Hàng nghìn người dân thành phố Mosul đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi hay ở với họ đều có một tương lai mù mịt.
Nếu ở lại chờ tới khi liên quân chống khủng bố giải phóng thành công Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq đã bị rơi vào tay IS từ năm 2014, thì có thể những người dân tại thành phố này đã bị những tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS “mượn làm bia đỡ đạn”. Song chạy trốn rời khỏi vùng chiến sự này, họ sẽ đi đâu về đâu…?
Những người dân bí mật bỏ trốn khỏi Mosul bởi với họ ở lại chưa chắc sống xót chờ đến ngày Mosul được giải phóng |
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tái chiếm Mosul, tới ngày 2/11, nguồn tin quân đội Iraq cho biết, dưới sự yểm trợ của các lực lượng quân đội do Mỹ đứng đầu, hàng chục nghìn binh sĩ quân đội chính phủ, các tay súng người Kurd, các lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Sunni và dân quân Hồi giáo dòng Shiite đang tiến công vào lòng thành phố Mosul.
Phát ngôn quân đội chính phủ Iraq khẳng định: “Chiến dịch giải phóng Mosul thực sự bắt đầu”. Hiện còn hơn 600.000 trẻ em và người lớn vẫn đang bị mắc kẹt tại đây, họ đang phải đối mặt với ranh giới sự sống và cái chết khi cân nhắc quyết định trốn hay ở lại.
New York Times (Mỹ) dẫn lời một nhân viên cứu trợ giấu tên cho biết: “Tình hình đang rất căng thẳng, chúng tôi lo ngại khi chiến sự lan sâu vào trung tâm đô thị, hàng trăm nghìn người sẽ phải di chuyển chỗ ở. Nhiều người dân ở Mosul đã tính đến phương án, tích trữ mặt nạ chống độc đề phòng trường hợp IS tấn công bằng vũ khí hóa học khi bị dồn vào ngõ cụt”.
Chính phủ Iraq đang rải hàng hàng nghìn tờ rơi mỗi ngày, yêu cầu người dân ở yên trong nhà và kêu gọi thanh niên hãy đứng về phía quân đội chính phủ chống lại phiến quân IS khi tiến sâu vào Mosul. Một số quan chức Mỹ thuật lại tình hình, hiện những người dân vẫn đang ẩn nấp trong thành phố. Tình hình này, nếu được duy trì, sẽ giúp giảm áp lực về đồ tiếp tế và chỗ ở đối với các trại cứu trợ bên ngoài thành phố.
Song phóng viên chiến trường Tim Arango của New York Times khẳng định: “Người dân Mosul đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi chiến sự ngày càng ác liệt. Nếu chọn ở lại, họ đối mặt với nguy cơ toàn bộ gia đình bị sống giữa bom đạn hoặc bị IS bắt làm con tin. Nếu quyết định ra đi, họ có thể bị thiệt mạng vì các vụ bắn tỉa hoặc bom cài ven đường. Còn may mắn trốn được thì sau đấy là cuộc sống thiếu thốn trong những khu trại tị nạn tạm bợ”.
Phóng viên New York Times tiếp cận với một người đàn ông tên là Musar Abid (41 tuổi) vừa mới chạy trốn khỏi Mosul. Không giấu nổi niềm vui sướng, Musar kể: “Việc đầu tiên khi thoát khỏi “bàn tay tử thần” của IS tôi phải kiếm ngay một bàn cạo râu. Tôi mới cạo sáng nay, giờ tôi như thấy mình trở thành một người thanh niên trẻ chung”, ông nói và mỉm cười khi chỉ tay vào má.
Đây là lần đầu tiên nó được cạo nhẵn kể từ lúc những Mosul rơi vào vòng kiểm soát của IS, chúng yêu cầu đàn ông phải để râu. Abid rất hào hứng khi thấy quân đội chính phủ Iraq cùng quân đội nhiều nước tham gia cuộc tấn công giải phóng Mosul tiến đến ngôi làng của ông.
“Trốn thoát khỏi IS là một mệnh lệnh thôi thúc tôi, tôi muốn thông báo cho cảnh sát Iraq về các điều kiện ở Mosul để tất cả thế giới đều biết cuộc sống dưới sự cai trị của IS ra sao”, Musar nói.
Nhưng những nhóm cứu trợ và các cơ quan nhân đạo quốc tế đang lo lắng những cuộc bỏ trốn đơn lẻ khỏi Mosul, như trường hợp của ông Musar sẽ nhanh chóng biến thành một làn sóng tháo chạy ồ ạt.
“Họ trốn khỏi đây, nhưng điều kiện bên ngoài khó khăn về mọi mặt: thuốc men, đồ ăn, nước uống… mọi thứ đều thiếu thốn vô cùng. Chúng tôi không thể đảm bảo gần một triệu người dân thành phố Mosul có cơm ăn áo mặc được”, một nhân viên cứu trợ chia sẻ.
Phương Anh
2016-11-04 13:48:03
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chien-su-mosul-nguoi-dan-dung-giua-su-song-cai-chet-a305073.html