Sai lầm của chính quyền Obama đó là chỉ dùng “vài củ cà rốt” nhưng lại dùng “cây gậy” chỉ trích về nhân quyền quá nhiều đối với các đồng minh ở Đông Nam Á.
Ở Đông Nam Á có một câu nói: “Khi voi nhảy múa, gà xung quanh phải dè chừng”. Khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng, 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng bất đắc dĩ phải chịu đựng những áp lực ngày càng lớn.
Với việc một vị tổng thống mới chuẩn bị lên nắm quyền, Mỹ cũng đã đến lúc phải xem xét việc cân bằng lại quyền lực tại Đông Nam Á.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bị đặt ra câu hỏi về chính sách của mình ở khu vực Đông Nam Á. |
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã lựa chọn Donald Trump, một ông trùm bất động sản không có kinh nghiệm chính trị đã làm sâu sắc thêm sự quan ngại về vị trí chiến lược của các nước ASEAN đối với Washington.
Malaysia và Philippines gần đây đã khá thành công trong việc tiến tới những hợp tác mới về kinh doanh và quốc phòng với Bắc Kinh, nhiều nhà phân tích châu Á đang tự hỏi liệu các quốc gia này có đang chuyển hướng sang Trung Quốc và dần rời bỏ trật tự an ninh tự do mà đồng minh Mỹ của họ đã thiết lập ở Thái Bình Dương lâu năm hay không.
Tuy nhiên theo Hunter Marston, một chuyên gia phân tích Đông Nam Á và học giả người Philippines Richard Javad Heydarian cho rằng, thay vì nghiêng hẳn về phía Trung Quốc hay Mỹ, các nước Đông Nam Á thực tế đang thích nghi dần với sự đối đầu của hai siêu cường bằng cách cùng gần gũi với cả hai.
Nhưng dù thế nào chính quyền Trump cũng sẽ phải trấn an các đồng minh trong khu vực về cam kết của Mỹ với an ninh khu vực và sự quyết tâm trong việc ngăn cản tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Có gậy nhưng không đủ cà rốt
Mỹ đã cam kết 41 triệu USD viện trợ quân sự cho Manila trong giai đoạn 2015-2016 trong tiến trình nâng cao năng lực hàng hải của quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên những bất đồng với chính quyền của Tổng thống Duterte đã khiến cho quan hệ Mỹ-Philippines trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Với Thái Lan, cuộc đảo chính năm 2014 đã khiến hợp tác quốc phòng với quốc gia này có sự suy giảm đáng kể. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cắt giảm chi phí cho các cuộc tập trận Hổ Mang Vàng thường niên. Cùng với đó, nhà vua mới của quốc gia này chưa chắc đã muốn tiếp tục quan hệ gần gũi với Mỹ như mong muốn.
Giới phân tích cho rằng, sai lầm của chính quyền Obama đó là chỉ dùng “vài củ cà rốt” với các đồng minh nhưng lại dùng “cây gậy” chỉ trích về nhân quyền quá nhiều đối với giới chức lãnh đạo ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên về cơ bản đây chưa hẳn là hồi chuông báo tử với chính sách xoay trục của Mỹ, mà phần nhiều nó báo hiệu cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt của các quốc gia Đông Nam Á trước bối cảnh chiến lược đang thay đổi.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Đông Nam Á nên được xem là những bước đi tạm thời hơn là một sự thay đổi chiến lược dài hạn”, chuyên gia Hunter Marston cho rằng đó là lý do tại sao chính quyền sắp tới của Donald Trump sẽ phải có sự kiên nhẫn cần thiết tránh phạm phải những sai sót của chính quyền Tổng thống Obama.
Nếu Mỹ không mặn mà với Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ trở thành đầu tàu tiềm năng trong khu vực. |
Với hầu hết các quốc gia ASEAN, họ coi Washington là hàng rào lý tưởng chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc ngày càng tung ra nhiều “đòn tấn công quyến rũ” thì Mỹ lại ngày một lơ là hơn. Hay nói cách khác Mỹ luôn được coi là “cái mỏ neo cho sự ổn định” nhưng lại không có sự duy trì liên tục.
Chiến thắng của Donald Trump tiếp tục ném vai trò của Mỹ trong khu vực vào sự hoài nghi nhiều hơn. Các đồng minh và đối tác của Washington hiện tại đang rất thận trọng với tuyên bố rút khỏi TPP của vị tổng thống đắc cử.
Đề cử giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson trong vai trò Ngoại trưởng về cơ bản là đòn bẩy giúp gia tăng sự dứt khoát trong các quyết định ngoại giao. Tuy nhiên nhóm cố vấn của ông Trump đang thể hiện rằng họ gần như không có chuyên môn về Châu Á và cho thấy Washington dường như sẽ ít chú ý đến khu vực này.
Một số cố vấn châu Á của Trump, chẳng hạn như chuyên gia kinh tế Peter Navarro và chuyên gia chính sách nước ngoài Alexander Gray đã có những bình luận nhiều hơn khi tập trung vào cách dùng nguồn lực quân sự của Mỹ và quan ngại về việc Bắc Kinh đang kéo đi các đồng minh truyền thống của Washington.
Tuy nhiên các bình luận lại không bao gồm những hứa hẹn hay cam kết về ích kinh tế giống như chính sách của ông Obama. Điều này đang khiến Bắc Kinh khấp khởi chờ đón viễn cảnh Mỹ phải chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc khi không muốn cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia nhỏ hơn trong việc hình thành một liên minh chống Bắc Kinh.
Việc Mỹ từ bỏ những chiêu bài lợi ích ngược lại sẽ tăng cường sức hấp dẫn của Trung Quốc như một đầu tàu kinh tế lớn tại Châu Á.
Mặc dù vậy, giới học giả châu Á lại có những tín hiệu lạc quan hơn. Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Bangkok cho rằng với việc chê cách làm của chính quyền Obama, “chính sách mới của vị tổng thống đắc cử được cho là sẽ củng cố và xây dựng lại quyền lực cứng của Mỹ ở Đông Nam Á theo cách mới”. Trong đó sự tham gia về địa chính trị của Mỹ trong khu vực này sẽ được dẫn đầu bởi những lợi ích thương mại, thay vì những chú trọng về nhân quyền và dân chủ.
Hơn bao giờ hết, Mỹ sẽ cần tăng cường sự hiện diện của mình tại nơi đây, không chỉ trong sự ủng hộ về sức mạnh quân sự mà còn phải trở thành đối thủ cạnh tranh kinh tế đáng gờm. Giữa lúc lo ngại gia tăng về sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, các nước lớn ASEAN hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ đối với TPP. Dù có thể TPP sẽ rút lại nhưng các quốc gia này sẽ tìm kiếm các sáng kiến kinh tế tương tự từ chính quyền mới của Donald Trump.
Quốc Vinh
2016-12-16 14:32:09