Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật (21/6) đã bác bỏ thông tin cho rằng cuộc mít tinh gần đây của ông tại Tulsa đã bị “lừa đảo” bởi các thanh niên tuổi “teen” giả vờ đăng ký vé tham dự, sau đó không tới, khiến lượng người tham gia thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Trước đó vài giờ, hạ nghị sỹ cánh tả Alexandria Ocasio-Cortez đã tỏ ra vô cùng đắc ý khi biết tin số người tham dự buổi vận động tranh cử của Tổng thống Trump tại thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma, thấp hơn dự kiến.
Bà Ocasio-Cortez, dân biểu New York của đảng dân chủ hả hê viết lời nhắn công khai tới chiến dịch Trump qua Twitter: “Thực ra các ông đã bị làm chao đảo bởi đám thanh niên trên TikTok, những người đã làm ngập ngụa chiến dịch tranh cử của Trump bằng việc đặt vé giả và lừa các ông tin rằng một triệu người muốn nghe đồ da trắng thượng đẳng của các ông mở kịch trường giữa cơn dịch COVID. Hãy hét lên với các Zoomers: Các bạn làm tôi rất tự hào!”.
Bà Ocasio-Cortez đề cập đến từ Zoomers, còn gọi là “thế hệ Z”, một thuật ngữ ám chỉ những người sinh từ nửa cuối thập niên 1990 tới những năm đầu thập niên 2010. TikTok là một mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, bị nghi ngờ kiểm duyệt thông tin và hỗ trợ truyền bá luận điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một thông điệp khác trên Twitter, bà Ocasio-Cortez đã cảm ơn những người hâm mộ nhạc Hàn (KPop) đã giúp bà phá hoại cuộc mít tinh của Tổng thống Trump: “Các đồng minh KPop của tôi, chúng tôi đã thấy và đánh giá cao những đóng góp của bạn trong cuộc đấu tranh cho công lý này”.
Theo Fox News, không rõ liệu bà Ocasio-Cortez có biết trước chủ trương tấn công phá hoại số người tham dự cuộc mít tinh của ông Trump hay không, hay bà chỉ đang phản ứng lại các thong tin từ các phương tiện truyền thông.
CNN đưa tin, một phụ nữ ở Iowa đã đăng một video trên TikTok tuần trước, khuyến khích mọi người tham gia vào vụ lừa đảo giành vé tham dự cuộc mít tinh.
“Tất cả những người trong chúng ta muốn thấy khán phòng 19.000 chỗ này hầu như không đầy hoặc trống hoàn toàn, hãy đặt vé ngay bây giờ, và để ông ta đứng một mình trên sân khấu”, người phụ nữ, được xác định là Mary Jo Laupp, nói với những người theo dõi cô ta trên TikTok.
Hàng ngàn tài khoản TikTok khác đã lan truyền các tin nhắn tương tự trực tuyến, New York Times đưa tin.
Theo Fox News, người phát ngôn của Sở cứu hỏa Tulsa cho biết các hình ảnh thu được từ hệ thống phòng cháy ước tính có 6.200 người tham gia cuộc mít tinh của Tổng thống Trump vào tối thứ Bảy (20/6) tại một khán phòng 19.000 chỗ ngồi ở Trung tâm BOK. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, vì chiến dịch Trump cho biết họ đã nhận được 1 triệu đề nghị xin vé tham dự.
Giám đốc chiến dịch Trump, ông Brad Parscale đã bác bỏ tuyên bố “hả hê” của những người cánh tả. Ông Parscale nói với Fox News hôm Chủ nhật: “Những người cánh tả và những kẻ ranh mãnh trực tuyến đang diễn trò ăn mừng chiến thắng, họ tưởng rằng bằng cách nào đó họ đã tác động được việc tham gia cuộc mít tinh, nhưng thật ra họ không biết họ đang nói gì, cũng như cách thức hoạt động của các cuộc mít tinh của chúng tôi”.
Ông Parscale cho rằng giới truyền thông cánh tả đang tiếp tay vào việc lan truyền tin giả này. Ông nói: “Các phóng viên đã hả hê viết về TikTok và các fan K-Pop mà không liên hệ với chiến dịch Trump để xin bình luận, họ đã cư xử thiếu chuyên nghiệp và sẵn sàng lừa bịp với trò giả vờ ngớ ngẩn này”.
Ông Parscale cho biết, nếu một người muốn đăng ký nhận vé, họ phải điền số điện thoại di động và chiến dịch sẽ loại bỏ các số không có thật, từ đó tính toán lượng người ước tính tham dự.
Ông cho biết lý do khiến nhiều người không đến tham dự là do giới truyền thông đã lan truyền tin giả để khiến người dân tránh xa cuộc mít tinh vì e ngại dịch COVID-19 và những người biểu tình.
Ông Parscale nói: “MSNBC là một trong số các hãng truyền thông loan tin rằng những người biểu tình thậm chí đã chặn lối vào cuộc mít tinh. Giới truyền thông đang ăn mừng trên nỗi sợ hãi mà họ đã tạo ra, thật kinh tởm, nhưng cũng rất điển hình”.
Fox News cho biết, bất chấp các bài loan tin của giới truyền thông, trong đó có bài báo nặng tính cá nhân trên tờ The New York Times, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy cư dân mạng xã hội đã có ảnh hưởng đến cuộc mít tinh của Tổng thống Trump.
“Bài báo đó thậm chí không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, nó chỉ cho thấy một nhóm thanh thiếu niên nói rằng họ đã phá hỏng cuộc mít tinh, và các phóng viên / biên tập viên của tờ Times đã viết về nó”, ông Joe Gabriel Simonson của The Washington Examiner nói. Ông cho rằng việc tờ New York Times đưa bài báo đó lên trang nhất đã cho thấy “chuẩn mực đang suy đồi” của tờ báo này.
The post Chiến dịch Trump bác tin giả rằng các fan nhạc Hàn và TikTok phá hoại cuộc mít tinh ở Tulsa appeared first on Đại Kỷ Nguyên.