Vị thế địa chính trị của một quốc gia càng cao thì cái giá mà họ phải trả càng đắt, đôi khi là sự đổ máu, mà vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ chính là minh chứng.
Tuần qua, cả thế giới rúng động vì vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Thổ Nhĩ Kỳ khi ông bị một tay súng cực đoan bắn chết ở một phòng triển lãm. Nhà bình luận Leonid Bershidsky của tờ Bloomberg cho rằng vị thế địa chính trị của một quốc gia càng được gia tăng, ảnh hưởng thì họ càng phải trả giá đắt, đôi khi là sự đổ máu. Việc Nga can thiệp quân sự tại Syria có thể là nguyên nhân khiến kẻ ủng hộ phe nổi dậy giận dữ tiến hành vụ ám sát.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị ám sát hôm 19/12 bởi một tay súng cực đoan. |
Theo phân tích của Leonid Bershidsky, các đại sứ thường bị ám sát bởi họ là những người đại diện cho quốc gia và là cầu nối chính sách của quốc gia mà họ đại diện với những nước sở tại. Điều đó khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ có tư tưởng chống đối những chính sách ấy.
Trong những năm từ 1968 đến 1979, 5 đại sứ Mỹ tại các quốc gia đã bị ám sát khi đang làm nhiệm vụ, 3 người trong số đó hoạt động tại Trung Đông, một người ở Cộng hòa Síp và một người ở Guatemala – các quốc gia nơi Mỹ từng bị cáo buộc can thiệp quân sự trước đây.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hàng chục nhà ngoại giao, trong đó có 4 đại sứ, bị ám sát từ năm 1973 đến năm 1994 bởi các tổ chức phiến quân người Armenia như một sự trả thù cho cuộc diệt chủng người Armenia 100 năm trước mà tới nay Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận.
Năm 1981, Pháp mất một đại sứ tại thủ đô Beirut (Liban) cũng như một hành động trả thù cho vai trò của Paris trong nội chiến ở Liban. Danh sách những nhà ngoại giao bị ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục. Vì vậy, đây được coi là vùng đất dữ đối với giới chức ngoại giao nước ngoài.
Năm 1829, nhà ngoại giao, nhà biên kịch nổi tiếng người Nga Alexander Griboedov, Đại sứ Nga tại Iran bị giết hại. Gần 100 năm sau, năm 1923, nhà ngoại giao Waclaw Worowski bị bắn chết, tới năm 1927, Đại sứ Pyotr Voikov bị ám sát tại Ba Lan. Từ đó tới cuối thế kỷ 20, Nga dường như trở thành một ngoại lệ khi không một quan chức ngoại giao nào của Liên Xô và Nga bị ám sát dù Moscow có tầm ảnh hưởng rộng rãi.
Lý giải về “ngoại lệ” trên, nhà bình luận Leonid Bershidsky cho rằng Nga luôn quan tâm tới việc đảm bảo an ninh một cách nghiêm ngặt cho các nhà ngoại giao, biến các đại sứ quán thành những pháo đài và điều động lực lượng bảo vệ chặt chẽ cho các đại sứ.
Tuy nhiên, vị thế hiện tại trên bản đồ địa chính trị thế giới nay đã khác. Dù không cùng phe với Mỹ và phương Tây nhưng Moscow đang ở thế đối đầu với hàng trăm nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Trong số đó, có những nhóm ghét cả Nga và Mỹ, lại có những nhóm “căm phẫn” Moscow hơn Washington.
Theo Bloomberg, việc ám sát Đại sứ Karlov là hành động trả thù cho việc Nga đưa quân tới Syria hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad, và nhiều khả năng kẻ giết hại ông Karlov ủng hộ cho nhóm phiến quân đối lập tại đất nước Trung Đông nơi đã xảy ra cuộc chiến dai dẳng suốt 6 năm qua.
Với lý do đó, Đại sứ Mỹ cũng có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các phần tử bị kích động bởi sự can thiệp của Mỹ tại Syria cũng như các đợt đánh bom nhằm vào Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng IS.
Người Nga có thể nghĩ rằng việc Moscow đưa quân tới hỗ trợ chính phủ Syria chỉ là hành động nhằm đối trọng ảnh hưởng với Mỹ nhưng đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan, Mowcow lại bị nhìn với con mắt khác.
“Các cường quốc phương Tây gây ảnh hưởng quân sự ở khu vực Trung Đông ngày nay phải đối mặt với những mối nguy hiểm như những năm 1970 và 1980, thời gian có nhiều đại sứ bị ám sát. Khu vực này đang trở thành một thùng thuốc súng, hàng triệu người đã mất nhà cửa do chiến tranh. Cuộc chiến đó là nơi mà các bên liên quan đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của ai đó”, nhà bình luận Leonid Bershidsky kết luận.
Xem thêm: Toàn bộ kế hoạch tinh vi của kẻ ám sát Đại sứ Nga
Danh Tuyên
2016-12-21 22:40:08
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-dai-su-nga-karlov-tro-thanh-muc-tieu-am-sat-a310154.html