Thẩm phán liên bang Mỹ có quyền hạn gì mà có thể ngăn chặn được sắc lệnh của Tổng thống?
Theo CNN, Toà phúc thẩm khu vực số 9 vừa ra phán quyết vào sáng 10/2 (giờ Hà Nội) về việc giữ nguyên kết quả mà toà án liên bang ở Seattle (thuộc tòa liên bang cấp thấp hơn) đưa ra hồi tuần trước. Theo đó, tòa phúc thẩm tiếp tục đình chỉ thi hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo.
Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các thành viên trong Quốc hội Mỹ. |
Đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, thẩm phán liên bang chặn quyết định của Tổng thống. The New York Times điểm lại những trường hợp Tòa án liên bang đảo ngược quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng.
Năm 2014, Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama công bố chính sách hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đã sinh sống tại Mỹ từ năm 2010 và có con là công dân Mỹ. Ngay sau đó, 26 bang trên toàn nước Mỹ đã nộp đơn kiện lên chính phủ liên bang cho rằng, chính sách của ông Obama vi phạm Hiến pháp và đạo luật liên bang. Tới đầu năm 2015, Thẩm phán Andrew S. Hanen tại quận nam Texas ra phán quyết chặn chương trình này. Thời điểm đó, chính quyền Obama đã kháng cáo lên tòa án tối cao nhưng cuối cùng phán quyết của tòa phúc thẩm vẫn được giữ nguyên.
Hay năm 1995, Tổng thống Bill Clinton ra sắc lệnh ngăn chính phủ liên bang ký hợp đồng với các tổ chức thuê nhân công để thay thế cho những những nhân viên cố định đình công. Tòa phúc thẩm liên bang sau đó ra phán quyết, sắc lệnh này mâu thuẫn với đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia và hủy bỏ hiệu lực của sắc lệnh.
Để hiểu rõ về quyền hạn của thẩm phán liên bang trong hệ thống chính trị Mỹ, PV báo điện tử Người đưa tin có trao đổi với TS Phạm Thị Thu Huyền (giảng viên khoa Quốc tế học, trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn – ĐS Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
Theo TS Huyền, sở dĩ thẩm phán cấp thấp có thể chặn được sắc lệnh của ông Trump là vì thể chế chính trị Mỹ được thiết kế theo mô hình tam quyền phân lập dựa trên nguyên tắc kiềm chế và đối lập. Quốc hội nắm quyền lập pháp. Trong đó, Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp. Nhờ có nguyên tắc này, các nhánh trong hệ thống chính trị Mỹ không được phép lạm quyền, vi phạm quyền hạn.
Thêm vào đó, theo TS Huyền, hệ thống tòa án liên bang Mỹ gồm ba cấp độ: Tòa án địa phương (cấp sơ thẩm), tòa án khu vực và tòa án tối cao. Các cấp tòa này có quyền thẩm định xem một đạo luật hoặc một quy định nào đó của chính quyền có vi phạm Hiến pháp hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân hay không. Nhưng tòa án muốn xem xét luật, sắc lệnh cần có người khởi kiện (trong trường hợp này là bang Washington và Minnesota), chứ chức năng toà án các cấp của Mỹ không tự mang một luật hay chính sách nào đó ra để xem xét có vi hiến hay không.
“Dù Thẩm phán James Robart thuộc tòa án cấp sơ thẩm, cấp thấp nhất nhưng vì là tòa án liên bang nên quyết định của thẩm phán vẫn có hiệu lực toàn quốc. Thực tế, đó là quy định thể chế chính trị Mỹ, nhưng các đời Tổng thống đều thường không thích việc tòa liên bang cấp thấp ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc”, TS Huyền nhấn mạnh.
Vậy nên sau phán quyết của ông Robart, bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã khôi phục hàng chục ngàn visa cho người nước ngoài bị hủy bỏ sau sắc lệnh. Trong khi đó, bộ An ninh Nội địa cũng “đình chỉ tất cả các hành động” áp đặt lệnh cấm thay vào đó bắt đầu kiểm tra tiêu chuẩn khách du lịch nhập cảnh vào Mỹ.
“Các nhà tư pháp của Mỹ dường như thấy được những bất lợi từ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị Mỹ, đặc biệt là vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền công dân nên đã ngăn sắc lệnh này được thi hành. Nhưng đây mới chỉ là quyết định của tòa án cấp địa phương, quyết định cuối cùng còn phục thuộc tòa phúc thẩm liên bang (tòa án cấp cao nhất). Nếu kết quả tòa án cấp cao nhất cũng giống với tòa án sơ thẩm thì sẽ tạo ra án lệ cho phép người nhập cư Mỹ sinh sống, làm việc tại quốc gia này”, TS Huyền nói thêm.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ cho hay, các thẩm phán liên bang và các thẩm phán tòa tối cao được Tổng thống lựa chọn và phê chuẩn với sự gợi ý và tán thành của Thượng viện. Các thẩm phán có thể tại phục vụ suốt đời, nhưng rất nhiều người đã từ chức hoặc nghỉ hưu sớm. Các thẩm phán này cũng có thể bị bãi nhiệm nếu Thượng viện cáo buộc họ có hành vi sai phạm.
Xem thêm >>> 2 lần thua vụ kiện lệnh cấm nhập cư, TT Trump làm gì tiếp theo?
Phương Anh
2017-02-11 14:24:06