Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ Sputnik, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã đưa ra những đánh giá về những mối đe dọa lớn với thế giới và những kế hoạch đối phó của Nga.
Hội đồng An ninh Nga có vai trò cố vấn cho những quyết định của tổng thống về những vấn đề an ninh quốc gia. Với vai trò là thư ký của Hội đồng an ninh, ông Patrushev đã đưa ra những quan điểm về tình hình an ninh thế giới hiện nay và những khu vực mà ông cho là có nhiều vấn đề nhất.
“Tình hình trên thế giới đang trở nên ngày càng phức tạp hơn. Có một sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về ảnh hưởng quốc tế và việc sử dụng các nguồn lực toàn cầu”, ông Patrushev thừa nhận.
Đồng thời, ông Patrushev nói thêm, “tham vọng lớn của một số quốc gia đã tạo ra những thách thức mới và những mối đe dọa an ninh với nhiều khu vực trên thế giới, tạo ra những trở ngại nghiêm trọng đối với những nỗ lực song phương và đã phương nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng”.
Những mối đe dọa với Nga: NATO tích tụ quân sự; khủng bố; căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Lực lượng Phản ứng NATO tập trận ở Ba Lan. (Ảnh: AFP) |
Khi được hỏi về những mối đe dọa chính với an ninh Nga, ông Patrushev chỉ ra đầu tiên là việc NATO tích tụ quân sự và triển khai các loại vũ khí mới ở biên giới Nga và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.
Một “mối đe dọa chưa từng có” khác mà Moscow phải đối mặt là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, mà trước tiên phải kể đến là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
“Syria, Iraq, Libya, Yemen, Afghanistan và nhiều quốc gia khác đã trở thành đấu trường nơi IS chiến đấu. Kể từ mùa thu năm 2015, theo yêu cầu của chính phủ Syria, Nga đã tích cực tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Syria”, Thư ký Hội đồng An ninh Nga lưu ý.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế với vấn đề này, ông Patrushev nói rằng những nỗ lực của riêng Nga là chưa đủ mà cần phải có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, ông khẳng định Nga luôn sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên có mong muốn chống khủng bố.
Mối quan tâm khác của Nga lúc này là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ vì những động thái của Bình Nhưỡng mà cả những phản ứng của Washington.
“Mỹ đang lợi dụng những động thái của nhà lãnh đạo Triều Tiên để tạo lợi thế cho mình. Với lý do ngăn chặn những nguy cơ từ Bình Nhưỡng, Washington đang tăng cường sự hiện diện ở Đông Bắc Á, vì thế sẽ càng làm tình hình thêm căng thẳng thông qua việc biểu dương lực lượng, tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với đó là mong muốn đặt một phần hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình ở khu vực”, chuyên gia nhận định.
Cuối cùng, ông Patrushev cho rằng Nga không thể không quan tâm tới cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
“Hai năm trước, Ukraine nằm trong danh sách những điểm nóng ở khu vực. Mỹ và NATO đã làm trung gian trong vụ “chuyển giao quyền lực” ở Ukraine. Cuối cùng, kết quả là một cuộc nội chiến âm ỉ ở phía đông đất nước mà chính quyền Ukraine không muốn dừng lại”, vị quan chức nhận định.
“Tầm nhìn An ninh Toàn cầu” của Nga trong 5 bước
Thư ký Hội đồng An ninh Nga đã đưa ra 5 bước đối phó của Moscow với tình hình an ninh toàn cầu khó khăn hiện nay, được gọi là “Tầm nhìn An ninh Toàn cầu”.
Theo đó, “Tầm nhìn An ninh Toàn cầu” bao gồm tính ưu việt của luật pháp quốc tế; ưu tiên các giải quyết xung đột bằng giải pháp hòa bình trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc; không giải quyết tranh chấp thông qua những thỏa thuận hậu trường và các hành động đơn phương, khối chính trị; không chấp chận sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Ông Patrushev cho biết, Hội đồng An ninh Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bước “Tầm nhìn An ninh Toàn cầu” của Nga. Mục tiêu chính của cơ quan này nhằm đảm bảo lợi ích của Nga, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội bền vững, củng cố chủ quyền và trật tự nhà nước.
Đồng thời, Nga đã và sẽ tiếp tục tránh việc can thiệp vào nội bộ các quốc gia có chủ quyền. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Moscow sẽ cho phép một nước khác mang những vấn đề riêng tới Nga. Những ý định đó sẽ bị ngăn chặn kiên quyết”, ông Patrushev nhấn mạnh.
Hợp tác Nga – Mỹ chỉ với một điều kiện
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry. |
Trong những tháng gần đây, truyền thông Mỹ và một số quan chức nước này liên tục đưa những thông tin tiêu cực về Nga, đồng thời gây áp lực chính trị và quân sự với các nước có quan hệ gần gũi với Moscow. Điều này khiến quan hệ Nga – Mỹ trở nên xấu hơn bao giờ hết trong thời kỳ hiện đại.
Nhưng ông Patrushev cho rằng Nga – Mỹ vẫn có thể hợp tác nhưng phải đáp ứng một điều kiện duy nhất: tôn trọng lẫn nhau.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác Mỹ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. Hiện tại, Nga được liệt vào danh sách những mối đe dọa chính với an ninh Mỹ. Chúng tôi không thể hiểu dựa vào tiêu chí nào mà Washington đặt Nga vào danh sách này cùng với khủng bố IS và dịch bệnh Ebola”, Patrushev nói.
Thật không may, ông Patrushev nói thêm, “khi các chính trị gia Mỹ bị chi phối bởi tình cảm, và những suy nghĩ đó về Nga in hằn lên tâm trí người dân Mỹ thì sẽ rất khó để thiết lập một cuộc đối thoại toàn diện về một loạt các vấn đề”.
Việc Mỹ triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa tại biên giới Nga cũng khiến tình hình giữa hai bên càng leo thang.
Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng An ninh Nga lạc quan rằng, tới cuối cùng, mọi thứ sẽ được cải thiện.
“Lịch sử gần đây cho thấy, sớm hay muộn, quan hệ Nga – Mỹ cũng sớm quay trở lại bình thường bởi tình hình hiện tại đang đối lập với lợi ích của cả Washington và Moscow”, chuyên gia nhận xét.
Nga và NATO
Patrushev nhấn mạnh, NATO vẫn tỏ ra tiếp tục cứng rắn với Nga từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo ông, NATO dường như cố tình bỏ qua những mối đe dọa thực sự với an ninh châu Âu – Đại Tây Dương, để tập trung vào mối đe dọa không có thực – nước Nga.
Ông lấy dẫn chứng cụ thể rằng Tuyên bố Warsaw của NATO về an ninh xuyên Đại Tây Dương đã liệt kê Nga là một mối đe dọa ngay từ đoạn đầu tiên, trong khi khủng bố IS, những kẻ đã tiến hành các vụ tấn công trên đất châu Âu, lại chỉ được xếp trong những phần sau đó.
Tuy nhiên, ông Patrushev cho hay, Moscow sẽ tiếp tục phối hợp với NATO thông qua các nền tảng đối thoại Nga – NATO và các thỏa thuận song phương để phòng tránh những sự cố trên biển và trên không. Ông tin tưởng rằng sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế có thể tạo ra một cấu trúc an ninh chung hiệu quả, trong đó các khối chính trị và quân sự sẽ trở nên “vô dụng, lỗi thời”.
Afghanistan
Tại Afghanistan, Nga đang theo dõi sự nổi lên của các nhóm chiến binh và những kẻ khủng bố và những kẻ buôn bán ma túy tài trợ cho chúng. Ông Patrushev lưu ý rằng Nga đang cân nhắc tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở quốc gia Nam Á này sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp với Moscow.
“Cùng với Taliban người Afghanistan và Pakistan, có nhiều tổ chức cực đoan khu vực như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, cũng như các nhóm khủng bố quốc tế như IS và Al-Qaeda, đang hoạt động tại Afghanistan. Những phần tử cực đoan đã có một chỗ đứng ở các tỉnh phía bắc đất nước, là một mối đe dọa trực tiếp tới Nga và các nước Trung Á”, Patrushev nhấn mạnh.
Ông cho biết Moscow sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì thế chủ động đối với tình hình trên, đặc biệt là tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực cũng như thông qua các cơ chế song phương, đa phương.
Ngoài ra, Hội đồng An ninh Nga cũng đã tham gia tham vấn Nga – Afghanistan với các đại diện đến từ những cơ quan của hai nước. Họ đã thảo luận về các dự án trong tương lai có thể đóng góp vào việc tái cơ cấu kinh tế Afghanistan và chuẩn bị những tài liệu về an ninh và tăng cường hợp tác toàn diện.
Nhưng theo ông Patrushev, điều gốc rễ dẫn tới sự cực đoan của dân Afghanistan là sự can thiệp trắng trợn của nước ngoài, khủng hoảng chính trị trầm trọng, thất nghiệp, thiếu tiếp cận với giáo dục. Để khắc phục những yếu tố tiêu cực này, phải củng cố những nỗ lực của cộng đồng quốc tế thông qua Liên Hợp Quốc.
Vấn đề Syria
Cuộc chiến Syria đã kéo dài trong nhiều năm qua. |
Cuối cùng, khi được hỏi về vấn đề Syria, Patrushev cho rằng đất nước này là “nạn nhân của những tiêu chuẩn khác nhau” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Theo ông, những người thua cuộc là dân Syria.
Patrushev giải thích rằng “ngoài IS, nhóm al-Nusra Front cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hơn một nửa số chiến binh ở Aleppo thuộc về nhóm này. Dù đã đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham nhưng họ không thể trở thành một nhóm “đối lập ôn hòa”, bởi họ vẫn sử dụng những phương thức khủng bố, vì thế không có quyền ngồi tại bàn đàm phán và phải bị tiêu diệt”.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh Nga, chỉ khi Washington giải quyết được bất đồng với Moscow về những nhóm mà Mỹ gọi là “đối lập ôn hòa” thì hai bên mới có thể tiếp tục bàn thảo về tình hình Syria. Nhưng ông cũng khẳng định rằng Nga luôn sẵn sàng xem xét các biện pháp để bình thường hóa tình hình tại Aleppo.
Danh Tuyên
2016-11-01 16:56:08