Ông Long Yongtu, người dẫn đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cảnh báo Bắc Kinh có thể đối mặt với nguy cơ bị cô lập về địa chính trị và bị loại khỏi trật tự kinh tế toàn cầu thời hậu virus corona.
Khi ngày càng có thêm nhiều quốc gia chỉ trích Trung Quốc về thất bại trong xử lý dịch corona, sự hoài nghi về việc liệu Washington và các đồng minh đang cố loại trừ Bắc Kinh khỏi trật tự kinh tế quốc tế mới cũng ngày một gia tăng.
Một tiến trình như vậy, thường được các chuyên gia gọi là “bài Hán”, có thể đem tới thách thức kinh tế và ngoại giao kéo dài đối với Trung Quốc trong những năm tới, mặc dù nước này đã tuyên bố “chiến thắng” virus.
“Trung Quốc cũng là một thành viên quan trọng trong toàn cầu hoá, vì thế khi một vài người bắt đầu bàn về ‘đảo ngược toàn cầu hoá,’ thì đồng thời cũng là những ý kiến về ‘bài Hán.’ Chúng ta cần hết sức cảnh giác với điều đó,” ông Long nói tại một diễn đàn trực tuyến hôm 9/5 được tổ chức bởi Ifeng.com, Trường Tài chính Cao cấp Thượng Hải và Trường Quốc gia về Phát triển tại Đại học Peking.
“Sau đại dịch, sẽ có những thay đổi quan trọng trong thương mại, đầu tư và chuỗi sản xuất quốc tế. Đại dịch đã gây ra thiệt hại lớn cho toàn cầu hoá,” ông Long cho biết thêm, thúc giục các công ty Trung Quốc tăng tốc mở rộng ra quốc tế.
Dịch COVID-19 lan khắp toàn cầu đã phá vỡ đáng kể chuỗi cung ứng trên thế giới, cho thấy sự phụ thuộc của nhiều nước vào Trung Quốc đối với những sản phẩm thiết yếu. Đồng thời, nó cũng tạo ra xu hướng về những cuộc tháo chạy nhanh chóng của các công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.
> Chính quyền Trump quyết đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc
“Chúng ta có mọi lý do để nói rằng một liên minh quốc tế đang hình thành mà không có Trung Quốc và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc,” ông Li Yang, giám đốc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc thuộc Học viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển, phát biểu trong cùng hội nghị trực tuyến.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm đồng nhân dân tệ mạnh hơn, làm đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế. Tất nhiên, nó cũng có nghĩa là làm cho Trung Quốc mạnh hơn.”
“Xu hướng “bài Hán” đã phát triển một thời gian và nó đã lan rộng hơn trong đại dịch. Chúng ta cần hết sức quan tâm đến điều này.”
Ngoài áp lực kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc và các nước khác đã gia tăng thêm căng thẳng về địa chính trị đối với Trung Quốc, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập để xác định nguồn gốc của virus.
Các nhân vật trong chính quyền ông Trump đã ngụ ý rằng đại dịch bùng phát do rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Còn có các tiếng nói khác đòi Trung Quốc phải xin lỗi và đền bù thiệt hại.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc, dẫn đầu bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, đã kêu gọi đất nước chuẩn bị cho những thay đổi kéo dài liên tục trong môi trường bên ngoài.
Các chuyên gia cho rằng quan hệ quốc tế của Bắc Kinh, đặc biệt liên quan tới Mỹ, sẽ là một chủ đề quan trọng trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, được biết đến là “Lưỡng hội,” sẽ bắt đầu vào ngày 22/5.
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm 8/5, ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân và là một nhà tư vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói rằng đại dịch đã khiến xu hướng tách rời Trung – Mỹ leo thang, cả về mặt thương mại và văn hoá.
Cao Dewang, một nhà kinh doanh trong ngành ô tô, đã cảnh báo rằng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch có thể bị suy yếu.
Tuy vậy, dù cho sự thù địch quốc tế hướng tới Trung Quốc ngày càng lớn, ông Long vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của toàn cầu hoá.
Ông kêu gọi Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các công ty Trung Quốc cần thực hiện đến cùng việc sáp nhập và mua lại nhiều hơn ở nước ngoài, tạo điều kiện cho Trung Quốc gia nhập sâu rộng hơn vào các chuỗi công nghiệp đa quốc gia mới của các công ty đa quốc gia.
Hôm 11/5, một nghiên cứu mới cho thấy trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
The post Trung Quốc có nguy cơ bị loại khỏi trật tự kinh tế thế giới mới appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-15 11:13:05