Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa yêu cầu 46 trưởng công tố liên bang còn lại từ thời chính quyền Barack Obama từ chức. Đây được đánh giá là động thái bất ngờ.
Theo Reuters, Tổng chưởng lý Jeff Session đã yêu cầu 46 trưởng công tố liên bang được bổ nhiệm dưới thời ông Obama phải từ chức vào hôm 10/3.
Trong số những người phải từ chức có công tố viên bang Manhattan, Preet Bharara, người từng được Tổng thống Donald Trump đề nghị ở lại hồi tháng 11.
Các công tố viên Mỹ là những người được chỉ định và yêu cầu từ Bộ Tư pháp của ông Trump là một phần trong quá trình chuyển giao thường lệ. Tuy nhiên, động thái của chính quyền ông Trump được đánh giá là bất ngờ. Không phải mọi chính quyền mới đều thay thế tất cả các công tố viên cũ ngay lập tức và cùng một lúc.
Thông thường, việc thay thế diễn ra dần dần, hoặc một số người vẫn được giữ lại, chứ không phải thay thế toàn bộ cùng lúc như hiện nay.
Chính quyền ông Trump yêu cầu 46 công tố viên được bổ nhiệm dưới thời ông Obama phải từ chức. |
Người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã xác nhận trong số người được yêu cầu từ chức có Bharara tại Văn phòng Bộ Tư pháp tại Manhattan, nơi chịu trách nhiệm xử lý một số vụ án về kinh tế và hình sự quan trọng nhất, thông qua hệ thống tư pháp liên bang.
Ông Bharara từng gặp ông Trump ở Tháp Trump vào ngày 30/11/2016 và ông Bharara đã nói với các phóng viên, họ đã có một cuộc gặp tốt đẹp và ông đã đồng ý tiếp tục công việc hiện tại.
Vậy mà bất ngờ vào hôm 10/3, ông Bharara cho biết, ông cũng chưa rõ hành động tiếp theo của mình như thế nào khi chưa rõ liệu người liên lạc với ông đề nghị từ chức đã biết việc ông Trump đề nghị ông ở lại hay không, theo một nguồn tin thân cận.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào thứ sáu rằng: “Cho đến khi các công tố viên mới của Mỹ được thông qua, các công tố viên chuyên nghiệp trong các văn phòng của chúng tôi sẽ tiếp tục công việc điều tra, truy tố và ngăn chặn những tội phạm bạo lực nhất”.
Chưởng lý Robert Capers tại quận Brooklyn của New York cũng tiết lộ, ông đã được yêu cầu từ chức sau 14 năm làm việc và trợ lý Bridget Rohde sẽ tạm thời phụ trách văn phòng này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết, việc yêu cầu 46 trưởng công tố liên bang từ chức là “để đảm bảo một cuộc chuyển giao thống nhất”. Tuy nhiên, theo giới phân tích động thái của chính quyền Trump được đánh giá là bất ngờ.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, quan chức cấp cao của đảng Dân chủ tại Uỷ ban tư pháp Thượng viện lên án hành động “bất ngờ” của chính quyền Trump.
Theo bà Feinstein, Phó tổng thống Mike Pence và cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn đảm bảo với bà rằng việc chuyển giao đối với các công tố viên liên bang phải được diễn ra theo thứ tự, nhằm đảm bảo tính liên tục của chính quyền. Vậy nhưng việc yêu cầu từ chức hàng loạt các công tố viên là một điều trái ngược.
Xem thêm >> Giải mã nỗi cô đơn, cuộc đời thăng trầm của Tổng thống bị phế truất
Đào Vũ
2017-03-12 00:48:06