ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Những ‘thường dân’ thành tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh
Monday, November 7, 2016 20:51
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nhờ loại sâm quý hiếm Ngọc Linh mà những người dân đã trở thành tỷ phú, xây được những ngôi nhà bề thế giữa một trong những huyện nghèo nhất nước.

Từ nông dân trở thành tỷ phú

Từ bao đời này, cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quen thuộc với người Xê Đăng sinh sống ở đỉnh núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) nơi có độ cao từ 1.800-2.500 m so với mặt nước biển.

Đến năm 1973 cây thuốc “giấu” này được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện những giá trị của chúng và bắt đầu sưu tầm. Đây là cây bản địa, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh và là loại cây quý hiếm. Tuy nhiên, vì bất cập trong công tác quản lý, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, trung bình giá mỗi kg sâm Ngọc Linh từ 50-70 triệu đồng.

Sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu đồng một kg. Ảnh: Vnexpress

Trước thực tế trên, nhiều hộ dân sống ở trên đỉnh Ngọc Linh đã bắt đầu sưu tầm sâm Ngọc Linh để bảo tồn và phát triển. Theo đó, người dân đã chọn những mảnh đất ở trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao lớn, được rừng tự nhiên bao bọc, có thảm thực vật là rừng nguyên sinh ở đỉnh Ngọc Linh gồm các cây lá rộng thường xanh, tre nứa, lá kim; nơi có lượng mưa trung bình nhiều, nhiệt độ quanh năm thấp (14-18oC)… để trồng sâm.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, chia sẻ trên Vnexpress, ở xã Trà Linh có 500 hộ thì đến 95% trồng sâm. Nhiều người dân được xem là đại gia, sở hữu hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ai cũng dựng được nhà lớn, đào được ao cá, sống sung túc.

“Nhà ít thì trồng khoảng một nghìn gốc sâm. Nếu bây giờ nhổ hết bán hầu như nhà nào ở xã Trà Linh cũng có tiền tỷ”, ông Bửu cho biết.

Tiêu biểu trong những hộ trồng sâm là ông Hồ Văn Du. Ngôi nhà kiên cố của ông Du nằm bên sườn núi Ngọc Linh thuộc thôn 2, xã Trà Linh. Ở huyện được cho là nghèo nhất nước này, việc có được ngôi nhà bề thế như ông Du chẳng phải chuyện thường. Đường sá đi lại khó khăn, từ trung tâm xã tới ngôi làng này phải đi bộ hơn 4 tiếng nên lúa, ngô trồng được cũng không biết bán cho ai. Chính vì vậy người dân ở đây chỉ giàu lên khi nghề trồng sâm được nhân rộng mà ông Du là người tiên phong. Ở vùng Ngọc Linh, người dân vẫn gọi ông là “vua sâm”.

Ông Hồ Văn Du, đại gia trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Cũng theo Vnexpress, vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. “Cây sâm càng nhiều tuổi càng giá trị. Thấp nhất loại sâm trên 5 tuổi khoảng 40 triệu đồng một kg, loại hơn 10 tuổi giá gấp đôi”, ông Du nói. “Vua sâm” ước tính bình quân 20 gốc sâm 12 đến 15 tuổi sẽ cho một kg thì cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 250 tỷ đồng.

Củ sâm 100 tuổi giá hơn 250 triệu đồng

Theo thông tin từ Vietnamnet, chiều 25/6, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) Hồ Quang Bửu cho biết, một người dân đã đào được củ sâm Ngọc Linh cân nặng gần 1 kg có tuổi đời hơn 100 năm tại vùng núi Ngọc Linh.

Người đào được củ sâm “khủng” này là anh Hồ Văn Chiêu, trú làng Tu Ton (thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My).

Anh Hồ Văn Chiêu đào được củ sâm “khủng”. Ảnh: Vietnamnet

Củ sâm dài khoảng 50 cm, có 100 đốt. Đây là củ sâm lớn nhất tại vùng núi Ngọc Linh còn sót lại kể từ ngày bị săn tìm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Củ sâm sau đó được một số người trả giá 250 triệu đồng.

“Hôm 23/6 vừa qua, hai cha con mình leo dốc hơn 7 giờ đồng hồ từ nhà mới đến được khu vực rừng nguyên sinh nằm lưng chừng núi Ngọc Linh, để đi tìm sâm. Đang ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ thì phát hiện cây sâm mọc dưới đống lá mục. Nhìn kỹ, thấy có 5 lá sâm cứ tưởng là 5 gốc sâm” – ông Hạnh, bố của anh Chiêu kể lại.

Khi vạch lá để đào, bất ngờ ông phát hiện củ sâm “khủng” có 5 nhánh. Lần theo gốc sâm cổ, cha con ông Hạnh đào được củ sâm dài khoảng nửa mét, với dáng hình độc đáo.

Ông chủ vườn sâm 70 tỷ đồng

Gia đình ông Hồ Kim Lĩnh, ở thôn 3 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang sở hữu một vườn sâm Ngọc Linh có trị giá 70 tỷ đồng.

Trước đó, khi tìm được gốc sâm Ngọc Linh tổ, được trả giá hơn nửa tỷ đồng nhưng ông Lĩnh không bán mà để nhân giống và hiện giờ ông có vườn sâm với hàng nghìn gốc sâm trị giá cả mấy chục tỷ.

Kể về vườn sâm Ngọc Linh có giá trị của mình, ông chia sẻ trên báo Vietnamnet, cách đây hơn 20 năm trong một lần lên khu vực rừng thôn 3 xã Trà Linh, ông đã may mắn phát hiện cây sâm Ngọc Linh quí hiếm có 5 nhánh.

Khi phát hiện cây sâm tự nhiên này, ông không như người khác nhổ bán lấy tiền, ông đánh dấu bảo vệ để lấy hạt giống mỗi năm. Một thời gian sau, thấy mọi người đổ về vùng núi Ngọc Linh để săn tìm sâm tự nhiên, sợ bị mất nên ông Lĩnh đã đưa cây sâm cổ về trồng trong vườn sâm của mình.

Đến nay, cây sâm Ngọc Linh 5 nhánh ngày nào đã đẻ thêm 2 nhánh nữa, tổng cộng là 7 nhánh. Khi nghe tin về cây sâm Ngọc Linh 7 nhánh cực kỳ quý hiếm này, có người đã tìm đến hỏi mua với giá hơn 30.000 USD (hơn nửa tỷ đồng), nhưng ông vẫn lắc đầu từ chối.

Hầm rượu sâm Ngọc Linh tiền tỷ

Tại vùng đất Quảng Nam có một “ông trùm” sưu tầm sâm Ngọc Linh và nấm linh chi hiện đang sở hữu gần 100 bình sâm được định giá hàng tỷ đồng. Đó là anh Đào Duy Linh (30 tuổi, trú ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Những bình sâm Ngọc Linh quý giá. Ảnh: Dân Việt

Dân Việt đưa tin, tại cơ ngơi của anh Đào Duy Linh, có thể bắt gặp hàng trăm bình sâm Ngọc Linh được ngâm trong rượu từ bình 1 lít đến hàng chục lít bày chật kín phòng khách và lên cả các bậc cầu thang. Phía bên trong những chiếc bình này là các củ sâm Ngọc Linh quý đang uốn lượn như những chú “rồng tắm nước”. Nhiều người khi ngắm những bình sâm Ngọc Linh này đều không khỏi trầm trồ ao ước, tuy nhiên chỉ ai dám bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng và am hiểu nghiên cứu kỹ về sâm Ngọc Linh mới có thể chơi sang như vậy.

Củ sâm Ngọc Linh này gần 50 năm tuổi, giá trị trên 100 triệu đồng. Ảnh: Dân Việt

Được biết, hiện anh Linh có bình sâm Ngọc Linh trị giá cả trăm triệu đồng nhưng anh chưa dám tiết lộ. “Mục đích cũng vì muốn sưu tầm là chính, nếu người dân nào có nhu cầu mua hay chia sẻ lại, thì mình liên kết với các người dân bản địa núi Ngọc Linh để mua đi, bán lại. Hiện giờ, trong nhà tôi có gần trăm bình sâm Ngọc Linh của núi rừng Quảng Nam và Kom Tum. Dù đang sở hữu gần trăm bình sâm, nhưng tôi vẫn còn ao ước tiếp tục sưu tầm thêm những củ sâm Ngọc Linh có niên thời lâu, vì sâm càng lâu năm thì giá trị nó càng cao và quý hiếm…” – anh Linh chia sẻ.

Sâm Ngọc Linh (danh pháp khoa học: Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1.200 đến 2.100 m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.

Kiều Hương (T.H)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.