Công chúng Mỹ đã không tiếc lời chỉ trích sự yếu kém của ông Obama trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ, nhưng họ không nhận ra rằng thực tế ông cùng với Donald Trump lại có sự tương đồng đến khó tin.
Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Mỹ trong thời gian này, cái tên của Tổng thống Obama luôn đi kèm với cụm từ “vịt què”, một sự mô tả mà chắc chắn ông sẽ không cảm thấy tự hào chút nào.
Dù nghe có vẻ xúc phạm, nhưng nó thực sự chỉ là một thuật ngữ dùng để nói về một tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ, khi người kế nhiệm đã được bầu (trong trường hợp này là ông Trump).
Thuật ngữ “vịt què” ám chỉ việc ông Obama hiện tại gần như đã không còn ảnh hưởng chính trị trong chút thời gian ít ỏi còn ở lại ở văn phòng. Những quyết định được đưa ra hiện tại của ông sẽ chỉ gói gọn trong giới hạn tiêu chuẩn và ít khi một sắc lệnh gây tranh cãi được đưa ra. Không chỉ vậy, đảng Cộng hòa cũng đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội.
Trong nền chính trị Mỹ, các đời cựu Tổng thống William Howard Taft, Herbert Hoover, Gerald R. Ford hay gần đây là George H.W. Bush cũng đã từng bị gọi bằng cụm từ này sau nỗ lực tái tranh cử thất bại.
Nhưng trường hợp của ông Obama có vẻ là khá hy hữu khi bản thân ông không hề tham gia tái tranh cử vì đã trải qua hai nhiệm kỳ giới hạn, tuy nhiên truyền thông vẫn gọi ông bằng cụm từ “vịt què” như một lời công kích vào di sản chính trị của ông, cũng như nỗ lực ủng hộ người cùng đảng Hillary Clinton ra tranh cử đã thất bại.
Cuộc đua gắt gao cùng chiến thắng đầy bất ngờ dành cho tỷ phú Donald Trump đã càng làm lu mờ hình ảnh và di sản của ông Barack Obama, thứ vốn không được đánh giá một cách đầy đủ và khách quan.
Tuần này Tổng thống Obama trở về từ chuyến công du chính thức cuối cùng của ông tới châu Âu. Đối với ông, đây là cơ hội cuối cùng để thu hút sự chú ý của công chúng và để nhắc lại những thành tựu chính sách đối ngoại của mình, cố gắng xác định vị trí của ông trong lịch sử chính trường Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đã bị chỉ trích quá khắt khe? |
Andrei Korobkov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Middle Tennessee State cho rằng, để nhìn nhận một cách khách quan với Barack Obama, ông có cả hai điều xứng đáng được tôn vinh, đó là cá tính và di sản chính trị của một vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử.
Cần phải nói rằng, dù là người đứng đầu Nhà Trắng nhưng ông giống như một chính khách “lạc lõng” giữa chính phủ của mình khi bản thân ông vốn không có nhiều kinh nghiệm trong công việc hành pháp.
Ngài tổng thống chỉ có hai năm làm việc ở Thượng viện Mỹ, một khoảng thời gian dành cho các cơ quan lập pháp ở bang Illinois, bên cạnh việc công tác tại các tổ chức phi lợi nhuận khác nhau.
Ở khía cạnh này, Tổng thống Obama có một số điểm tương đồng rất rõ ràng với Tổng thống đắc cử Donald Trump – người tạo ra một đế chế kinh doanh khổng lồ nhưng chưa bao giờ có bất kỳ hiểu biết hay hoạt động chính trị gì trước đó.
Xu hướng này là tốt hay xấu? Câu trả lời là không đơn giản, bởi đôi khi “kinh nghiệm” thường bị gắn với những định kiến hoặc rập khuôn bởi những nguyên tắc cứng nhắc. Điều này đã mô tả rất đúng về ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ của bà trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ đã nhiều lần mỉa mai rằng: “kinh nghiệm tất nhiên là tốt, nhưng dùng nó để phán xét lại không hề tốt”.
Liệu Obama có phải là một tổng thống vịt què?
Trong trường hợp của ông Obama, nguồn gốc, nền tảng đa chủng tộc, đa văn hóa của ông cũng mang lại ý nghĩa nhất định khi ông có kinh nghiệm tiếp xúc trong những môi trường bên ngoài nước Mỹ từ ngày nhỏ.
Một đặc điểm trong phong cách cá nhân của ông Obama thường làm rối trí các nhà quan sát đó là: trái ngược với nhiều người tiền nhiệm của mình, ông không bao giờ tuyên bố về cái gọi là “học thuyết Obama”.
Ông cũng chưa bao giờ mô tả tỉ mỉ về chính sách đối ngoại và các mục tiêu của mình sẽ được thực hiện như thế nào. Nếu không hài lòng về những gì đã có từ người tiền nhiệm, thay vì công khai phản đối, tự bản thân ông sẽ thực thi theo cách của riêng mình nhằm tránh một hậu quả tồi tệ xảy ra.
Đặc điểm này bị nhiều nhà quan sát nhận xét ông là một nhà lãnh đạo yếu kém và thiếu quyết đoán khi không dám thay đổi, không dám đấu tranh.
Tuy nhiên nó không hẳn là chính xác khi ông Obama từng mạnh dạn đề xuất rất nhiều các chính sách gây tranh cãi như chương trình chăm sóc y tế Obama Care hay các chính sách liên quan đến người nhập cư.
Thực tế ông thể hiện mình là một người luôn sẵn sàng đưa ra quyết định cũng như kiên trì và tích cực thúc đẩy cho mục tiêu của mình.
Nhưng trớ trêu thay, nhiều người không cho rằng đó là một sự cách tân, mà ngược lại họ gọi ông là “một trong những tổng thống gây ra nhiều hậu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Cuộc xung đột ở Syria tiếp tục trở thành thất bại của Mỹ? |
Truyền thông phương Tây không hài lòng về các bước đi đối ngoại của ông Obama khi tái thiết lập quạn hệ ngoại giao với Cuba, đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay chính sách cân bằng chính trị mới ở Trung Đông thông qua việc sửa đổi mối quan hệ của Mỹ với Israel, các quốc gia Ả Rập và Iran.
Chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama cũng đã cho thấy sự miễn cưỡng của ông khi đưa Mỹ tham gia trong các cuộc xung đột đẫm máu tại Libya và Syria – dù trước đó hồi năm 2012 ông chủ Nhà Trắng đã phân ra “lằn ranh đỏ” một cách rõ ràng.
Chính từ những quyết định có đúng có sai này đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc tạo nên hình ảnh của một “Obama yếu kém” trong mắt giới quan sát.
Phần lớn quyết định của tổng thống đi ngược lại quan điểm của công chúng và mong muốn của các nhóm chính trị có tầm ảnh hưởng trong chính quyền Mỹ.
Trước đó chính việc rút quân khỏi Iraq của ông Obama khi bắt đầu nhiệm kỳ cũng đã bị chỉ trích bởi ông Donald Trump và nhiều nhân vật bảo thủ.
Bất đồng nghiêm trọng nhất có thể nói đến quan hệ với Moscow. Ông Obama từng nói đã sẵn sàng thiết lập lại một quan hệ song phương thân thiện với Nga vào nhiệm kỳ đầu tiên, ngay sau cuộc xung đột ở Georgia.
Tuy nhiên các động thái mở rộng ảnh hưởng của NATO, căng thẳng Syria leo thang và cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đã kéo mọi thứ trở nên xấu đi cũng như các biện pháp trừng phạt chống lại Nga được áp đặt.
Tất cả điều này đã hình thành một hình ảnh rất tiêu cực của ông Obama ở Nga. Tuy nhiên, Andrei Korobkov cho rằng điều này là không công bằng, bởi theo học giả này, ông Obama đã giữ mọi thứ ở mức nhẹ nhất có thể, và tình thế có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu trong tay một lãnh đạo khác, có thể là bà Clinton hoặc một ai đó.
Trong khi đó, với mối quan hệ với Bắc Kinh, ông chỉ trích là đã không thể phát triển một chiến lược dài hạn nhằm ứng phó trước cường quốc mới nổi này, cũng như chính sách của ông là không phù hợp và bất ổn định.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Obama không phải là người đầu tiên thất bại.
Cuối cùng, điều được nhiều người ghi nhận nhất là việc tổng thống Mỹ đã khá nhất quán trong việc thúc đẩy các chính sách mở rộng toàn cầu hóa trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường – một trong những bước đi nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính trị gia trong nước.
Do đó, có thể nói ông Obama đã để lại một di sản khá thú vị, xen lẫn sự phức tạp trong chính sách đối ngoại. Về tổng thể, ông đã thay đổi khá nhiều quyết định chính sách trước đó của Mỹ, và để đánh giá về nó sẽ phải xem xét trên nhiều góc độ cũng như cần thời gian để chứng minh.
Donald Trump sẽ tiết chế hơn rất nhiều so với những gì ông từng thể hiện trong chiến dịch tranh cử. |
Những bài học từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama
Trước hết, theo các điều kiện cụ thể, sự thiếu vắng về kinh nghiệm ngoại giao, kinh nghiệm chính trị trong một số trường hợp có thể trở thành lợi thế của ông Donald Trump, cho phép ông để bỏ qua những định kiến chính trị và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo khác thường.
Thứ hai, cách các tầng lớp hiện tại và công chúng cảm nhận về tổng thống của họ trong thời điểm hiện tại có thể hay, có thể dở, nhưng hoàn toàn khác những gì mà người đời sau nhận xét.
Cần phải nhớ rằng cựu Tổng thống Harry Truman – người đã phát triển một hệ thống ngăn chặn chiến tranh lạnh toàn diện trong quá khứ đã từng bị coi là yếu kém so với rất nhiều người cùng thời với ông.
Và cuối cùng, chính trị luôn bị soi xét bởi những người ngoài cuộc cũng như trở thành nạn nhân bị chỉ trích bởi thành phần này.
Kỳ vọng dành cho Tổng thống đắc cử Trump
Từ trường hợp của ông Obama, có thể thấy ông Donald Trump cũng sẽ giảm nhẹ đi tính chất quyết định của mình so với tuyên bố ban đầu. Ví dụ, ông Trump đã thu nhỏ lại đề xuất xây dựng bức tường biên giới với Mexico và trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Hiện ông chỉ nói về việc trục xuất khoảng ba triệu người bất hợp pháp có tiền sử tội phạm.
Trong khi đó, ông Obama trong hai nhiệm kỳ của mình cũng đã trục xuất khoảng 2,5 triệu người. Kế hoạch của hai người về cơ bản là tương đương và không có điều gì quá sốc.
Thứ hai, ông Trump đã không thể hiện sự bốc đồng hay thù địch như nhiều chuyên gia dự đoán trước đó.
Ngược lại sau chiến thắng, tổng thống đắc cử cho thấy ông chẳng phiền hà gì về việc bắt tay với nhân vật từng chỉ trích, phỉ báng mình ác liệt nhất. Trong số này có thể kể đến Mitt Romney – người được nhắm cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ và ứng viên sơ bộ đảng Cộng hòa Ted Cruz. Do đó kể cả trên mặt trận quốc tế mọi thứ dường như cũng được ông Trump chèo lái theo một tuần tự nhất định.
Nguy hiểm dường như không đến từ bản thân ông Donald Trump mà nó lại bắt nguồn từ các tầng lớp đại diện cho các phe nhóm chính trị đối lập trong nước cũng như giới tinh hoa Mỹ.
Rõ ràng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang phải đối mặt với sự hoài nghi còn lớn hơn người tiền nhiệm của mình trong công việc điều hành nước Mỹ vươn cao trong bối cảnh hiện tại.
Đồng thời, ông Trump được biết đến như một nhà đàm phán cứng rắn và khá bảo thủ. Ông chắc chắn sẽ tích cực theo đuổi lợi ích quốc gia, sẵn sàng mang đến “củ cà rốt”, nhưng có thể nhanh chóng chuyển sang “cây gậy” nếu đề nghị của mình không được thực hiện.
Như vậy chỉ có thời gian mới trả lời được chiến thắng của ông có tác động gì đến quan hệ Mỹ-Nga và tình hình chính trị trên toàn thế giới.
Quốc Vinh
2016-11-29 18:00:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dung-goi-obama-la-tong-thong-vit-que-a307967.html