Bên cạnh việc tăng cường thêm các lực lượng hoạt động tuần tra trên biển hợp pháp, Trump được dự kiến sẽ đưa quan hệ với Philippines trở lại quỹ đạo.
Chi tiết cụ thể về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trump trên thực tế vẫn còn chưa rõ ràng, do đó gần đây có nhiều ý kiến trái chiều nhau về hướng đi của chính quyền Washington mới ở Biển Đông.
Tân Tổng thống nước Mỹ Donald Trump. |
Phần lớn các ý kiến cho rằng chính quyền Donald Trump sẽ không dỡ bỏ “trục châu Á” trong chiến lược tương lai của Mỹ, thậm chí tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực này có thể sẽ được tăng cường sau những cam kết quân sự gần đây của vị Tổng thống mới đắc cử.
Ngược lại, một số nhà quan sát lo ngại ông Donald Trump trong lúc “lơ là” có thể tạo cơ hội chiến lược cho Trung Quốc trong việc để mở rộng sự hiện diện tại châu Á.
James Woolsey, cố vấn cấp cao Trump về an ninh quốc gia, cho biết chính quyền mới sẽ cần phải đảo ngược việc cắt giảm ngân sách quốc phòng để đảm bảo Mỹ vẫn là lực lượng quân sự hàng đầu trên thế giới.
“Mỹ coi bản thân là người nắm cán cân quyền lực ở châu Á và có thể vẫn còn khá quyết tâm trong bảo vệ các đồng minh của mình chống lại sự lừa dối Trung Quốc”, Woolsey, người từng là giám đốc CIA dưới thời tổng thống Bill Clinton nói trên Time. “Trung Quốc nên nhận ra rằng phản ứng của chúng tôi ở châu Á không được thúc đẩy bởi tham vọng lãnh thổ”.
Hai cố vấn quốc phòng khác trong chiến dịch Trump, Thượng nghị sĩ Jeff Sessions thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện, và Dân biểu Randy Forbes, chủ tịch của tiểu ban về sức mạnh trên biển cho biết, kế hoạch của Trump vẫn sẽ bao gồm một số vấn đề trong “trục châu Á – Thái Bình Dương” , nhưng “Mỹ có thể không cần phải đặt tất cả trứng vào một giỏ”.
Jeff Sessions, người được dự đoán sẽ được chỉ định vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới, tiết lộ rằng Trump muốn nâng cấp quân đội Mỹ bằng cách thêm tăng 60.000 binh lính và xây dựng thêm các tàu chiến tiên tiến, bao gồm tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm.
Chính quyền mới của Trump sẽ tập trung vào nâng cấp các tàu chiến hải quân. |
Đối với Hải quân, Trump từng nói ông muốn nâng số lượng tàu chiến lên 350 chiếc so với mức sản xuất trong báo cáo hiện tại là 308. Ông nhấn mạnh hạm đội sẽ tập trung vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trump muốn hiện đại hóa tất cả 22 tàu tuần dương, mà ông gọi là “nền tảng của khả năng phòng thủ tên lửa ở châu Âu, châu Á và Trung Đông”. Ông cho biết việc nâng cấp mỗi tàu với hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển mới nhất (Aegis BMD) sẽ có chi phí lên tới 220 triệu USD.
Để thực hiện kế hoạch an ninh này khả thi hơn, Forbes đánh giá Trump và các cố vấn quốc phòng của ông có thể đi theo “một chiến lược quốc phòng quốc tế được dẫn dắt bởi Lầu Năm Góc chứ không phải do Hội đồng An ninh Quốc gia mang quá nhiều tính chính trị”.
Forbes cho biết điều này có nghĩa rằng chính sách quốc phòng dưới thời tổng thống mới có thể cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm của ông, Barack Obama.
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định, mặc dù Trump có những phát ngôn không đồng nhất trong chiến dịch tranh cử nhưng ông có khả năng sẽ chỉ định một cá nhân dày dạn kinh nghiệm trong nhóm của mình để đặc trách các vấn đề quốc phòng .
“Các thiết chế của đảng Dân chủ và Quốc hội sẽ giúp làm dịu đi sự bùng nổ của Trump”, ông nói. “Chúng ta có thể mong đợi một chính sách đối ngoại ở châu Á được tái cấu trúc và thay đổi về hình thức”.
“Tôi lạc quan về sự tham gia của Trump với châu Á”, Chaturvedy tin tưởng.
Trong khi Trump đã tuyên bố sẽ nâng cấp quân đội Mỹ, đặc biệt là hải quân, tuy nhiên ông rất ít nói về cách tiếp cận của mình trước những động thái ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump dường như là mới chớm nở và do đó sẽ phụ thuộc vào người ông bổ nhiệm và những người sẵn sàng phục vụ điều này ,” Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Heritage ở Washington nói trên Fortune.
Tuy nhiên, Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết, chiến thắng của Trump sẽ mang lại “nguy hiểm cho thế giới mà chúng ta từng biết”.
“Một phương Tây suy yếu và thiếu tổ chức sẽ cung cấp cho Trung Quốc nhiều cơ hội chiến lược cho sự trỗi dậy ở châu Á. Nó cũng sẽ làm cho Trung Quốc thậm chí còn cứng rắn hơn nữa khi sự thận trọng dành cho nhau giữa hai nước đã không còn”.
Chính quyền mới không những gỡ bỏ mà còn tăng cường thêm cho “xoay trục châu Á” của ông Obama. |
Chiến lược thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông là dùng sức mạnh xâm lấn, chiếm đóng, quân sự hóa ở các đảo một cách phi pháp, nhằm đưa mọi thế vào “sự đã rồi”. Đồng thời, Bắc Kinh tung ra những “đòn tấn công quyến rũ” dùng lợi ích để làm dịu đi những căng thẳng với các quốc gia đang có tranh chấp với mình như trường hợp của Philippines và gần đây có thể là Malaysia.
Trong nhiều thập kỷ, Hải quân Mỹ vẫn luôn tự hào là lực lượng gìn giữ hòa bình ở Thái Bình Dương, với chính quyền mới lần này, một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng sự thiếu chú ý của Mỹ trong khu vực để gia tăng các hoạt động bành trướng.
“Xét về Biển Đông, sự bảo thủ và chủ nghĩa biệt lập của Trump có thể hiểu được rằng ông sẽ can thiệp ít hơn tại đây”, Zhang Ming, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói. “Sẽ có ít rắc rối cho chính phủ Trung Quốc.”
Trong khi Franz-Stefan Gady, bình luận viên tờ The Diplomat lại nêu quan điểm: “Dường như chính sách quốc phòng ở châu Á sẽ là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất được quan tâm và sự hiện diện của hải quân Mỹ giống như ‘sứ giả ngoài khơi’ của Trump”.
Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất của vị Tổng thống mới đắc cử là tìm một giải pháp nhằm phục hồi tầm ảnh hưởng ở châu Á xóa bỏ những quan niệm không đáng có trước đó khi nhiều quốc gia cho rằng chính quyền Obama đã hứa quá nhiều nhưng không thực hiện.
Một gần đây bài viết gần đây trên tờ Foreign Affair của hai cố vấn chiến dịch Trump, Alexander Gray và Peter Navarro lập luận rằng, chính quyền Obama đã không đủ cứng rắn đối với Trung Quốc (bên cạnh các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương nói chung).
Cả hai không đánh giá cao hiệu quả của chiến lược “tái cân bằng” châu Á trong thời điểm hiện tại khi mô tả ông Obama dù “nói lớn tiếng, nhưng chỉ mang theo một cây gậy nhỏ”.
Gray và Navarro kết luận rằng “trục yếu ớt” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chỉ khiến Trung Quốc gây hẫn nhiều hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
“Hệ quả hiển nhiên là Trump sẽ phải thể hiện sự cứng rắn hơn để bù đắp lại – nhưng đó sẽ là một giải pháp hòa bình”, Navarro nhấn mạnh.
Ông hé lộ chính quyền mới có thể đi theo các chính sách khiến Bắc Kinh phải tức tối như bán thêm vũ khí mạnh mẽ hơn cho Đài Loan hoặc tăng cường thêm hải quân ở khu vực.
Còn với các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ, những diễn biến tiếp theo sẽ có rất nhiều điều thú vị khi quan hệ liên minh Mỹ-Phi gần đây đang suy yếu nghiêm trọng sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte phàn nàn về việc Washington không bảo đảm cho Manila trong các cam kết về an ninh trên Biển Đông.
Cho đến nay, Trump được dự đoán sẽ phá băng quan hệ với Duterte sau khi ông có những bước đi gần gũi hơn với Trung Quốc – như một sự chứng minh rằng chính sách ngoại giao của ông sẽ không sai lầm như Obama.
Quốc Vinh
2016-11-12 20:08:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/trump-se-sua-sai-giup-tong-thong-obama-o-bien-dong-a306056.html