Chúng ta thường xuyên tắm gội để làm sạch cơ thể và thư giãn tinh thần, nhưng cũng thường bỏ qua một số bộ phận, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh.
Dưới đây là 7 bộ phận quan trọng nhưng thường bị bỏ quên, hoặc kỳ rửa không sạch trong khi đi tắm và vệ sinh thân thể: 1. Lưng
Vì với tay ra sau rất khó khăn nên nhiều người chỉ làm ướt phần lưng chứ không thật sự kỳ cọ sạch sẽ khi tắm. Lưng là nơi tiếp xúc trực tiếp với áo, áo lại là nơi thấm mồ hôi và bụi bẩn. Chưa kể tấm nệm trên giường của bạn cũng tích tụ rất nhiều vi khuẩn. Những tế bào chết hay bụi bẩn trú ngụ trên lưng lâu ngày có thể gây nhiễm trùng da và hình thành mụn lưng rất nhanh.
Để vệ sinh lưng sạch sẽ, bạn hãy dùng bàn chải xơ mướp, hoặc bông tắm dài để chà lưng. Bạn cũng nên tẩy da chết cơ thể (loại hạt nhỏ nhuyễn mịn) một lần một tuần để hạn chế sự xuất hiện của mụn lưng.
2. Rốn
Rốn là một huyệt vị, hơn nữa lại là huyệt vị duy nhất chúng ta có thể dùng tay chạm vào được, dùng mắt nhìn thấy được. Trong Đông y, rốn được gọi với cái tên “Thần khuyết”. Huyệt Thần khuyết giữ vai trò liên kết 12 tĩnh mạch, lục phủ ngũ tạng, tứ chi, ngũ quan, da thịt gân cốt của cơ thể. Lỗ rốn là nơi cư ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Mọi người ai cũng có cặn rốn, loại chất thải chứa nhiều vi khuẩn được hình thành từ các sợi vải và tế bào da. Với phái nữ, nhiễm lạnh rốn sẽ khiến mạch máu vùng xương chậu thu lại, kinh nguyệt khó lưu thông. Nếu không khắc phục sớm sẽ dẫn đến tình trạng đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều, lâu dài còn ảnh hưởng đến tử cung.
Để làm sạch rốn, nhiều người dùng ngón tay (đặc biệt là móng tay) để móc chất bẩn từ rốn. Hành động này rất nguy hiểm, bởi vùng da ở rốn cực kỳ nhạy cảm, dùng móng tay sẽ dễ dẫn đến nguy cơ da vùng rốn bị xước, viêm nhiễm, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu qua lỗ rốn.
Bạn có thể vệ sinh rốn bằng cách dùng bông nhúng vào cồn hay xà phòng rồi chà nhẹ nhàng để tránh đau rốn. Bạn chỉ dùng bông tăm thấm nước để làm sạch thôi cũng được. Bà bầu cần thao tác nhẹ nhàng vì rốn là dây liên kết giữa mẹ và bé. 3. Sau gáy
Nhiều người thường xát xà phòng, sữa tắm qua phần sau gáy rồi xả nước chứ ít khi kỳ rửa kỹ càng. Với phái nữ thường để tóc dài, phần sau gáy là khu vực ẩm ướt, rất dễ tích tụ vi khuẩn. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bạn có thể bị mụn, nấm, bệnh ngoài da. Thế nên chúng ta cần phải tắm rửa sạch phần này thường xuyên, kỳ cọ thật kỹ bằng xà phòng hoặc dùng khăn ướt để lau gáy mỗi ngày.
4. Sau tai
Sau tai có hình dáng lõm nên rất dễ bị tích tụ bụi bẩn. Khi tắm, bạn không nên bỏ qua vùng phía trên cổ, như phần sau tai. Cách đơn giản nhất để vệ sinh vùng sau tai là bạn kỳ cọ như các bộ phận khác, nhưng cẩn thận hơn, bạn nên dùng một miếng vải mềm nhúng nước ấm để lau rửa sạch sẽ. Đây cũng là khu vực có nhiều tuyến bã nhờn và mồ hôi nên rất dễ làm vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt là khuẩn tụ cầu vàng, corposis hay vi khuẩn gây viêm não.
5. Da đầu
Khi gội đầu, chúng ta thường mắc một trong hai sai lầm trái ngược nhau. Một là gội qua loa không sạch. Hai là dùng móng tay cào quá kỹ khiến da đầu bị xước. Cả hai sai lầm này đều khiến da đầu bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập gây ra các bệnh như á sừng da đầu, vảy nến da đầu, viêm da tiết bã nhờn, viêm chân tóc.
Gội đầu quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho da đầu và tóc của bạn. Nhà tạo mẫu nổi tiếng Tonya Le cho biết: “Tôi không thể nói chắc chắn bạn nên gội đầu bao nhiêu lần trong một tuần. Tần suất gội đầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết cấu tóc, khả năng sản xuất dầu tự nhiên… Nhưng bạn có thể chú ý đến các dấu hiệu nhỏ của tóc để tự đưa ra lịch trình gội đầu tốt nhất”.
Khi gội đầu, bạn nên dùng phần thịt đầu ngón tay để massage da đầu, thay vì dùng móng để cào mạnh. Nếu cần xử lý gàu, bạn hãy áp dụng các liệu pháp tẩy da chết cho da đầu cùng với phương pháp điều trị da đầu bằng dầu cây trà. Bạn cũng nên chọn đúng dầu gội có công dụng trị gàu vì mỗi loại được quảng cáo ‘bóng mượt’, ‘đen huyền’, ‘dưỡng ẩm’… thực sự có công dụng khác nhau. 6. Móng tay
Ngoài việc cắt móng tay thường xuyên, bạn còn phải vệ sinh cả mặt trên và dưới của móng tay. Có rất nhiều vi khuẩn bám ở dưới móng tay, nếu không rửa cẩn thận thì chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể khi mọi người cầm đồ ăn. Các vết màu ghi xuất hiện dưới móng tay chỉ gây hại khi chúng chuyển sang màu xanh thẫm.
Để làm sạch móng tay, bạn có thể dùng chanh, dấm trắng, muối, baking soda. Khi thoa kem dưỡng ẩm, bạn không nên bôi một lớp quá dày, sẽ làm bụi thâm nhập vào trong móng tay. Nếu bạn phải làm công việc tiếp xúc với tác nhân gây bẩn (như làm vườn), hãy cạo móng tay vào một bánh xà phòng để lấp đầy phía bên trong chúng trước. Xong việc, bạn rửa vụn xà phòng trong móng tay sẽ dễ hơn nhiều so với đất bẩn.
7. Lưỡi
Khi chúng ta ngủ, hệ thống tiêu hóa vẫn luôn hoạt động. Ngoài chức năng hấp thu, hệ thống cũng có nhiệm vụ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và lưỡi là nơi được chọn để tập trung những độc tố đó. Nếu không loại bỏ độc tố, nấm có hại bám trên bề mặt lưỡi, chúng ta sẽ vô tình hấp thu lại chúng vào cơ thể qua đường ăn uống. Hậu quả thường thấy là những căn bệnh liên quan đến hô hấp, rối loạn tiêu hóa hay suy giảm hệ thống miễn dịch.
Bạn có thể sử dụng các dụng cụ đơn giản để cạo lưỡi (có bán ở cửa hàng thuốc, trung tâm y tế, phòng khám nha khoa) vào buổi sáng và tối. Cách cạo lưỡi vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần dùng dụng cụ cà lên bề mặt lưỡi theo chiều hướng ra ngoài. Lưu ý nên cạo tới phần sâu nhất của cuống lưỡi, nhưng không cạo quá sâu dễ gây buồn nôn. Có thể cạo nhiều lần cho đến khi cảm thấy lưỡi đã sạch, nhưng không nên cạo mạnh quá và nhiều quá sẽ gây rát lưỡi.
Minh Minh
Xem thêm:
The post 7 bộ phận thường bị bỏ qua khi tắm khiến vi khuẩn tấn công, gây bệnh appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-29 21:39:02