xuất hiện. Bởi họ biết rằng điều này khó có thể xảy ra trong thực tế”.

Mỹ tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tạo ra “trung tâm quyền lực Sunni” quanh Mosul và Washington không nhất thiết phải phản đối ý tưởng này, Demir nói.

“Lúc này không có chuyện đúng, sai ở miền bắc Iraq. Bất kỳ điều gì xảy ra với Mosul có thể là khởi đầu cho một chuỗi phản ứng dây chuyền có thể thay đổi toàn bộ bản đồ khu vực. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chờ đợi”, Mertin Gurcan, nhà phân tích an ninh và cựu cố vấn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Danh Tuyên

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.