“Trích Tinh ngọn lửa cháy bừng lên,
Ngọc nát vàng tan cháy rụi đền
Cơ nghiệp Thành Thang thành tro bụi,
Sáu trăm năm lẻ nghĩ buồn tênh”.
Phong Thần diễn nghĩa viết về sự diệt vong của nhà Thương, cũng là hành trình suy bại của Trụ vương, từ một vị vua có tài “ngồi hưởng thái bình, muôn dân lạc nghiệp, mưa hòa gió thuận, tưởng không có gì sung sướng hơn”, trở thành một hôn quân vô đạo. Trong hành trình sa đoạ ấy của Trụ vương, nhân vật được cho là “kẻ tội đồ” chính là Đát Kỷ.
Đát Kỷ vốn là con gái của Ký Châu hầu Tô Hộ, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, nhưng bị hồ ly tinh nghìn năm cướp xác, sau khi nhập cung thì làm mê hoặc điên đảo Trụ vương, xa hoa truỵ lạc, bày mưu gian hãm hại hậu phi, xúc xiểm giết hại trung thần, làm ra các tội ác ghê rợn như chặt xương kẻ bộ hành xem tuỷ, mổ bụng đàn bà chửa xem thai…
Hồ ly tinh là yêu nghiệt, bản tính tà ác, nên hậu thế mấy nghìn năm sau vẫn căm ghét là đúng. Tuy vậy, cũng nên suy xét một chút về trách nhiệm của nó, thử hỏi nếu không có hồ ly tinh Đát Kỷ, Trụ vương liệu có sa đoạ đến mất nước không?
Hồ ly tinh xuất thế
Đầu tiên, hãy hồi tưởng lại vì sao hồ ly tinh xuất thế? Là Nữ Oa nương nương lệnh cho nó “trà trộn vào cung điện, làm cho Trụ vương điêu đứng”. Nữ Oa nương nương sở dĩ làm vậy là vì Trụ vương một lần dâng hương ở điện của Ngài, khi nhìn thấy tượng Nữ Oa đã khởi niệm sắc dục dâm tà, vô cùng bất kính với Thần linh. Phong Thần diễn nghĩa hồi thứ nhất có đoạn:
“Vua Trụ nhìn tượng thần Nữ Oa không nháy mắt tự nhủ với lòng:
– Ta tuy làm vua giàu có bốn biển, nhưng trong tam cung lục viện không thấy có người nào được cái nhan sắc như vậy.
Nghĩ rồi truyền thị vệ đem bút mực đến, và đề một bài thơ ngay trên vách tường:
Lạnh lùng trướng phủ xõa màn loan
Bóng sắc khen ai khéo điểm trang
Liễu uốn mày ngài khoe sắc lục
Xiêm tung sóng nước điểm non vàng
Hải đường sương đượm màu tươi tốt
Thược dược mưa nhuần bóng vẻ vang
Nếu người đẹp ấy như người thật
Ðem về cung điện dựa thiên nhan.
Thừa Tướng Thương Dung thấy vua Trụ đề thơ như vậy thất kinh quỳ tâu:
– Bà Nữ Oa là Thần Thánh đời thượng cổ. Tôi tưởng bệ hạ chỉ nên dâng hương cầu phước cho mưa thuận gió hòa, sóng trong biển lặng. Còn việc đề thơ có ý trêu cợt như vậy không nên. Xin bệ hạ truyền lấy nước rửa đi kẻo thiên hạ trông thấy truyền ngôn cho bệ hạ không có đức chánh.
Vua Trụ nói:
– Trẫm thấy tượng thần xinh đẹp, đề một bài thơ tán thưởng chớ chẳng có ý gì khác. Vả lại Trẫm là thiên tử cũng nên để lại mấy vần thơ này cho thiên hạ rõ nhan sắc của bà, và chiêm ngưỡng vần thơ của Trẫm chứ?”.
Lẽ thường, kẻ háo sắc đến đâu thì trước Thần Phật cũng đều biết mình là người trần mắt thịt, bất giác khởi tâm kính sợ, nào có thể nảy ra cái ý niệm xấu xa đồi bại này? Vậy mà Trụ vương lại nghĩ ra được lời thơ trêu hoa ghẹo nguyệt, mơ tưởng rước một vị nữ Thần về cung để hoan lạc, bệnh dâm dục của ông ta đã thấm vào cốt tuỷ rồi. Loại người này cho dù không gặp hồ ly tinh, thì cũng gặp đủ loại yêu tinh khác; không mù mắt vì Đát Kỷ, cũng lại mê muội vì người khác.
Người xưa cho rằng một niệm tà ác sẽ chiêu mời hàng trăm thứ ma quỷ. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên viết:
“Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu.
Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”.
Dịch nghĩa:
Họa và phúc không có cửa nẻo [nhất định] mà do con người triệu vời đến cho mình. Sự báo ứng của điều thiện và điều ác [bám sát lấy con người] như cái bóng đi theo thân hình.
Như vậy, hồ ly tinh Đát Kỷ chính là do niệm dâm tà của Trụ vương chiêu mời đến, cũng là quả báo hiện tiền cho hành động báng bổ Thần linh của Trụ vương.
Giặc đến từ bên trong
Còn nhớ vào đầu câu chuyện, Trụ vương tuy vui hưởng thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp, nhưng đó là nhờ “Văn thì có Thái sư Văn Trọng đủ tài trị nước, võ thì có Trấn Quốc Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ đủ tài trấn áp các nước chư hầu”, ba bà cung hậu đều có “đức hạnh, trinh chính, hòa nhã, hiền lành”. Tuy vậy, ngay khi Thái sư Văn Trọng ra đi dẹp loạn phương Bắc, Trụ vương đã “thường gần gũi hai tên Vưu Hồn và Bí Trọng, là hai tên xu nịnh, trước kia đã nhiều lần Văn Trọng can không cho vua Trụ gần hai tên ấy”. Điều này cho thấy Trụ vương ngay từ đầu đã chưa đủ chính trực nên mới sủng ái nịnh thần. Hai tên này về sau câu kết với Đát Kỷ vu oan giá hoạ cho Khương hoàng hậu khiến bà thác oan, thường xuyên đơm đặt thị phi, hãm hại trung lương khiến triều đình đổ nát.
Nếu như “Một niệm tà ác chiêu mời hàng trăm thứ ma quỷ” thì “Tâm chính áp bách tà”. Ở hồi 27, khi Văn Thái sư thắng trận trở về Triều Ca, sự uy nghiêm trung chính của ngài đã ngay lập tức chấn chỉnh triều đình, khiến “ngày đêm Trụ Vương lo nơm nớp, không gần Bí Trọng, Vưu Hồn, không dám cùng Ðát Kỷ và Hồ Hỷ Mị đờn ca yến tiệc thâu đêm như lúc trước”. Nếu Trụ vương cũng có được một phần mười sự chính trực của Văn Thái sư, thiết tưởng dẫu có mười Đát Kỷ nhập cung cũng chỉ để làm cảnh mà thôi.
Hồi 85, Phong Thần diễn nghĩa có đoạn:
“Trụ Vương phán:
– Nay Khương Thượng hưng binh trợ Cơ Phát làm phản, lấy hai ải bìa và bốn ải chính, nay lại phá ải Lâm Ðồng. Nếu không dùng đại binh trừ khử thì họa đến chẳng sai. Các khanh có kế nào thương nghị chăng?
Quan đại phu Lý Thông tâu:
– Bình thường bệ hạ không coi việc nước là trọng, say sưa tửu sắc, bỏ việc triều đình làm cho quỷ giận thần hờn, trời sầu đất thảm, bốn phương ly loạn, trăm họ điêu linh. Nay sấm dậy mới bùng tai, khát nước mới đào giếng thật là tai họa. Tuy vậy Triều Ca cũng còn người hiền, chư hầu cũng có