Không lâu sau khi Tổng thống Putin kêu gọi Nga tăng cường tiềm lực hạt nhân quân sự, ông Trump cũng kêu gọi Mỹ tăng cường năng lực hạt nhân. Và điều này khiến giới chuyên gia lo ngại.
Theo Economic Times, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 đã kêu gọi Nga tăng cường tiềm lực hạt nhân quân sự và đảm bảo các tên lửa của Nga có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa.
“Chúng ta cần tăng cường tiềm lực quân sự cho các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt với các tổ hợp tên lửa có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và tương lai”, ông Putin cho biết tại bài phát biểu về hoạt động quốc phòng năm 2016 ở cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Putin cũng cho rằng, lực lượng phi hạt nhân chiến lược cũng cần “được nâng lên cấp độ mới, cho phép vô hiệu hóa mọi mối đe dọa quân sự đối với nước Nga.”
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta phải theo dõi thận trọng mọi sự thay đổi về cán cân sức mạnh và về tình hình chính trị – quân sự trên thế giới, đặc biệt dọc biên giới của Nga, và nhanh chóng thực thi các kế hoạch nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với đất nước của chúng ta”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Putin. |
Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng quân đội Nga đã thể hiện thành công các khả năng của mình ở Syria.
“Quân đội Syria đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể nhờ đó có thể tiến hành thành công các chiến dịch chống phiến quân”, ông Putin nói.
Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chống phiến quân, khủng bố ở Syria kể từ tháng 9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Quân đội Nga đã thử nghiệm 162 loại vũ khí hiện đại trong suốt chiến dịch quân sự ở Syria, trong đó có chiến đấu cơ Sukhoi, MiG và trực thăng Kamov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.
Kể từ khi chiến dịch được khởi động, chiến đấu cơ Nga đã xuất kích 18.800 lần, thực hiện 71.000 cuộc không kích nhằm thẳng vào cơ sở hạ tầng của IS, quét sạch 725 trại huấn luyện cùng 405 địa điểm chế tạo vũ khí và 1.500 khí tài. Bên cạnh đó, 35.000 phần tử khủng bố trong đó có 204 chỉ huy đã bị tiêu diệt, ông Shoigu cho biết thêm.
Chỉ vài giờ sau khi ông Putin đưa ra tuyên bố trên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã kêu gọi Mỹ tăng cường năng lực hạt nhân.
Trong một bình luận trên Twitter hôm 22/12, ông Trump viết: “Nước Mỹ cần tăng cường đáng kể năng lực hạt nhân cho đến khi thế giới có suy nghĩ và hành động hợp lý hơn về hạt nhân”. Tuy nhiên, ông Trump không nêu cụ thể hơn đề xuất này.
Khi được hỏi về bình luận trên twitter này, phát ngôn viên của ông Trump, Jason Miller, nói rằng ông Trump muốn “đề cập đến mối đe dọa phổ biến hạt nhân và nhấn mạnh đến yêu cầu bức thiết phải ngăn chặn xu hướng đó, đặc biệt là với các tổ chức khủng bố hay những thể chế khiêu khích, không ổn định”.
Ông Miller nhấn mạnh, Tổng thống đắc cử Trump không ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân và nói rằng bình luận của ông không nên được hiểu là một đề xuất chính sách mới.
Trước phản ứng của vị tổng thống mới đắc cử này, giới chuyên gia lo ngại liệu bình luận của ông Trump có thể hiện việc ông muốn mở rộng tối đa năng lực vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ hay không.
“Sẽ là thiếu trách nhiệm nếu một tổng thống hay tổng thống đắc cử thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ trong 140 ký tự mà không hiểu thấu đáo cụm từ mở rộng năng lực hạt nhân”, Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại Washington, bình luận.
“Ông Trump có lẽ khiến lãnh đạo thế giới phải cố giải mã ý định của ông ấy”, Daryl Kimball cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Nếu ông Trump và ông Putin cùng muốn mở rộng năng lực hạt nhân, điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân kể từ thời chính quyền Tổng thống Nixon và khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang”, Cirincione, chủ tịch một quỹ hoạt động trong lĩnh vực ngăn chặn phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân tại Mỹ nhận định.
“Không bên nào cần phải chi hàng trăm tỉ USD cho những thứ vũ khí hạt nhân mà chúng ta không cần đến”, ông Cirincione bình luận.
Đào Vũ
2016-12-22 21:08:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/putin-va-trump-keu-goi-tang-tiem-luc-hat-nhan-a310261.html