Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng chấm dứt đàm phán gia nhập EU, nhưng việc đơn phương rời bỏ NATO sẽ là điều phương Tây không để yên.
Tờ Hurriyet trích dẫn một phát biểu gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Kỳ Erdogan nói rằng, “Thổ Nhĩ Kỳ không cảm thấy thoải mái cũng như không muốn tiếp tục đàm phán gia nhập EU”.
Ông còn lấp lửng, “ai đó có thể phán xét nhưng tôi muốn được bày tỏ quan điểm của mình. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại không thể gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được chứ”?
Thổ Nhì Kỳ sẽ gia nhập tổ chức hợp tác do Nga và Trung Quốc dẫn đầu? |
Đây không phải lần đầu tiên ông Erdogan tuyên bố một cách thẳng thừng rời bỏ EU để tìm kiếm một tổ chức mới sau quá nhiều năm chờ đợi.
Hồi năm 2013 nhà lãnh đạo này từng cho biết nếu Ankara được nhận vào SCO, đất nước này sẽ nói lời tạm biệt với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, mọi thứ thời điểm đó không quá nghiêm trọng khi Erdogan nói rằng ông chỉ nói đùa với Tổng thống Nga Putin.
Nhưng đến hôm 20/11 vừa qua Erdogan đã cho thấy sự nghiêm túc của mình khi thảo luận ý tưởng gia nhập SCO với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan.
Sau nhiều thập kỷ ngóng chờ cánh cửa EU mở ra, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã hạ quyết tâm dứt bỏ duyên nợ vốn rất mong manh với châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu đề xuất gia nhập vào cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân của Liên minh châu Âu EU vào năm 1959.
Liên minh này đã ký Hiệp định Ankara vào năm 1963 cũng như nhận đơn gia nhập chính thức vào năm 1987. Thổ Nhĩ Kỳ được công nhận là ứng viên tiềm năng vào năm 1999 và bắt đầu đàm phán gia nhập vào năm 2005.
Sau nhiều thập kỷ trì hoãn, cho đến hiện tại các thành viên EU đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp ngăn chặn dòng chảy di cư vào châu Âu.
Tuy nhiên, cơ hội của Thổ Nhĩ Kỳ bỗng trở nên chới với hơn bao giờ hết sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7.
Giới lãnh đạo châu Âu cáo buộc các quyền tự do cơ bản đã bị vi phạm nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp liên quan đến cuộc lật đổ đã bị bắt giam.
Erdogan cũng nói rằng ông sẽ mang án phạt tử hình trở lại, dù trước đó nó đã bị bãi bỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2004 khi Ankara tìm cách gia nhập EU. Liên minh châu Âu đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng khôi phục lại hình phạt tử hình sẽ kết thúc triển vọng thành viên của quốc gia này.
Những đòi hỏi quá nhiều về dân chủ, quyền con người, quyền công đoàn, quyền thiểu số hay bình đẳng giới từ Copenhagen đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy rằng họ không phù hợp với tôn chỉ của EU, trong khi cảm thấy những giá trị của SCO có vẻ là sự thay thế hợp lý.
Nhóm Thượng Hải 5 – tên gọi đầu tiên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập vào năm 1996 được dẫn đầu bởi Nga và Trung Quốc.
SCO là tổ chức không thuộc phương Tây lớn nhất tại lục địa Âu Á. Ấn Độ và Pakistan đã ký hiệp định gia nhập vào tháng 6 vừa qua và dự kiến sẽ chính thức trở thành thành viên vào năm 2017.
Mông Cổ, Iran, Belarus, và Afghanistan đang là quan sát viên của SCO. Còn Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập SCO như một “đối tác đối thoại” trong năm 2012 tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh.
Điều gì khiến một thành viên NATO tìm đến mối quan hệ với SCO?
Mặc dù quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xâu đi từ năm ngoái sau vụ bắn rơi máy bay ở biên giới Syria, Erdogan đã có những bước đi phục hồi quan hệ và củng cố niềm tin bằng lời xin lỗi chính thức về vụ việc. Bất chấp việc vẫn khác nhau về lập trường trong cuộc xung đột Syria, quan hệ Moscow-Ankara hiện tại là hết sức nồng ấm.
Trong khi đó Trung Quốc bày tỏ sự lạc quan về việc trở thành thành viên SCO của Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói trong cuộc họp báo vài ngày trước rằng, Trung Quốc sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào từ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tham gia vào tổ chức an ninh Á-Âu.
Mục đích chính của SCO là hợp tác chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, trong khi cả Bắc Kinh và Ankara đều chia sẻ chung mối lo ngại về hoạt động ly khai giữa các nhóm dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập SCO đó là phải rời khỏi NATO đầu tiên.
Leonid Ivashov, một trong những sáng lập viên của SCO, nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên bắt đầu quá trình rời NATO khi họ cảm thấy mình nghiêm túc trong việc trở thành thành viên SCO.
Tuy nhiên, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ về điều này, không chắc rằng các quốc gia thành viên NATO sẽ để yên cho Ankara rời đi.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong NATO chỉ sau Mỹ. Thành phố Izmir phía tây Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 5 trụ sở chính của NATO cũng như tọa lạc sân bay quân sự quan trọng của Mỹ.
Căn cứ vào vị trí chiến lược và liên minh lâu đời với Washington, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đóng vai trò then chốt trong chiến lược an ninh của Mỹ ở Trung Đông và khu vực Balkan.
Cựu Tư lệnh Đồng minh NATO James Stavridis đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có “khả năng rất lớn” trong việc gây ảnh hưởng đến cuộc chiến IS ở Syria; quan hệ với Israel ở phía đông Địa Trung Hải; ứng phó với Hồi giáo cực đoan để ổn định Ai Cập.
Do đó Ankara có thể từ bỏ EU nhưng việc rời đi khỏi NATO sẽ là điều không dễ dàng.
Nhà văn Samuel Huntington trong cuốn The Clash of Civilizations and the Remaking of the World Order đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là một “đất nước lạc lõng” bởi “giới lãnh đạo thường muốn theo đuổi một chiến lược gần gũi với phương Tây, nhưng lịch sử, văn hóa và truyền thống đất nước họ lại không thuộc phương Tây”.
Ông Erdogan cho biết một cuộc trưng cầu có thể được tổ chức để quyết định Ankara có nên tiếp tục đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu vào cuối năm nay.
Theo cuộc thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm ngoái, phần lớn những người được hỏi (55 phần trăm) nói rằng muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên trong khi chỉ có 32% phản đối việc gia nhập EU.
Người dân quốc gia này muốn dân chủ và trở thành thành viên EU, trong khi giới lãnh đạo lại tìm cho mình một hướng đi mới bằng SCO. Đây sẽ là điều Ankara cảm thấy đau đầu trong thời gian tới.
Quốc Vinh
2016-11-25 15:08:06